Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

QUÁ TRÌNH KHAI PHÁ VÀ ĐỊNH CƯ CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN CÙ LAO RÉ CUỐI THẾ KỶ XVI ĐẦU THẾ KỶ XVII



QUÁ TRÌNH KHAI PHÁ VÀ ĐỊNH CƯ CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN CÙ LAO RÉ
CUỐI THẾ KỶ XVI ĐẦU THẾ KỶ XVII
Dương Hà Hiếu
Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng
Số 66 - 2015
1. Mở đầu
Cù Lao Ré- huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, nằm ngoài khơi về phía đông bắc của tỉnh Quảng Ngãi, đối diện với hai huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn ở trên đất liền, cách bờ biển 18 hải lý (khoảng 27km). Bên cạnh Cù Lao Ré có một hòn đảo nhỏ gọi là Cù Lao Bờ Bãi và một bãi đá nhô lên khỏi mặt nước gọi là hòn Mù Cu.
Cù LaoRé nằm trong khoảng 150032’14’’ đến 150038’14’’ vĩ độ Bắc và 109005’04’’ đến 109014’12’’ kinh độ Đông. Diện tích toàn đảo Cù Lao Ré là 9,97 km2 với dân số lên đến 21.118 người, mật độ dân số đạt mức 2,045 người.1
Trong quá trình sinh sống lao động sản xuất, đặc biệt là hoạt động đánh bắt hải sản trên biển Đông, cư dân hai của huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã sớm phát hiện ra Cù Lao Ré và tiến ra hòn đảo này khai khẩn đất đai lập phường.Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng nằm giữa đất liền và quần đảo Hoàng Sa nên đến thế kỷ XVII, Cù Lao Ré sớm trở thành nơi tuyển quân đi lính Hoàng Sa.
Mặc dù vậy cho đến nay,hầu hết các công trình nghiên cứu chỉ đề cập đến Cù Lao Ré như một địa điểm tuyển quân cũng như là nơi để Đội Hoàng Sa tiến ra khai thác và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa. Vì lẽ đó trong khuôn khổ bài viết này, với nguồn tư liệu sưu tầm được tại huyện đảo Lý Sơn (tức Cù Lao Ré xưa) cùng các ghi chép trong sách cổ, chúng tôi tập trung nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ về nguồn gốc và thời gian cư dân Việt tiến ra khai phá định cư trên Cù Lao Ré.
2. Nội dung
2.1. Về nguồn gốc cư dân và số lượng
Về nguồn gốc lớp cư dân Việt đầu tiên xuất hiện trên Cù Lao Ré, theo thần tích hiện lưu ở tại đình An Vĩnh và đình An Hải cùng gia phả của các dòng họ thuộc hai xã An Vĩnh và An Hải (thuộc hai xã An Vĩnh và An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay) chứa đựng nhiều thông tin có thể giúp xác định được khoảng thời gian khi các ngư dân ra đảo lập nghiệp.
Theo như gia phả của tộc (họ)Nguyễn (thôn Đông, xã An Hải) thì “Vào đời vua Lê Kính Tông, các tiền hiền ở hai xã An Hải và An Vĩnh đã dùng thuyền ra thăm dò Cù Lao Ré, 15 ông thấy nơi đây cây cối tốt tươi, đất đai màu mỡ, mới cắm đất, đốt cây sau đưa gia đình, anh em ra lập nghiệp. Tám ông đi ra từ An Hải (tức xã An Hải trong đất liền) đã chiếm đất phía đông lập nên An Hải phường ... Bảy ông ra đi từ An Vĩnh (tức xã An Vĩnh trong đất liền) chiếm phần đất phía tây lập nên An Vĩnh phường,… Ranh giới đất của hai làng là dốc tranh giữa đảo”.2Trong bài văn tế lưu tại đình An Hải có đoạn “thuở vua Lê Kính Tông, các vị tư chất thông minh, biết nhìn xa trông rộng lại võ nghệ giỏi vô song, văn chương thông thái, tính tình siêng năng cần mẫn, không ngại khó ngại khổ, chẳng quản xa xôi cách trở, chẳng sợ nắng mưa giông tố, hội tụ với nhau dốc lòng ra đảo, chăm lo mở mang bờ cõi, trăm năm làm nên sự nghiệp. Xây dựng cơ đồ có quy mô đường hoàng, nên con cháu và người lớp sau nguyện thành kính phụng thờ lửa hương để đền đáp công ơn và nguyện noi gương các vị. Kính mong các vị phù hộ cho toàn thể nhân dân an cư lạc nghiệp”.3 Còn theo như Tờ đồng thuận ngày 2 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 9 (1828) hiện lưu tại nhà thờ tiền hiền xã An Hải có đoạn“tám vị tiền hiền được cúng tế tại cổ miếu. Các viên chức, trùm cả Nỗi, thư vụ lệ, thủ bổn trị bảo các trưởng tộc liên danh ký tên vào phó ý”.4
Từ ghi chép của gia phả các dòng họ trên Cù Lao Ré còn lưu lại, bản văn tế hàng năm ở đình làng, từ đường tộc họ cho thấy lớp cư dân đầu tiên từ trong đất liền gồm 15 người dùng thuyền mà nhân dân ở Quảng Ngãi thường gọi là ghe bầu tiến ra đảo vào đời vua Lê Kính Tông (1610 - 1613). Như vậy, lớp cư dân Việt đầu tiên đã dùng thuyền tiến ra đảo Cù Lao Ré khai hoang vỡ hóa rồi đưa theo gia đình vợ con ra sinh sống không nhiều và cũng chỉ là người của hai làng An Vĩnh và An Hải. Trong đó, các tư liệu cũng cho biết cư dân đầu tiên có công đầu trong việc khai hoang vỡ hóa để từ đó đưa thân nhân và bà con ra lập nên phường An Hải gồm có tám người. Tám người này thuộc về các tộc:Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn và Lê. Những cư dân này đến khai phá vùng đất đai có thể nói là khá phì nhiêu và rộng lớn ở chân núi Thới Lới ở phía đông Cù Lao Ré lập ra phường (tức làng theo cách gọi của cư dân Cù Lao Ré) An Hải.
Cũng từ gia phả tộcNguyễn (thôn Đông, xã An Hải) còn cung cấp thêm về số lượng người từ xã An Vĩnh trong đất liền là bảy người. Tính chính xác về số lượng người xuất phát từ xã An Vĩnh trong đất liền được đề cập trong tư liệu này còn được tờ Đơn của phường An Vĩnh xin tách khỏi xã An Vĩnh viết vào năm 1804 hiện còn lưu lại tại đình An Vĩnh (nay là xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) xác nhận. Trong tờ đơn này có đoạn viết “nguyên do là đời trước ông cha thất tộc chúng tôi ở phường này cũng đều là người xã An Vĩnh đã chiếm dụng được xứ Cù Lao Ré ngoài biển: phía đông giáp địa phận xã An Hải, phía tây liền biển, phía nam liền biển, phía bắc gần một cù lao nhỏ”.5 Còn theo gia phả tộcPhạm Văn (thôn Tây, xã An Vĩnh) lại cho biết “các vị tiền hiền ra đảo lập nghiệp vào năm Hoằng Định thứ 96, tức là năm 1609. Từ những tư liệu này cho thấy sự thống nhất về số lượng cư dân của xã An Vĩnh trong đất liền gồm có bảy người thuộc các tộc: Phạm Quang7, Phạm Văn, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn và Đặng di cư ra khai chiếm vùng đất phía tây của Cù Lao Ré để từ đó lập nên phường An Vĩnh.
Không chỉ các tư liệu còn lưu lại trên Cù Lao Ré ghi nhận về sự kiện các cư dân Việt của xã An Vĩnh từ trong đất liền tiến ra đảo sinh cư lập nghiệp mà tư liệu có được từ quê gốc của những cư dân này cũng khẳng định điều đó. Theo ông Vũ Huy Cận (ở xã An Vĩnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, tộcVũ ở xã An Vĩnh nhiều đời làm lý trưởng và có nhiều người ra đảo Lý Sơn làm ăn đến đời thân sinh của ông Vũ Huy Cận là đời thứ 13. Trong gia phả của tộcVũ có ghi: “dân An Vĩnh ra đảo từ thời chúa Tiên (chúaNguyễn Hoàng). Tuy ra đảo nhưng nhân dân vẫn lệ vào xã An Vĩnh (tức xã An Vĩnh trong đất liền)…”.8
Từ các tư liệu trên cho thấy nhiều khả năng các cư dân Việt khi tiến ra Cù Lao Ré lúc đầu chỉ là những người đàn ông của các tộcđã kể trên. Họ không mang theo vợ con ngay từ đầu mà chỉ đem theo công cụ sản xuất như dao, cuốc hoặc chài lưới và lương thực, thực phẩm mà chưa có ý định định cư lâu dài. Mục đích của họ vốn là thăm dò tình hình của hòn đảo. Sau một thời gian thăm dò đảo, chia nhau cắm đất, chặt cây khai hoang, họ mới quay trở về để đưa vợ con ra sinh cư lập nghiệp. Nhiều khả năng trong công cuộc tiến ra Cù Lao Ré, đoàn người của xã An Vĩnh cập vào đảo ở phía nam và đoàn người thuộc xã An Hải lại cập đảo ở phía bắc và vì vậy sau này, họ thành lập phường ở tại địa điểm họ cập đảo đầu tiên đồng thời lấy Dốc Tranh ở giữa đảo để phân chia ranh giới hai phường.
Mặc dù vậy, trước khi những cư dân Việt đặt chân lên đảo thì ở Cù Lao Ré vốn đã có người sinh sống. Họ là cư dân Chăm bản địa vốn là chủ nhân của hòn đảo này mà người Việt gọi họ là “người Hời”. Chính vì lẽ đó mà ở hàng loạt các gia phả, thần tích, truyền thuyết cho đến các bản văn khế mua bán ruộng đất trên Cù Lao Ré đều đề cập đến lớp cư dân này như “đất Hời”, “đất của người Hời”. Cụ thể như Thần tích đình An Hải ghi: “Xưa kia Cù Lao Ré là đất của người Hời, nơi có nhiều cây Ré che phủ. Từ đời vua Lê Kính Tông, tiền hiền đã dùng ghe vượt biển ra đây khai khẩn đất đai lập nên làng xóm”.9
Theo truyền thuyết còn lưu truyền trên đảo thì khi 15 ông tiền hiền dùng ghe vượt biển tới đảo khai khẩn đất đai, dựng nhà cửa thì nơi đây là địa bàn cư trú của người Chăm (người Việt ở đây gọi là người Hời) sinh sống. Nhiều cuộc tranh giành đất đai giữa người Việt và người Chăm đã xảy ra, cuối cùng hai bên quyết định phân giải bằng cách thỏa thuận với nhau trong thời gian ba ngày bên nào xây được lũy đá nơi gianh giới tranh chập thì phần đất đó thuộc về bên thắng cuộc. Trong ba ngày, người Chăm đã huy động toàn lực lượng già trẻ, trai, gái xây dựng lũy đá suốt ngày đêm. Người Chăm tin rằng họ sẽ là người thắng cuộc vì họ có số người đông hơn và khỏe hơn. Nhưng đến rạng sáng ngày thứ ba, một lũy đá của người Việt đã sừng sững dựng lên cao hơn lũy đá của người Chăm. Người Chăm chấp nhận mất phần đất đang tranh chấp. Sở dĩ người Việt thắng được người Chăm trong cuộc thi đọ trí và đọ sức này là vì 15 ông tiền hiền biết bên mình ít người, sức yếu nên họ đã dùng mẹo chặt các cây tre đan thành khối rồi lấy cây Ré đốt thành than, giã ra và hòa trộn với nước đem sơn phết lên các khối hình đan bằng tre. Trong đêm tối nhập nhoạng, bóng các khối hình đó trông y như một lũy đá thật. Sau cuộc tranh chấp này một thời gian, người Chăm tự nguyện rời đảo đi vào vùng đất Phan Rang, Phan Rí. Theo giao ước, người Việt ở lại có quyền khai khẩn đất đai nhưng phải thờ phụng thần Thiên Y A Na và chúa đất Ngu Man Nương của người Chăm.
Điều đáng lưu ý là, sự hiện diện của người Chăm trên Cù Lao Ré không chỉ thể hiện trong các tài liệu gia phả, văn khế mua bán ruộng đất, địa danh hay trong truyền thuyết của cộng đồng cư dân Việt trên đảo mà còn ở các cơ sở tín ngưỡng của người Chăm như chùa Hang, đền thờ Thiên Y A Na (ở xã An Hải), dinh thờ Thiên Y A Na (ở xã An Vĩnh)… Đặc biệt và độc đáo là sự phối thờ thần Thiên Y A Na và Ngu Man Nương của người Chăm trong đình của người Việt trên Cù Lao Ré. Những thông tin này cho phép đi đến kết luận rằng Cù Lao Ré vốn không phải hòn đảo vô chủ mà ngược lại, cư dân Chăm chính là chủ nhân lâu đời sinh sống trên đảo trước khi người Việt ra khai chiếm. Và nhiều khả năng họ chính là hậu duệ của lớp cư dân Sa Huỳnh cổ mà những phát hiện và khai quật khảo cổ trên Cù Lao Ré trong những năm 2003 trở về trước đã khẳng định.
Từ quá trình điền dã tại Lý Sơn, thông qua tiếp cận các trưởng họ và gia phả, chúng ta biết được tên của cụ thể của một số vị trong 15 vị tiền hiền cụ thể như sau:
Stt
Tộc (họ)
Tên tiền hiền
Nguyên quán
Cù Lao Ré
1
Phạm Quang
Phạm Quang Minh
Xã An Vĩnh,
huyện Sơn Tịnh
Phường An Vĩnh
2
Lê Quang Trí
Xã An Vĩnh,
huyện Sơn Tịnh
Phường An Vĩnh
3
Nguyễn
Nguyễn Văn Toán
Xã An Vĩnh,
huyện Sơn Tịnh
Phường An Vĩnh
4
Phạm Văn
Phạm Văn Sỏi
Xã An Vĩnh,
huyện Sơn Tịnh
Phường An Vĩnh
5
Võ Văn Lúa
Xã An Vĩnh,
huyện Sơn Tịnh
Phường An Vĩnh
6
Dương
Dương Công Lương
Xã An Hải,
huyện Bình Sơn
Phường An Hải
7
Võ Nước
Xã An Hải,
huyện Bình Sơn
Phường An Hải
8
Trương
Trương Đình Cát
Xã An Hải,
huyện Bình Sơn
Phường An Hải
9
Nguyễn
Nguyễn Nhất Lang
Xã An Hải,
huyện Bình Sơn
Phường An Hải

Chính vì công lao to lớn của các bậc “khai canh phá địa” đầu tiên trên Cù Lao Ré mà sau này họ mất đi, ngoài việc họ được con cháu dòng tộc thờ phụng hương khói ở nhà từ đường còn nhân dân của cả hai phường đã lập nhà thờ chung gọi là “nhà thờ Tiền hiền” khai phá ra đất đai lập nên phường của mình để ghi công. Nhân dân trên Cù Lao Ré có câu nói cửa miệng mà ai cũng thuộc đó là “Tiền hiền khai khẩn,hậu hiền khai cư”. Ở nhà thờ Tiền hiền của xã An Hải có đôi câu đối nói về các vị tiền hiền như sau:“Tiền công thọ lộc thiên thu tại/ Hiền nghiệp quy mô vạn cổ truyền”.
Liên quan đến lớp cư dân gồm 15 người đầu tiên ra Cù Lao Ré còn có sự kiện “cắt trưởng”. Đó là sau này trong 15 vị tiền hiền đầu tiên có công khai chiếm Cù Lao Ré lại có hai vị không được gọi là tiền hiền. Điều này không có nghĩa hai người không phải thuộc lớp người đầu tiên mà là bị nhân dân hai phường trên Cù Lao Ré truất quyền và “giáng” làm “tiên công”. Đồng thời hai người bị phế bỏ khỏi hàng ngũ tiền hiền này đều không được phối thờ chung với 13 vị còn lại ở nhà thờ Tiền hiền cũng như không được dự họp bàn việc của phường ở đình. Theo dân gian, việc truất quyền tiền hiền đều diễn ra trong một năm và ở cả hai phường An Vĩnh và An Hải.
Theo hồi ức dân gian của nhân dân hai xã An Vĩnh và An Hải trên Cù Lao Ré còn cho biết, vào năm Tân Dậu (1621) thời chúa Phật (chúa Nguyễn Phúc Nguyên), phường An Vĩnh và An Hải đều xảy ra sự kiện mỗi phường phế truất một ông tiền hiền. Ởphường An Vĩnh phế truất ông tiền hiền họ Đặng và phường An Hải phế truất ông tiền hiền họ Lê.
Lý do mà nhân dân phường An Hải phế truất vị tiền hiền này là vì nhân ngày giỗ kỵ tổ chung (tức ngày giỗ chung của támtộc đối với các vị tiền hiền), họ Lê đứng ra tổ chức cỗ cúng và khoản đãi các tộc. Bà vợ của ông tộc trưởng họ Lê là người Huế đã nói bánh ít làm cúng các vị tiền hiền giống phân trâu làm cho dân làng và đại diện các tộc đã phẫn nộ, cho là tộc Lê đã phỉ báng các bậc thủy tổ nên không thể tha thứ. Đại diện dân làng và các tộc tiền hiền đã họp và phát đơn kiện về tận Lục bộ để xin truất quyền làm tiền hiền của tộcLê. Lý do đâm đơn về tận Lục bộ được lý giải là vì trước đó Lục bộ đã phong cho 15 người đầu tiên ra khai chiếm Cù Lao Ré nên khi việc cắt một người nào đó ra không được làm tiền hiền cũng phải do Lục bộ ra văn bản. Phường An Hải kiện đi kiện lại đến ba lần, Lục bộ mới ra giấy cho phép xóa tên tộcLê ra khỏi danh sách tiền hiền và đưa bài vị thủy tổ tộcLê ra khỏi nhà thờ Tiền hiền cũng như ở đình. Mặc dù vậy, một thời gian sau, nhân dân lại thấy xuất hiện bài vị của tộc Lê ở trong nhà thờ Tiền hiền lại đem bỏ ra đến lần thứ ba mới được. Hiện nay, ở nhà thờ Tiền hiền của xã An Hải (tức phường An Hải xưa) còn lưu lại Tờ đồng thuận lập ngày mồng 2 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 9, nội dung có đoạn như sau: “Phủ Quảng Nghĩa, huyện Bình Sơn (...) nội phủ Lý Sơn, phường An Hải bảy tộclập tờ đồng thuận: do tổ tiên đời trước, bảy tộc họ khai khẩn chiếm đất, có công sáng nghiệp,… Một lần vào ngày 19 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 9, bổn phường cùng các tộc cúng tế tại cổ miếu. Các tộc thắng thủ bổn trị của bổn phường biên lập phó ý tăng thêm làm tám vị tiền hiền được cúng tế tại cổ miếu. Các viên chức, trùm cả Nỗi, thư vụ lệ, thủ bổn trị bảo các trưởng tộc liên danh ký tên vào phó ý. Đến cùng các tộc nghe đọc phó ý mới biết tộc Lê đã nhập năm Mậu Thìn”. 10
Chính vì việc họ Lê tự động đem bài vị vào nhà thờ chung của bảy tộc mà“các tộc mới hỏi viên chức ấy và tộc Lê nhập năm ấy mà có tờ đồng thuận không. Thủ vụ Lệ cùng trùm cả Nỗi tức là anh em mà trong nhà thường ngăn trở con cháu bảy tộc nhiều lời rất nhục nhã khiến các tộc khó nghe khó nhẫn nhục”.11 Sự đôi co giữa các bên đã làm cho bảytộcquyết đưa bài vị tộcLêra khỏi nhà thờ Tiền hiền và “khiến các tộc của bổn phường những người dân đăng tịch lập tờ đồng thuận, liên danh ký chỉ làm sáng tỏ việc ấy đến quan trấn, có tổn phí bao nhiêu thì chúng tôi cũng bằng lòng thuận chịu, vì thế nay lập tờ đồng thuận”.12
Còn lý do truất vị tiền hiền của tộc Đặng cũng liên quan đến việc thờ phụng các vị tiền hiền. Theo dân gian thì lệ của bảy tộc ở phường An Vĩnh là các tộcluân phiên thay nhau làm cỗ cúng các vị tiền hiền. Vào năm 1621, tộcĐặng làm cơm cúng và đãi đằng các tộc nhưng lại cúng đồ ôi thiu làm từ hôm trước. Khi các tộcphát hiện ra, vợ chồng tộc trưởng họ Đặng đã “lộng ngôn”, không chỉ xúc phạm đến các tộc mà còn xúc phạm đến các vị tiền hiền. Chính vì điều này, sáu tộc còn lại cùng đại diện dân phường đã làm đơn xin truất tộc Đặng ra khỏi danh sách các vị tiền hiền và từ đó chỉ còn sáu vị tiền hiền được nhân dân phụng thờ ở đình và sau đó là đưa về Âm Linh tự.13 Bên cạnh đó, theo lý lịch di tích đình An Vĩnh thì việc truất ngôi tiền hiền của tộcĐặng còn có lý do khác đó là “tộc Đặng liên quan đến giặc biển”.14
Sau khi phế truất hai vị tiên hiền thành công, các dòng họ đã nhóm họp và quyết định không cho hai họ này được tham dự vào các ngày cúng tế, hội hè ở đình làng và tên tuổi các ông cũng bị xóa bỏ trong sổ công đức của hai xã An Hải và An Vĩnh trong đất liền. Hai sự kiện này xảy ra tại phường An Hải và ở phường An Vĩnh của Cù Lao Ré, được người dân gọi là sự kiện “cắt trưởng”. Các ngày tết lễ trong năm được tổ chức ở các đình làng An Vĩnh, An Hải và ở Âm Linh tự xã An Vĩnh, con cháu của các bậc tiền hiền vẫn tụ họp về các địa điểm trên để cúng tế các vị “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cư”. Đặc biệt, ngày 20 tháng 2 và ngày 6 tháng 7 âm lịch hàng năm ở hai xã An Vĩnh và An Hải là hai ngày tế lễ quan trọng diễn ra ở đình và ở các nhà thờ tộc họ. Trong các ngày tế lễ này, người ta chỉ nhắc đến công lao khai khẩn của 13 ông gọi là “thất tộc” và “lục tộc” còn hai ông họ Đặng và họ Lê chỉ được coi là hai vị tiên công mà không được xếp vào hàng đức thủy tổ được thờ cúng ở đình làng.
Từ sự kiện phế truất hai ông tộc Đặng ở phường An Vĩnh và tộc Lê ở phường An Hải mà chỉ còn lại 13 vị tiền hiền. Chính vì lẽ đó, nhân dân ở phường An Vĩnh gọi sáu ông tiền hiền của mình là “Lục tộc” còn ở phường An Hải thì gọi bảy ông còn lại là “Thất tổ”. Và vì lẽ đó khi nhắc đến các vị tiền hiền khai chiếm Cù Lao Ré, người dân trên đảo thường chỉ nhắc đến 13 ông “Thất tổ; Lục tộc” mà thôi. Có lẽ vì điều này mà trong luận án tiến sĩ Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa củaNguyễn Nhã15 đã chỉ đề cập đến “Lục tộc” của An Vĩnh và “Thất tổ” của An Hải và đi đến khẳng định chỉ có 13 người này là lớp người Việt đầu tiên ra khai khẩn Cù Lao Ré.
Như vậy với các tư liệu cho thấy, lớp cư dân đặt những bước chân đầu tiên lên Cù Lao Ré chính là những người dân của hai xã nằm liền kề bên bờ biển là An Vĩnh và An Hải của hai huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn ở trong đất liền của tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể là các tộc: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn và Lê (ở xã An Hải) và các tộc: Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Đặng (ở xã An Vĩnh). Với công lao của lớp cư dân đầu tiên mà trong các tư liệu nói đến là 15 người của hai xã An Vĩnh và An Hải từ đất liền ra khai chiếm Cù Lao Ré, sau này được nhân dân suy tôn là tiền hiền. Như vậy, có 15 tộc được gọi là tộc Tiền hiền được toàn thể nhân dân trên đảo ngưỡng vọng. Những người thuộc các dòng họ khác nhau từ đất liền ra Cù Lao Ré sinh cư lập nghiệp về sau dù công lao đến mức độ nào, thậm chí dù được giữ các chức tước quản lý sau khi hai phường là An Vĩnh và An Hải tách khỏi sự phụ thuộc vào hai xã trong đất liền thành hai xã độc lập, thì họ cũng không được phong tiền hiền mà chỉ được gọi là hậu hiền.
2.2.Về thời gian khai chiếm lập phường An Vĩnh và An Hải
Vấn đề đặt ra là hai tốp người xuất phát hai xã An Vĩnh và An Hải từ đất liền ra Cù Lao Ré có cùng đồng thời hay không và ra Cù Lao Ré vào khoảng thời gian nào? Vì sao khi đến Cù Lao Ré lập nghiệp thì cư dân của mỗi xã lại lựa chọn ở mỗi đầu của hòn đảo để lập nghiệp cách xa nhau như vậy? Đó là những vấn đề đặt ra một cách nghiêm túc khi nghiên cứu về lịch sử của Cù Lao Ré với sự hiện diện của cộng đồng cư dân Việt. Khi giải đáp được những câu hỏi này sẽ giúp cho việc làm sáng tỏ lịch sử khai phá đất đai, định cư sinh sống lâu dài lập phường (làng) của người Việt trên Cù Lao Ré. Đồng thời cũng cho thấy vị trí vai trò của Cù Lao Ré, cũng như vai trò của nhân dân trên đảo đối với hoạt động của Đội Hoàng Sa trong việc khai thác và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Liên quan đến vấn đề này, Võ Văn Hồng trong cuốn Lý Sơn truyền thống và cách mạng có viết: “Cù Lao Ré- tên gọi trước đây của huyện đảo Lý Sơn - là vị trí tiền tiêu của tỉnh (sic.) Quảng Nam. Tháng 6 năm Ất Tỵ(1545) niên hiệu Nguyên Hà thứ 13, Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán theo cờ Cần vương “phù Lê diệt Mạc”, vâng lệnh nhà vua đem quân đi vỗ yên biên trấn Quảng Nam, đã theo đường biển đổ quân lên đảo này, lấy đây làm nơi diễn tập chiến trận, diễn tập hành quân. Cù Lao Ré trở thành căn cứ xuất quân của Bùi đô đốc tiến vào đất liền bắt quân nhà Mạc phải đầu hàng. Những người Việt ở lại đã lập một am thờ riêng cho Bùi Tá Hán, di tích ấy vẫn còn được tế lễ hàng năm”.16
Quan điểm cho rằng năm 1545 đã có người Việt sinh sống trên Cù Lao Ré có lẽ chưa được chính xác bởi theo tác giả thì nhận định đó được rút ra từ các công trình:Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lụcViệt sử thông giám khảo lược. Nhưng thực tế thì ba nguồn thư tịch cổ mà tác giả viện dẫn lại không có tư liệu nào phản ánh sự kiện người Việt sinh sống trên đảo ngay từ năm 1545. Đồng thời cũng không phát hiện ra dấu tích về sự tập trận của quân lính do Bùi Tá Hán lãnh đạo ở Cù Lao Ré, dù là ở dạng tục truyền dân gian. Mặc dù vậy, trong khu vực đình làng An Hải có một am thờ Bùi Tá Hán và nhân dân coi ông là Thành hoàng được tế lễ hàng năm. Có thể giải thích hiện tượng này là vì “Đến lúc Thái tổ Gia Dụ hoàng đế (chúa Nguyễn Hoàng) vào trấn Thuận Hóa, Tá Hán đem binh sĩ dinh Quảng Nam theo giúp, được tặng Thái bảo và cho thụy là Thành cảm địch nghị uy vọng huân đức chiêu tá mậu tích tuyên uy tôn thần. Sau thường tỏ anh linh. Các triều trước khen là sống trung nghĩa, chết anh linh, sai lập miếu thờ và ban cho đồ thờ. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) gia phong Khuông quốc tỉnh biên thụ đức thượng đẳng thần”.17 Trên bài vị thờ Thành hoàng tướng quân Bùi Tá Hán ở đình làng An Hải cũng ghi là Khuông quốc tịnh biên thọ đức thượng đẳng thần.
Thông qua quá trình điền dã tại huyện đảo Lý Sơn, khi đề cập đến việc người Việt định cư trên đảo cũng không có một manh mối nào cho biết có người Việt định cư trên Cù Lao Ré trước lớp cư dân từ xã An Vĩnh và An Hải trong đất liền ra đảo.
Có thể nói, công trình đầu tiên đề cập đến Cù Lao Ré là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá (tự Công Đạo), biên soạn vào năm Chính Hòa thứ 7(1686).18 Trong công trình này, Đỗ Bá đã vẽ bản đồ vùng phủ Tư Nghĩa, phủ Thăng Hoa và Cù Lao Ré nằm ở phía ngoài cửa Đại và cửa biển Sa Kỳ với chú giải “Ngoài cửa Sa Kỳ có một núi. Trên núi có nhiều sản mộc, tên là núi Du Trường, có tuần”.19 Những thông tin chú giải ít ỏi trên bản đồ của Đỗ Bá không hé lộ thêm thông tin gì về việc có người Việt định cư trên đảo hay chưa, song tư liệu này đã cho thấyCù Lao Ré ở thời điểm này được gọi là Du Trường và nằm trong lãnh thổ của Đại Việt.
Các công trình lịch sử, địa lý quốc gia và các tác phẩm cá nhân thời phong kiến đều không đề cập đến lịch sử khai phá Cù Lao Ré cũng như thời điểm xuất hiện cư dân Việt trên hòn đảo này mà đa phần đều phản ánh về Cù Lao Ré khi đã xuất hiện hai phường (cách gọi làng của cư dân Cù Lao Ré) là phường An Vĩnh và phường An Hải. Trong khi đó, nguồn tư liệu sưu tầm được tại Cù Lao Ré như gia phả các tộc họ, thần tích đình trên Cù Lao Ré có đề cập những khoảng thời gian tương đối khác nhau về sự hiện diện của người Việt, cụ thể là cư dân của hai xã An Vĩnh và An Hải trong đất liền trên hòn đảo này.
Theo như gia phả của tộcNguyễn (thôn Đông, xã An Hải) đã đề cập thì “Vào đời vua Lê Kính Tông, các tiền hiền ở hai xã An Hải và An Vĩnh đã dùng thuyền ra thăm dò Cù Lao Ré20, hay văn tế lưu tại đình An Hải có đoạn “thuở vua Lê Kính Tông, các vị tư chất thông minh, biết nhìn xa trông rộng lại võ nghệ giỏi vô song, văn chương thông thái, tính tình siêng năng cần mẫn, không ngại khó ngại khổ, chẳng quản xa xôi cách trở, chẳng sợ nắng mưa giông tố, hội tụ với nhau dốc lòng ra đảo, chăm lo mở mang bờ cõi”.21 Bên cạnh đó, thần tích đình An Hải cũng cung cấp thêm thông tin về khoảng thời gian ra Cù Lao Ré như sau: “Từ đời vua Lê Kính Tông, tiền hiền đã dùng ghe vượt biển ra đây khai khẩn đất đai lập nên làng xóm… Nhờ sự phò trợ của thần linh, ơn đức sâu, công dầy của tiền hiền, năm Gia Long thứ 7 (1807), hậu hiền lập đình bái tạ…”.22
Mặc dù vậy, theo tư liệu hồi cố của cụ trưởng tộc họ Võ An Hải là Võ Tốt (71 tuổi, ở xã An Hải) thì “dòng họ này tiến ra Cù Lao Ré vào năm 1597 nhưng đến 1613 mới chính thức ra ở nhưng vẫn đi lại với quê gốc trong đất liền. Các bậc tiền hiền có các cụ họ Dương (Dương Công Lương), họ Nguyễn (Nguyễn Nhất Lang) và họ Trương (Trương Đình Cát) đưa về đất liền chôn cất”.23
Như vậy, theo các tư liệu thu thập được tại xã An Hải (huyện Lý Sơn ngày nay) cho thấy một khung thời gian tương đối thống nhất đó là vào thời vua Lê Kính Tông trị vì (1599 - 1619) thì lớp cư dân đầu tiên của hai xã An Vĩnh và An Hải từ trong đất liền ra Cù Lao Ré khai khẩn đất đai và đưa vợ con ra sinh cơ lập nghiệp. Bên cạnh đó còn có một mốc thời gian là 1597 và 1613 theo tư liệu hồi cố của trưởng tộc họ Võ xã An Hải cung cấp.
Trong khi các tài liệu phát hiện được từ xã An Hải đều thống nhất về thời điểm các bậc tiền nhân ra Cù Lao Ré thì các gia phả của các dòng họ ở xã An Vĩnh lại đưa ra những thông tin khác về khoảng thời gian các vị tiền hiền của họ ra khai chiếm Cù Lao Ré.
Theo như gia phả tộcPhạm Văn (thôn Tây, xã An Vĩnh) cho biết thì “các vị tiền hiền ra đảo lập nghiệp vào năm Hoằng Định thứ 924, tức là vào năm 1609. Dựa vào thông tin “năm Hoàng Định thứ 9” trong gia phả tộc Phạm Văn, Nguyễn Nhã lấy đây là mốc thời gian cư dân Việt xuất hiện trên Cù Lao Ré.25 Tuy nhiên bên cạnh đó, gia phả của tộcVũ (xã An Vĩnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) lại cho biết một thông tin khác hơn như sau: “dân An Vĩnh ra đảo từ thời chúa Tiên (Nguyễn Hoàng). Tuy ra đảo nhưng nhân dân vẫn lệ vào xã An Vĩnh (tức xã An Vĩnh trong đất liền). Trong xã có đền thờ chúa Nguyễn Phúc Chu, hàng năm cứ đến mồng 10 tháng Giêng thì lễ chúa. Lệ làng quy định ai ở phường An Vĩnh (ở Cù Lao Ré) cũng phải đóng góp tiền để làm lễ…”.26
Tư liệu này cho biết Nguyễn Hoàng chính thức làm trấn thủ vùng Thuận - Quảng là từ năm 1558, đến năm1613 thì mất, truyền ngôi cho con là Nguyễn Phúc Nguyên. Theo như gia phả của dòng họ Vũ, thì chỉ có khả năng bảy cư dân đã tiến ra Cù Lao Rélà vào thời chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ vùng Thuận - Quảng, tức là khoảng từ năm 1558 năm đến 1613, nhưng không xác định rõ là vào năm nào. Đồng thời, tư liệu này không cho biết lớp cư dân đầu tiên tiến ra Cù Lao Ré có định cư sinh sống luôn không, hay vừa hoạt động kinh tế ở cả Cù Lao Ré và trong đất liền.
Còn theo ghi chép điền dã từ tư liệu hồi cố của cụ trưởng tộc họ Phạm Quang thì “tộc Phạm Quang cùng nhân dân vốn xuất phát từ tỉnh Thanh Hóa ngày nay theo Nguyễn Hoàng vào Nam và di cư đến vùng Quảng Ngãi, định cư ở xã An Vĩnh từ năm 1592. Đến năm 1604, tộcNguyễn Quang cùng các tộc khác ra Cù Lao Ré khai hoang và đến năm 1612 mới chính thức ra Cù Lao Ré định cư”. Cũng theo ông, đến “năm 1804, phường An Vĩnh mới được tách khỏi An Vĩnh trong đất liền, trở thành đơn vị hành chính độc lập”. Mốc thời gian này cũng trùng lặp với lời kể của cụ Nguyễn Ghe (62 tuổi, thôn Tây, An Vĩnh) thuộc tộcNguyễn. Từ đó cho thấy một phông thời gian khác là từ 1604 cư dân An Vĩnh ra Cù Lao Ré và thực sự định cư vào 1612, tức là hoàn toàn không còn nhận đất đai trong đất liền để làm kinh tế.Theo hồi cố của cụ Phạm Đa (82 tuổi) thuộc tộcPhạm Văn (An Vĩnh), tộcnày có Phạm Hữu Nhật (là Thủy quân suất đội của Đội Hoàng Sa),thì vào thời vua Lê Kính Tông (1599 - 1619), ông tổ là Phạm Văn Sỏi đã đưa hai người con là Phạm Đình Triệu và Phạm Văn Linh ra Cù Lao Ré.
Từ các sự kiện mà các nguồn tư liệu cung cấp về thời gian lớp cư dân Việt đầu tiên tiến ra khai phá và định cư ở Cù Lao Ré, chúng tôi tổng hợp thành bảng sau:
Stt
Thời gian
Chú thích
An Hải
1
1599 - 1619
Gia phả tộcNguyễn và thần tích, văn tế đình An Hải
2
1597 - 1613
Cụ Võ Tốt 71 tuổi, tộc trưởng tộc Võ ở An Hải
An Vĩnh
3
1609
Gia phả tộc Phạm Văn
4
1558 - 1613
Gia phả tộc Vũ (An Vĩnh, Sơn Tịnh)
5
1604 - 1612
Cụ Nguyễn Ghe 62 tuổi, người tộcNguyễn;
tộc trưởng tộc Phạm Quang
6
1599 - 1619
Cụ Phạm Đa 82 tuổi, tộc Phạm Văn

Từ những thông tin trong các gia phả các dòng họ, thần tích, văn tế đình làng cũng như tư liệu hồi cố của các bậc cao niên trên Cù Lao Ré, chúng tôi thấy có sự khác biệt về thời điểm tiến ra khai phá định cư trên hòn đảo này. Mặc dù vậy, nếu lấy mốc xa nhất là vào năm 1619, tức là năm vua Lê Kính Tông mất thì cư dân Việt mới xuất hiện trên Cù Lao Ré như trong các tài liệu đã cho biết thì hoàn toàn không có cơ sở. Bởi vì trước đó một năm, tức là vào năm 1618, hai phường trên Cù Lao Ré đã đo đạc ruộng đất để phân chia nộp thuế cho chính quyền chúa Nguyễn. Việc này được ghi rõ trong gia phả tộcNguyễnhậu hiền (thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) như sau “...năm 1618, quan phủ sai người ra (Cù Lao Ré) khám đo đạc ruộng đất, cho phép xứ dưới quyền quản lý của Cai cơ thủ ngự cửa biển Sa Kỳ…”.27Ngoài ra, cụ Nguyễn Giữ là tộc trưởng tộc này còn cho biết cụ tổ của ông là Nguyễn Tú Thể được cử ra đo đạc địa trình để báo cáo với chính quyền. Sau khi đo đạc ruộng đất xong, cụ ở lại lấy vợ và định cư luôn ở Cù Lao Ré. Sự kiện năm 1618 chính quyền cho đo đạc ruộng đất trên Cù Lao Réghi nhận trong gia phả tộc Lê (thôn Tây, xã An Vĩnh) tương tự như trong gia phả tộcNguyễn.
Trong khi đó, các tư liệu còn lại đều đưa ra khoảng thời gian Nguyễn Hoàng trấn thủ vùng Thuận - Quảng (1558 - 1613) là khoảng thời gian các bậc tiền hiền của An Vĩnh và An Hải ra đất liền sinh cư lập nghiệp.
Những chứng cứ dẫn trên cho thấy cư dân Việt không thể xuất hiện trên Cù Lao Ré từ năm 1545 như Võ Văn Hồng đã khẳng định vì không có cơ sở tư liệu nào xác nhận điều này. Song các cư dân Việt cũng không thể xuất hiện quá muộn vào năm 1619, tức là năm vua Lê Kính Tông mất, bởi vì vào năm 1618 ở Cù Lao Ré đã xảy ra việc đo đạc ruộng đất.
Sự kiện đo đạc ruộng đất trên Cù Lao Révào năm 1618 cho thấy vào thời điểm này, cư dân Việt trên đảo đã hình thành hai phường (làng) ở đây là phường An Vĩnh và phường An Hải. Điều này cho thấy, chỉ khi nào quá trình khai khẩn đất đai đảm bảo cho cuộc sống định cư lâu dài trên Cù Lao Ré giúp cho lớp người Việt đầu tiên này có khả năng “ly hương”, tức là xin không nhận đất đai canh tác và đóng thuế ở An Vĩnh và An Hải trong đất liền thì sau đó mới dẫn đến sự kiện đo đất trên Cù Lao Ré để bổ thuế, đảm bảo nguồn thu của nhà nước. Trong khi đó, cư dân Việt đầu tiên tiến ra đảo khai phá đất đai, sinh cư lập nghiệp trên Cù Lao Ré không thể diễn ra trong vòng vài năm mà phải diễn ra trong một khoảng thời gian dài nhất định, thậm chí có thể trên dưới 20 chục năm, đó là chưa kể khoảng thời gian đầu người Việt đặt chân lên khai chiếm đảo.
Từ đó cho thấy, các bậc tiền hiền của Cù Lao Ré- lớp cư dân Việt đầu tiên của đảo - nhiều khả năng đã khám phá ra hòn đảo từ những thập niên cuối của thế kỷ XVI. Trong quá trình tiến ra Cù Lao Ré khẩn hoang, giai đoạn đầu họ vẫn chưa có khả năng thoát ly về kinh tế với đất liền. Sau này, khi đất đai đã được khai chiếm đảm bảo cho việc định cư lâu dài, đặc biệt là giải quyết vấn đề đất đai với cư dân Chăm bản địa trên đảo thì họ đưa cả gia đình ra định cư. Đến những năm cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, những cư dân Việt định cư trên Cù Lao Ré đã hình thành nên hai cộng đồng cư dân là người của An Vĩnh ở phía tây và người của An Hải ở phía đông, từ đó lập ra hai phường là An Vĩnh và An Hải. Đây là tiền đề để đến năm 1618, chính quyền phong kiến trong đất liền cử người ra đo đạc đất đai trên đảo, phân chia địa giới, đồng thời định mức đất đai để bổ thuế.
3. Kết luận
Cùng với quá trình di cư tìm vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp mở rộng lãnh thổ, người Việt đã chinh phục các hòn đảo ven bờ trong đó có hòn đảo Cù Lao Ré mà tiếng Chăm gọi là “Pulau Ré” và trong các tài liệu phương Tây gọi là Pulo Canton. Trong quá trình hoạt động đánh bắt hải sản trên Biển Đông, cư dân hai xã An Vĩnh (Sơn Tịnh) và An Hải (Bình Sơn) đã phát hiện ra Cù Lao Ré nằm đối diện với bờ biển hai xã ngoài biển khơi.
Từ việc tìm hiểu các nguồn tư liệu cho chúng ta thấy vào những thập niên cuối thế kỷ XVI đã diễn ra quá trình khai phá định cư của 15 cư dân của hai xã An Vĩnh và An Hải trênCù Lao Ré. Họ ra đây khai khẩn đất đai và từ đó đưa gia đình, anh em ra định cư trên đảo. Theo thời gian khẩn hoang sinh cư lập nghiệp đến những năm đầu của thế kỷ XVII, trên Cù Lao Ré đã hình thành hai phường (làng) lấy theo tên xã gốc trong đất liền là An Vĩnh và An Hải.Để ghi công 15 cư dân đầu tiên có công khai phá lập phường, nhân dân Cù Lao Ré đã suy tôn họ là những bậc tiền hiền khai khẩn, lập nhà thờ chung để thờ phụng.
Với vị trí chiến lược đặc biệt, Cù Lao Ré không chỉ là án ngữ trên con đường thương mại quốc trên biển mà còn là bàn đạp để cư dân Việt tiến ra Biển Đông đánh bắt hải sản, từ đó phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi. Trên cơ sở đó, nhà nước phong kiến Việt Nam lập ra Đội Hoàng Sa để khai chiếm quần đảo này và cư dân Cù Lao Ré lại một lần nữa đóng vai trò quan trọng đặc biệt với sự nghiệp khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia với quần đảo Hoàng Sa giữa biển Đông từ thế kỷ XVII cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam vào năm 1858.
D.H.H.
Chú thích
1 Cục Thống kê, Phòng Thống kê huyện Lý Sơn, Niên giám thống kê năm 2010, Tài liệu lưu trữ tại Phòng Thống kê huyện Lý Sơn, (2011).
2, 20, 26Gia phả họ Nguyễn(thôn Đông, xã An Hải), lưu tại nhà ông Nguyễn Ấn, giáo viên trường Tiểu học An Hải.
3, 21Văn tế đình làng An Hải, lưu tại đình làng xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
4, 10, 11, 12Đoàn Ngọc Khôi,Tờ đồng thuận lập ngày mồng 2 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 9, phần Phụ lục bản D, trong Hồ sơ khoa học di tích đình làng và nhà thờ tiền hiền xã Lý Hải,Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao Quảng Ngãi, (Quảng Ngãi: 1996), 4.
5, 14Đoàn Ngọc Khôi,Lý lịch di tích đình An Vĩnh (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn),Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao Quảng Ngãi, (Quảng Ngãi: 2013), 30, 3.
6, 15, 25Nguyễn Nhã,Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, (TPHCM: 2002), 64.
7Trong cuốn Văn hóa truyền thống đảo Lý Sơn, nhóm tác giả Đoàn Ngọc Khôi, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đăng Vũ, Phan Đình Độ và Phạm Văn Bốn ghi là tộc Phạm Khắc (Quảng Ngãi: 2002), 32.
Trong khi đó, luận án tiến sĩ Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (2002) của Nguyễn Nhã và luận văn thạc sĩ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX (2001), đều không nhắc đến 15 người đầu tiên ra Cù Lao Ré và được phong làm tiền hiền này.
Việc ghi danh tộc này là Phạm Khắc, thay vì Phạm Quang là một nhầm lẫn đáng tiếc vì trong quá trình điều tra điền dã tại Lý Sơn, chúng tôi tiếp xúc với tộc trưởng tộc Phạm tiền hiền và gia phả của tộc này thì thấy ghi là tộc Phạm Quang. Tộc Phạm Quang sau này có Phạm Quang Ảnh được vua Gia Long sai chịu trách nhiệm dẫn đường cho Đội Hoàng Sa đi thuyền ra quần đảo Hoàng Sa đo đạc thủy trình vào năm 1815.
8Gia phả họ Vũ, lưu tại nhà ông Vũ Huy Cận 89 tuổi, xã An Vĩnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
9, 22Thần tích đình An Hải, do ông Nguyễn Xuân Cảnh làm nghề thầy cúng 70 tuổi tại xóm Trung Yên, xã An Hải cung cấp.
13Do chiến tranh, hỏa hoạn nên linh vị sáu vị tiền hiền liên tục được di chuyển đến các nơi khác để thờ phụng. Hiện nay các linh vị này đã được đưa vào Âm Linh tự thờ chung cùng các chiến sĩ trận vong và đi lính Hoàng Sa bị mất ngoài biển. Phía trước Âm Linh tự còn có những ngôi mộ gió là những ngôi mộ đất được đắp lên để gọi hồn những người lính Hoàng Sa tử nạn mất xác.
16 Võ Văn Hồng, “Lý Sơn truyền thống và cách mạng”,Cẩm Thành, Số 9/1996, 13.
17 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2. Thuận Hóa (Huế: 2006), 516 – 517.
18 Về năm xuất hiện Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá trước đây có nhiều ý kiến khác nhau: Trương Bửu Lâm trong Hồng Đức bản đồ do Viện Khảo cổ Sài Gòn xuất bản năm 1962 ở phần Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư cho rằng công trình này của Đỗ Bá soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653; Trong bài “Quần đảo Hoàng Sa” của Hoàng Xuân Hãn in trong Sử Địa, Số 29 (Sài Gòn: 1975), 3 thì cho rằng: “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” vẽ vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1471); Đinh Kim Phúc trong Hoàng Sa - Trường Sa luận cứ và sự kiện(Hà Nội: Thời Đại, 2012), 81 đưa ra thông tin giống Trương Bửu Lâm. Cùng quan điểm này còn có Nguyễn Đình Đầu trong sách Việt Nam quốc hiệu và cương vực Hoàng Sa - Trường Sa”, (TPHCM: Trẻ, 2014), 99. Hiện nay, với nhiều bài khảo cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là chùm bài nghiên cứu của GS.TS.Nguyễn Quang Ngọccho thấy Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo được hoàn thành vào năm Chính Hòa thứ 7, tức là năm1686.
19 Đỗ Bá Công Đạo, Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), in trong Hồng Đức bản đồ (1490). Bản dịch lưu tại Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại Giao CHXHCN Việt Nam, 26.
23 Sau khi mất, ba cụ tổ của các tộc: Dương, Nguyễn và Trương đều được đưa về đất liền an táng cạnh nhau ở khu vực gần sân vận động và đồn Biên phòng của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, nhưng sau đó đã được di dời đi nơi khác để nhường đất cho các công trình phục vụ dân sinh.
24 Gia phả họ Phạm Văn (thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn).
27 Gia phả họ Nguyễnhậu hiền (thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn).