Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

NHỚ CỐ HƯƠNG

Ai viết vần thơ nỗi nhớ quê
Cho người lữ khách lạc cõi mê
Sương giăng đỉnh núi hồn mong mỏi
Gió lạnh hiên nhà thật tái tê
Phú Thọ người ơi còn núi thắm?
Thanh Sơn còn đó những nương chè?
Lang thang gặp được người quê Tổ
Nhắn lại đôi lời, chớ trách chê!
Dương Hà Hiếu


BÀN THÊM VỀ CHẾ ĐỘ NHÀ LANG TRONG XÃ HỘI MƯỜNG

-----------------------------------------------
BÀN LẠI CHẾ ĐỘ CAI TRỊ TRONG XÃ HỘI MƯỜNG CỔ TRUYỀN:
  “LANG ĐẠO” HAY “NHÀ LANG”
(Qua nghiên cứu điền dã tại Thanh Sơn – Phú Thọ)*

*Dương Hà Hiếu

Tạp chí Khoa học số 02 (2005)
Quan hệ xã hội trong một cộng đồng phản ánh khách quan, rõ nét về văn hoá ứng xử cũng như mối quan hệ của các cá nhân trong cộng đồng xã hội, phản ánh những tục lệ truyền thống dân tộc, vai trò của từng tầng lớp người trong xã hội. Từ đó, chúng ta thấy được trình độ phát triển của cả một cộng đồng tộc người. Do địa thế tự nhiên rừng núi chia cắt, người Mường Thanh Sơn quần tụ bên nhau, hình thành nên vùng mường – bản mường. Mỗi vùng mường, bản mường không liền sát cạnh nhau mà cách xa nhau hàng cây số, đôi khi cả chục cây số. Chính với đặc thù này mà đồng bào có câu nói cửa miệng “khắc đi khắc đến” không việc gì phải vội vã cứ “ngày lui tháng tới”.
Người Mường sống trong quan hệ cộng đồng làng bản, xã hội khá chặt chẽ với những mối quan hệ ràng buộc nhau. Quan hệ trong làng bản của họ thân thiết và gắn bó tương trợ nhau. Người già cả được mọi người kính trọng. Trẻ em được cả cộng đồng quan tâm chăm sóc, yêu quý. Nổi lên trên hết trong cuộc sống giao tiếp truyền thống của tộc người này là quan hệ DÂN MƯỜNG và NHÀ LANG (CON MOIL –  NHA LANG, theo tiếng Mường). 
Tuy vậy cho đến ngày nay, khi nhắc đến tầng lớp NHÀ LANG cũng như nói đến sự cai trị của nhà lang chúng ta còn có những quan niệm và cách gọi nhầm lẫn về tầng lớp này. Chúng tôi cho rằng ngay tên thuật ngữ dùng để chỉ tầng lớp này cần phải có sự thống nhất và chính xác. Trước đây, khi nghiên cứu về xã hội mường cổ truyền, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tầng lớp NHÀ LANG với những thuật ngữ khác nhau, có thể kể ra như sau:
1.1. Theo Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu thì “Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội Mường được đặc trưng bằng chế độ lang đạo (TG nhấn mạnh). Đó là những chúa đất nắm quyền cai quản dân trong vùng, bọn lang đạo theo các dòng họ có thế lực và được thế tập, chúng thay nhau cai quản các mường và làng xóm…”1.
1.2. Theo nhà nghiên cứu Pháp Ta – rô trong cuốn “Những tỉnh Bắc Kỳ – Hưng Hoá. Dân tộc học” cho rằng: “Về tổ chức làng xóm, người Mường sống dưới chế độ dường như là Tiền Phong Kiến, mỗi làng có một Thổ tù, mỗi xóm có một Thổ lang. Những người này có thể coi như những chúa đất địa phương. Họ còn được gọi là quan lang. Quyền hành của họ cha truyền con nối…”2.
1.3. Tác giả Jeanne Cuisinier trong toàn bộ tác phẩm nổi tiếng “Người Mường địa lý nhân văn và xã hội” – một công trình đồ sộ về người Mường - đã dùng thuật ngữ “thổ lang” để chỉ tầng lớp thống trị trong xã hội Mường cổ truyền. Bà chỉ rõ: “ Đối với thổ lang, quyền trưởng bảo đảm cho người con trai cả chức thổ lang và quyền sở hữu ngôi nhà của người cha. Do chức thổ lang, người ta công nhận cho anh quyền cai trị lãnh địa, nhưng tư cách trưởng nam của anh không bảo đảm cho anh sự toàn vẹn lãnh địa; người ta cắt các thái ấp chia cho các em trai của anh, những người, cũng như anh, đều là con trai của người vợ chính. Các em anh ta trở thành các thổ lang (hay thổ tạo trong vùng Mãn Đức)”3.
1.4. Giáo sư Phan Hữu Dật thì lại không chỉ hẳn ra tên gọi cho chế độ cai trị trong xã hội Mường cổ truyền mà mới chỉ dừng lại ở: “Với xã hội Mường, đó là thiết chế làng – chiềng với các chức lang đạo, lang cun – nhưng có thể nói đặc điểm thiết chế xã hội Mường cổ truyền là vai trò của dòng họ với chế độ thế tập cha truyền con nối, trong việc cai quản xã hội.”4. Cùng hướng quan điểm này, Giáo sư Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Cảnh Minh trong “Lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến 1858” cũng chỉ nêu lên: “Người Mường trở thành một tộc người sống ở miền thượng du. Họ vẫn tiếp tục giữ những nét văn hoá nguyên thuỷ, sống theo bản mường dưới sự cai quản của các lang cun, lang đạo5. Giáo sư Trần Quốc Vượng thì đưa ra: “Vùng Mường trước Cách Mạng, có lang, có nàng. Lang có lang đạo, lang cun (cun - kun). Đạo (con trưởng ngành thứ nhà lang) cai quản một xóm, cun (con trưởng ngành trưởng nhà lang) cai quản một mường”1.
1.5. Có lẽ xác đáng nhất, hợp lý nhất phải kể đến quan điểm của nhà Dân tộc học nổi tiếng và là bậc thầy trong nghiên cứu về người Mường, đó là Trần Từ (tức Nguyễn Đức Từ Chi) khi ông đưa ra nhận định: “xứ Mường trước Cách mạng tháng Tám 1945, ít nhất cũng trong phạm vi tỉnh Hoà Bình, vẫn trình ra khắp mọi nơi một cơ cấu xã hội – chính trị đồng nhất. Cơ cấu đó không được chỉ định bằng từ Mường nào cả. Nhưng để tiện trình bày, tôi cứ tạm vay một từ kép có sẵn trong ngôn ngữ của tộc người, để gọi cơ cấu nói trên là chế độ NHA LANG (nhà lang)”2.
Từ những nhận định, quan điểm trên về tên gọi của tầng lớp này, chúng tôi thấy cần thiết phải có một thuật ngữ chính xác dùng để chỉ tầng lớp cai trị này trong xã hội Mường truyền thống cũng như bản chất của nó. Bài nghiên cứu này dựa trên các tư liệu nghiên cứu điền dã tại vùng mường Thanh Sơn (Phú Thọ) chỉ nhằm mục đích như vậy.


1. Vị trí NHÀ LANG trong xã hội Mường.
Điều đầu tiên có thể khẳng định, NHÀ LANG là tầng lớp quý tộc cai trị cả vùng mường đến từng bản, làng một khá chặt chẽ. Tầng lớp dân Mường là lực lượng đông đảo nhất. Bên cạnh đó, một bộ phận rất nhỏ bé những người phục dịch cho cuộc sống của NHÀ LANG. Trước đây, các nhà nghiên cứu gọi tầng lớp này là “Lang đạo”. Tuy vậy, thuật ngữ này trở nên xa lạ đối với người Mường nói chung và người Mường Thanh Sơn nói riêng. Họ không gọi tầng lớp thống trị mình là “Lang đạo” mà gọi là NHÀ LANG. Và, bản thân những người thuộc tầng lớp này cũng tự xưng mình thuộc NHÀ LANG. Còn “Lang đạo” chính là người Mường dùng để gọi Lang Tạo. Ông này thuộc NHÀ LANG nhưng quyền lực và địa bàn cai trị kém hơn Lang Cun rất nhiều.
NHÀ LANG có vị trí đặc biệt quan trọng trong cộng đồng xã hội của người Mường nói chung và người Mường Thanh Sơn nói riêng. Người Mường có câu:
“Mường có LANG, làng có TẠO ”.
“Tạo” tức là “đạo” theo cách gọi của người Việt sau này. Và cũng có thể trong quá trình tiếp xúc tìm hiểu, nghiên cứu mà người ta đã ghép LANG với TẠO thành LANG ĐẠO và được dùng để chỉ cho toàn bộ chế độ NHÀ LANG.
Chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng rằng: NHÀ LANG là cách người Mường dùng để gọi tất cả những người trong họ làm Lang cai trị mình, mà, đứng đầu NHÀ LANG là Lang Cun. Mỗi một vùng mường đặt dưới sự cai quản của một họ Lang. Đối với người Mường, những họ làm Lang chủ yếu là họ Đinh, họ Hà, họ Quách, họ Hoàng, họ Bạch… Đây là tầng lớp quý tộc nắm quyền cai trị cha truyền con nối. Trong NHÀ LANG có nhiều hạng với địa vị khác nhau.
Lang Cun (có nơi gọi là Lang Ngài) là tên gọi người đứng đầu cả vùng mường mà mình cai trị với nhiều bản mường. Lang Cun sống ở trung tâm của vùng mường của mình gọi là Chiêng (Chiềng). Ông này chia các con thứ hoặc nam giới họ hàng thuộc chi thứ đi cai trị các bản trong vùng mường. Riêng mường trung tâm có bản Chiềng sẽ được chuyển cho con trai trưởng của Lang Cun khi ông này chết. Và đương nhiên, người con trai trưởng của ông sau này cũng được dân Mường gọi là Lang Cun. Tất cả những người đàn ông trong NHÀ LANG được Lang Cun chia cho cai trị các bản mường trong quyền cai quản đều phải có nghĩa vụ nộp lễ vật hàng năm cho Lang Cun và theo quy định của ông này. Như vậy, Lang Cun không phải là tên riêng mà là danh từ chung dùng để chỉ người đứng đầu họ Lang cai trị cả vùng mường. 
Vùng mường, bản mường nào cũng bắt buộc phải có tầng lớp này để làm chỗ dựa cho toàn bộ đời sống kinh tế vật chất và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. NHÀ LANG đứng đầu cả một vùng mường rộng lớn, chủ trì các hoạt động lễ nghi, tết lễ hội hè cho đến phát động mọi người tham gia cấy hái mùa vụ nên được mọi người kính nể. Nếu bản mường nào mà dòng họ NHÀ LANG tuyệt tự, tức là không có con nối dõi hoặc vì một biến cố nào đó mà không còn Lang thì dân bản đó phải làm lễ đi đến các vùng mường khác xin NHÀ LANG ở đó cử con trai của họ đến làm Lang cho vùng mường của mình.
NHÀ LANG thường xác lập quyền cai trị của mình với tư cách là người có công tìm ra đất đai, gây dựng bản mường, bỏ giống, trâu bò cho toàn dân Mường khai hoang sản xuất. Các dòng họ làm Lang ở vùng mường Thanh Sơn chủ yếu là các họ Đinh (ở Giáp Lai, Tất Thắng, Võ Miếu, Cự Đồng, Thạch Khoán….), họ Hà (Lai Đồng, Đồng Sơn, Thạch Kiệt…). Bên cạnh còn một số họ làm Lang khác. Trong các họ này, họ Đinh mạnh và đông nhất, được người Mường Thanh Sơn coi là họ làm Lang. Ví dụ như ở Tất Thắng, dòng Lang họ Đinh cai trị cả vùng mường gồm các mường nhỏ như mường Xem, mường Tế, mường Khang, mường Bãi…và mường Chiềng là mường sầm uất, trù phú nhất. Còn ở Lai Đồng, có mường Vường, mường Phắt, mường Đồng, mường Lòn, mường Kết… với trung tâm là mường Chiềng, nơi nhà Lang ở. Bên cạnh Chiềng là nơi Lang Ngài sống còn có các mường nhỏ trong vùng, nhà Lang chia các mường nhỏ đó cho con trai thứ hoặc anh em mình cai trị. Dân Mường gọi những Lang này là Lang Tạo1 hoặc Quan Lang2. Những làng bản ít dân chưa đủ để lập Lang thì người mà nhà Lang cử đến được gọi là Quan. Tuy vậy, tầng lớp nhà lang chiếm số lượng rất ít ỏi.
Bên cạnh NHÀ LANG còn có một bộ phận nhỏ những người hoạt động cúng tế, xem bói và tiến hành các hình thức chữa bệnh mà dân Mường gọi là ông Mo. Có thể nói, ông mo đóng một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của người Mường Thanh Sơn. Ông này tham gia vào các nghi lễ quan trọng của đồng bào. tầng lớp đông đảo, chiếm đa số trong xã hội mường cổ truyền là người dân lao động Mường.
Như vậy về danh nghĩa, Lang Cun (tức Lang Ngài) cai trị cả vùng mường rộng lớn với nhiều bản làng mường nhỏ nhưng trên tực tế ông ta chỉ cai trị một mường to nhất, đông dân cư nhất mà người Mường gọi là Chiềng. Những mường nhỏ Lang Cun chia cho người thân trong gia đình cai trị. Những Lang nhỏ này phải có nghĩa vụ nộp vật phẩm cho Lang Ngài hàng năm theo quy định riêng của Lang Cun ở mỗi vùng khác nhau.
Sơ đồ địa vị trong NHÀ LANG trong một vùng mường.





2.Quyền lợi và nghĩa vụ của NHÀ LANG đối với dân Mường.
NHÀ LANG có quyền lợi rất lớn về kinh tế, độc quyền phân chia ruộng đất trong vùng. Ruộng NHÀ LANG là những phần đất tốt, gần sông suối và thuận lợi cho lao động. Loại ruộng này đồng bào quen gọi là Na Lang (ruộng của nhà Lang) với diện tích lớn hơn nhiều so với ruộng của dân Mường và liền bờ. Tuy nhiên, ruộng của NHÀ LANG so với ruộng công của bản Chiềng chỉ chiếm một phần tương đối, không quá lớn để choáng hết ruộng dân. Ngoài ra, NHÀ LANG còn có quyền được hưởng một phần ruộng công để dành cho chi phí tiếp khách và một mảnh ruộng khác phục vụ cho việc cúng tế lễ tết, hội hè. Vào ngày mùa, dân bản phải làm hai phần ruộng này cho NHÀ LANG mà đại diện cho tầng lớp này là Lang Cun.
Ngoài quyền lợi về ruộng đất là quyền lợi cao nhất mà NHÀ LANG được hưởng thì NHÀ LANG còn có quyền nhận sự phục dịch, cúng tế của dân bản trong những dịp lễ hội trọng đại trong năm cũng như công việc gia đình như cưới xin cho con cái, ma chay và cày cấy (phần này được đề câph rõ hơn ở phần các lễ nghi trong lao động sản xuất và lễ tết hội hè). Đối với tài sản chung của cả vùng mường như ao hồ, suối, ngòi, đầm hồ hoặc rừng rú thì NHÀ LANG cũng được hưởng một khoảnh nhỏ để sử dụng riêng và người dân không được phép xâm phạm.
Nhờ có những đặc quyền kinh tế đó mà NHÀ LANG có cuộc sống khá giả hơn so với nhân dân trong vùng. Đặc biệt đối với người Mường Thanh Sơn thì trống đồng là vật mà chỉ NHÀ LANG mới có quyền sở hữu và dùng vào những việc trọng đại của bản mường. Người dân dù khá giả đến đâu cũng không ai được có quyền này. NHÀ LANG phải cất giữ  trống đồng cẩn thận vì nó được coi là bảo vật linh thiêng của mỗi dòng Lang.
Sự khác biệt về kinh tế đưa đến sự phân biệt giữa NHÀ LANG với dân thường trong quan hệ xã hội. Mọi người từ già đến trẻ trong gia đình, dòng họ NHÀ LANG được mọi người dân kính nể, mến trọng. Một cụ già phải gọi một đứa trẻ là Nàng hoặc là Chàng nếu chúng là con cái của NHÀ LANG.
Trong hôn nhân, con dân Mường không có quyền lấy con cái của NHÀ LANG. Sự phân biệt này có khác biệt đối với con trai và con gái. Con gái Lang không được lấy con trai của người dân mà chỉ được tìm hiểu và lấy con trai dòng Lang ở vùng mường khác, tức là cùng tầng lớp. Con trai Lang có thể yêu và cưới con gái dân mường nhưng con gái dân dù có cưới trước thì cũng chỉ là vợ lẽ hoặc nàng hai. Vai trò, địa vị dâu cả phải nhường cho con gái thuộc dòng Lang mà chàng trai sẽ tìm hiểu và lấy sau này.
Ngày lễ tết, ngoài quà biếu của dân bản, NHÀ LANG còn được ngồi mâm trên. Tuy nhiên trong vui chơi sinh hoạt hàng ngày, con Lang không có khác biệt gì đáng kể so với người dân. Họ chỉ có thể kết bạn với nhau mà thôi. Phải chăng chính vì những cấm đoán này mà trong cuộc sống của mình, người Mường có rất nhiều những áng mo (truyện thơ) nổi tiếng phản ánh sự khát khao được yêu thương giữa chàng trai con Lang và cô gái con dân và ngược lại như “Nàng Nghi Nga và chàng Hai Mối”, “Nàng con Thờm và chàng Bồng Hương”, “Vần Va”…
Mặc dù có nhiều quyền lợi và được dân Mường quý nể nhưng NHÀ LANG cũng phải có nghĩa vụ đối với nhân dân trong vùng mình cai trị như chủ trì mọi lễ nghi quan trọng của lao động sản xuất, lễ tết như nghi lễ đóng – mở cửa rừng, lễ rước vía lúa, lễ khai canh xuống đồng đầu năm, lễ treo hái… NHÀ LANG phải quyết định những việc trọng đại và bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Bên cạnh đó, NHÀ LANG còn phải cùng người già trong làng, bản đứng ra giải quyết những mâu thuẫn, xung đột láng giềng, họ mạc trong dân.
3. Quyền lợi và nghĩa vụ của dân Mường đối với NHÀ LANG.
Mặc dù chịu sự cai quản của NHÀ LANG nhưng người dân Mường cũng có sự tự do mang tính chất dân chủ khá rộng rãi. Dân bản có quyền ăn vạ NHÀ LANG nếu như NHÀ LANG để cho con gái không chồng mà chửa hoang. Lang phải nộp vạ cho dân nếu như con cái nhà Lang hư gây lộn với dân. Điều này đòi hỏi NHÀ LANG phải giáo dục, quản lý con cái thật nghiêm ngặt để không phạm vào tục lệ của bản làng. Do đó, trong xã hội mường truyền thống, ít khi người ta thấy có những hiện tượng con cái Lang đánh nhau, ỷ thế gia đình bức hiếp quá đáng dân mường. Khi công to việc lớn cần có sự giúp đỡ của người dân Mường, NHÀ LANG phải làm cơm khoản đãi thật chu đáo.
Vào những năm đói kém do hạn hán mất mùa, NHÀ LANG phải có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân. Những Lang ăn ở không biết kiêng nể tục lệ, không kính trọng người già, làm điều bất kính hay keo kiệt chỉ biết nhận sự giúp đỡ và cúng biếu của nhân dân sẽ bị dân Mường chê bai. Đôi khi chỉ vì sự đối xử tệ bạc với nhân dân mà NHÀ LANG bị dân Mường tổ chức phế truất quyền làm Lang. Song thông qua nghiên cứu điền dã, chúng tôi thấy những trường hợp như vậy rất hiếm xảy ra trong xã hội của người Mường Thanh Sơn.
Có thể nói, quan hệ NHÀ LANG và dân Mường trong xã hội Mường cổ truyền mang đậm  chất dân chủ. Bản thân tầng lớp thống trị NHÀ LANG có những quyền lợi cũng như nghĩa vụ nhất định đối với người dân trong vùng mình cai quản. So với bản chất của giai cấp địa chủ phong kiến của người Việt (Kinh) thì NHÀ LANG có nhiều yếu tố tiến bộ hơn bởi nó đại diện cho quyền lợi không chỉ cho tầng lớp mình mà còn đại diện quyền lợi cho dân Mường. Tầng lớp NHÀ LANG không những phải giúp đỡ dân Mường trong những trường hợp đặc biệt như hạn hán, mất mùa đói kém và những việc trọng đại khác mà còn chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức những lễ nghi trọng đại của dân tộc. NHÀ LANG cũng phải chịu những lệ phạt vạ của dân Mường nếu không làm tròn nhiệm vụ. Chế độ NHÀ LANG là một trong những nét độc đáo của hệ thống những tục lệ lễ nghi, phong tục tập quán giàu có của dân tộc này. Cho nên, chúng tôi đề nghị cần thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ “NHÀ LANG” trong nghiên cứu về đời sống văn hoá truyền thống của người Mường, đặc biệt là trong nghiên cứu về đời sống xã hội Mường cổ truyền.

Abstract:
The relationship between NHA LANG and Muong people in the age – old society is strongly democratic. NHA LANG ruling classes themselves have limited rights but also obligations to people in the place they control. In comparison with essence of the Viet (Kinh) feudal landlord class, NHA LANG has more progressive factors because it represents the rights of not only its classes but also Muong people. NHA LANG has to help Muong people in special situations such as drought, crop faiture, famine and other important work as well. In addition, they are responsible for holding significant ceremonies of this race. NHA LANG is also suffered fine rules of Muong people if they don’t do their work well. The NHA LANG regime is one of original features of rich practice, rituals and customs of this race.



1 Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu: Văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nxb GD, 1998, Tr40
2 Trích theo Nguyễn Dương Bình: Một vài nét về tình hình xã hội vùng mường Vĩnh Phú trước cách mạng tháng Tám. Tạp chí Dận tộc học số 4, 1974, Tr35.
3 Sách đã dẫn. Nxb Lao Động, 1995, Tr383.
4 Phan Hữu Dật: Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam. Nxb ĐHQG HN, 1999, Tr225.
5 Sách đã dẫn. Nxb ĐHQG HN, 1999, Tr257.
1 Trần Quốc Vượng: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm. Nxb VHDT – Tạp chí VHNT. HN, 2000, Tr629.
2 Trần Từ: Người Mường ở Hoà Bình. Hội KHLSVN. HN, 1996, Tr3 – 4.
1 Lang Tạo (sau được dịch ra tiếng Việt là Lang Đạo):Đây là tên gọi chức của người đứng đầu một vùng, bản mường nhỏ nằm trong vùng mường của nhà Lang do Lang Cun quản lý. Lang Tạo phải là người trong dòng họ nhà Lang, có thể là con cái của Lang Cun hoặc anh em  họ hàng Lang Cun.
2 Quan Lang:  là tên gọi người đứng đầu một mường nhỏ hơn các bản mường khác. Theo người Mường Thanh Sơn thì Quan Lang cai trị những bản  mường dân cư thưa thớt chưa đủ giàu có để lập Lang.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

LỄ HỘI ĐÌNH LÀNG Ở THẠCH KHOÁN


Dương Hà Hiếu
Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 31.2001


Đình là nơi hàng năm đồng bào tiến hành lễ hội vui xuân với những tiết mục vui chơi độc đáo, khơi nguồn và làm sống lại những truyền thống địa phương quý báu. So với những ngôi đình còn tồn tại đến ngày nay ở huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ thì đình Thạch Khoán là ngôi đình to đẹp nhất, giữ được kiến trúc tương đối nguyên vẹn cổ kính. Người Mường ở Thanh Sơn coi đình Thạch Khoán là đình Cả bởi lễ hội mang tính chất liên vùng của nó. Ngôi đình này ngay trung tâm xã Thạch Khoán, cách trung tâm huyện Thanh Sơn 8 km về phía Đông và được dựng trên một quả đồi nhỏ cạnh cánh đồng rộng trước mắt và hướng về núi Tản Ba Vì. Theo lời các cụ già và một số tư liệu như sắc phong, văn tế, cổ sử thì đình Thạch Khoán đã có từ lâu lắm. Đầu tiên, dân dựng đình bằng tre nứa  lá để thờ vọng Thánh Tản Viên Sơn cùng các Mị nương (Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, Thuỷ Tiên công chúa) con Vua Hùng thứ 18. Chính vì từ gốc tích này mà nhân dân lập đình thờ tôn ở ngôi  tối cao trên các thần linh.
Đình còn thờ vị Đại tướng quân Đinh Công Mộc với công trạng bảo vệ nhân dân khi giặc Minh đến xâm lược cướp phá. Theo dân gian Thạch Khoán truyền tụng thì khi giặc Minh đô hộ nước ta (1418 - 1427), thổ Lang vùng mường Thạch Khoán là Đinh Công Mộc đã lãnh đạo dân Mường đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy cùng nhân dân trong vùng và các vùng lân cận chống giặc. Sau khi giặc Minh khỏi bờ cõi và đất nước độc lập, Đinh Công Mộc được vua Lê Thái Tổ trao chức Đại tướng quân Vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi rõ: “Đinh Công Mộc: người huyện Thanh Thuỷ (nay thuộc huyện Thanh Sơn) có công giúp vua Lê Thái Tổ, được trao chức Đại tướng quân Vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ, lúc chết người sở tại lập đền thờ”. Khi Đinh Công Mộc mất, dân bản xét công trạng của ông với dân với nước đã nhất trí đưa ông vào đình, tôn là thổ thần cùng cúng tế  hương khói với Tản Viên Sơn Thánh và tam vị Mị nương.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), Nguyễn Bá Xuyên là người địa phương đã kết nghĩa với nghĩa quân Đề Kiều, Đề Ngữ và Đốc Dị hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885). Sau đó do nghi nghờ Nguyễn Bá Xuyên theo giặc vì ông được bổ nhiệm làm quan tri huyện Thanh Sơn, Đề Kiều và Đề Ngữ nổi giận đã dẫn quân đến đốt phá đình, hỏi tội Nguyễn Bá Xuyên. Ngày hôm đó là 25 tháng 1 âm lịch (không rõ năm), sau trở thành ngày giỗ trận chung đồng thời là ngày tổ chức lễ hội xuân của cả vùng.
Với nhiều biến cố của lịch sử, đình Thạch Khoán đã bị đốt phá nhiều lần. Cùng với sự giúp đỡ của các “nước nghĩa” (tức các vùng mường lân cận có quan hệ kết nghĩa với nhau), nhân dân Thạch Khoán đã lập lại đền ở khu đất cũ đồi  "Cháu" (tức đồi sặt). Sau lần trùng tu đó đình tồn tại cho đến ngày nay, gồm năm gian dựng theo hướng Tây Nam. Gian giữa nhìn chính diện về phía núi Ba Vì (núi Tản) gọi là cung chính, đặt bài vị thờ Thần Tản Viên Sơn. Tả cung đặt bài vị thờ các Mị Nương, con Vua Hùng thứ 18. Hữu cung thờ vị thổ lang Đại tướng quân  Đinh Công Mộc. Đình không có vách ngăn hay tường bao, tất cả tạo vẻ cao mà rộng, gần gũi mái mà thành kính.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (tức năm 1925), Vua Khải Định ra sắc phong cho dân Mường vùng Thạch Khoán “…hàng năm theo lệnh này cúng lễ, coi đó là như quốc khánh của làng” . Từ đó, hàng năm vào đúng độ xuân về (25 tháng 1 âm lịch) lễ hội đình Thạch Khoán tổ chức. Tuy nhiên, để tổ chức lễ hội tươm tất thì dân làng phải chuẩn bị mọi thứ  trước đó hàng tuần.
Đầu tiên là việc chọn người rước kiệu. Việc tuyển chọn trai tráng rước kiệu khắt khe và rườm rà nhất. Chỉ những thanh niên nào khỏe mạnh, khôi ngô, chưa vợ và còn trong trắng, có uy tín, được trẻ yêu già mến. Đặc biệt, những chàng trai đó nhất thiết phải sinh trong gia đình có đầy đủ cha mẹ, anh chị em và gia đình đó phải thuận hoà. Theo lời các cụ già thì những chàng trai đó cuối cùng phải đạt tiêu chuẩn là "phong quang, đầy đủ". Người ta chọn 30 chàng trai vào đội rước kiệu, trong đó có 8 chàng trai "phong quang đầy đủ" nhất được chọn ra để khiêng kiệu.
Chiều ngày 24, ông chủ tế lo việc cúng tế ở đình làm lễ "cạo tệ" thông báo cho nhân dân trong vùng làng mở lễ hội đình. Khoảng 2 giờ chiều, đoàn rước kiệu xuất phát từ đình đi đến xóm Chiềng và nhận sắc phong từ tay thổ lang (nay là người đứng đầu dòng họ Đinh). Tờ sắc phong bằng giấy màu vàng chanh in hình rồng vờn mây dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 69 cách mạng được cuộn tròn cất giữ cẩn thận trong một ống tre bịt kín, và để trong một chiếc hòm gỗ hình chữ nhật sơn son. Chiếc hòm đựng sắc phong được đặt ngay ngắn trên kiệu. Đoàn rước kiệu theo đường Đồng Bái về đình, vừa đi họ vừa đánh chiêng trống vang lừng. Đến cổng đình, tất cả chiêng trống gõ lên dồn rập báo hiệu đoàn rước đã về. Lúc này ông chủ tế ra kiệu làm lễ đưa hòm sắc phong vào nhập cung giữa tế thần linh. Đây cũng là lúc người dân được nghe đầy đủ tích lập đình, các vị thần được thờ trong đình cũng như nguồn gốc của ngày lễ hội.
Nửa đêm, các chàng trai rước kiệu đi lấy “nước tiên” ở một cái giếng gần gốc cây đa cách ngôi đình không xa gọi là giếng Doộc Cùm về để dùng làm lễ tế ngày hôm sau. Đồng bào quan niệm đi lấy nước phải vào đúng nửa đêm và phải nước giếng Doộc Cùm mới thật trong sạch và thiêng. Dân làng truyền rằng, giếng này trước có chú khách dấu của, về đêm thường hiện lên hai con hạc trắng nhảy múa đùa rỡn trên giếng.
Sáng hôm sau, tức ngày 25 tháng giêng, thổ Lang đứng đầu bản mường chính thức dự tế lễ. Những người tham gia vào cúng tế sáng hôm ấy nhất thiết phải nhúng tay vào nước tiên để tẩy người cho trong sạch. Ông chủ tế đọc văn tế lần thứ hai. Phụ giúp cho ông chủ tế gồm mười hai quan viên, là người già cả trong vùng. Tả hữu chính cung có hai ông quan viên xướng lễ. Mười ông còn lại phục dịch dâng lễ của các “nước nghĩa”, bà con dân bản trong vùng và các địa phương lân cận đến cúng viếng cầu may xin lộc. Trong lúc tiến hành, nhạc bát âm, xinh tiền vang lên phụ hoạ theo. Tất cả mọi sự lễ nghi đơn giản, không cầu kì cũng không nhất thiết phải linh đình. Gặp năm đói kém, dân bản chỉ tổ chức một lễ nhỏ gọi là “hàn hâm” cúng tế các vị thần linh và chỉ làm một lần, rất gọn nhẹ. Năm được mùa, dân bản mới làm “chính tiệc”, tức là làm đầy đủ công đoạn, có mổ lợn, mổ trâu với các nghi lễ trang trọng. Đồng thời, các nước nghĩa cử người mang đồ lễ đến dâng cúng.
Trong nghi lễ, thổ lang tiến hành nghi lễ tế thần và tổ tông với sự giúp đỡ của các cụ già có uy tín, đầy đủ các điều kiện "phong quang đầy đủ". Nhà thổ lang ngoài dự lễ còn được phần mang về và được dân bản biếu một lễ để cúng tổ tiên ở nhà. Tuy nhiên, nếu trong nhà thổ lang có con gái chửa hoang, hay có gì sai phạm thì dân bản sẽ không cúng phần lễ này và bị dư luận dân bản chê trách. Điều này đòi hỏi gia đình thổ lang thực sự nghiêm khắc trong việc dạy bảo con cái.
Phần nghi lễ trong đình được tiến hành đến chiều hai lăm thì kết thúc nhưng cũng có năm đến tận chiều hai sáu. Sau đó, đoàn rước kiệu mới rước sắc phong từ đình về xóm Chiềng nơi di duệ con nhà Lang Đinh Công Mộc ở kết thúc lễ hội.
Cùng các nghi lễ  ở đình, phần hội hè của nhân dân cũng bắt đầu ngay từ đêm hai bốn với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Dân từ các "nước nghĩa" kéo về chung vui. Đây là dịp để trai gái thi thố tài năng của mình. Trong cuộc vui này, các chàng trai cô gái có điều kiện tỏ tình, tìm hiểu nha quan các bài hát giang – ví đối đáp. Các đám hát đối đáp luôn được sự hưởng ứng của nhiều người kể cả các cụ già và kéo dài thời gian nhất. Thường thì các cô gái Mường sẽ là người cất giọng thăm dò trước:
“Đêm qua em ngồi nhà ngoài
Em têm trăm mốt, trăm hai miếng trầu

Chờ chàng chẳng thấy chàng đâu

Bỏ cau long hạt bỏ trầu long vôi

Trầu long vôi ắt hẳn trầu nhạt
Cau long họt ắt hẳn cau già
Mình chẳng lấy ta ắt hẳn mình thiệt
Ta chẳng lấy mình ta biết lấy ai…”
Sau đó, các chàng trai bắt đầu đối đáp theo. Cứ như vậy, những bài hát giang – ví được tận dụng để thăm dò tình cảm của cả hai bên cho hết ngày qua đêm.
  Cũng trong ngày hội các cụ già có dịp kể cho con cháu về nguồn gốc dân tộc, về sự tích con sông Mĩ Há (sông Bứa ngày nay)…bằng những bài hát giang chậm rãi. Cụ Hà Văn Danhm – một nghệ nhân giang – ví của vùng mường Thanh Sơn - 83 tuổi sống ở xóm Chiềng xã Lai Đồng cho biết bố ông hồi trẻ vẫn thường đi hát ở Thạch Khoán vào các dịp lễ hội như thế.
Các trò chơi như ném còn, đu tiên,…được tổ chức và thu hút đông đảo mọi người từ em nhỏ đến các cụ già tham gia. Náo nhiệt nhất và vui nhất phải kể đến cuộc thi bắn nỏ. Trai gái đều có thể tham gia. Ai thắng sẽ được mọi người khen thưởng, tặng quà và là niềm kiêu hãnh của cả bản. Đây cũng là một đặc trưng về bản tính của người Mường nói chung và người Mường Thanh Sơn nói riêng.
Những ngày lễ hội này, phường chèo ở miền xuôi cũng lên góp vui, khách thấp phương đến được đón tiếp rất thân tình. Tuy nhiên ở Thạch Khoán không có trò đam đuống, chàm thau và một số trò khác như Tất Thắng, Xuân Đài, Kim Thượng, Lai Đồng… còn giữ lại cho đến ngày nay.
Hiện nay, khi đồng bào Mường ở Thạch Khoán đang hoà nhập một cách tích cực vào sự phát triển chung, lễ hội đình có phần cải biến ít nhiều đi cho phù hợp cuộc sống cộng đồng hiện tại. Trong khi những giá trị văn hoá khác dần mai một như tiếng nói, trang phục,…thì ngược lại, đình Thạch Khoán cũng như các ngôi đình khác là nơi bảo vệ và lưu giữ những tục lệ, trò chơi truyền thống tốt đẹp. Đình Thạch Khoán với tầm quan trọng của nó chẳng những có vai trò quan trọng trong cuộc sống dân nhân còn tồn tại như là một nhân chứng lịch sử, xứng đáng là một di tích lịch sử văn hoá, một biểu hiện đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Mường.
*Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 31.2001, trang 10 – 11
SỨC XUÂN Ở VÙNG MƯỜNG TẤT THẮNG*
DƯƠNG HÀ HIẾU
Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 29 (2001)






Đình Cả thuộc xã Tất Thắng nằm trên trục đường 24 từ phố Vàng đi Hoà Bình, cách trung tâm huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) hơn 10km về phía đông nam. Do sự biến thiên của tự nhiên và xã hội, toàn bộ kiến trúc đình đã bị phá huỷ. Năm 1991, đáp ứng nguyện vọng tâm linh thiết tha của đồng bào, dựa trên dấu tích còn lại, địa phương đã xây dựng lại ngôi đình tại địa điểm cũ, trên thế đất cao giữa xóm Chiềng. Đình thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, các vị Thánh Mẫu sinh ra dân Mường và các vị tiên công lập xóm Chiềng bản Mường.
Từ khi lập lại, đình đã trở thành trung tâm hội họp vui chơi của bà con. Đặc biệt, lễ hội đình diễn ra đúng dịp xuân về, làm phong phú đời sống tinh thần dân bản, thu hút đồng bào các xã lân cận cùng về chung vui cầu may năm mới.
Lễ hội đình Cả gắn với truyền thuyết rằng, khi xưa, đất Tất Thắng còn là một vùng hoang sơ, có ông bà nọ sinh sống ở đây và sinh được 4 cô con gái. Do mỗi cô mang trang phục một màu nên được gọi là: Bạch Hoa, Đỏ Hoa, Biến Hoa và Giắng Hoa. Bốn cô cùng cha mẹ sinh con đẻ cái lập nên bản làng, lập nên ruộng đất, thành mường Tất Thắng. Để biết ơn tổ tiên sinh thành ra người Mường Tất Thắng, dân bản đã lập đình để thờ.
Đình còn gắn với truyền thuyết về Đức thánh Tản Viên Sơn. Một ngày, bà Đinh Thị Đen mang thai thần đi sang núi Tản đã qua đây, dân bản thấy bà mệt mỏi và đói khát đã dâng bà đĩa cơm nén cùng món cá thiểu và mời bà uống rượu cần. Ăn uống xong, bà đi tiếp về phía động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa - Thanh Thuỷ ngày nay) thì sinh ra thần, dân bản đã làm bè nứa để chở mẹ con bà qua sông Đà sang núi Tản.
Thần lớn lên làm con nuôi bà Ma Thị - chúa các động mường, trở thành Đức thánh Tản Viên Sơn (gọi là Sơn Tinh) cai trị và bảo vệ các xứ mường. Thần lấy Mỵ Nương Ngọc Hoa làm vợ và được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho. Nhân đó, Thục Phán An Dương Vương đang trấn trị một phương nổi lên cướp phá các bản làng. Vua Hùng đã gọi Tản Viên bàn kế đánh Thục Phán. Thần cầm quân đến đâu cũng được dân hưởng ứng. Đến vùng mường Tất Thắng, thần thấy địa thế đẹp, dưới chân là những dòng suối nhỏ bao quanh, bốn phía đều như thành luỹ che chắn bởi núi rừng, khí đất rất vượng.
Tại đây, thần cho quân đào giếng lấy nước nuôi tướng sĩ (giếng cổ này nay cách đình khoảng 100m về phía đông). Dân bản đã mổ trâu, mổ lợn, thổi xôi, làm chè hoa (gạo nếp giang thành bỏng nấu với mật) và rượu thết đãi thần. Dân còn múa hát... cho thần và quân sĩ cùng thưởng thức. Đẹp lòng mình, Tản Viên chọn đây làm nơi xuất quân và đã chiến thắng trở về. Dân bản tổ chức hội hè chào mừng thắng lợi. Ngày đó là ngày 12 tháng 6 âm lịch hàng năm.
Để bảo vệ bền vững và mở mang bờ cõi, Tản Viên đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, còn mình trở về núi Tản. An Dương Vương cảm động đã làm lễ trồng hai cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (đền Thượng khu di tích đền Hùng ngày nay) bày tỏ lòng quyết tâm bảo vệ giang sơn và cảm tạ Đức thánh Tản Viên Sơn. Trong cuộc chiến tranh Hùng - Thục dai dẳng, theo truyền thuyết tụng truyền, cư dân Mường Tất Thắng và các vùng lân cận đã chạy loạn sang các vùng đất khác lập làng lập bản. Những vùng đất đó, theo các cụ cao tuổi kể lại, chính là các vùng mường thuộc tỉnh Hoà Bình và một phần lan vào tỉnh Thanh Hoá ngày nay.
Trở lại vùng mường Tất Thắng, khi chinh chiến Hùng - Thục, Tản - Thục kết thúc, hàng thế kỷ sau, con cháu hậu duệ những người Mường Tất Thắng trước chạy loạn sang vùng đất mới (Hoà Bình nay) làm ăn lập bản làng, tìm về quê cũ, lập thêm làng bản mới nay là các xóm như xóm Khang, xóm Tế, xóm Xem... Trong đó, xóm Chiềng đất tổ là trung tâm của vùng mường Tất Thắng và thành nơi nhà Lang ở.
Từ những gốc tích trên, dân bản lập đình thờ Đức thánh Tản Viên Sơn, tổ tiên sinh ra mình (Tứ vị thánh mẫu) và người có công mở mang đất đai xóm làng. Hàng năm, lễ hội đình Cả được mở vào ngày 12-6 âm (Tản Viên chiến thắng trở về) và từ 08-15 tháng giêng để cúng tế các vị thần khai lập ra mường Tất Thắng, vui xuân cầu may đầu năm mới. Tầm quan trọng của đình với dân bản và các địa phương lân cận, năm Tự Đức lục niên, cửu nguyệt, nhị thập ái nhật (24-9-1853) Tự Đức đã sắc phong cho dân bản thờ cúng và mở lễ hội hàng năm vào dịp xuân về. Tuy nhiên hiện nay, cùng sự phát triển của địa phương, đình Cả Tất Thắng mở lễ hội chủ yếu vào đầu năm để bà con vui xuân và cứ 3 năm mới làm "chính tiệc".
Sáng mồng 8 tết, dân bản ăn mặc đẹp đi ra bãi Vai Chát dự lễ tế cúng Đức thánh Tản Viên Sơn và tổ tiên sinh  ra lập ra bản mường Tất Thắng. Tương truyền rằng khi xưa chưa lập đình, hàng năm dân ra bãi này để cúng tế và vui chơi. Khi ông Từ đình đọc văn tế xong, người ta đưa cho ông một con gà trống đẹp mã để ông xin các vị thần phù hộ dân bản. Con gà trống này sau đó được cắt tiết và đôi chân gà được đem luộc ngay tại bãi để xem điềm hay điềm gở trong năm mới.
Sau tiến hành xong lễ tục, bà con cùng tổ chức vui chơi, hỏi han chúc nhau sang năm mới làm ăn  thuận lợi, may mắn. Đến nay, người Mường Thanh Sơn vẫn còn lưu giữ bài hát chúc mừng độc đáo sau:
“Mừng mừng, như con gà nó mừng cái moạch
Như con chim khoách nói mừng cây de

Như con khe (chẽo) nó mừng nước mạ

Như con cá nó mừng chỗ khoang sâu

Như con tru nó mừng áng roộng
Như trống cái nó mừng cái dùi sơn son
Như cún như con nó mừng ông mừng mế mừng bố mừng cái...”
Hội này là lễ hội sớm nhất trong lịch sử lễ hội của dân bản, đặc sắc nhất trong lễ hội là tiết mục cồng chiêng. Do đó lễ hội Vai Chát còn gọi là lễ hội cồng chiêng.
Đến ngày 14, đình làng mới chính thức mở lễ hội và kéo dài đến hai ngày sau. Ngay sáng 14, trai tráng trong đội rước kiệu mặc trang phục lễ hội khiêng kiệu đi rước sắc phong từ nhà ông từ ra dâng lên cung giữa đình làng. Cột cờ lễ hội dựng lên cùng những hồi trống chiêng khoan thai kéo dài báo hiệu  lễ hội bắt đầu.
Ông từ đình trở thành chủ tế, đọc văn tế. Mỗi lần chủ tế đọc đến tên thần nào thì chiêng trống lại nổi lên rộn rã, tạo khí thế uy nghiêm thành kính của buổi lễ. Chủ tế đọc văn tế cầu mong tổ tiên phù hộ con cháu làm ăn gặp may mắn, đỗ đạt cao... Đồ cúng tế gồm có thịt lợn, xôi, gà, rượu mộng, mâm ngũ quả. Riêng cung chính thờ Đức thánh Tản Viên Sơn và mẹ và vợ của thần (gọi là tam vị tôn thần) thì có thêm một đĩa cơm nén và một đĩa cá thiểu. Ngoài đồ cúng của đình còn có đồ cúng của bà con dân bản đến cầu may. Sáng ngày 15, việc cúng tế ở đình lại bắt đầu một lần nữa với những thủ tục hôm trước đón tiếp bà con các địa phương đến cầu may và con cháu ở xa về.
Bên cạnh tế lễ, hội xuân cũng tổ chức với các trò chơi như ném còn, bắn nỏ, đu tiên, chàm đuống, chàm thau... Đây là các tiết trò dân tộc của đồng bào còn giữ lại được cho đến ngày nay. Trò chàm thau (đánh trống đồng) và chàm đuống là những trò phức tạp nhất, phải qua luyện tập công phu, nó làm cho người dự liên tưởng đến những hoa văn trên mặt các trống đồng và sự kiện mà cổ sử có ghi vào thời nhà Trần, sứ giả giặc nghe tiếng trống đồng sau một đêm mà sợ bạc cả tóc.
Hội ném còn được tổ chức ngay trước cổng đình. Cây còn làm bằng cây tre để một ít lá, đỉnh gắn một vòng tròn bịt kín giấy đỏ do dân làng trồng lên. Trước khi vào hội còn, ông chủ tế đem năm quả còn lên bàn thờ cung chính làm lễ xin các thần rồi đem còn ra bãi và hội ném còn bắt đầu. Ai ném thủng vòng tròn thì được vào đình để chủ tế làm lễ cầu thánh thần tổ tông ban lộc.
Đêm đến, thanh niên nam nữ bắt đầu hát ví, hát giang đối đáp tỏ tình. Đây là dịp trai gái tìm hiểu và kết đôi với nhau. Nhiều đôi trai gái sau lễ hội thành vợ thành chồng. Để mà vào cuộc vui bao giờ hai bên cũng dò hỏi nhau trước xem bên kia có hứng thú không, nhưng rất ít trường hợp đứng ngoài cuộc vui. Bên nữ bao giờ cũng mạnh dạn lên lời trêu ghẹo trước:
“Kim bang dạo ngãi giang ơi
Chúng thương bạn nhớ tôi ngồi ở đây
Tôi xin than thở nhời này
Có giang hay chăng?
Dù nên anh ơi hay không?
Chẳng nên xin bạn đừng cười
Mời bạn chớ chê
Để tôi kết ngãi đôi quê trốn này...”
Hát giang - ví không chỉ thanh thiếu niên mới ham mà nó được cả các bậc cha mẹ đến các cụ ông cụ bà tham gia. Đây thực sự là một dịp tốt để trẻ nhỏ sớm hoà vào ngày hội hát giang dưới sự chỉ dắt của người già, góp phần làm truyền thống dân tộc thêm sức sống.
Lễ hội đình Cả Tất Thắng phản ánh quá trình lịch sử quần cư lâu đời của người mường trên xứ sở này. Nó gắn bó mật thiết với đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chính tại xóm Chiềng dân làng đào được khá nhiều đồ gốm, đặc biệt là phát hiện được cái trống đồng Hegher I có niên đại trên 2000 năm tại vườn ông Đinh Công Thắng ngày 3-7-1997, nay được lưu giữ tại phòng truyền thống huyện, nâng con số trống đồng phát hiện được từ trước đến nay trong địa bàn huyện lên hơn 40 cái.
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn liền khôi phục phát triển đời sống văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội đình Cả Tất Thắng được khôi phục đã trở thành trung tâm lễ hội và hoạt động văn hoá thường xuyên của bà con, làm sống những tập tục truyền thống tốt đẹp, góp phần vào xây dựng làng văn hoá, đời sống văn hoá dân tộc không chỉ ở Tất Thắng mà còn có sức lan toả ra các vùng lân cận.
*Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 29 (2001), tr 11 – 12.
 

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Ngày 8 tháng 3

Hôm qua, mình nói với vợ mình "Ngày mai anh sẽ vào bếp làm món bún chả đãi mẹ con em!" vậy mà không thực hiện được. Mình vẫn vào bếp nhưng nấu cơm và làm món mực xào, món thịt băm cuốn lá cải hấp cách thuỷ... Dùng xong bữa tối, mình gọi điện về chúc mừng Mẹ mình và mẹ vợ. Mẹ vợ mình ốm nằm trên gác không xuống được. Mẹ mình thì vui lắm vì con dâu gọi từ trưa và lại được mình gọi nữa. Mẹ vẫn khoẻ! Mình quên không gọi điện chúc mừng đến cô em dâu. Thôi thì mai kia gọi cũng được, hỏi thăm sức khoẻ cháu gái xinh xắn của mình và công việc của bố mẹ nó luôn.
Giữa tháng sau, mình cùng thầy Lực sẽ đưa các em sv đi Ninh Bình - Quảng Ninh - Hà Nội - Đền Hùng - thuỷ điện Hoà Bình ... chắc là gian nan lắm đây! Giá cả leo thang thế này lo chỗ ăn ở, xe cộ cho các em làm sao cho vừa sức và chuyến đi an toàn là cả vấn đề. Thầy Lực nóng ruột lo lắng cho chuyến đi nhiều lắm. Thầy cứ băn khoăn làm sao đi cho rẻ nhất và thăm được nhiều địa điểm nhất vì đây là lần đầu cũng là lần duy nhất của đời sinh viên các em k49 được đi trong quá trình học tập tại trường. SV khoa mình thì nghèo quá, các em đều là con em nông dân.... vất vả!