Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

TÍN NGƯỠNG VÍA LÚA VÀ MỘT SỐ LỄ NGHI TRONG HOẠT ĐỘNG NÔNG NGHIỆP CỦA NGƯỜI MƯỜNG THANH SƠN

Abstract:
In the traditionally cultural life of the Muong ethnic group in Thanh Son, the religiosity on “via lua” has a very large and great effect. It controls all work activities, conventionalities during one’s life as well as festivals. This writing is about the above matter and the conventionalities of this religiosity in argricutural activities. Beside, it also shows a lot of experience in argricuture of the Muong people in Thanh Son – Phu Tho






1.TÍN NGƯỠNG VÍA LÚA

Đối với người Mường Thanh Sơn, hoạt động kinh tế kiếm sống của họ chủ yếu nhờ vào nghề nông trồng lúa nước. Hình thức lao động này được tiến hành ở những nơi có địa bàn bằng phẳng, thung lũng gần sông, ngòi. Đó là những doi đất, đồng bằng thung lũng nhỏ hẹp dưới chân núi hay các đồi gò thấp. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Mường tin vào vạn vật đều có linh hồn, có cuộc sống riêng như con người vậy. Chính vì lẽ đó mà họ đã sùng bái và “ma hoá”, “vía hoá” những hiện tượng thiên nhiên cũng như sự vật xung quanh mình như ma đồi gò, ma bến nước, vía cây, vía người, vía ông ba mươi…Cây lúa là cây lương thực chính nuôi sống người Mường, là hoạt động kinh tế chủ yếu. Do đó, đồng bào đặc biệt coi trọng, tôn sùng và đã vía hoá cây lúa.
Đây chính là cơ sở để hình thành nên tín ngưỡng vía lúa cũng như hệ thống những lễ nghi trong hoạt động nông nghiệp. Có thể nói phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng vía lúa trong đời sống của đồng bào Mường Thanh Sơn chỉ đứng sau tín ngưỡng phồn thực. Bởi vì nếu tín ngưỡng phồn thực bao trùm toàn bộ mọi hoạt động lao động sản xuất thì tín ngưỡng vía lúa cũng có tầm ảnh hưởng không kém. Có thể nói trong mọi sự kiện trọng đại như hệ thống những lễ nghi liên quan đến đời người như sinh, hôn, tử và những tục lệ quan trọng khác đều thấy sự hiện diện tương đối sâu đậm của tín ngưỡng vía lúa. Chính vì vậy, để hiểu được các tục lệ lễ nghi trong nông nghiệp của người Mường Thanh Sơn một cách sâu sắc thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu được tín ngưỡng vía lúa và ngược lại
1.1.Tục rước vía lúa
Tục rước vía lúa tổ chức trong các lễ nghi nông nghiệp của người Mường Thanh Sơn, đặc biệt vào những năm tháng mất mùa. Đồng bào coi đó là điểm báo rằng dân làng ăn ở không tốt nên "vía lúa" bỏ đi Mường khác dẫn đến đói kém mất mùa. Vào những năm như vậy, dân bản tổ chức "rước vía lúa".
Trong dịp trời hạn hán đồng bào Mường Thanh Sơn ở các bản chọn một cô gái sinh đẹp tìm đến một xã, một làng nào mà không hạn hán hoặc vẫn có nước trồng được lúa, lấy trộm một cum lúa sai trĩu bông. Nếu không lấy trộm được thì mua nhưng với cách như là ăn trộm, cô gái và chủ ruộng quy định nơi để lúa, để tiền để lấy đi. Trở về bản làng, cô trao cum lúa cho một thầy mo. Thầy mo chọn ngày tốt mang chiêng trống tới bờ một con suối để làm lễ. Cô gái đã mang lúa về lại ôm cum lúa sang bờ suối bên kia (nếu nơi nào không có sông, suối thì cô gái ôm cum lúa chui vào một   bụi cây).
Dân bản rang bài "mất mùa" nói rằng trời làm  mất mùa nên vía lúa bỏ đi. Một anh con trai khoẻ mạnh được làng lựa chọn bước tới bên suối (hoặc bụi cây) để hát đối đáp với cô gái (lúc này là hiện thân của vía lúa). Cô gái hỏi han tại sao bản làng gọi, tình hình lao động sản xuất trồng lúa… và về bản. Cuộc hát thường kéo dài. Chàng trai được các cụ già nhắc trong khi đối đáp với cô gái. Sau đó, cô gái cùng chàng trai lội ra giữa suối, khoác vai nhau đi lên bờ, nơi ông mo đứng đợi. Cả chàng trai và cô gái cùng nhắc cum lúa vía  đặt lên một cái võng tre. Lúc đó, chiêng trống nổi lên vang động và người ta rước vía lúa về làng. Đôi nam nữ đi bên võng. Có nơi, người dân còn đặt cum lúa và cô gái lên võng mà khiêng. Lúa rước về được người già nhất chia cho mỗi gia đình một vài bông gọi là để làm giống.
Dưới đây là một bài hát gọi "vía lúa" của đồng bào Mường Thanh Sơn được thu thập và ghi lại trong quá trình điền dã ở xã Tân Phú, do ông Hoàng Bá Hanh cung cấp:
"Vía cơm ở Mường trời
Nghe đất nước này vui lành đã trở lại
Vía cơm ở Mường Thanh
Nghe đất nước này vui lành đã trở lại
Lúa cứ đến, lúa ơi lúa à
Tháng hai tháng ba
Bố và mẹ đi đắp phai vắn phai dài
Hết đêm đến ngày
Bỗng đã nghe ông trời nổi trống sấm động
…Trai ra đi bừa mạ
Gái ở nhà vồ thóc
Được bốn mươi đấu  lúa tẻ
Được năm mươi đấu lúa nếp
Được năm đêm đã ngó
Lúa nó đã nảy mầm
…Lấy đi quải xuống ruộng
Được ba mươi đêm mạ đã vút lưng  gâu
Dần dần cây mạ nó tốt
Ngày mười ngày một nó lành
Đưa dân Mường đi nhổ mạ
Lấy đi ngâm
Được bốn đêm đã thấm
Được một nghìn năm trăm mạ cái
Lấy đôi trai gái xuống ruộng
Đặt từ con ruộng đầu mương
Ở Tất Thắng, khi hạn hán ông mo phải làm lễ cúng vía lúa với lời kêu gọi khẩn cầu thiết tha hơn:
"Lúa ở Mường trời
(Nghe) lời Mường con kêu gọi
Lúa về Mường này làm giàu làm có
Bao nhiêu khốn khó bay về Mường xa
Hỡi lúa nếp lúa tẻ
Nghe lời  Mường ta kêu gọi
Bông con vừa bằng vòi hái
Bông cái   vừa bằng đuôi con trâu
Lúa về đây làm giàu cho dân cho bản
Lúa về đây cho dân bản no lòng
Lúa ơi, lúa à…
Ở xã Tân Phú, người Mường còn có tục nếu gặp hạn hán thì đi rước cá ở dưới sông và cả làng bản cùng đi. Họ lấy lá cây cơi đem ra bãi bới những hố to bằng cái nia, cho lá xuống giã, vừa làm vừa rang - ví kể chuyện. Gần sáng họ thả  lá cơi  xuống dòng nước cho cá say nổi lên mặt nước và vớt về. Đồng bào quan niệm,  rước cá cầu mưa làm cho cá sắp chết hàng loạt cá sẽ kêu lên trời để trời làm mưa xuống.
Tín ngưỡng vía lúa và tục rước vía lúa ngày nay vẫn còn tồn tại. Tuy vậy, đồng bào chỉ làm nghi lễ rước cá tượng trưng chứ không lấy lá cơi để ruốc cá nữa. Tuy vậy, lá cơi vẫn là phương tiện dùng để bắt cá ở suối, ngòi ở một số xã trong huyện.
1.2. Tục mò lúa cầu may mắn.
Trong quá trình điền dã nghiên cứu về các tục lệ, tục lễ nghi nông nghiệp của đồng bào Mường Thanh Sơn ở các xã Mĩ Thuận, Thạch Kiệt, Lai Đồng, Đồng Sơn thuộc huyện Thanh Sơn, đồng bào cho biết ngoài các lễ nghi mà ỏ vùng mường nào cũng có thì ở những vùng mường này còn có tục mò lúa cầu may mắn. Trong quá trình tìm hiểu các xã Thạc Khoán, Giáp  Lai, Thục Luyện ở hạ huyện và các xã Tất Thắng, Cự Thắng, Văn  Miếu, Võ Miếu. Cự Đồng…ở dẻo giáp Hoà Bình không thấy có tục này. Qua các công trình nghiên cứu về người Mường các tỉnh Hoà Bình - Thanh Hoá cũng không thấy đề cập tới tục lệ này. Từ khảo sát điền dã cho thấy tục lệ này xảy ra như sau:
Vào sáng ngày mười hai âm lịch tháng giêng, mọi người trong cả làng cả xã họp nhau lại. Mỗi nhà góp sáu quả trứng hoặc một con chuột khô, một "nòm" gồm mười hai quả trứng gà, sáu con cá to, ba bát cá nhỏ. Song cũng tuỳ theo kinh tế từng nhà mà có thể dao động các khoản trong nòm. Người ta mang nòm đến nhà già bản, trưởng bản để làm lễ "mò" lấy gạo nếp, chặt một  miếng dui nhà bất kể cắm vào bát gạo thật sâu và bầu ra người ra người già có uy tín, giỏi nghề nông nhất vào "mò" và nói xem năm ấy dân làng phải làm những gì để cho được mùa. Thủ tục "mò" xong, dân bản kéo nhau xuống miếu (hoặc đình) của cả làng bản cúng tế cầu mưa thuận gió hoà thuận lợi cho lao động sản xuất. 
Tục lệ này ngày nay vẫn còn tồn tại ở các làng bản trong các xã kể trên song đang dần mai một và đẩy vào quên lãng. Một số làng cũng đã không làm tục lệ này nữa. Điều này còn do sự hiểu biết của người dân ngày càng cao, sự phổ biến kỹ thuật canh tác nông nghiệp ngày càng sâu rộng tới bàn con trong xã, trong huyện góp phần to lớn vào nâng cao năng xuất canh tác  trồng  trọt, chăn nuôi của đồng bào Mường huyện Thanh Sơn.
2.MỘT SỐ LỄ NGHI ĐIỂN HÌNH TRONG NÔNG NGHIỆP
2.1. Tục khai canh xuống đồng đầu năm.
Vào mồng một tết âm lịch hàng năm, ở các xã trong huyện Thanh Sơn lại sôi động với lễ hội xuống đồng để cầu năm mới may mắn được mùa. Ngay từ sáng sớm, các gia đình trong bản làng đã dậy để làm lễ khai canh. Nhà nhà dong trâu ra ruộng cày hai đến ba đường gọi là "làm phép" những thửa ruộng của mình và cầu khấn quanh năm thóc lúa đầy đụn (bồ đựng thóc quây tròn không có đáy) đầy nhà [34].
Đến khoảng từ mùng năm đến mùng bảy tết, dân làng chung sức góp công làm một cái trại thật rộng (như cái lều) ngoài ruộng rồi mổ trâu bò cúng tế thần lúa, vía lúa và các thần linh khác. Sau đó, đồng bào làm lễ xuống đồng cày cấy. Riêng ở các xã dẻo đường Thạch Kiệt - Lai Đồng - Thu Cúc còn có tục đội khăn trong khi cày cấy làm lễ…Đồng bào cho biết rằng trước đây đúng vào ngày lễ xuống đồng có vật gọi là "cái roi" bay từ trên trời xuống, nếu không đội mũ thì "cái roi" sẽ làm cho rụng hết tóc. Đồng bào cho biết cụ thể "mồng năm roi họp, mồng sáu góp roi, mồng bảy roi chạm, mồng tám roi già, mồng chín roi xuống (xuống đất), mồng mười hết roi (roi tan)" [II: 3, 7 - 8, 16], [III: 8, 14 - 16].
Tục xuống đồng từ lâu được người Mường Thanh Sơn coi là nghi lễ bắt buộc hàng năm mở đầu cho một năm lao động  sản xuất mới. Nếu bản làng nào phạm không làm lễ xuống đồng thì sẽ bị thần linh phạt, "vía lúa" giận không về bản mà bay về trời. Năm đó bản làng chỉ có mất mùa, đói kém. Khi nào dân bản làm lễ cầu lúa,  rước "vía lúa" về thì mới được mùa no đủ.
2.2. Lễ hạ điền.
Lễ hạ điền thực ra cũng được đồng bào gọi là lễ "xuống đồng" nhưng nó diễn ra vào cuối tháng tư đầu tháng năm. Mặc dù lễ hạ điền cùng mang một ý nghĩa, một nội dung nhưng ở mỗi Mường có những điểm, những chi tiết thực hiện khác nhau, trong đó có thể thấy rõ ràng chẳng hạn như có nơi người ta không cho đàn bà con gái tham dự vì quan niệm sợ thần linh trừng phạt; nhưng cũng có nơi đàn bà, con gái lại giữ vai trò chính tối quan trọng vì cho rằng đây là công việc của người phụ nữ…
Trước đây, ở các xã Lai Đồng, Thạch Kiệt vào giờ ngọ ngày mồng một  tháng năm vợ thổng Lang làm lễ cấy hạ điền rồi các bà các mẹ đại diện từng gia đình cấy theo. Khi vợ nhà Lang cấy thì tay cấy miệng hát "mời gọi vía lúa", các bà kia hát theo. Cấy xong các bà về nhà Lang ăn cỗ, trai gái tụ tập đến hát đối đáp suốt đêm. Ở nhiều nơi khác người ta lấy cấy nứa non làm nêu, mọi người cấy xung quanh cây nêu đó.
Sau hôm cấy ở  ruộng Lang, các gia đình lần lượt cấy từ ruộng nhà nọ đến ruộng nhà kia. Bừa cấy đều làm tập thể và ăn cơm chung gọi là "làm khuốn". Cấy hạ điền thổ lang có mâm xôi gà cúng ông thần Nông bên bờ ruộng, cấy xong các ruộng Lang thì về cúng ở đình rồi cấy ruộng làng.
Người Mường ở Mường Toồng cũ, nay là xã Lai Đồng làm lễ hạ điền gọi còn có chàm thau lúa, tức đánh cồng cầu lúa. Trong khi làm lễ cầu lúa lễ hạ điền, ông mo cúng rằng:
"Thuận mưa, thuận gió
Cho ló (lúa) được mùa
Sây bông kết trái
Bông con bằng vòi hái
Bông cái bằng đuôi trâu
Lấy xôi đắp bờ ruộng sâu
Lấy chùi (đùi) gà đắp bờ ruộng cao
Ló nhiều làm giàu cho bản…" [6: 266].
Đồng bào thường cấy bốn khóm lúa trước tượng trưng cho kho lúa, kho thịt, kho muối, kho rượu, mỗi khóm lúa khoảng ba mươi nhánh mạ. Trong khi cấy hát  rằng:
"Mạ nhỏ râu, thì lúa tốt bằng đầu
Bông cái bằng bông lau,
Bông con bằng bông sậy
Tiếng đồn đã dậy, hỏi lúa làng nào
Bảo là lúa của làng nhé…"
Ở xã Võ Miếu lễ hạ điền không cố định vào mồng một tháng năm âm lịch mà chọn ngày nào tốt trong tháng thì làm. Đồng bào không có tục tụ tập trai gái hát rang - ví đối đáp buổi tối như các xã khác mà đổi lại, Võ Miếu và cả Thu Ngạc có tục kéo co bằng dây song giữa các xóm mỗi bên khoảng hai mươi người, sau một hồi ba tiếng trống thì kéo.
Như vậy, lễ hạ điền của người Mường Thanh Sơn vè ý nghĩa và nội dung là một. Cũng giống như lễ hạ điền của người Kinh và một số tộc người khác thể hiện ngày lễ "ra quân" cấy lúa, làm mùa nhưng lại được thể hiện với các hình thức tương đối khác nhau ở các địa phương. Những khác biệt này làm phong phú thêm cho lễ hội xuống đồng đồng bào Mường Thanh Sơn.
Lễ hạ điền của người Mường còn là một phức hợp những yếu tố Việt - Hán - Mường đan xen hoà quyện lẫn nhau. Thần nông là hình tượng thần nông nghiệp của phương Bắc đã du nhập vào nước ta và có thể bị Việt hoá vào thời kỳ Bắc thuộc xa xưa. Lễ hạ điền gọi là lễ hạ điền của người Mường và  người Việt rất giống nhau về nghi thức cơ bản như cùng gọi là lễ hạ điền hay lễ xuống đồng, cùng có chủ tế cấy, cũng cắm nêu và cắm xung quanh.
Tóm lại, lễ hạ điền Việt - Mường chỉ là một. Yếu tố Mường khác yếu tố Việt ở lễ hạ điền là có mo hát rang -ví gọi "vía lúa". Ở lễ hạ điền của người Mường huyện Thanh Sơn thì lại không thấy có hình thức lễ té nước vào những người cấy như của người Kinh. Đây chính là những yếu tố làm cho mỗi tục lệ lễ nghi mang bản sắc độc đáo riêng của từng dân tộc.
2.3. Lễ thượng điền.
Lễ thượng điền của đồng bào Thanh Sơn thường tổ chức vào tháng chín âm lịch hàng năm, mở đầu cho một vụ thu hoạch mùa. Song cũng có nơi, đồng bào chọn vào ngày rằm hoặc ngày tốt trong tháng.  Nếu lễ hạ điền gọi là lễ "xuống đồng" thì lễ thượng điền lại  không gọi là lễ lên đồng mà đồng bào gọi là lễ "treo hái" (cái hái của người Mường  là một con dao sắc mỏng găm chặt vào một cạnh khúc gỗ hình góc nhọn, đây là dụng cụ gắt lúa truyền thống của người Mường).
Vào lễ thượng điền, các bà chủ gia đình hay con dân đi "lấy vía lúa" trước để hôm sau gặt. Họ chọn chín bông lúa nếp và chín bông lúa tẻ hạt nhiều hạt nhất để lên gác bếp trong một thời gian dài, có khi đến ba năm. Khi gác lúa lên họ khấn rằng:
"Hôm nay ngày tốt, lấy lúa ngày lẻ cho gạo nảy nở, làm ăn cho nảy nở…". Đồng bào quan niệm nếu lấy lúa ngày chẵn thì hai hột vẫn là hai hột, bốn hột vẫn là bốn hột, không nảy nở sinh sôi được. Đồng bào cho rằng phải cúng "vía lúa" rồi mới được gặt. Khi đó, ai hỏi cũng không trả lời sợ nát gạo. Khi lúa bắt thì kiêng không ai được bước vào ruộng lúa, làm khác vía lúa sẽ nổi giận. Nếu thiếu đói mà nhà chưa cần vía lúa thì cũng không được gặt dù chỉ một bông. Đồng bào làm lễ lấy vía lúa xong, tối mới được ăn cơm, hôm sau gặt  chính thức và từ đó lại đưa cắm chắt, được thổi gạo cơm mới [34].
Tục lệ thượng điền bao gồm nhiều quy ước kiêng kị, thời gian đồng bào vẫn giữ gìn nó làm phong phú đời sống tâm linh của  mình. Mặc dù vậy những năm gầy đây, tục làm lễ thượng điền đã dần mất đi ở một số xã, nhất là những làng bản nay trong thị trấn và các xã ven thị trấn. Điều này cũng dễ giải thích, đời sống văn hoá  nâng cao, kỷ luật canh tác và làm thuỷ lợi phát triển, nhiều nghề mới xuất hiện, công tác tuyên truyền vận động bài trừ mê tín dị đoan và mặt trái của công tác này, phong trào xây dựng làng xã văn hoá văn minh đã góp phần đưa tục lệ thượng điền đi vào quên lãng. Đây là một tập tục lễ nghi đẹp của đồng bào dân tộc Mường Thanh Sơn. Mặc dù không ít yếu tố mang tính chất mê tín dị đoan tin vào "vía lúa" nhưng khi gạt bỏ những yếu tố cổ hủ lạc hậu đó thì một tục lệ đẹp về hoạt động nông nghiệp sẽ góp phần làm phong phú đời sống người Mường Thanh Sơn hiện đại với truyền thống bản sắc dân tộc mà tiên tiến.
2.4. Lễ mừng cơm mới.
Lễ mừng cơm mới không chỉ có ở người Mường mà còn ở nhiều dân tộc anh em khác cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy vậy, mỗi tục lệ của mỗi dân tộc mang ý nghĩa và hình thức khác nhau trong mức độ nào đó. Lễ mừng cơm mới của người Mường huyện Thanh Sơn cũng có những đặc trưng riêng của nó.
Ngày mồng mười tháng mười âm lịch hàng năm còn gọi là lễ cơm mới mang ý nghĩa mừng thắng lợi, cầu chúc cho nhà no đủ, bản làng bình an. Ngày cơm mới còn gọi là tết vì ở Thanh Sơn người Mường tổ chức ăn to, mổ lợn, gói bánh trưng, thổi xôi, mổ gà.
Người ta cúng cơm mới ở bàn  thờ tổ tiên gia đình sau khi đã cúng tế ở đình. Sau khi ăn cơm  mới, lúa nếp còn được đồng bào mang lên làm cốm và nhiều nghi thức như tổ chức vui chơi hát hò.
Ngày lễ mừng cơm mới cũng nhiều chi tiết như lễ mừng điền tháng chín. Cả hai lễ này đều là mừng thu hoạch vụ mùa nhưng lễ cơm mới nhộn nhịp vui vẻ và to hơn. Cả cộng đồng người Mường Thanh Sơn hiện nay vẫn làm lễ này, còn lễ thượng điền thì một số nơi đã không còn làm. Sau lễ  cơm mới,đồng bào nghỉ nghơi và chuẩn  bị tết nhất và một mùa vụ mới.
2.5. Tục đóng cửa rừng và mở cửa rừng.
Do sống ở miền núi, người Mường Thanh Sơn rất coi trọng rừng vì rừng cho gỗ để làm nhà, dựng đình, dựng miếu. Lúc giáp hạt, rừng cho củ lăn, củ mài, củ vớn ăn qua ngày. Rừng còn cung cấp cho đồng bào con chim, con thú trong săn bắn. Rừng là nơi đồng bào làm nương trồng ngô, khoai, sắn…Ngày nay, rừng là nguồn kinh tế vô cùng quý trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của bà con trong vùng với những nguồn lâm thổ sản phong phú của nó.
Chính sự gắn bó với rừng, tư duy bái vật giáo là nguồn gốc của việc cấm rừng với "đóng" và "mở " cửa rừng. Tục đóng và mở cửa rừngthể hiện sự kiêng kị của đồng bào Mường Thanh Sơn. Nếu ai cố ý phạm phải sẽ bị thần núi trừng phạt. Vị thần cai quản rừng núi của đồng bào Mường Thanh Sơn là Tản Viên Sơn Thánh và bộ hạ của ngài là các loài thú rữ.
Ngày nay, người Mường Thanh Sơn còn lưu tryuền rộng rãi một truyền thuyết về nguồn gốc Thần Tản Viên Sơn Thánh, có thể tóm lược như sau: Bà Đinh Thị Đen mẹ thần là con dòng Lang ở Xuân Đài - Yên Thượng khi mang thai thần được vài tháng, bà đã tìm sang núi Ba Vì, đến động Lăng Xương (nay là xã Trung Nghĩa huyện Thanh Thuỷ), được dân bản giúp đỡ bà và thần sang núi Ba Vì kế bạn với bà Ma thị. Khi bà Ma thị mất, thần trở thành người cai quản các động Mường, được dân bản gọi là chúa các động Mường…[12: 11 - 12].
Tục đóng cửa rừng và mở cửa rừng tiến hành trước tết và sau tết âm lịch. Ngày đóng cửa rừng là hai lăm tháng chạp hàng năm, kể từ ngày này không ai vào rừng với bất cứ lý do gì. Ngày cấm kéo dài đến mồng bảy tháng giêng. Sau ngày bảy tháng giêng, mọi người lại được vào rừng tự do với mọi công việc liên quan đến cuộc sống. Đồng bào tiến hàng lễ cấm "đóng" và "mở" cửa rừng cùng một lễ nhỏ cúng ma rừng, ma   núi, ma cây nơi mình sống. Còn thần Tản Viên Sơn Thánh thường được dân  bản thờ ở đình, miếu với ngôi vị cao nhất "tối đẳng thần linh ".
Ngày nay mặc dù cuộc sống đã được cải thiện, sự giải thích của khoa học về các hiện tượng tự nhiên song đồng bào Mường Thanh Sơn vẫn duy trì tục "đóng" và "mở" cửa rừng trong cả huyện kể cả nơi có đời sống dân trí cao như thị trấn Thanh Sơn hay những xã kinh tế còn chậm phát triển. Tuy vậy có một số thay đổi so với trước đây, các xã hạ huyện quanh thị trấn, dân cư vẫn giữ tục cấm rừng nhưng không còn tế lễ như xưa, còn các xã khác thì vẫn giữ phong tục cổ.
Cũng chính sự quan trọng của rừng núi với đời sống đồng bào Mường huyện Thanh Sơn mà khi làm nương, làm rẫy người ta hạn chế không đốt bữa bãi gây cháy rừng. Họ cũng có ý thức rất cao trong bảo vệ rừng chống lại sự tàn phá của một số người lên khai phá gỗ lạt bừa bãi để bán về xuôi hay sự tàn phá của những hộ đi làm kinh tế mới. Sự ra đời chính sách giao đất, giao rừng cho người nông dân của chính phủ hiện nay đã góp phần to lớn vào việc hạn chế phá rừng đốt nương làm rẫy bừa bãi, cải thiện và tạo điều kiện làm giàu cho cư dân Mường Thanh Sơn trên mảnh đất quê hương của mình.
3. MỘT SỐ NHẬN XÉT
3.1.Từ những tục lệ trong các lễ nghi nông nghiệp trên cho thấy đời sống lao động sản xuất của đồng bào Mường Thanh Sơn trước đây với những kinh nghiệm canh tác quý báu nhưng trình độ lao động sản xuất thì lại lạc hậu, thấp kém.
3.2. Những tục lệ, lễ nghi đó còn phản ánh khá đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cư dân Mường Thanh Sơn, thể hiện đời sống tinh thần khá phong phú trong quan niệm về thiên nhiên như rừng, núi, sông, cây cối… Người Mường quan niệm vạn vật đều có linh hồn nên có vía lúa trong trồng lúa, có vía cây, ma cây, ma rừng nên sinh ra tục cấm rừng với "đóng" và "mở" cửa rừng, thờ cây thiêng, mảng rừng thiêng. Những tục lệ này với kho tàng tục ngữ, câu ca, bài hát rang mo khấn…với câu từ giàu hình ảnh, sinh  động góp phần to lớn vào kho tàng thơ ca dân gian của dân tộc Mường nói chung và dân tộc Mường Phú Thọ nói riêng, làm nên bản sắc độc đáo của người Mường trong đó có người Mường huyện Thanh Sơn.
3.3. Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt từ sau Đại hội VI của Đảng (1986) về xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho đất nước chuyển mình nhanh chóng. Thanh Sơn là một huyện miền núi của  tỉnh Phú Thọ đã thay đổi nhanh chóng theo hướng đi lên của  đất nước. Đời sống của nhân dân được đảm bảo khi khoán sản phẩm đến hộ gia đình, sự phát triển của nền kinh tế cá thể gia đình, chính sách giao đất giao rừng đến tay người nông dân đúng đắn của chính phủ,  những chính sách hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển như cho người nghèo vay vốn ngân hàng, dự án hỗ chợ 135 của chính phủ… Sự hỗ trợ của khoa học công nghệ trong lao động sản xuất cùng sự tiến bộ nâng cao về mặt bằng dân trí đã thay đổi bộ mặt đời sống vật chất tinh thần của người Mường Thanh Sơn một cách mạnh mẽ trong đó có văn hoá truyền thống.
3.4. Tuy vậy sự phát triển kinh tế thị trường cũng làm mai một những tục lệ lễ nghi nông nghiệp truyền thống tồn tại hàng ngàn năm nay ở vùng Mường Thanh Sơn, sự mất dần các tục lệ như lễ hạ điền, lễ thượng điền, tục mừng cơm mới…đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đây là những tục lệ lâu đời gắn  liền với giai đoạn dài quần cư và phát triển của người Mường trên mảnh đất Thanh Sơn. Sự mất đi những tục lệ đó sẽ tạo nên khoảng trống  hẫng hụt trong đồng bào Mường nếu không kịp thời sưu tầm, khôi phục và phát triển. Song cũng từ đó, dần loại bỏ những yếu tố lạc hậu, mê tín hay những hoạt động văn hoá mang tính lai căng thiếu thẩm mỹ hiện nay.

Không có nhận xét nào: