Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

SỰ CAN THIỆP CỦA MỸ ĐỐI VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC LẦN THỨ HAI CỦA VIỆT NAM (1945 – 1954)



SỰ CAN THIỆP CỦA MỸ ĐỐI VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC LẦN THỨ HAI CỦA VIỆT NAM (1945 – 1954)[1]

Dương Hà Hiếu

Từ trước đến nay, những vấn đề lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954 đã được nhiều nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu và công bố những công trình có giá trị. Mặc dù vậy, sự rính líu của Mỹ đối với lịch sử Việt Nam ở giai đoạn này lại chưa được đề cập nghiên cứu một cách thỏa đáng, thậm chí giáo trình dùng để giảng dạy sinh viên chuyên ngành khoa học lịch sử cũng chỉ đề cập ở mức độ rất hạn chế. Vì lẽ đó, nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao đế quốc Mỹ mau chóng tìm cách hất cẳng thực dân Pháp sau khi Hiệp định Genève kết thúc vào năm1954? Tại sao Mỹ lại quyết tham dự và tiến hành cuộc chiến tranh chống lại nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam mà không ngại tốn kém chiến phí và nhân lực? Ở bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu những tính toán và sự can dự của Mỹ ở Việt Nam sau năm 1945 đến 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trên.
1. Sự tính toán và can dự của Mỹ vào Việt Nam từ 1945 đến 1950
Sau năm 1945, khi chiến tranh thế giới lần II kết thúc, cùng với đó, sự lớn mạnh của các nước trong hệ thống XHCN và phong trào đấu tranh dân chủ yêu chuộng hòa bình của nhân dân tiến bộ các nước đã thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Điều này tác động đến phong trào đấu tranh cách mạng của Việt Nam. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời đã phải đối phó với những khó khăn lớn ở thế “ngàn cân treo sợ tóc” thù trong giặc ngoài và gánh nặng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, sự kiện thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ 2 khi gây chiến ở Sài Gòn với sự hậu thuẫn của Anh và Mỹ.
Theo Patti, mặc dù “từ giữa tháng 11 năm 1945 đến tháng 3 năm 1946, cơ quan tôi đã nhận được các bản sao của nhiều bức điện và thư của Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng Nghị viện và Liên Hợp Quốc. Đó là những lời khẩn thiết kêu gọi can thiệp vào Việt Nam trên cơ sở những nguyên tắc đã hình thành trong Hiến chương Đại Tây Dương và vì lý do nhân đạo[2]. Ngoài những tiếp xúc trực tiếp với các phái đoàn của Mỹ có mặt ở Hà Nội, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi ít nhất 8 bức thư cho Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ… chủ yếu yêu cầu một sự ủng hộ chính trị trong việc giành độc lập của người Việt Nam, kêu gọi Mỹ ủng hộ cho nền độc lập non trẻ của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà nhân dân mới giành được đồng thời mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị giữa 2 nước[3].
Trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực tìm con đường đặt quan hệ của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với Mỹ thì, ngày 15 tháng giêng năm 1946, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ đã được phép “việc sử dụng các tàu chiến và máy bay mang cờ Mỹ để chuyên chở quân đội của bất cứ nước nào đến hoặc đi khỏi Nam Dương quần đảo hay Đông Dương thuộc Pháp, cũng như việc cho Pháp dùng các tàu bè trên để chở vũ khí, đạn dược, và các thiết bị quân sự tới các vùng này[4]. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không được phía Mỹ ghi nhận và chỉ có thể lý giải rằng ngay trước 1945, Mỹ mặc dù có những thông tin tình báo về Việt Minh và Hồ Chí Minh cũng như đã bước đầu có sự hợp tác với Việt Minh thông qua OSS (Cục công tác chiến lược Mỹ) nhưng chính phủ Mỹ đã bị nỗi ám ảnh bóng ma cộng sản làm cho lu mờ. Vì lẽ đó mà “ngày 5 tháng 12 năm 1946 khi Moffat tới thăm Đông Dương, Bộ trưởng Acheson đã có điện chỉ dẫn trong trường hợp có thể gặp ông Hồ, Moffat “phải luôn luôn nhớ rằng ông Hồ đã được xác định là một tay sai của quốc tế cộng sản …”[5].
Bước sang năm 1947, e ngại sự lớn mạnh của phong trào cách mạng thế giới và tầm ảnh hưởng của Liên Xô cùng hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa lan rộng tới tận phía Đông Địa Trung Hải, Tổng thống Mỹ Truman đã nhanh chóng tuyên bố “chính sách của Mỹ là phải ủng hộ các dân tộc tự do” chống lại sự xâm lược trực tiếp hoặc gián tiếp của cộng sản… và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marshall đã đề nghị cấp viện trợ kinh tế cho các nước Tây Âu nhằm thông qua đó xây dựng một liên minh vững chắc tạo thành lá chắn chống lại tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Chỉ trong vòng 4 năm (1948 – 1951), kế hoạch Marshall – còn gọi là kế hoạch phục hưng Châu Âu (ERP) đã cung cấp cho Tây Âu 12,5 tỉ đô la[6]. Phần lớn số tiền này dùng vào việc cung cấp về thực phẩm, nguyên liệu và thiết bị máy móc…. Thực chất kế hoạch Marshall của Mỹ là nhằm mục đích gắn chặt quyền lợi của các nước Tây Âu, đặc biệt là Đức và Pháp. Thông qua đó, Mỹ âm mưu can thiệp vào các hoạt động của các nước này. Đồng thời cũng trong năm này, được Mỹ giúp đỡ về các trang bị quân sự, quân đội Pháp và Anh đã tiến hành đàn áp lại phong trào cách mạng Việt Nam nhằm mục đích bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ mà nhân dân Việt Nam vừa giành được. Cũng trong năm này, Mỹ còn đồng ý cấp cho Pháp một khoản tiền 160 triệu đô la để mua xe cộ và các thiết bị máy móc sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương[7].
Còn ở Việt Nam, ngay khi Pháp quay trở lại gây hấn ở Hà Nội và toàn quốc kháng chiến bùng nổ vào tháng 12 năm 1946, thì đến ngày 8 tháng giêng năm 1947, Bộ Ngoại giao Mỹ đã điện cho viên Đại sứ Caffery của Mỹ ở Paris để báo cho Pháp biết rằng Mỹ ủng hộ Pháp và có thể giúp Pháp trong các cuộc thanh toán tranh chấp cũng như đồng ý bán vũ khí cho Pháp[8].
Ngày 13 tháng 5 năm 1947, các nhà ngoại giao của Mỹ ở Paris, Sài Gòn và Hà Nội đồng thời nhận được chỉ thị chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ sau đây: “Lập trường chủ yếu trong nhận thức của chúng ta là ở Đông Nam Á, chúng ta nhất thiết phải cùng hội với người Pháp, cũng như với người Anh và Hà Lan… các xu hướng Liên Á chống Tây phương có thể trở thành lực lượng chính trị quan trọng nhất, hoặc cộng sản cũng có thể nắm lấy chính quyền. Chúng ta cho rằng điều đảm bảo nhất cho sự an toàn đối với các tình huống có thể xảy ra nói trên phải là một sự liên kết chặt chễ được tiếp tục giữa các dân tộc mới được tự trị với các cường quốc đã từ lâu trước đây chịu trách nhiệm về sự thịnh vượng của họ. Đặc biệt chúng ta công nhận rằng người Việt Nam trong một thời gian nhất định, vẫn còn cần tới sự giúp đỡ về vật chất và kỹ thuật của Pháp cùng với một sự chỉ dẫn sáng suốt về chính trị mà chỉ một nước có truyền thống dân chủ lâu đời đã được công nhận là biết tôn trọng nhân quyền và giá trị cá nhân con người như nước Pháp mới có thể đáp ứng được[9]. Với nhận định trên, cho chúng ta thấy âm mưu của Mỹ khá rõ ràng về vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Trước mắt, Mỹ âm mưu lợi dụng Pháp kéo dài cuộc chiến tranh và viện trợ cho Pháp nhằm gắn chặt quyền lợi của Pháp vào Mỹ. Đến thời điểm thuận lợi, Mỹ sẽ tiến hành sự can dự để dần thay thế Pháp độc chiếm bán đảo Đông Dương.
Bước vào năm 1949, Mỹ cùng 12 nước châu Âu lập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đến đó, một quy trình đã được khép kín từ tư tưởng đến kinh tế (ERP) đã dần cho thấy chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh Tây Âu đối với sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như như xu hướng phát triển của CNXH trên thế giới.
Mặc dù về mặt hình thức cũng như đối với dư luận, Mỹ vẫn tỏ ra coi cuộc chiến tranh Đông Dương căn bản là một vấn đề của Pháp song trước sự phát triển của cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, Mỹ đã đã gợi ý cho Pháp nên nhân nhượng đối với những thế lực chống lại nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với lý do Hồ Chí Minh là một “tên quốc tế” hay “phái viên của quốc tế cộng sản”. Do đó, lợi dụng con bài Bảo Đại, chính sách của Mỹ đã nhanh chóng quay theo chính sách của Pháp dùng Bảo Đại để chống lại công cuộc đấu tranh chống thực Pháp chỉ vì lý do Bảo Đại không phải là cộng sản.
Ngày 10 tháng 5 năm 1949, thông qua Bộ Ngoại giao, Mỹ đã chỉ thị cho lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn phải nhanh chóng tác động với Pháp để “cuộc thí nghiệm Bảo Đại phải được xúc tiến ngay sau khi ở đây đã thể hiện rõ không còn có biện pháp thay thế nào khác”. Mỹ còn tỏ ý sẵn sàng muốn đóng góp bằng cách công nhận chính phủ Bảo Đại, cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế vào lúc thích đáng[10].
Thực dân Pháp chớp lấy cơ hội này và kêu gọi Mỹ giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Ngay sau đó, đáp ứng yêu cầu của Mỹ, thực dân Pháp ở Việ Nam đã dựng nên cái gọi là “Chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam” do Bảo Đại làm Quốc trưởng và Trần Văn Xuân làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Thủ tướng vào ngày 1 tháng 7 năm 1949. Đồng thời, thực dân Pháp cũng thành lập các chính phủ bù nhìn phản cách mạng ở Lào và Campuchia.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ là Truman ưng thuận hành động này của thực dân Pháp và  công nhận Bảo Đại và các quốc gia liên kết Đông Dương và ngày 4 tháng 2 năm 1950[11]. Tổng Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn đã nhận được chỉ thị chuyển đến cựu hoàng Bảo Đại một bản thông điệp chúc mừng của Tổng thống Mỹ đồng thời với sự công nhận về ngoại giao với chính phủ do Bảo Đại làm Quốc trưởng[12]
Trước sự phát triển cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp ngày càng mất quyền kiểm soát. Đặc biệt từ sau chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947, thực dân Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn trong việc giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Những diễn biến này ở Việt Nam ngay lập tức được Lãnh sự quán của Mỹ ở Sài Gòn và Đại sứ quán của Mỹ ở Paris gửi về nước: “Cố gắng của Pháp ở Đông Dương giống như một dòng nước cuốn ở Pháp, đòi hỏi cần phải có một chương trình giúp đỡ dài hạn mà chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp được. Nếu không rất có khả năng Pháp có thể bị buộc phải xem xét chấm dứt sự tổn thất của mình và rút lui khỏi Đông Dương[13]. Với những thông tin quan trọng trên về chiến tranh ở Đông Dương và Việt Nam, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngay lập tức đi đến quyết định vào ngày 27 tháng 2 năm 1950 là “phải thi hành mọi biện pháp có thể được để ngăn chặn sự phát triển sau này của cộng sản ở Đông Nam Á… Thái Lan và Miến Điện có thể bị rơi vào ách thống trị của cộng sản nếu như Đông Dương bị một Chính phủ do cộng sản khống chế cai trị. Lúc đó sự cân bằng lực lượng ở Đông Nam Á sẽ ở trong một tình thế cực kỳ nguy hiểm[14].
Và để ủng hộ Pháp cũng là một trong những biện pháp gắn chặt quyền lợi của Pháp ở Đông Dương cũng như ở Việt Nam vào Mỹ, Ngày 1 tháng 5 năm 1950, Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng duyệt cấp một khoản tiền 10 triệu đôla dụng cụ chiến tranh cho Pháp, đánh dấu quyết định quan trọng việc Mỹ tham gia về quân sự và quyết tâm rính líu đến chiến tranh ở thuộc địa của Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Như vậy, bằng hàng loạt các hành động và chính sách đối ngoại, đến đây, ý đồ của Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn đối với vấn đề Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỹ đã hoàn toàn bỏ qua tất cả những thông tin tình báo mang tính chiến lược khi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh trước và sau năm 1945, đóng chặt cánh cửa đối với chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng thời, Mỹ khẳng định sự giúp đỡ của mình đối với thực dân Pháp nhằm chống phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam dưới chiêu bài “chống cộng sản”. Điều này cũng thể hiện nỗi ám ảnh của chính giới Mỹ về hiệu ứng “đomino” lo sợ “bóng ma cộng sản” sẽ thống trị thế giới mà bỏ qua tất cả các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền của các dân tộc thuộc địa và quyền được sống, được độc lập của các quốc gia thuộc địa và phụ thuộc, những quyền mà Mỹ luôn tự hào rêu rao với toàn thể nhân loại.
2. Sự can dự trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam từ 1950 đến 1954
Cuộc cách mạng của nhân dân Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành thắng lợi, lập ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949 cùng với sự phát triển của cách mạng trên bán đảo Triều Tiên, sự thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950 đã tác động mạnh mẽ đến chính quyền của Pháp ở thuộc địa cũng như ở chính quốc. Sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc yêu chuộng hòa bình đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đã làm cho Mỹ ngày càng trở nên “tích cực” trong việc can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Trước sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam cũng như của Lào và Campuchia, chính giới chóp bu của Mỹ đặc biệt lo ngại về một cơn lốc cộng sản từ Liên Xô, Trung Quốc sẽ tràn xuống Đông Nam Á thông qua Việt Nam. Nếu điều này xảy ra sẽ đưa đến nguy cơ làm cho Mỹ vuột mất Đông Dương cũng như khu vực Đông Nam Á trong chiến lược thâu tóm vùng ảnh hưởng trong tương lai.
Âm mưu chiến lược này của Mỹ thể hiện trong báo cáo bí mật của Hội đồng An ninh Quốc gia vào tháng 6 năm 1952: “Sự lớn mạnh của Cộng sản trên toàn cõi Đông Nam Á sẽ làm cho vị thế của Hoa Kỳ tại các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Trung Quốc, Philippine, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên và ngoài khơi Thái Bình Dương trở nên không ổn định và đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của Hoa Kỳ tại vùng Viễn Đông[15]. Hành động can thiệp của Mỹ còn nhằm vào một mục đích rất thực dụng đó là “Đông Dương là một miếng mồi đáng cho chúng ta (tức Mỹ) đánh một canh bạc to … Ngay trước chiến tranh thế giới thứ hai, lợi tức hàng năm ở Đông Dương cũng đã lên tới 300 triệu đôla[16]. Sau năm 1950, lợi dụng sự suy yếu của Pháp trước “sức mạnh của Cộng sản” Việt Nam, ngoài việc viện trợ cho Pháp, Mỹ âm mưu thực hiện từng bước “nắm” lại Việt Nam từ tay Pháp. Chủ trương của Mỹ là vừa đe dọa để mở rộng chiến tranh vừa tăng cường nắm và củng cố ngụy quân ngụy quyền chuẩn bị điều kiện để Mỹ sớm thay Pháp ở Đông Dương. Mỹ muốn kéo dài cuộc chiến tranh để Pháp và Việt Nam cùng suy yếu, thuận lợi cho việc Mỹ vào Đông Dương[17].
Để dọn đường cho việc nắm chắc Đông Dương trong tương lai, Mỹ một mặt viện trợ cho Pháp, mặt khác yêu cầu Pháp ủng hộ cho các tổ chức chính phủ tay sai do Mỹ giật dây. Về vấn đề tham gia của Mỹ vào chiến trường Đông Dương, Robert Blum khi đó là phụ trách chương trình viện trợ kinh tế của Mỹ đã nhận xét như sau: “Thực khó mà đánh giá được kết quả của gần hai năm (1950 – 1952), Mỹ tích cực tham gia vào công việc ở Đông Dương. Mặc dầu chúng ta đã lao vào một cuộc hợp tác không dễ dàng, một mặt, với người Pháp sặc mùi “thực dân” nhưng không thể tránh khỏi, và mặt khác, với những người Việt Nam yếu đuối và chia rẽ, nhưng chúng ta cũng đã không có đầy đủ khả năng hòa giải hai bạn đồng minh đó trong một cuộc đấu tranh có xu hướng đặc biệt chống cộng[18]. Từ đó, ông kết luận “Tình hình ở Đông Dương không làm cho chúng ta hài lòng và thể hiện không có triển vọng tiến bộ cụ thể, không thể giành được một chiến thắng quân sự quyết định. Chính phủ Bảo Đại có rất ít hứa hẹn phát triển được tài năng và giành được sự trung thành của dân chúng, và việc đạt tới được các mục tiêu của Mỹ thật là xa xôi[19].
Trong khi Mỹ tăng viện trợ cho Pháp thì ở Việt Nam, thực dân Pháp gặp khó khăn trên các mặt trận bởi cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đặc biệt, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ cũng như là ở Nam Bộ, quân và dân ta liên tiếp mở các chiến dịch làm cho thực dân Pháp phải dàn quân trên một địa bàn lớn mà không thu được kết quả như mong muốn. Sự phối hợp của các chiến trường Lào, Campuchia càng làm cho thực dân Pháp trở nên khó khăn trong khi chiến phí đổ vào chiến trường Đông Dương ngày càng tăng cùng viện trợ của Mỹ đã làm cho nhân dân Pháp bắt đầu có phản ứng tiêu cực. Điều này bắt buộc thực dân Pháp phải có một chiến thắng ở Đông Dương vừa để vỗ về dân chúng vừa để ve vãn nguồn viện trợ của Mỹ.
Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính. Bắt đầu từ cuối năm 1951 đầu năm 1952, chúng ta chuyển hướng chiến lược lên vùng Tây Bắc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 12 năm 1952 giành được thắng lợi lớn về mặt chiến lược. Cánh cửa nối liền chiến khu Việt Bắc với vùng Tây Bắc được khai thông tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Trong bối cảnh đó, ở Mỹ, Eisenhower đắc cử làm Tổng thống. Ngày 3 tháng 2 năm 1953, trong bản Thông điệp đầu tiên nhậm chức, Eisenhower đã tuyên bố: “Chúng ta biết rằng chúng ta gắn bó với tất cả các dân tộc tự do không phải chỉ đơn thuần bằng một lý tưởng cao thượng mà bởi một nhu cầu khá đơn giản. Không một nước tự do nào lại có thể bám giữ mãi lấy một đặc quyền hay được hưởng an toàn trong sự cô lập về kinh tế. Nguyên vật liệu của chúng ta có thể đáp ứng đầy đủ cho mọi người nhưng chúng ta cần thị trường trên thế giới để tiêu thụ vật phẩm dư thừa của các đồn điền và nhà máy của chúng ta…. Quy luật cơ bản về sự tương hỗ này, đã thể hiện quá rõ rệt trong nền thương mại thời bình, sẽ được áp dụng ở mức độ cực kỳ mạnh mẽ hơn nữa trong thời chiến[20]. Và chính quyền của Đảng Cộng hòa đã tỏ rõ ý đồ muốn giữ Đông Dương bằng mọi giá với một thái độ chống cộng quyết liệt và thẳng thừng hơn.
Sau khi thất bại ở chiến trường Tây Bắc Việt Nam trong năm 1951 - 1952, đặc biệt ở cụm cứ điểm Nà Sản năm 1952, chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận kế hoạch của Salan và đề nghị với Mỹ tăng thêm viện trợ. Yêu cầu này của Pháp nhanh chóng được Mỹ đáp ứng. Mỹ đang muốn lợi dụng tình hình để gây ảnh hưởng với Pháp về vấn đề Đông Dương.
Trước sự sa lầy ngày càng trầm trọng của Pháp ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương, chính quyền Washington lo sợ một sự sụp đổ hoàn toàn của Pháp trên chiến trường Đông Dương nên đã nhanh chóng tuôn mạnh đồ viện trợ tiếp tế vào Lào và Thái Lan từ năm 1953. Chính sách kiên định của Mỹ là lái cho Pháp tranh xa khỏi bàn hội nghị khi chưa giành được những thắng lợi quân sự quan trọng trên chiến trường. Theo Archimedes L.A..Patti thì Dulles đã nhiều dịp nói với Bidault rằng “Mỹ thấy kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trong điều kiện thuận lợi cho cộng sản là một điều không nên[21]. Mặc dù vậy, Dulles đã cảnh báo rằng nếu sự can thiệp của Trung Cộng vào Đông Dương có thể gây ra một phản ứng của Mỹ “không nhất thiết hạn chế vào khu vực đặc biệt mà cộng sản đã chọn làm chiến trường xâm lược mới của họ[22].
Tại cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ ngày 10 tháng 02 năm 1953, Marvin Arrowsmith thuộc hãng thông tấn AP đã hỏi Eisennhower có phải “việc gửi các chuyên gia sang Đông Dương sẽ có thể dẫn đến việc chúng ta tham gia vào một chiến tranh nóng ở đó không”. Tổng thống chỉ trả lời: “…Không ai có thể chống đối gay gắt hơn tôi trong việc để cho Mỹ dính líu vào một cuộc chiến tranh nóng trong vùng này (tức Việt Nam); vì vậy mọi hành động tôi cho phép đều được tính toán … để không thể xảy ra chuyện đó (tức chiến tranh)[23] và cho rằng “vì đây là trường hợp của các nước độc lập và tự do chống lại sự lấn chiếm của cộng sản[24]. Nhưng trên thực tế thì ngược lại, chính Tổng thống Mỹ Eisenhower tại Hội nghị thống đốc các bang ở Seattle đã thẳng thừng “khi chúng ta bỏ phiếu thông qua món tiền 400 triệu đôla để giúp đỡ cuộc chiến tranh này, chẳng phải là chúng ta chuẩn chi cho một chương trình vô giá trị. Chúng ta đã biểu quyết cho một phương pháp rẻ tiền nhất để ngăn chặn các biến cố có thể gây ra cho nước Mỹ những hậu quả khủng khiếp[25]. Cùng với 400 triệu đôla chi ra và trực tiếp huấn luyện quân đội tay sai bản xứ ở Đông Dương, Mỹ cũng tỏ ra rất hào phóng khi viện trợ cho chính phủ Lanien của Pháp 385 triệu đôla[26]. Và cái gọi là “biến cố” mà Eisenhower nhấn mạnh đó chính là nguy cơ nhân dân Việt Nam thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và Mỹ sẽ mất toàn bộ vùng Đông Dương màu mỡ.
Trước sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã theo dõi một cách chặt chẽ sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến tranh. Lời tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Eisenhower trong cuộc họp báo này đã cho chúng ta thấy được âm mưu rõ ràng của Mỹ trong việc lên kế hoạch trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sẵn sàng đến mức có thể thực hiện điều đó bất cứ lúc nào.
Do tình hình Pháp suy sụp nhanh chóng ở Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải xét đến vấn đề can thiệp quân sự vào Đông Dương. Ngày 6 tháng giêng năm 1954, Trưởng phòng tác chiến Hải quân là Đô đốc R.Anderson đề nghị với Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Wilson đưa các đơn vị chiến đấu ngay tới Đông Dương với lý do dựa trên "sự đảm bảo ủng hộ mạnh mẽ, hợp lý của dân bản xứ đối với quân đội của chúng ta dù có được Chính phủ Pháp đồng ý hay không đồng ý"[27]. Phó đô đốc A.C. Davis khi đó là Giám đốc Nha quân vụ đối ngoại Bộ Quốc phòng của Mỹ đã lo lắng trước diễn biến ở Đông Dương và quan ngại sâu sắc trước sự can thiệp của Mỹ có khả năng dẫn đến việc Mỹ sẽ sa lầy ở chiến trường Đông Dương giống như Pháp nên đã cảnh báo: “Việc quân Mỹ tham chiến ở Đông Dương phải được tránh bằng mọi giá. Còn nếu như lúc đó, chính sách Quốc gia quyết định không thể có biện pháp thay thế nào khác thì Mỹ không nên tự dối mình cho rằng có khả năng chỉ cần tham gia một phần thôi, nhưchỉ sử dụng đơn vị không và phải hải quân”. Chẳng ai có thể vượt được thác Niagara chỉ bằng một con thuyền[28].
Mặc dù vậy, ngày 6 tháng 2 năm 1954, Lầu Năm Góc đã công bố tin gửi 40 máy bay B.26 và 200 nhân viên kỹ thuật dân sự Mỹ sang Đông Dương. Đô đốc A.W. Radford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng của Mỹ, khi điều trần về việc này trước Ủy ban đối ngoại Hạ Nghị viện Mỹ một tháng trước khi Điện Biên Phủ bị bao vây, đã nói rằng kế hoạch Navarre là “một khái niệm chiến lược quy mô lớn, chỉ trong một vài tháng sẽ tạo ra một sự chuyển biến thuận lợi cho tiến trình phát triển cuộc chiến tranh[29].  Trước sự kiện này, báo chí Mỹ bình luận nhiều về lời công bố ngày 6 tháng 2 và cho rằng việc phái các chuyên viên có thể chỉ là một tiền đề cho việc gửi quân chiến đấu sang Đông Dương để bảo đảm cho người Pháp đang bị lung lay và cứu vớt cuộc chiến của Pháp đang xuống dốc.
Ngày 20 tháng 3 năm 1954, Tướng Ely của Pháp đến Washington, Tổng thống Mỹ  Eisenhower đã tiếp Ely ở Nhà Trắng và cuối cùng quyết định làm thỏa mãn các yêu cầu xin tăng thêm viện trợ của Pháp với mọi khả năng để cứu lấy Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn cam go. Tướng Radford đã đề nghị dùng máy bay của không quân và hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tập kích lớn ban đêm vào quân đội Việt Minh ở Điện Biên Phủ và gọi đó là “cuộc hành quân chim Ó” (Operation Vulture), sử dụng khoảng 60 máy bay ném bom B.29 cất cánh từ căn cứ Clark Field ở Philipine và được 150 máy bay chiến đấu của Hạm đội 7 Mỹ yểm hộ[30].
Trong phiên họp ngày 6 tháng 4 năm 1954, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra khả năng “nếu cần sẽ can thiệp để tránh việc mất Đông Dương, và chủ trương không từ một biện pháp nào để làm cho người Pháp kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh của chính họ” và cũng ủng hộ, coi như là phương thức tốt nhất thay thế cho việc Mỹ can thiệp, một tổ chức địa phương trong đó người châu Á sẽ tham gia ở mức tối đa[31].
Khi những cố gắng của Pháp ở Điện Biên Phủ đã bắt đầu bước vào ngõ cụt và hi vọng vào Mỹ thì chính quyền Eisenhower đã từ bỏ sự can thiệp đơn phương vì không có sự đồng ý của Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ cho rằng nếu các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là nước Anh tham dự thì Mỹ mới có thể tham gia. Chính phủ Mỹ bằng các con đường ngoại giao kêu gọi nước Anh cùng tham gia vào kế hoạch cứu Pháp ở Đông Dương nhưng không được chấp nhận. Bên cạnh đó, nước Pháp mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng lại cũng sợ rằng một tổ chức liên minh mang tính quốc tế do Mỹ đứng đầu một khi đã tham dự vào thuộc địa Đông Dương của mình thì sẽ nắm lấy quyền kiểm soát cuộc chiến tranh từ tay họ. Chính vì lẽ đó nên thực dân Pháp chỉ muốn có một sự giúp đỡ của Mỹ trong khu vực ở Điện Biên Phủ trong khuôn khổ “Hành quân chim Ó” mà tướng Radford của Mỹ đã đề ra.
Ngày 4 tháng 5 năm 1954, sau khi Dulles từ Paris trở về Washington đã tiên đoán về sự thất thủ không thể tránh khỏi của Điện Biên Phủ nhưng lại trấn an “việc mất Điện Biên Phủ sẽ củng cố, chứ không làm suy yếu đi, mục tiêu của chúng ta là đoàn kết lại với nhau”. Ông đưa ra một câu hỏi hùng hồn “Chúng ta sẽ làm gì chung quanh cuộc xung đột Việt Nam?”. Ông cảnh báo về nguy cơ “cộng sản nắm chính quyền và sẽ có xâm lược mới thêm”. Ông nói “Nếu việc đó xảy ra, yêu cầu cấp bách hơn hết là phải tạo điều kiện để tiến hành hành động thống nhất để phòng thủ khu vực[32].
Chỉ vài ngày sau, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta ở Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Tiếng súng cuối cùng im lặng vào khoảng 2h sáng giờ địa phương ngày 8 tháng năm năm 1954 và đến 4h chiều hôm đó, giai đoạn hai Hội nghị Genèver được triệu tập để thảo luận vấn đề Đông Dương và Việt Nam.
Nhìn lại sự can thiệp của Mỹ từ năm 1947 đặc biệt là từ năm 1950, với sự cam kết ủng hộ thực dân Pháp và chế độ bù nhìn của Pháp trong cuộc chiến tranh chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam với lý do bảo vệ quyền lợi thực dân của Pháp ở Đông Nam Á trong tấn thảm kịch đang diễn ra, viện trợ của Mỹ ngày càng tăng. Năm 1953 tăng gấp ba lần so với năm 1952; năm 1954 tăng gần gấp đôi so với năm 1953 từ 43% lên đến 78% trong tổng chiến phí của Pháp[33]. Và như vậy, với con số bắt đầu một cách khiêm tốn với 10 triệu đô la năm 1950  Mỹ đã đổ ra một số tiền khổng lồ nhanh chóng vượt quá 1,1 tỉ đô la Mỹ chỉ trong năm tài chính 1954 và chiếm tới 78% chi phí về gánh nặng chiến tranh của Pháp ở Việt Nam[34].
Như vậy, ngay từ sau chiến thắng Biên giới thu đông năm 1950, đặc biệt sự kiện cách mạng Trung Quốc thành công lập ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và những diễn biến mới của phong trào đấu tranh cách mạng trên bán đảo Triều Tiên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hoạch định chiến lược của Mỹ đối với châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng trong đó có Việt Nam. Việc Mỹ ngày càng tham dự vào chiến trường Đông Dương và “chung tiền” với Pháp nhằm chống lại phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương không chỉ là xuất phát từ nỗi sợ hãi bóng ma cộng sản lan tràn từ Liên Xô và Trung Quốc xuống khu vực Đông Nam Á hoặc sang tận vùng Địa Trung Hải thuộc phía Nam châu Âu mà còn xuất phát từ bản chất cố hữu của chủ nghĩa đế quốc: thị trường tiêu thụ, riêng với Mỹ còn là khẳng định vị trí độc tôn của nó trong hệ thống các nước Tư bản chủ nghĩa và âm mưu bá chủ thế giới.
3. Kết luận
Nhìn lại giai đoạn lịch sử Việt Nam từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cho đến công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 thắng lợi của nhân dân ta dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, chúng ta không chỉ thấy sự phức tạp của lịch sử mà còn thấy được sự phức tạp của các mối quan hệ giữa các cường quốc trong chiến lược của họ. Việc nghiên cứu vị trí vai trò và âm mưu chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương, đặc biệt ở Việt Nam đã lý giải cho các câu hỏi đặt ra ngay từ đầu bài nghiên cứu. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một số kết luận bước đầu sau:
1. Ngay từ đầu, nỗi ám ảnh bởi “bóng ma cộng sản” đã ăn sâu vào chóp bu lãnh đạo nước Mỹ làm cho họ bỏ qua những nhận định khá khách quan về Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tổ chức OSS và các tổ chức tình báo khác của Mỹ dày công tìm hiểu. Từ đó, dần từng bước Mỹ chặn lại cánh cửa mưu cầu độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam;
2. Lo lắng bởi hiệu ứng “đomino” của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ dẫn đến sự ra đời các quốc gia độc lập với tầm ảnh hưởng của Liên Xô sẽ thu hẹp hệ thống thuộc địa – thị trường tiêu thụ của chủ nghĩa tư bản, Mỹ đã nhanh chóng chấp nhận sự cầu cứu của Pháp và ngày càng dấn sâu vào chiến tranh ở Đông Dương;
3. Việc Mỹ giúp đỡ Pháp và dần từng bước can thiệp vào Đông Dương, cuối cùng trở thành kẻ cung cấp chiến phí và nhân lực vật lực cho Pháp ở Việt Nam những năm cuối giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đặc biệt trong năm 1954 nhằm thực hiện chiến lược cột chặt sự phụ thuộc về kinh tế  - chính trị của Pháp vào Mỹ như các nước Tây Âu khác. Từ đó hình thành một liên minh kinh tế - chính trị và quân sự bất cân xứng do Mỹ cầm đầu chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa;
4. Mỹ giúp Pháp và can dự vào chiến tranh Đông Dương từ việc viện trợ tài chính cho đến dùng ảnh hưởng giục Pháp lập ra các tổ chức phản cách mạng và đưa những kẻ thân Mỹ vào nắm quyền đã cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược: độc chiếm Đông Dương thành thị trường tiêu thụ và phát huy tầm ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á nhằm tạo vành đai cô lập hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, dập tắt phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
5. Sự thất bại của thực dân Pháp với sự can thiệp của đế quốc Mỹ trên thực tế là nỗi đau của Mỹ khó thừa nhận và vì vậy quyết tâm chiếm lại thuộc địa của Pháp không chỉ xuất hiện sau năm 1954 mà chính là hình thanh ngay từ trong giai đoạn 1945 – 1954. Đó cũng là lý do giải thích vì sao Mỹ và chính phủ bù nhìn Bảo Đại chỉ đơn giản là “ghi nhận” Hiệp định Genève về Đông Dương và Việt Nam, tạo tiền đề cho Mỹ trở lại Việt Nam và Đông Dương sau này.
Tài liệu tham khảo:
1. Âm mưu của đế quốc Pháp – Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Sử học, Hà Nội, năm 1963.
2. Lucien Bodard (2004). Cuộc chiến tranh Đông Dương. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2010). Tổng tập hồi ký, in lần 2. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
4. Nguyễn Phúc Luân (2004). Ngoại giao Việt Nam từ Việt Bắc đến Hiệp định Giơnevơ. Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
5. Archimedes L.A. Patti (2000). Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng.
6. Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội, tập 1, năm 1971.
7. Tiếng sấm Điện Biên Phủ. Nxb Quân dội nhân dân, Hà Nội, năm 1974
8. Hoàng Minh Thảo (Cb – 2004). Điện Biên Phủ - trận thắng thế kỷ. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh – trực thuộc Bộ Chính trị (1996). Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
10. Howard Zinn (2010). Lịch sử dân tộc Mỹ. Nxb Thế giới, Hà Nội.


[1] In trong “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử”, tập 3. Nxb Đại học Quốc gia. Tp Hồ Chí Minh
[2] Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.721
[3] Xem thêm Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội, tập 1, năm 1971, tr.22
[4] DOD: Quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945 – 1967. Tài liệu do Bộ Quốc phòng soạn Washington, cơ quan ấn loát của Chính phủ Mỹ. 1971 – Quyển 1 đến 12 chương I, A-24. Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.720
[5] DOD: Điện số 305 ngày 5/12/1946 của Acheson gửi Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn để chuyển cho Moffat. Lưu trữ quốc gia Mỹ, tài liệu ngoại giao số 851G00/12-346 (CIAC). Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.724 - 725
[6] Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.728
[7] Sđd, tr.747
[8] DOS: Điện số 75 ngày 8/1/1947 của Byrness gửi Đại sứ quán Mỹ (Caffery). Lưu trữ quốc gia Mỹ không có số. Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.731
[9] DOS: Điện số 1737 ngày 13/5/1947 của Marshall gửi Đại sứ quán Mỹ ở Paris (Caffery). Lưu trữ quốc gia, tài liệu ngoại giao số 851.G.005/1347. Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.732 - 733
[10] DOS: Điện số 77 ngày 10/5/1949 của Acheson gửi Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Lưu tại lưu trữ quốc gia Mỹ, tài liệu ngoại giao số 851 G.01/5-649 (CIAC). Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.735
[11] DOS: Giác thư ngày 2/2/1950 của Acheson gửi Tổng thống; vấn đề “Mỹ công nhận Việt Nam, Lào và Kampuchia”. Lưu trữ quốc gia Mỹ. Không số. Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.739
[12] DOS: Điện số 59 ngày 4 tháng 2 năm 1950 của Acheson gửi Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Lưu tại Lưu trữ quốc gia Mỹ, tài liệu ngoại giao. Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.739 - 740
[13] DOS: Điện số 837 ngày 22/2/1950 của Đại sứ quán Mý ở Paris (Caffery) gửi Bộ trưởng ngoại giao Mỹ. Lưu tại Lưu trữ quốc gia Mỹ, tài liệu ngoại giao. Trích theo Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.739 - 740
[14] Archimedes L.A. Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.739 - 740
[15] Howard Zinn. Lịch sử dân tộc Mỹ. Nxb Thế giới, Hà Nội, năm 2010, tr.573
[16] New York Times số ra ngày 12 tháng 2 năm 1950. Trích theo Tiếng sấm Điện Biên Phủ. Nxb Quân dội nhân dân, Hà Nội, năm 1974, tr.236 - 237
[17] Nguyễn Phúc Luân. Ngoại giao Việt Nam từ Việt Bắc đến Hiệp định Giơnevơ. Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, năm 2004, tr.220
[18] Quan hệ Mỹ - Việt Nam. Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ, quyển 1-12 phần II. A2. Trích theo Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.787
[19] Sđd như trên
[20] Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.729
[21] Sđd, tr.811
[22] Sđd, tr.811
[23] Lưu trữ quốc gia: Văn kiện công khai của Tổng thống Mỹ Eisenhower 1954 Washington (USGPO – 1960). Trích theo Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.817
[24] Sđd như trên
[25] Trích theo Tiếng sấm Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1974, tr.241
[26] Lanien: Thảm trạng Đông Dương, trích theo Âm mưu của đế quốc Pháp – Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Sử học, Hà Nội, năm 1963, Tr.20
[27] Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.822
[28] Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.822
[29] Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.816
[30] Sđd, tr.829
[31] Sđd, tr.832
[32] DOS: Chính sách đối ngoại của Mỹ 1950 – 1955. II: 2383 – 2386 - 2390
[33] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh – trực thuộc Bộ Chính trị (1996). Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.190
[34] Archimedes L.A.Patti. Why Vietnam – Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.741