Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Thai ethnic people's Knowledge about agricultural production

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU TRI THỨC DÂN GIAN THÁI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
(Qua điền dã tại xã Chiềng Ly - huyện Thuận Châu)

Dương Hà Hiếu
Tạp chí KH số 1.2006

Abstract:
The culture of Thai ethnic group in Vietnam is a part of the special, diversified and unified Vietnamese culture. Among this grand culture estate, knowdedge of work plays an importand role because it attactses to the settle and development of Thais ethnic group in history. So far, there hasn’t been so much study on this respect. This article with its limited capacity and size can mention initially esperience of the Thai on argriculture work by getting information from the Thai in Nacai village - Chiengly commune– Thuanchau district


1. Mở đầu

Người Thái là một trong những tộc người có dân số tương đối đông và chiếm lĩnh một vùng rộng lớn ở Việt Nam. Theo điều tra dân số đã công bố ngày 01 tháng 04 năm 1999 của Tổng cục Thống kê thì dân số của tộc người Thái Việt Nam lên đến 1.328.725 người (chỉ đứng sau các tộc người Việt, Tày). Địa bàn cư trú chủ yếu của họ là ở các tỉnh vùng Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cùng một phần của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hoà Bình và phía bắc Thanh – Nghệ - Tĩnh. Trong những năm của nửa sau thế kỷ XX, một bộ phận không nhỏ tộc người Thái đã di cư vào vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên lập nghiệp dựng nên những làng bản riêng của mình. Tuy vậy, trong quá trình tụ cư và kiếm sống, người Thái đã có một trình độ phát triển kinh tế – văn hoá - xã hội khá cao và độc đáo. Từ sự quan sát các tộc người sống liền kề, người Thái đã chỉ ra đặc trưng sinh hoạt của mình so với các tộc người khác:

“Xá kin toi phay
Tay kin toi nặm
Meo kin toi mát”.
(Người Xá (Khơmú) ăn theo lửa; Người Thái ăn theo nước; Người Hmông ăn theo sương mù).

Một trong những nét độc đáo của bề dày văn hoá giàu có đồ sộ là họ đã sáng tạo ra hệ thống “MƯƠNG – PHAI - LÁI - LIN” trong lao động sản xuất nông nghiệp cùng với những tri thức dân gian vô cùng phong phú. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến tri thức dân gian về sản xuất nông nghiệp đã thu thập được từ người Thái Nà Cài, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

2. Nội dung

2.1. Những kinh nghiệm trong việc chọn đất

Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề nông trồng lúa nước thì vấn đề quan trọng hàng đầu chính là ở khâu chọn đất. Cũng như nhiều tộc người thiểu số khác ở Việt Nam, người Thái nói chung và người Thái Nà Cài nói riêng rất quan tâm đến việc tìm cho mình những mảnh đất thuận tiện cho sản xuất. Mục đích của công việc này là nhằm chọn lựa những mảnh, mảng đất màu mỡ tốt tươi góp phần đưa lại năng xuất cao. Đất sản xuất nông nghiệp của người Thái Nà Cài cũng như nhiều tộc người anh em khác chủ yếu là đất rừng và đất phù sa ven suối hoặc ven đồi. Ở mỗi loại đất này, đồng bào lại có những “tiêu chí” khác nhau để lựa chọn cho mình những khoảng đất tốt nhất.

“Dệt hay dệt lìn piêng
Dệt na châng tắm chắng dú nặm”.
Tức là: Làm nương chọn (làm) đất bằng; Làm ruộng (chọn) chỗ thấp mới đủ nước. Đây chính là tri thức đặc biệt quý trong kho tàng kinh nghiệm của đồng bào được hình thành trong quá trình lịch sử lao động sản xuất. Đối với họ, làm nương phải chọn nơi đất thấp tơi xốp, làm ruộng thì phải chọn nơi đất trũng nhiều nước.

Hay:

“Na kem mương, cỏng bản na chăm”.
(Ruộng chân mương, dưới bản ruộng tốt).

Những kinh nghiệm trên cho thấy người Thái quan niệm rất rõ ràng về việc chọn đất đai làm ruộng. Đất ruộng phải gần nguồn nước, đảm bảo cho tưới tiêu. Ruộng gần bản thuận lợi cho chăm bón, làm cỏ. Đối với người Thái Nà Cài thì chính những yếu tố này là một trong những nhân tố đặc biệt đảm bảo cho khả năng mùa màng bội thu.

2.2. Những kinh nghiệm về mùa vụ sản xuất

Từ quá trình lao động sản xuất nông nghiệp, người Thái Nà Cài đã hình thành những kinh nghiệm về mùa vụ trong năm. Đây không đơn thuần chỉ là những kinh nghiệm mà thông qua đó còn cho thấy trình độ phát triển của đời sống vật chất, lao động sản xuất của họ. Sự hình thành những tri thức dân gian về mùa vụ gắn liền với quá trình quan sát, trải nghiệm lâu dài từ thực tiễn canh tác.

“Hùa pì lằm na xứ pá nhỏ cọ lảy kin
Lả pi lằm xứ bụa quai cọ báu lảy kin”.
Tức là: Đầu năm cấy vào bãi cỏ cũng được ăn; Cuối năm cấy vào vũng trâu đằm cũng không được ăn. Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của mùa vụ trong sản xuất.

“Bườn nưng pày na
Bườn soong mưa hay
Bườn hả xia nhả na
Bườn chết thu khảu ly
Bườn xíp thu khảu”.
Tức là: Tháng giêng xuống ruộng; Tháng hai lên nương; Tháng năm làm cỏ ruộng; Tháng bảy thu ngô; Tháng mười thu lúa.

“Bườn xíp pụ khảu
Bườn cẩu pụ khảm ly”.
Tức là: Tháng mười cấy lúa; Tháng chín trồng ngô.

“Bườn sam khảu na pên pá
Bườn xí kiếu khảu phơi”.
Tức là: Tháng ba lúa ruộng thành rừng; Tháng tư lúa đã gặt rồi.

Từ những kinh nghiệm trên, người Thái nói chung và người Thái Nà Cài nói riêng đã đúc kết thành hệ nông lịch phù hợp cho riêng mình. Dưới đây là hệ lịch nông nghiệp mà chúng tôi đã phát hiện được ở Bản Nà Cài do các ông Quàng Văn Héo (87 tuổi), Quàng Văn Muôn (80 tuổi), Lường Văn Nướng (48 tuổi) cung cấp. Chúng tôi xin công bố ra như sau:

Lịch Việt
(Âm lịch) Lịch nông Thái. Các công việc đồng áng.

Tháng một. Bườn chét (tháng bảy). Phát nương, làm ruộng.

Tháng hai. Bườn pét (tháng tám). Đốt nương, làm thuỷ lợi, tu bổ bờ ruộng. Gieo ngô, lúa nương và mạ ruộng.

Tháng ba. Bườn cảu (tháng chín). Cày bừa ruộng, ươm cá để thả vào ruộng. Làm cỏ ngô.

Tháng tư. Bườn xíp (tháng mười). Làm cỏ nương, làm ruộng chuẩn bị cho gieo cấy.

Tháng năm. Bườn xíp ết (tháng mười một). Cấy lúa ở ruộng và làm cỏ nương ngô, lúa.

Tháng sáu. Bườn xíp soong (tháng mười hai). Hoàn tất công việc cày cấy.

Tháng bảy. Bườn nưng (tháng một). Thu ngô nương.

Tháng tám. Bườn soong (tháng hai). Thu lúa nương và tháo nước bắt cá ruộng.

Tháng chín. Bườn sam (tháng ba). Nghỉ ngơi làm các ngành nghề khác như dệt, đan lát…

Tháng mười. Bườn xí (tháng tư). Thu lúa ruộng.

Tháng mười một. Bườn hả (tháng năm). Hoàn tất việc gặt lúa và tiến hành cúng mường, tổ tiên.

Tháng mười hai. Bườn hốc (tháng sáu). Nông nhàn.

2.3. Những quan niệm trong khâu làm đất

Đối với sản xuất nông nghiệp, khâu làm đất đặc biệt quan trọng kể cả đối với đất nương cũng như đất ruộng. Chính vì lẽ đó mà người Thái Nà Cài trong quá trình lao động sản xuất đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu về vấn đề này:

“ Dệt na phải thả cả chắng chăn
Cả thả na báu giỏi”.
(Làm ruộng chờ mạ mới tốt; Mạ chờ ruộn (thì) không tốt).

“Dệt hay pốc tủm bàu mạy
Dệt na hẳu nặm thổm cốc”.
(Làm nương xới (lấp) ủ lá cây; Làm ruộng (thì phải) cho nước ngập gốc lúa).

“Dệt hay bốm cha
Dệt ná bốm phản”.
(Làm nương chặt cây để thật nỏ; Làm ruộng phơi ải luống cày).

“Hay ế pì ó cò nhả ca
Na báu thày bàn pống mạy khèm”.
(Mương lâu năm (thì) mọc cỏ gianh; Ruộng không cày bừa (thì) mọc cây sậy).

Những tri thức dân gian trên của đồng bào Thái Nà Cài cho thấy kinh nghiệm của họ rất phong phú và mang đậm yếu tố triết lý sâu xa về tầm quan trọng của việc làm đất trong làm ruộng nước. Cũng thông qua đó, người Thái Nà Cài còn cho chúng ta thấy mối quan hệ chặt chẽ: Đất – người – nước.

2.4. Vai trò của nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp

Cũng giống như những quan niệm về loại đất và các bước làm đất ruộng ở phần trên chúng tôi đã trình bày, người Thái Nà Cài đặc biệt chú trọng đến nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu. Do điều kiện sống ở ven chân các dãy núi, bên cạnh các con suối lớn nhỏ với những dẻo đất phù sa nhỏ hẹp các con suối sông đem lại đã tạo ra đặc trưng độc đáo trong lao động sản xuất nông nghiệp của người Thái nói chung và người Thái Nà Cài nói riêng. Do đất đai sản xuất ít ỏi, đồng bào Thái Nà Cài đã tận dụng tối đa những mảng đất phù sa ven suối đó để làm ruộng nước. Và vì lẽ đó, đất đai trong canh tác nông nghiệp chủ yếu là ruộng bậc thang nối chồng lên nhau. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, người Thái đã phát minh ra hệ thống “mương – phai – lái - lin” để đưa nước từ các dòng suối lên các thửa ruộng bậc thang cao.

“Pản phai au lìn kén
Dệt bản mương ha phủ thảu”.
(Đắp phai cần đất sét; Dựng bản mường cần người già).

“Kin khảu nha lưm xìa na
Kin pa nha lưm xìa nặm”
(Ăn cơm không được quên ruộng; ăn cá đừng quên nước).

“Dệt hay báu pền khỉ chạn
Dệt phài chắng mi nặm xó na”.
(Làm nương đừng có lười; Làm phai mới có nước vào ruộng).

Và:
“Mi nặm chẳng pền na
Mi na chẳng pền khẩu”.
(Có nước mới thành ruộng; Có ruộn mới có lúa (ăn)).

Người Việt (Kinh) có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nhằm khẳng định vai trò quyết định của nước đối với sản xuất nông nghiệp. Qua khảo sát điền dã điều tra tại bản Nà Cài, người nghiên cứu được gặp lại tư duy này ở tộc người Thái. Tuy nhiên, đây không phải là sự vay mượn tiếp biến văn hoá đem lại mà là sản phẩm tri thức của tộc người này – họ vốn là một trong những tộc người ở Việt Nam biết đến nghề nông từ rất sớm - được hình thành trong lịch sử lao động sản xuất của họ với kết luận mộc mạc, chính xác: Làm ruộng, trồng lúa phải có nước, không có nước thì không có ruộng.

Có thể nói, tri thức dân gian Thái phong phú và đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thông qua đó, chúng ta còn thấy được những mối liên hệ giữa yếu tố nước với hàng loạt những yếu tố quan trọng của cuộc sống cộng đồng làng bản.

2.5. Tầm quan trọng của ruộng nước

Có thể nói, mảnh ruộng và cây lúa ảnh hưởng lớn đến đời sống mỗi tộc người. Tầm quan trọng của cây lúa và mảnh ruộng nước không chỉ dừng ở việc nó cung cấp cho con người lương thực mà còn ở hệ thống những tín ngưỡng do nó tạo ra. Và, người Thái Nà Cài cũng đặc biệt quan tâm đến những thửa ruộng bậc thang ven suối của mình.

“Lằm háng lảy pà
Lằm thí lảy khảu”.
Tức là: Cấy thưa được cá; Cấy dày được thóc.

Một nét độc đáo nữa trong sản xuất của đồng bào Thái Nà Cài là ở chỗ, họ không chỉ chú ý thâm canh cây lúa nhằm nâng cao sản lượng mà còn ở việc sử dụng chính những thửa ruộng của mình để nuôi trồng thuỷ sản. Đối với nhiều tộc người thiểu số Việt Nam, việc trồng lúa nước kết hợp với nuôi cá hầu như không phổ biến, và đương nhiên, chúng ta rất ít khi gặp hiện tượng tương tự như vậy ở những cộng đồng tộc người khác.

“Dệt hay trau na
Dệt na trau cả”.
Tức là: Làm nương vẫn phải lo ruộng; Làm ruộng thì phải lo mạ.

Có lẽ còn nhiều những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất nói chung và thể hiện tầm quan trọng của ruộng nước nói riêng mà cá nhân chưa có điều kiện tiếp cận được.

2.6. Những răn dạy quý báu sau cùng

Những tri thức canh tác ruộng nước của người Thái Nà Cài được hình thành dần qua nhiều thế hệ và truyền lại cho đời sau trở thành tài sản quý của cộng đồng tộc người. Cùng với thời gian, những tri thức dân gian đó đã tạo nên kho tàng kiến thức phong phú về lao động sản xuất - một thành tố cấu tạo nên văn hoá và căn tính tộc người – trong đời sống của đồng bào.

“Dệt hươn phai lò nhả mung
Dệt na phai lò cả”.
(Làm nhà phải lo gianh; Làm ruộng phải lo mạ).

“Pay thày nha lưm quai
Pay na nha lưm pẹn”
(Đi cày chớ quên trâu; Đi ruộng chớ quên xẻng)
.
“Mưa hay báu lảy àu tồ ma toi
Pay na báu lảy àu lụ pay toi”.
(Lên nương chớ mang theo chó; Xuống ruộng chớ mang theo con).

3. Kết luận

Văn hoá Thái Việt Nam là một bộ phận của kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam đa dạng độc đáo và thống nhất. Trong hệ thống tài sản văn hoá đồ sộ đó, tri thức dân tộc học về lao động sản xuất giữ vị trí đặc biệt gắn liền với sự tồn tại, phát triển của tộc người Thái trong lịch sử. Cho đến nay, tri thức dân gian Thái về lao động sản xuất chưa được chú ý nghiên cứu nhiều và cũng chưa có những công trình chuyên khảo về vấn đề này. Bài nghiên cứu trên với dung lượng, quy mô của nó mới chỉ bước đầu đề cập đến một phần rất nhỏ trong kho tàng kinh nghiệm của người Thái về lao động sản xuất nông nghiệp thông qua thu thập từ người Thái Đen Nà Cài ở những góc cạnh sau: Tri thức dân gian trong việc chọn đất; Những quan niệm về mùa vụ và cách tính lịch nông; Những quan niệm trong khâu làm đất và vai trò của nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp; Tầm quan trọng của ruộng nước và những răn dạy quý báu của người Thái Nà Cài về sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, những nội dung này mới chỉ dừng ở một chừng mực rất hạn hẹp mà chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu. Chúng tôi xin trở lại đề tài này trong những bài nghiên cứu sau.

Không có nhận xét nào: