Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

WEDDING TRADITIONS OF MUONG PEOPLE AT THANHSON DISTRICT, PHUTHO PROVINCE

TỤC CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THANH SƠN, TỈNH PHÚ THỌ


Dương Hà Hiếu
Tạp chí Dân tộc học số 5 (119).2002


Thanh Sơn là huyện miền núi phía đông nam tỉnh Phú Thọ,dân số là 177.144 người, trong đó dân tộc Mường là 108.549 người, chiếm hơn 60% trong cơ cấu dân cư. Hiện nay, cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đời sống của người Mường có nhiều thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần. Phong tục tập quán truyền thống của đồng bào cũng có sự chuyển biến đáng kể, đặc biệt là những tục lệ vòng đời trong đó có cưới xin. Song trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới tục lệ cưới xin của đồng bào trong xã hội truyền thống với nhiều nghi lễ khác nhau.

1. Lễ ướm hỏi (khảo thiếng).
Trước tiên phải nói rằng ở người Mường Thanh Sơn, trai gái tương đối tự do trong tìm hiểu hôn nhân mà không có sự cấm đoán ngặt ngoèo gì. Đương nhiên trừ tầng lớp lang đạo cai trị bị ảnh hưởng ít nhiều lễ giáo nho gia với quan niệm “sừng đối sừng, lược đối lược” của chúng. Đến tuổi trưởng thành, thanh niên trong mường hoặc mường này với mường khác quen biết tìm hiêủ nhau. Sau nhiều lần “ti rôống mái” (đi tìm hiểu, tán tỉnh) chọn được người ưng ý, chàng trai mới thông báo cho gia đình biết để nhờ người sang nhà người yêu thưa chuyện. Đây là nghi thức đầu tiên trong tổ chức cưới xin, đồng bào gọi là khảo thiếng, tức đánh tiếng thăm dò hay ướm hỏi.
Giống như người Kinh, người Mường ở Thanh Sơn trong cưới xin cũng cần một người đứng ra mối mai, gọi là ông mờ. Tuy nhiên, ông mờ khác ông mối bà mai của người Kinh ở chỗ: ông này được nhà trai đặt niềm tin phó thác trọng trách rất nặng nề, đám cưới thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào tài nghệ của ông mờ trong đi hỏi, tổ chức gặp gỡ giữa nhà trai với nhà gái, lo liệu mọi việc để đám cưới diễn ra tốt đẹp. Thậm chí, ông phải có trách nhiệm đối với đôi vợ chồng trẻ cả về sau này cho đến khi nào ông về thế giới mường ma mới chấm dứt vai trò của mình.
Khảo thiếng là nghi thức đầu tiên, các bước tiếp theo của cưới xin có diễn ra thuận lợi hay khó khăn đều trông đợi vào nghi thức này. Chính vì lẽ đó, người Mường rất lưu ý đến đối tượng mà gia đình sẽ nhờ làm ông mờ. Khi đã tìm được người, gia đình chàng trai sẽ mang lễ đến nhà làm quà để nhờ cậy. Lễ cho ông mờ không có quy định chung cụ thể mà tuỳ vào kinh tế của nhà chàng trai. Nếu khá, lễ có gà, lợn còn nếu khó khăn thì chỉ có con gà, chai rượu cũng đủ.
Người làm ông mờ thường già cả, quảng giao hoạt bát, am hiểu sự đời, có đủ con trai con gái, con dâu con rể, cháu nội cháu ngoại, có phúc có đức, ăn ở hoà thuận tốt trên đẹp dưới được mọi người kính trọng và uống rượu tài. Việc đánh tiếng không thành công, nhà trai phải có lời tử tế an ủi để ông không phật ý rồi xin phép tìm người khác thay thế. Còn việc đánh tiếng thuận lợi đi đến hôn nhân, vợ chồng trẻ này phải coi ông mờ như cha và “ sống tết chết giỗ”. Con cái sinh ra cũng phải kính trọng, biết ơn người đã tác thành cho pọ (bố) cạy (mẹ) mình. Ngày tết lễ hội hè, con cháu phải biếu ông quà. khi ông mất, vợ chồng phải có một đầu lợn cúng ma ông và để tang như con ruột. Vợ chồng nào không quan tâm kính trọng ông mờ sẽ bị dư luận xã hội khiển trách, chê bai. Sau này, con cháu sẽ khó nhờ được người làm mối. Ngược lại, ông mờ sẽ coi đôi vợ chồng đó như con đẻ, phải có trách nhiệm giúp đỡ hoà giải mâu thuẫn cho họ trong cuộc sống. Điều này góp phần làm cho cưới xin hôn nhân của người Mường ở Thanh Sơn diễn ra tốt đẹp bền vững, quan hệ gia đình - xã hội gắn bó chặt chẽ.
Thực hiện khảo thiếng, ông mờ đưa đến nhà gái một “nòm” nhỏ (lễ nhỏ). Nòm này bao gồm trầu, cau, thuốc lào. Ông thưa chuyện với nhà gái cho nhà trai đi lại kết thân. Nhà gái tỏ ý bằng lòng, ông mờ về nhà trai bàn bạc tiếp bước thứ hai. Sau ba ngày không có những điềm gở như gà gáy trưa, quạ kêu trong vườn, hươu giác,... nhà gái mới đặt lễ vật lên khám thờ làm lễ thông báo cho tổ tiên, ma nhà rằng gia đình xắp có tin vui.
2. Lễ dạm ngõ (ti chầu năm).
Đây là bước tiếp sau nghi thức thăm dò ướm hỏi, giống như dạm ngõ của người Kinh. Lần này, nhà trai cử mẹ, cậu hoặc chú ruột của chàng trai cùng ông mờ đưa đến nhà gái một nòm gồm hơn chục cái bánh nếp, trầu cau, xôi, gà, rượu. Cũng có khi, lễ còn thêm 2 gói thuốc lào và một vài thứ khác. Thay mặt nhà trai, ông mờ tiến hành bàn bạc với đại diện bên nhà gái mọi vấn đề liên quan đến đám cưới như đồ thách cưới, nghi thức cũng như ngày, giờ đón đưa dâu...Đây cũng là dịp để mẹ chàng trai cùng chú (đại diện cho họ nội) hoặc cậu (đại diện cho họ ngoại) quan sát, tìm hiểu thêm gia đình và cô dâu tương lai.
Sau nghi lễ này, nhà trai phải lo thêm hai nòm mang sang nhà gái để họ đi báo anh em họ hàng:
- Nòm một (nòm nhỏ, gọi là roõng thiếng) gồm 2 đôi gà từ 1,5 đến 2kg, 4 gói cơm nếp, 20 bát gạo, 20 cái bánh nếp, 10 cơi trầu...
- Nòm hai (nòm to, gọi là phát khá) gồm 1 con lợn 25 đến 50kg, 1 coong rượu nếp, 20 bát gạo, 20 cái bánh nếp, 100 lá trầu và một buồng cau.
Trên đây là lễ được khảo sát được từ các xã Xuân Đài, Mỹ Thuận, Kiệt Sơn, Lai Đồng... nhưng lễ vật cũng không thống nhất, mỗi vùng có quy địng khác nhau song nòm một bao giờ cũng nhỏ hơn nòm hai. Nhận hai nòm này, nhà gái chính thức thông báo với bà con họ hàng lần thứ nhất về chuyện con gái mình và về gia cảnh nhà trai. Cũng từ đây, nhà gái chuẩn bị mọi việc cho ngày cưới. Từ lâu, cô gái đã lo quà tặng cho nhà trai nay cũng gấp rút hoàn thành mọi thứ như chăn, đệm, dải khăn...
3.Lễ ăn hỏi (ti chầu cả).
Hoàn thành bước dạm ngõ,nhà trai tiến hành một bước nữa là ti chầu cả. Thời gian giữa ti chầu năm đến ti chầu cả kéo dài vài ba tuần hoặc hơn một tháng. Ông mờ đưa lễ hỏi cưới sang nhà gái. Tuỳ từng vùng, điều kiện kinh tế từng gia đình mà lễ hỏi cưới được sửa soạn to nhỏ khác nhau song không đáng kể. Qua tìm hiểu cho thấy những xã Lai Đồng, Đồng Sơn, Kiệt Sơn... lễ hỏi cưới của nhà trai gồm một con lợn nặng khoảng 30 đến 50kg, 1-2 đôi gà và trầu cau, rượu nhưng ở Thạch Khoán, Tất Thắng, Võ Miếu... lễ hỏi cưới có to hơn, lợn có thể 2 con, rượu, gạo, gà, trầu cau đều có phần nhiều hơn. Đó là do sự chênh lệch về kinh tế của từng vùng, từng xã.
Nhận lễ đưa sang, nhà gái mổ lợn làm cơm mời nhà trai ăn uống đáp lại. Cũng trong buổi lễ này, nhà gái sẽ thông báo chính thức đồ thách cưới, cụ thể từng thứ một cho nhà trai chuẩn bị. Từ điền dã cho thấy, người Mường ở Thanh Sơn không có lệ thách cưới bằng quần áo, đồ trang sức hay tiền bạc ( trừ thổ lang nhưng cũng rất hãn hữu) như phổ biến ở người Kinh và nhiều dân tộc anh em khác. Đồ thách cưới chủ yếu về lương thực, thực phẩm như thịt lợn, gạo (nếp, tẻ), bánh trái, rượu, thuốc, chè khô nhằm phục vụ cho nhà gái tiếp đãi bà con họ hàng trong ngày cưới và đôi khi cũng rất nặng nề vì kinh tế của họ vốn gặp nhiều khó khăn do địa bàn chủ yếu là miền núi, đồng bằng ít ( trừ vài xã hạ huyện như Thạch khoán, Tất Thắng...) trình độ sản xuất thấp kém. Trong đời sống của họ bạc, vàng, tiền hay đồ trang sức vốn cũng ít được coi trọng hoặc có vai trò quyết định, thể hiện rõ nhất trong chúc thư của một số thổ lang còn giữ được đến nay. Nghiên cứu chúc thư của lang Đinh Thế Thọ (được lập vào thế kỷ XV) ở Võ Miếu quy định về những việc mà dân bản phải nộp, phục dịch như làm nhà, rào nhà, lợp nhà, đám cưới...cho chúng ta thấy rõ điều này :
“ Lệ thổ lang cưới vợ cho con trai, dân phải góp một con trâu và 10 vò rượu, 10 đấu gạo nếp... Thổ lang gả chồng cho con gái, dân phải góp một con trâu và 4 thúng cơm...”
Ở Lai Đồng, đồ thách cưới gồm có 50kg thịt lợn hơi, 50kg gạo (nửa nếp nửa tẻ), 40 lít rượu, thuốc lào,chè khô. ở Xuân Đài, Kim Thượng thách cưới có 60kg thịt lợn, 60kg gạo, 60 lít rượu...ở Tất Thắng, đồng bào lại thách từ 60 đến 120kg thịt, 40kg gạo bên cạnh còn có gà, rượu, thuốc lào, chè ngon.
Người Mường thường nói:
“lấy được con dâu hết ba trâu chín lợn”
Việc thách cưới được người Mường ở Thanh Sơn coi như lễ nhà trai đền đáp, tỏ lòng cám ơn gia đình cô gái đã nuôi cô khôn lớn, giỏi giang đồng thời giúp nhà gái một phần vào chuẩn bị cỗ bàn cho ngày cưới. Song nhiều khi lạm dụng, nhà gái đưa ra những đồ thách cưới lớn, đòi hỏi quá điều kiện thực tế. Mặc dù vậy, nhà trai sẽ cố gắng tìm mọi cách xoay xở, vay mượn cho đủ để hôn lễ của con trai mình thành công. Đối với người Mường, việc cưới không chỉ là việc của gia đình mà còn là việc của cả dòng họ, làng xóm nên được mọi người trong họ lo giúp, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn. Họ giúp nhau vô tư, người giúp không nghĩ đến đòi nợ còn người nhờ không lo trả là lối sống được hình thành từ xưa lưu giữ lại cho đến ngày nay. Vì vậy trong tỏ tình, các chàng trai Mường ở Thanh Sơn thường hứa hẹn:
Anh nghèo nhưng họ anh đông
Mỗi người một phần sẽ cưới được em.
Để chuẩn bị đồ thách cưới, nhà gái thường gia hạn 2 đến 3 năm. Trong thời gian này, chàng rể tương lai phải đến làm lụng cày bừa, cấy hái cho nhà gái. Việc này giúp cho nhà gái tiếp cận, xem xét kỹ nết ăn ở, nết làm của chàng rể - người mà họ sẽ gửi gắm cả đời con gái cho. Đồng bào có câu:
Gái chọn chồng nhòm bờ ruộng
Trai chọn vợ nhìn cạp váy.
Chàng trai phải tỏ ra là người tháo vát, giỏi đồng áng, biết ứng xử nếu không sẽ khó được cảm tình bố mẹ, anh, chị, em cô dâu. Một cản trở lớn để đi đến hôn nhân. Ngày lễ tết, nhà trai phải mang một con lợn 20kg, 10kg gạo nếp cho nhà gái. Thời gian thử thách này rất khó khăn cho chàng rể. Điều cấm kỵ của đồng bào mà nam nữ luôn ghi nhớ trong quá trình tìm hiểu đến trước cưới không được gần gũi quan hệ vợ chồng. Người Mường coi trọng sự trong trắng kể cả nam nữ. Điều này đảm bảo tính bền vững cho hôn nhân vợ chồng của người Mường Thanh Sơn. Nếu vi phạm, đân bản sẽ khinh bỉ, ghét bỏ.
4. Lễ đón dâu (mừng cưới).
Đến ngày lành tháng tốt, theo thoả thuận từ trước, nhà trai tổ chức bước cuối cùng của lễ cưới: đón dâu, còn gọi là mừng cưới. Lễ cưới được tổ chức linh đình ở cả nhà gái lẫn nhà trai. Từ chiều trước ngày đón dâu, chú rể phải đến nhà gáiphụ giúp việc sửa soạn cỗ bàn, tạo thêm mối quan hệ thân mật với mọi người. ở xã Tân Phú trước hôm cưới, chàng rể, ông mờ cùng một số trai tráng khiêng đến nhà gái một con lợn khoảng 50 đến 70kg làm thịt ngay chiêù hôm đó và một con lợn để làm thịt vào sáng hôm sau.
Từ sáng sớm, nhà trai bắt đầu tổ chức đi đón dâu, họ mang theo lễ vật thách cưới cho nhà gái với số người đi bao giờ cũng là số lẻ. Người Mường quan niệm đi chẵn về lẻ, tức đi về có đôi. Bên nhà gái sẽ cử các cô gái - thường là bạn thân của cô dâu - đứng đợi sẵn dọc đường đoàn đón dâu đi qua để chỉ đường về nhà, nhằm tỏ rõ sự quan tâm của mình.
Đến nhà gái, đoàn đón dâu dừng lại trước cổng, ông mờ làm thủ tục thông báo cho người trong nhà. Ông đem một cút rượu nhỏ cùng cơi trầu vào làm lễ xin nhà gái cho người ra mở cổng. Người nhà gái nhận lễ nhưng chưa mở cổng ngay. Họ sẽ cho những trai gái giỏi giang - ví ra hát đối đáp giao duyên với nhà trai một khoảng thời gian, đủ để trong nhà sửa soạn tươm tất mọi nghi lễ tiếp đón như nước, trầu, cau... Nhà trai phải vượt qua được cửa ải này mới vào được nhà. Tuy vậy, đây chỉ là nghi thức nhà gái chào đáp lễ chứ không có ý làm khó cho nhà trai. Sau vài lượt đối đi đáp lại, người ta mở cổng cho đoàn đón dâu vào. Suốt dọc lối đi, nhà gái để sẵn những chậu, vại nước để té vào đoàn, đặc biệt là chú rể và ông mờ. Biết trước nghi lễ này, ông mờ sẽ chuẩn bị sẵn ô hoặc nón cho chú rể.
Lên đến nhà, chú rể nhanh chóng tách ra cùng vài thanh niên vào bếp làm cơm cho nhà gái cúng tổ tiên. Trong thời gian làm cơm, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhà gái cho người đến cản công việc của họ như dấu lợn, cho lợn ăn cám để khó làm lòng,.. Muốn chuộc lợn, chàng rể phải có một lễ nhỏ hay ít tiền. Trong lúc nấu nướng, họ còn bị dấu đồ, làm tắt bếp nhưng các chàng trai phải luôn tỏ ra vui vẻ, hoà nhã. Việc làm này của bên nhà gái nhằm kéo dài thời gian của nhà trai, nếu các chàng trai làm phật lòng họ, nhà gái sẽ không ăn cỗ. Và như thế, nhà trai sẽ không được rước dâu.
Cỗ bàn chuẩn bị xong, nhà gái cúng tổ tiên rồi mời nhà trai ăn uống. Các chàng trai, cô gái bên họ gái có nhiệm vụ mời thật nhiều rượu cho rể và trai bạn uống say. Đây là cử chỉ thể hiện tấm lòng nhà gái đáp lại việc rể và các chàng trai đã chịu khó, kiên nhẫn vượt được qua những thử thách trong nấu nướng. Tuy vậy, các chàng trai và cả ông mờ phải tỉnh táo không được say nếu không họ sẽ bị bôi nhọ. Dịp này, ông mờ và mọi người sẽ phải tỏ rõ tài uống rượu của mình. Trong ăn uống vui vẻ, một số người còn hun khói để vừa ăn vừa ho, nước mắt chảy giàn giụa.
Cuối buổi mừng cưới, sau khi ông mờ có lời với bên nhà gái, chàng rể chào bố mẹ vợ xin đón dâu về còn bị các cô gái đeo mõ trâu vào cổ. Dâu về nhà chồng, người ta chuẩn bị một con dao dựa, 10 cái chăn bông và một cái ớp (giỏ ) đựng cơm nắm. Về nhà chồng dâu sẽ mở cơm nắm ra ăn. Tục ăn cơm nắm khi mới về nhà chồng, người Mường ở Thanh Sơn quan niệm người mới về chưa làm ra thóc gạo nên phải ăn cơm gạo nhà mình mang về.
Đoàn rước dâu về gần nhà, các cô gái đem đuống (cái cối dài) ra chàm (đâm, gõ) báo hiệu cô dâu đã về cho đến khi dâu, rể làm xong lễ cúng gia tiên, trình ma nhà, vua bếp. Chàm đuống là nghi thức đón mừng dâu mới, theo từng nhịp cum! cum! cắc! cum! cum! nghe rất vui tai. Bước lên cầu thang, cô dâu được mọi người đón sẵn để té nước rửa chân, cất nón. Lên sàn, nhà trai trải chiếu đẹp mời cô dâu ngồi cho họ hàng bên rể hát mừng dâu mới:
Mừng sao là mừng
Mừng như con gà nó mừng hạt tấm
Mừng như con trâu nó mừng đám mạ
Mừng như con cá nó mừng vực sâu
Như cây cau mừng sai buồng sai trái
Mừng như trống cái mừng dùi sơn son
Mừng có ông mối bà lái
Đã đi đón dâu nàng lại
Đã đi đón gái nàng về
Từ nay cái nia cũng là của nàng
Cái sàng cũng là của dâu
Con bò, co gà, con lợn, con trâu
Cũng là của dâu tất cả
Nàng hãy cùng chồng
Thay mẹ thay cha
Trông nom lấy cửa lấy nhà...
Đáp lại, nàng dâu mừng rượu cho bố, mẹ chồng:
Thơm nồng chén rượu bông bảy
Thơm cay chén rươu bông bon
Cha mẹ thực lòng thương con
Thì rượu này sẽ cạn
Chẳng cạn bảy cũng cạn ba
Để mừng cho đôi chúng con
Từ nay nên cửa nên nhà....
Tối hôm ấy, nhà trai tổ chức vui chơi, hát đối đáp để mọi người mừng đôi vợ chồng trẻ mà chưa làm lễ động phòng. Đêm đến, cô dâu ngủ cùng các bạn gái còn chú rể chịu sự giám sát của các bạn trai.
Ngày hôm sau, cô dâu lại về nhà cha mẹ đẻ để lấy của hồi môn. Nếu nhiều, nhà trai sẽ cử người mang giúp về. Người đó có thể là chị dâu, em dâu hoặc chị em gái. ở nhà chồng ba ngày đêm, dâu lại về ở nhà mẹ đẻ vài ba hôm. Sau đó, dâu trở về nhà chồng một tối. Từ đó, cô dâu được đi lại tự do giữa gia đình mình và gia đình chồng đến lúc sinh được con đầu lòng mới ở hẳn bên nhà chồng.
Bên cạnh cưới dâu về, người Mường ở Thanh Sơn còn có tục ở rể giống người Kinnh theo sự thoả thuận giữa hai bên. Thường thì, gia đình nhà gái hiếm hoi, người con rể có quyền như con trai, mọi chi phí trong lễ cưới do nhà gái chịu. Đổi lại, chàng rể phải đổi họ theo họ bố vợ, con cái sinh ra lấy họ mẹ. Tục ở rể thường chỉ thực hiện đối với những nhà trai nghèo khó không lo được đám cưới cho con.
Trong cưới xin, người Mường ít chú trọng đến môn đăng hộ đối, trừ tầng lớp lang đạo. Con chức sắc, thổ lang không được lấy con dân thường với quan niệm “ sừng đối sừng, lược đối lược”. Tục cấm này có sự khác biệt giữa chàng ( con trai lang) và nàng (con gái lang) . Con gái lang nhất thiết phải được gả cho con trai dòng lang ở mường khác còn con trai nhà lang có thể lấy con gái dân thường nếu họ yêu nhau và chỉ được lấy làm lẽ còn ngôi vợ cả phải chờ cho con gái dòng lang mường khác mà chàng trai sẽ lấy sau này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa người Mưòng ở Thanh Sơn chuộng đa thê mà trái lại, họ tôn trọng tục một vợ một chồng, đã cưới xin là chung thuỷ đầu bạc răng long.


Cưới xin của người Mường ở Thanh Sơn cùng với những nghi lễ của nó ( bao gồm khảo thiếng, ti chầu năm, ti chầu cả, mừng cưới) là một phần quan trọng của đời sống phong tục tập quán và nằm trong những tục lệ liên quan đến chu kỳ của đời người. Để đi đến cưới xin hôn nhân, thanh niên Mường có một thời gian dài tìm hiểu (ti rôống mái) chọn lựa bạn đời. Sự áp đặt theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không mấy phổ biến ở đồng bào, trừ tầng lớp lang đạo. Do đó có thể nói, hôn nhân cưới xin ở người Mường Thanh Sơn là kết quả của tình yêu trai gái, giúp cho đời sống vợ chồng bền vững.
Nhìn vào tục cưới xin cổ của đồng bào cho thấy, tuy có nhiều nghi lễ tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng lại hàm chứa các yếu tố tốt đẹp như vai trò của ông mờ trong việc đảm bảo hạnh phúc lứa đôi, hoà giải mâu thuẫn vợ chồng ... góp phần vun đắp mối quan hệ cộng đồng làng xóm thêm gắn bó...

Abstract:
The article describes traditional rituals of wedding of Muong people including betrothal, pre - marriage ceremonies and meeting the bride to bring her home. In this process, many traditional and cultural activities take place with a very important played by a matchmaker.

Không có nhận xét nào: