Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

QUAN HỆ SƠN LA (VIỆT NAM) VÀ HỦA PHĂN (LÀO) TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ TỪ 1986 ĐẾN 2000


Dương Hà Hiếu


Abstract:
Together with the great change of our country, SonLa has been pushing up the co-operation with other parts, organizations in Vietnam as well as in other countries in order to help the local industrialization and modernization, as a result, the relationship with the northen provinces of Laos in general and Huaphan in particular has been paid more attention. “The study on relationship between Sonla and Huaphan on economy from 1986 to 2000” systematizes and evaluates the co-operation between these two provinces.

1. Mở đầu.
Quan hệ Việt – Lào nói chung và Sơn La (Việt Nam) với tỉnh Hủa Phăn (Lào) là mối quan hệ được xây đắp từ bao đời giữa hai dân tộc được gắn kết bởi hoành cảnh địa lý tự nhiên cũng như trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống xâm lược và xây dựng đất nước. Mối quan hệ này thể hiện tình hữu nghị đặc biệt mang tính chất thân thiết, trong sáng, gắn bó thuỷ chung, thắm đượm tình láng giềng – tình đồng chí – tình anh em. Trước sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước, Sơn La cũng đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tạo kiều  thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá địa phương, trong đó quan hệ hợp tác với các tỉnh bắc Lào nói chung và Hủa Phăn nói riêng ngày càng được coi trọng. Xuất phát từ vấn đề trên, bài nghiên cứu bước đầu đi vào tìm hiểu quan hệ Sơn La - Hủa Phăn trên lĩnh vực kinh tế từ 1986 đến 2000 nhằm hệ thống, đánh giá lại quá trình hợp tác kinh tế giữa hai địa phương của hai nước Việt – Lào.
2. Quan hệ kinh tế giữa Sơn La và Hủa Phăn từ 1986 đến 2000.
2.1. Quan hệ Sơn La và Hủa Phăn trên lĩnh vực kinh tế từ 1986 đến 1990.
Sau khi giành được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam và Lào phải đương đầu với hàng loạt những khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại. Hai nước đã ra sức khôi phục lại đất nước trên các mặt kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, sự thay đổi mau chóng và phức tạp của tình hình thế giới cũng tác động mạnh mẽ đến công cuộc xây dựng của mỗi quốc gia. Mặc dù vậy, quan hệ giúp đỡ, tương trợ kinh tế giữa hai nước Việt – Lào anh em vẫn được duy trì và ngày càng sâu rộng nhằm đáp ứng điều kiện hoàn cảnh mới. Trong tổng thể mối quan hệ này, Sơn La và Hủa Phăn – hai tỉnh có chung đường biên giới dài đến 210 km - đã đẩy mạnh hợp tác trên các mặt, các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.
Thực hiện biên bản ký kết ngày 02 tháng 05 năm 1986, tỉnh Sơn La đã đồng ý đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hủa Phăn và cử cán bộ của tỉnh mình sang giúp bạn trong việc tập huấn cán bộ xã đội toàn tỉnh. Cơ sở tiến hành tập huấn cán bộ được đóng tại huyện Xiềng Khọ của tỉnh Hủa Phăn.
Theo báo cáo hợp tác kinh tế với các tỉnh bắc Lào như Hủa Phăn – U đôn xay – Bò Kẹo nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 1984 đến 1987 thì giai đoạn hai của kế hoạch hợp tác giúp bạn từ 19 tháng 05 năm 1986 đến 20 tháng 07 năm 1987, tỉnh Sơn La đã hoàn thành công việc xây dựng công trình hữu nghị Chiềng Khương. Đây là công trình thuỷ lợi tưới tiêu cung cấp nước ổn định cho hai xã vùng biên là Xiềng Xiểm (thuộc huyện Xiềng Khọ tỉnh Hủa Phăn) và xã Chiềng Khương (thuộc huyện Sông Mã tỉnh Sơn La). Công trình này hoàn thành đã cung cấp nước cho tổng diện tích đất sản xuất là 150 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn triển khai tiếp dự án xây dựng trạm thuỷ điện 5 KV kết hợp với việc lấy nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tỉnh bạn Hủa Phăn. Công trình hữu nghị này được tiến hành nhằm giúp bạn từng bước nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biên, phục vụ cho công tác phối hợp giữa Sơn La và Hủa Phăn trong việc bảo đảm trật tự an ninh biên giới. Năm 1987, công trình hữu nghị này đã được khánh thành và đại diện tỉnh Sơn La đã bàn giao cho bạn{3}.
Năm 1986 - 1987, tỉnh Hủa Phăn gặp nhiều khó khăn do mất mùa thất thu, tỉnh Sơn La đã nhanh chóng và kịp thời cử một đoàn cán bộ đi mua 40 tấn quà tại tỉnh Hà Nam Ninh (nay là các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình của Việt Nam) để tặng cho tỉnh bạn. Tháng 09 và tháng 10 năm 1987, tỉnh Sơn La đã chuyển 7.600 Kg quà tặng của cán bộ, công nhân viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Sơn La cho tỉnh Hủa Phăn tại cửa khẩu Pa Háng{2}.
Ngày 28 tháng 04 năm 1993, nhận lời mời của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hủa Phăn, đồng chí Đinh Chen – Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ đã dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Sơn La đi thăm và làm việc tại tỉnh Hủa Phăn. Đoàn Sơn La đã được đồng chí Xổmphănphengkhămmi – Uỷ viên hội đồng nhân dân tối cao Lào, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban chính quyền tỉnh Hủa Phăn – tiếp đón thân mật. Trong hai ngày làm việc tại tỉnh Hủa Phăn, hai bên đã thông báo cho nhau những nét cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội mà hai tỉnh đã đạt được trong quá trình đổi mới phát triển và tình hình về an ninh trật tự biên giới. Đoàn đại biểu của tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn đã thống nhất về việc đề nghị Uỷ ban nhân dân hai tỉnh trình trung ương nâng cấp vị trí cửa khẩu Chiềng Khương (huyện Sông Mã) thành cửa khẩu quốc gia và mở chợ phiên biên giới tại cửa khẩu Chiềng Khương và Pa Háng (Mộc Châu) để nhân dân hai tỉnh có điều kiện giao lưu, trao đổi hàng hoá.
Từ đó, hai đoàn đều thống nhất cao về việc nối lại quan hệ kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác, tạo điều kiện cho hai tỉnh cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, mối quan hệ khăng khít tương trợ giữa Sơn La và Hủa Phăn. Sơn La sẽ đáp ứng nhu cầu của Hủa Phăn về vận tải hàng hoá thiết yếu, sản xuất vật liệu xây dựng thi công các công trình nông – lâm – thuỷ (…) mà Sơn La có khả năng. Bên cạnh đó, Hủa Phăn cũng cam kết bán cho Sơn La những hàng hoá nông lâm sản và một số loại hàng hoá khác nếu Sơn La có nhu cầu {8}.
2.2. Quan hệ Sơn La – Hủa Phăn trên lĩnh vực kinh tế  từ 1991 đến 2000.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và căn cứ vào tình hình thực tiễn của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế mỗi nước, mỗi tỉnh, Sơn La và Hủa Phăn đã đi đến thống nhất cần phải xúc tiến mạnh hơn nữa công tác hợp tác toàn diện trên mọi mặt và dựa vào thế mạnh của mỗi tỉnh để bổ sung cho nhau cùng phát triển. Để chuẩn bị cho hai đoàn đại biểu cấp cao cuả hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn gặp gỡ nhau chính thức, đoàn cán bộ làm công tác chuẩn bị đã gặp gỡ trao đổi những nội dung sẽ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh.
Ngày 02 tháng 03 năm 1994, đoàn của tỉnh Hủa Phăn đã gặp gỡ trao đổi và làm việc với các ngành của tỉnh Sơn La. Hai bên đã thông báo cho nhau những vấn đề cần thiết trong việc hợp tác các lĩnh vực Nông lâm thuỷ, giao thông vận tải, thương mại du lịch, xây dựng, quốc phòng an ninh.
Trong những năm trước 1994, mặc dù tỉnh Sơn La được phân công kết nghĩa với tỉnh Bó Kẹo nhưng quan hệ “hàng xóm” Sơn La và Hủa Phăn vẫn tiếp tục phát triển. Trên cơ sở đó, hai tỉnh đã đặc biệt quan tâm mối quan hệ truyền thống lâu đời này và có những kế hoạch hợp tác toàn diện lâu dài. Tỉnh Sơn La đã cử 05 đồng chí đại diện để trao đổi xúc tiến việc thực hiện nội dung hợp tác và ký kết việc mua giống các loại cây như lúa, ngô, đỗ, khoai tây và các loại hoa quả. Tỉnh Sơn La cũng đã cử các chuyên gia ươm giống cây ăn quả, các chuyên gia về thuỷ sản, gây giống cá sang giúp đỡ và công tác tại tỉnh Hủa Phăn và huyện Xiềng Khọ.
Trong năm 1994, quan hệ hai tỉnh trên lĩnh vực giao thông vận tải cũng được đẩy mạnh. Công ty cầu đường tỉnh Sơn La đã tiến hành sửa chữa phà, ca nô cho huyện Xiềng Khọ và Sốp Ban của tỉnh Hủa Phăn với tổng giá trị lên đến 25.434.314 kíp. Bên cạnh đó, công ty cầu đường Sơn La còn đầu tư kinh phí xây dựng một cây cầu treo tại thị xã Sầm Nưa của Hủa Phăn với giá trị là 13.000.000 kíp, trong đó tỉnh Sơn La giúp đỡ là 2.000.000 kíp. Tỉnh Sơn La còn tiến hành công tác sửa chữa giúp Hủa Phăn tuyến đường từ Sốp Ban đến Pa Háng với tổng số tiền là1.300.000 kíp và lập dự án sửa chữa phà Sốp Ban trị giá 507.000 kíp. Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn đón tiếp nhiều đợt các đoàn cán bộ của bạn sang chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh {14}.
Ngày 19 tháng 05 năm 1994, tại thị xã Sầm Nưa của tỉnh Hủa Phăn (Lào), đại diện hai tỉnh là Sômphănphengkhăm – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban chính quyền tỉnh Hủa Phăn và đồng chí Nguyễn Văn Ân – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã ký kết các nội dung hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh.
Hai bên đã tiến hành hội đàm, thông báo cho nhau về tình hình của mỗi tỉnh. Về kinh tế, hai tỉnh đã nhất trí mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, và tiểu thủ công nghiệp, thuỷ lợi, giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, du lịch. Hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn đã thống nhất về việc khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đầu tư vốn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm sản, sản xuất nông cụ, xây dựng thuỷ điện nhỏ … mở rộng quan hệ giao lưu hàng hoá và thống nhất về việc mở chợ phiên biên giới.  Trong xây dựng cơ bản, tỉnh Hủa Phăn là thị trường giàu tiềm năng để xây dựng cầu đường, phà và các cây cầu treo.
Hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn đặc biệt chú trọng đến quan hệ trong lĩnh vực y tế mang tính chất nhân đạo và giúp đỡ lẫn nhau về khám bệnh, điều trị bệnh cho nhân dân vùng biên giới. Ngoài ra, Sơn La còn giúp tỉnh Hủa Phăn trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp trình độ sơ cấp và trình độ trung cấp {10}.
Trong lĩnh vực công nghiệp, xí nghiệp cơ khí Sơn La đã cộng tác và giúp đỡ tỉnh Hủa Phăn sửa chữa ô tô, cung ứng vật tư và sửa chữa phà, gia công cầu treo cho tỉnh Hủa Phăn với tổng số trị giá lên đến 200.000.000 đồng. Trong đó, xí nghiệp đã sửa chữa ô tô trị giá 75.000.000 đồng, gia công 3 khung cầu treo trị giá 85.000.000 đồng và cung ứng vật tư, sửa chữa 3 chiếc phà với số vốn trị giá 40.000.000 đồng. Bên cạnh đó, tháng 05 năm 1995, xí nghiệp cơ khí Sơn La còn cử một đoàn cán bộ lãnh đạo của mình cùng các cán bộ kỹ thuật giỏi sang Hủa Phăn để bàn bạc, triển khai nội dung văn bản hợp tác giữa hai bên {1}.
Thực hiện văn bản hợp tác kinh tế – văn hoá và an ninh quốc phòng giữa hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn được ký kết tại thị xã Sầm Nưa tỉnh Hủa Phăn vào ngày 19 tháng 05 năm 1994, tháng 05 năm 1995, tỉnh Hủa Phăn đã cử một đoàn cán bộ chuyên môn về trồng trọt trên mười người sang Sơn La học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả vùng lạnh, ươm giống cây mơ, mận, nhãn … và mua giống cây trồng. Và cũng trong thời gian này, tỉnh Hủa Phăn đã cử một đoàn đại biểu cấp cao gồm 25 đồng chí sang thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La do đồng chí Xômphănphengkhămmi – Uỷ viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh uỷ, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn – làm trưởng đoàn.
Hai bên đã thảo luận về vấn đề đẩy mạnh hợp tác toàn diện các ngành kinh tế – văn hoá giữa hai tỉnh và đi đến thống nhất: Mỗi năm hai tỉnh sẽ cử đoàn đại biểu cấp tỉnh để gặp gỡ với nhau cùng nhau bàn bạc để đề ra phương hướng và kế hoạch hợp tác với nhau cho đúng với tình hình và yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạnn của mỗi bên. Hai tỉnh đồng ý cho các ngành chuyên môn cấp tỉnh gặp gỡ với nhau để cùng nhau ký kết hợp tác cụ thể cho đúng với điều kiện và tình hình cụ thể của mỗi ngành của hai bên.
Hai tỉnh đồng ý cho ngành giao thông của hai tỉnh quan hệ với nhau để trao đổi kinh nghiệm về cầu đường, vận tải xây dựng cơ bản, nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn theo yêu cầu của hai bên. Việc sử dụng phương tiện vận tải qua lại biên giới phải thực hiện đúng theo sự quy định của Bộ giao thông vận tải của hai nước đã đề ra. Hai tỉnh cũng đồng ý cho ngành công nghiệp, thủ công nghiệp của hai tỉnh quan hệ hợp tác về chuyên môn xây dựng thuỷ điện nhỏ, phương tiện để sản xuất hàng tiêu dùng hay hàng hoá để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sơn La và Hủa Phăn còn nhất chí cao về hợp tác trong các lĩnh vực y tế. Mỗi năm hai tỉnh phối hợp khám chữa bệnh, điều trị sức khoẻ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ lão thành hưu chí của hai tỉnh tử 5 đến 10 người. Tỉnh Sơn La sẽ phối hợp với Hủa Phăn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn y tế theo thời hạn ngắn và trung bình cho cán bộ y tế khi nào có yêu cầu. Ngoài ra, hai tỉnh còn nhất chí cao về việc cho phép các bệnh viện của các huyện, xã ở dọc biên giới của hai nước giúp đỡ lẫn nhau điều trị cho nhân dân ở dọc biên giới. Chi phí khám chữa bệnh do bệnh nhân phải chịu trách nhiệm. Hai tỉnh còn đồng ý về việc mở rộng quan hệ trên lĩnh vực du lịch cho cán bộ, nhân dân, nhà buôn bán đúng theo quy định về du lịch của hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn và qua đó để nhân dân hai tỉnh hiểu biết về văn hoá lẫn nhau {6}.
Tháng 11 năm 1995, nhận lời mời của Huyện uỷ, Uỷ ban chính quyền huyện Xiềng Khọ của tỉnh Hủa Phăn, Ban thường vụ Huyện uỷ huyện Yên Châu đã cử đoàn đại biểu của huyện gồm 6 người do đồng chí Hoàng Chí Thức – Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Châu – làm trưởng đoàn sang thăm huyện bạn.
Cuối năm này, tỉnh Hủa Phăn mất mùa do điều kiện tự nhiên chi phối làm ảnh hưởng nặng đến đồ sống của người dân, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn là đồng chí Xômphănphengkhămmi đã cử một đoàn cán bộ do đồng chí Trưởng ty Thương nghiệp Phonkhẹolắtsachăn sang Sơn La liên hệ mua lương thực với số lượng 200 tấn theo giá ưu đãi của tỉnh Sơn La.
Cũng trong năm 1995, căn cứ vào kế hoạch xây dựng, hợp tác phát triển y tế giữa hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn năm 1995 – 1996 và bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của người dân xã vùng cao biên giới Huổi Phoóc, huyện Xiềng Khọ của tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Sơn La và vụ hợp tác với Lào, Uỷ ban kế hoạch nhà nước, Ban biên giới Chính phủ đã đầu tư xây dựng trạm xá tại xã Huổi Phoóc với tổng số vốn đầu tư lên đến 500.000.000 đồng {9}.
Tỉnh Sơn La đã nhận thầu xây dựng cho tỉnh Hủa Phăn một số công trình giao thông, thuỷ lợi với tổng giá trị là 41.000.000 kíp. Ngoài ra, trao đổi hàng hoá mậu dịch giữa hai tỉnh đạt con số 120.000.000 kíp, trong đó tỉnh Sơn La xuất khẩu vào Hủa Phăn là 79.500.000 kíp và nhập khẩu là 22.500.000 kíp. Sơn La cũng được Hủa Phăn tín nhiệm lựa chọn trong việc cung ứng các giống cây. Trong năm 1995, tỉnh Sơn La đã cung ứng cho Hủa Phăn 10.000 cây mận hậu, 2500 cây nhãn, 200 kg giống cây đậu tương, 50 kg ngô giống và 200.000 con cá giống. Bên cạnh việc Hủa Phăn đặt vấn đề mua lương thực với giá ưu đãi, tỉnh Sơn La còn giúp cho Hủa Phăn 10 tấn gạo cứu đói {12}.
Bước sang năm 1996 – 1997, quan hệ Sơn La và Hủa Phăn đã được nâng lên một tầm cao mới trên các mặt, các lĩnh vực mà hai bên cùng thoả thuận hợp tác. Tỉnh Hủa Phăn đã đặt mua các giống cây trồng của Sơn La. Ngoài ra, các hộ gia đình, tư thương hai tỉnh còn thường xuyên trao đổi mua bán với nhau các loại giống cây, con và cùng nhau hợp tác trong việc khai hoang làm ruộng, đào ao với số vốn tự có của họ.
Các công ty xây dựng cầu đường của tỉnh Sơn La đã nhận thầu xây dựng sửa chữa cầu đường cho tỉnh Hủa Phăn như sửa chữa bến phà Sốp ét, cầu treo Mường ét, cầu treo Nậm ét, Mương Cẩu và xây dựng tuyến đường giao thông Lao Hung – Lao Khô với tổng giá trị lên đến 29.444.000 kíp Lào (tức 353.328.000 đồng Việt Nam). Trị giá mua bán giữa hai tỉnh so với các năm trước 1997 ngày càng tăng. Hàng hoá của tỉnh Hủa Phăn bán sang tỉnh Sơn La tăng lên 213,44% và tỉnh Hủa Phăn mua hàng hoá của tỉnh Sơn La tăng lên đến 247,95%.
Ngoài ra, Sơn La và Hủa Phăn còn quan hệ đặc biệt mật thiết trên lĩnh vực y tế. Bệnh viện tỉnh Sơn La đã giúp khám và chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hủa Phăn trên 50 lượt người. Ngoài bênh viện tuyến tỉnh, các cơ sở bệnh viện, trạm xá cấp huyện và xã của Sơn La dọc biên giới cũng đã giúp đỡ nhân dân Lào của tỉnh Hủa Phăn trong việc khám chữa bệnh {4}.
Thực hiện văn bản ký kết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế, văn hoá xã hội giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn, ngày 28 tháng 06 năm 1998, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết định trích một phần ngân sách của tỉnh để xây dựng 04 phòng học làm quà tặng cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hủa Phăn tại huyện Sốp Bâu. Ngày 20 tháng 05 năm 1998, 04 phòng học đã được Công ty sản xuất vật liệu xây dựng số 01 thi công hoàn thành. Ngày 11 tháng 06 năm 1998, tỉnh Sơn La đã tiến hành công tác bàn giao cho tỉnh Hủa Phăn cụm công trình này trị giá 400.000.000 đồng. Cụm công trình 04 phòng học này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Sơn La đối với tỉnh bạn láng giềng Hủa Phăn, thể hiện tình đoàn kết sâu sắc, thuỷ chung giữa nhân dân hai nước Việt – Lào nói chung và nhân dân hai tỉnh nói riêng {7}.
Ngày 09 tháng 01 năm 1998, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ra quyết định về việc giao nhiệm vụ triển khai biên bản hợp tác phát triển kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng với tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào trong những năm 1998 – 2000. Trọng điểm của những năm hợp tác này giữa hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn là nhằm vào những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, khảo sát và cải tạo tuyến đường thuỷ dọc sông Mã kể cả đoạn qua tỉnh Hủa Phăn với nguồn vốn của phía Việt Nam;
Thứ hai, nâng cấp quốc lộ 43, xây dựng cửa khẩu Pa Háng theo quy hoạch và nâng lên thành cửa khẩu quốc tế;
Thứ ba, xây dựng các tuyến đường giao thông nối các xã, các bản biên phòng từ phía Sơn la đến các xã, bản biên phòng của tỉnh Hủa Phăn và mở thông các tuyến đường hiện có giữa các huyện của hai tỉnh thuộc phía Việt Nam và Lào qua các trạm kiểm soát như: đường Huổi San – Bôm Bung – Nà Đít, đường Lao Hung – Phiêng Xa – Lao Khô, đường Moóng Nặm – Pa Háng, đường Huổi Hiêng – Chiềng Tương – Chiềng On;
Thứ tư, xây dựng quy hoạch và từng bước xây dựng cửa khẩu Chiềng Khương (Sông Mã) thành cửa khẩu chính. Quy hoạch xây dựng, nâng cấp trạm kiểm soát Nà Cài (Yên Châu) thàng cửa khẩu phụ;
Thứ năm, cho phép Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn La tổ chức kết nghĩa với thị xã Sầm Nưa của tỉnh Hủa Phăn trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tương trợ đôi bên cùng có lợi. Giao Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn La xay dựng các dự án hợp tác giữa hai thị xã Sơn La và Sầm Nưa;
Thứ sáu, giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng dự án hợp tác trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, cử cán bộ, kỹ thuật sang giúp nhân dân Hủa Phăn nâng cao năng xuất lúa chiêm và lúa mùa, giúp Hủa Phăn trong việc tư vấn lập các dự án phát triển kinh tế …;
Thứ bảy, giao Sở thương mại và du lịch, hải quan nghiên cứu các chính sách, thủ tục buôn bán qua biên giới … nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới mua bán, trao đổi các mặt hàng… Sở thương mại và du lịch chỉ đạo thực hiện dự án phát triển kinh doanh thương mại du lịch với tỉnh Hủa Phăn giai đoạn 1998 – 2010;
Thứ tám, giao cho Sở Y tế xây dựng dự án hợp tác trong lĩnh vực y tế, tạo điều kiện tiếp nhận một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của bạn kiểm tra sức khoẻ;
Thứ chín, giao cho Sở Văn hoá - thông tin – thể tao xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao với tỉnh Hủa Phăn trong các dịp lễ tết, lễ hội … học tập trao đổi kinh nghiệm giữgìn và nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc…{13}.
Bước sang những năm 1998 – 2000, quan hệ kinh tế giữa hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn ngày càng được đẩy mạnh về chiều rộng và chiều sâu trong mọi lĩnh vực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, tỉnh Hủa Phăn tiếp tục đặt mua các giống cây trồng và giống gia súc. Các hộ gia đình sát vùng biên của Hủa Phăn cũng thường xuyên sang các chợ vùng biên của Sơn La để mua bán các giống cây, con phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, các tư thương hai tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động trao đổi buôn bán, phục vụ nhu cầu cung ứng các loại giống cây trồng và các loại con giống cho nhân dân hai tỉnh.
Về hoạt động thương mại, tổng giá trị trao đổi hàng hoá giữa hai tỉnh ở giai đoạn đầu kế hoạch hợp tác đã đạt đến con số 350.000 đô la Mỹ, tăng 16% so với năm 1997. Trong đó, Sơn La xuất sang Hủa Phăn là 230.000 đô la và nhập về 120.000 đô la. Hình thức trao đổi buôn bán chủ yếu qua các con đường tiểu ngạch tại các khu vực biên giới. Hàng hoá mà Sơn La xuất khẩu sang Hủa Phăn ở giai đoạn này phong phú hơn trước với các mặt hàng như vật liệu xây dựng (xi măng, tấm lợp, gạch, than), xe vận tải nhỏ và hàng hoá tiêu dùng. Trong khi đó, phía Hủa Phăn xuất khẩu sang Sơn La chủ yếu là các mặt hàng nông – lâm sản. Quan hệ trao đổi buôn bán giữa hai tỉnh chủ yếu được thông qua các chợ cửa khẩu Pa Háng và Chiềng Khương.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng, Sơn La tiếp tục tham gia đấu thầu cải tạo, xây dựng và nâng cấp tuyến đường của Hủa Phăn nối với cửa khẩu Pa Háng. Tỉnh Sơn La còn thực hiện hàng loạt những dự án trọng điểm khác của tỉnh Hủa Phăn như thi công đập tràn Chiềng Khương, đường Chiềng Khương và cửa khẩu. Ngành giao thông vận tải và công ty vận tải ô tô của hai tỉnh đã xúc tiến chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khai trương, khánh thành tuyến vận tải hành khách Sơn La – Mộc Châu – Hủa Phăn.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực y tế, hai tỉnh đã kết hợp tốt trong việc Sơn La tiêp tục giúp đỡ khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hủa Phăn. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến huyện, xã cũng đã khám, chữa trị cho các bệnh nhân là nhân dân tỉnh Hủa Phăn sống dọc vùng biên giới với Sơn La {11}.
3. Kết luận.
Như vậy, mặc dù trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi và hai nước gặp nhiều khó khăn, tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Hủa Phăn (Lào) vẫn duy trì chặt chẽ mối quan hệ hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả giữa hai nước, hai dân tộc Việt – Lào. Mặc dù vậy, quan hệ trên lĩnh vực kinh tế giữa hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn giai đoạn 1986 - 2000 chưa được chú trọng để tương xứng với tiềm năng của hai bên. Trong lĩnh vực này, Sơn La và Hủa Phăn chủ yếu hợp tác với nhau về việc trao đổi chuyện gia, thăm thân, thăm quan học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại, điển hình kinh tế thành công trong xoá đói giảm nghèo. Thế mạnh của Sơn La trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế, giáo dục chưa được Hủa Phăn quan tâm đúng mức.
 Trong giai đoạn hiện nay, do nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi Sơn La và Hủa Phăn phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện và vững chắc trên tất cả các lĩnh vực. Hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn cần phải chú trọng hơn nữa về chất lượng hợp tác, quan hệ nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của mỗi tỉnh, mỗi nước. Sơn La và Hủa Phăn cần xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa trong việc lập kế hoạch hợp tác lâu dài, cụ thể, toàn diện trong các lĩnh vực và phải có một lộ trình thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo hai bên cùng có lợi. Đồng chí Cay – xỏn Phôm – vi – hản, Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khẳng định “Không có Việt Nam thì chúng tôi không trưởng thành như ngày nay. Suốt trong quá trình lịch sử, hai Đảng anh em chúng ta luôn luôn kề vai, sát cánh với nhau. Sự giúp đỡ của Việt Nam hết sức tận tình và vô tư, các đồng chí đã giúp chúng tôi kinh nghiệm, vật chất và cả xương máu. Máu Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào, vì nền độc lập tự do của Lào”
Tài liệu tham khảo.
1. Báo cáo của Sở Công nghiệp về việc tham gia nội dung làm việc với Hủa Phăn năm 1994.
2. Ban Hợp tác kinh tế với Lào: Báo cáo tình hình công tác tháng 7 tháng 8 và chương trình công tác tháng 9 – 10 năm 1987.
3. Ban hợp tác kinh tế với Lào: Kết quả thực hiện hợp tác kinh tế với các tỉnh Hủa Phăn – U đôn xay – Bò Kẹo nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào từ 1984 đến 1987.
4. Biên bản hội đàm về việc tổ chức thực hiện nội dung biên bản hợp tác kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng năm 1996 – 1997 và phương hướng kế hoạch hợp tác kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng năm 1998 – 2000 giữa hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn.
5. Diễn văn của đồng chí Xổmphănphengkhămmi tại cuộc mít tinh đón đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La ngày 19/05/1994.
6. Dự kiến kế hoạch sự hợp tác về kinh tế – văn hoá – quốc phòng- an ninh giữa hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn trong năm 1995 và những năm tiếp theo.
7. Phòng Ngoại vụ tỉnh Sơn La: Tờ trình số 36/TTR - NV về việc tổ chức bàn giao 04 phòng học tại huyện Sốp Bâu – tỉnh Hủa Phăn.
8. Tỉnh uỷ tỉnh Sơn La: Thông báo số 97Tb/TU về kết quả hội đàm giữa hai đoàn an ninh – kinh tế Sơn La và Hủa Phăn và ý kiến chỉ đạo của thường trực tỉnh uỷ về việc thực hiện văn bản hai đoàn đã ký.
9. UBND tỉnh Sơn La – Ban Biên giới: tờ trình số 17/TT về việc xin phê duyệt dự án và cấp vốn xây dựng trạm xá Huổi Phoóc – huyện Xiềng Khọ – tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
10. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La: Báo cáo kết quả chuyến đi thăm và làm việc của đoàn đại biểu tỉnh Sơn La tại tỉnh Hủa Phăn tháng 06 năm 1994.
11. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La: Báo cáo tình hình thực hiện biên bản ký kết về hợp tác về kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng giữa hai tỉnh Sơn La – Hủa Phăn ngày 30/10/1998.
12. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La: Báo cáo tình hình thực hiện các thoả thuận về lãnh sự giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh bạn Lào (1994 – 1996).
13. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La: quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc giao nhiệm vụ triển khai biên bản hợp tác phát triển kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng với tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào trong những năm 1998 – 2000.
14. Văn bản tổng kết việc hợp tác, tổ chức thực hiện các nội dung kinh tế – văn hoá và an ninh quốc phòng giữa hai tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hoà dân chủ nhân dân lào và Sơn La nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong năm 1994.

Không có nhận xét nào: