Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC ĐÀO

BƯỚC ĐẦU TIẾP CẬN MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VỀ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC ĐÀO TẠO BẬC CAO ĐẲNG - ĐẠI HỌC
Dương Hà Hiếu.
Tạp chí Khoa học số 1 năm 2006

Abstract.
In industrialization and modermization we’re performing now to construct our country of “wealthy people, strong country, just and cilivized society”, The Vietnamese Communist Party arffirm that “Marxism – Leninism and the ideas of Hochiminh president are basis and guideline of VCP and Vietnamese.

1. Mở đầu

Như chúng ta đã biết, trong mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới thường có những vĩ nhân mà cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và hành động gắn liền với cả một giai đoạn lịch sử sôi động đầy biến cố của dân tộc và thời đại của mình; phản ánh ý chí, nguyện vọng của các dân tộc và bằng hành động của mình đã góp phần vào sự phát triển của thời đại [1: 13]. Chủ tịch Hồ Chí Minh của dân tộc Việt Nam là một trong những con người như vậy. Và trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Người là hiện thân của tinh hoa văn hoá, nhân cách dân tộc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới” và “những lý tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của nhân dân các nước trong việc khẳng định diện mạo văn hoá của mình” [7: 20]. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Modagat Ahmed – Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO – khẳng định rằng “…Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX ...” [7: 20], “... chỉ có rất ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó” [7: 22].
Trong công cuộc công nghiệp - hiện đại hoá mà chúng ta đang tiến hành nhằm xây dựng một nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Đảng ta khẳng định “Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và nhân dân ta” [2: 127]. Để cung cấp thêm cơ sở lý luận trong công cuộc cải cách, đổi mới trên lĩnh vực giáo dục đạo tạo mà chúng ta đang tiến hành hiện nay, trong bài nghiên cứu này, chúng tôi xin đề cập đến một số luận điểm, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giáo dục đào tạo bậc cao đẳng - đại học.

2. Nội dung

2.1. Trong các trường cao đẳng - đại học cần đoàn kết chặt chẽ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò và giữa trò với trò

Ngay sau những ngày độc lập đầu tiên của của nhà nước cách mạng non trẻ - nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến tầm quan trọng và sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Nhân dịp ngày khai giảng đầu tiên năm học mới sau nghót ngàn năm cai trị và bóc lột của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo và các em học sinh cả nước đồng thời thể hiện niềm tin, hy vọng cũng như yêu cầu của Đản và Nhà nước và đối với sự nghiệp giáo dục cách mạng. Người viết: “... Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.”[3: 32].
Trên cơ sở yêu cầu của công cuộc chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, cải tạo và kiến thiết xây dựng miền Bắc, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi thống nhất đất nước sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “...Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà” [4: 80]. Riêng đối với giáo dục đào tạo bậc cao đẳng - đại học, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cần phải đoàn kết tập thể thầy cô giáo và sinh viên để khắc phục mọi khó khăn đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học. Trong bài nói chuyện tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội ngày 21 tháng 10 năm 1964, Người nhấn mạnh “... Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng ...” [6: 331].
Vậy tại sao phải “đoàn kết thật sự”, “đoàn kết thật sự một trăm phần trăm” trong nội bộ các cán bộ, thầy cô giáo và sinh viên trong các trường cao đẳng - đại học cũng như trong toàn ngành giáo dục, vì như Bác khẳng định trường học phải là “trường mô phạm”. Và như vậy, giáo dục đào tạo bậc đại học và cao đẳng có nâng cao được chất lượng, có đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của sự nghiệp cách mạng hay không thì theo Người trước hết cần phải đoàn kết thật lòng, đoàn kết chặt chẽ ngay trong tập thể các thành viên trong trường đại học và cao đẳng. 

2.2. Nội dung, phương pháp dạy và học cần theo sát thực tiễn đất nước, lý thuyết gắn liền với thực hành

Về nội dung cũng như phương pháp dạy và học ở trong các trường đại học và cao đẳng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Trong nhiều lần nói chuyện hoặc gửi thư thăm hỏi các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên các trường cao đẳng – đại học, Người nhiều lần nhắc nhở “học phải đi đôi với hành”, lý thuyết gắn liền với thực tế xã hội và yêu cầu của cuộc cách mạng mà nhân dân ta đang tiến hành.
Người cho rằng người giáo viên muốn dạy tốt, nâng cao được chất lượng đào tạo thì trước hết “... phải luôn luôn đặt câu hỏi: dạy ai? Nói chung là học trò. Dạy để làm gì? ... Lúc đó mới tìm cách dạy.”[4: 496]. Điều này có nghĩa là, để nâng cao chất lượng đào tạo thì phải xác định được đối tượng đào tạo, mục đích yêu cầu của đào tạo, nội dung đào tạo phải gắn liền với thực tiễn xã hội đang cần để trên cơ sở đó xác định nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường cao đẳng – đại học phải luôn học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo nước nhà, đó là “Phương pháp nghiên cứu – Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi ...” [4: 215].
Tương tự như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra vấn đề then chốt cần giải đáp, cần tìm hiểu xác định động cơ, mục đích học tập đối với sinh viên, đó là: “... Đối với thanh niên tri thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi:
Học để làm gì?
Học để phục vị ai?” [5: 172].
Theo Người, phương pháp học tập của sinh viên cũng đặc biệt quan trọng trong việc trau dồi kiến thức, nâng cao sự hiểu biết chuyên sâu và không chỉ dừng ở lý thuyết mà phải luôn gắn với thực tiến của đất nước, với xã hội và nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Người phê phán lối học vẹt, học gạo, tức là học không suy nghĩ, động não. Và vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “... không nên học gạo, không nên học vẹt. Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào vì các cháu biết cả rồi. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau ...” [6: 331]. Trên cơ sở đó, Người nói “... Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.” [5: 172] .
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng dạy và học ở đại học và cao đẳng mà không gắn liền với thực hành, thực tiễn của đất nước thì cũng như “... Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.” [5: 172] và “... Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà”.[4: 81].
Và trên hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền giáo dục đào tạo cao đẳng – đại học cần phải đào tạo ra những con người vẹn tròn cả đức lẫn tài cho xã hội. Trong đó, đức dục được Bác đặc biệt coi trọng, là cơ sở nền tảng xã hội còn trí dục tài năng là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Giống như xây một ngôi nhà, nền móng mà vững thì nhà mới xây lên mới bền lâu. Nền móng mà không vững chãi thì dù có xây bao nhiêu tầng cũng đổ. Người khẳng định: “ ... phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người ...” [5: 172].
Như vậy, theo Bác, nền giáo dục đào tạo bậc cao đẳng – đại học của Việt Nam cần gắn chặt lý luận với thực tiễn, học tập gắn liền với thực hành, đức dục gắn chặt với trí dục nhằm tạo ra những con người đủ cả đức lẫn tài đáp ứng yêu cầu của xã hội, của công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước nhằm đưa Việt Nam phát triển “sánh vai các cường quốc năm châu”.

2.3. Thầy và trò phải yêu ngành, yêu nghề và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp

Đây là một luận điểm quan trọng đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà nói chung và nền giáo dục đào tạo bậc cao đẳng – đại học nói riêng. Người không chỉ quan tâm đề cập đến nội dung cũng như phương pháp dạy và học, về giáo dục đạo đức và tinh thần đoàn kết chặt chẽ trong các trường cao đẳng – đại học mà còn đề cập đến đạo đức nghề nghiệp của các thầy cô giáo. Người khẳng định rằng “... Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?” [6: 331]. Chính vì lẽ đó, “... Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang ...”[6: 331].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục đào tạo bậc cao đẳng – đại học có chất lượng hay không còn phụ thuộc vào lòng yêu nghề, sự đoàn kết nhất trí cao của người dạy học. Và để phục vụ tốt công tác giảng dạy, thì người thầy giáo “phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”[6: 616].
Như vậy theo Bác, đối với những người thầy, cô giáo thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao cho là sự nghiệp trồng người phải thì phải thực tâm tận tuỵ với nghề và chỉ có yêu nghề mới thực sự đảm nhiệm công việc giảng dạy tốt. Và chỉ thực sự yêu nghề, người giáo viên mới đào tạo ra được những con người có ích cho xã hội đảm bảo “vừa hồng vừa chuyên”.

3. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam chỉ đạo và soi sáng mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc đổi mới xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trong công cuộc cải cách giáo dục mà chúng ta đang tiến hành hiện nay, mặc dù do hạn chế bởi nguồn tư liệu quá hạn hẹp cũng như những quan điểm, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo không nhiều đặc biệt là giáo dục đào tạo bậc cao đẳng - đại học, nhưng qua đó chúng ta vẫn thấy toát lên những luận điểm lớn của Người đối với bậc đào tạo này. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo bậc cao đẳng - đại học vẫn mang tính thời đại sâu sắc, là cơ sở nền tảng lý luận định hướng công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta nhằm xây dựng một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới toàn diện mà Đảng – Nhà nước và nhân dân ta. Chắc chắn rằng, một vài luận điểm mà chúng tôi đề cập đến trong khuôn khổ bài báo này chưa phải là tất cả những luận điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo nói chung và ở bậc cao đẳng - đại học nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đúc kết những quan điểm, luận điểm của Người về lĩnh vực giáo dục và đào tạo là đặc biệt cần thiết. Và do đó, chúng tôi xin được trở lại vấn đề này trong những công trình nghiên cứu sau.

Tài liệu tham khảo.
1. Võ Nguyên Giáp (Cb), (1997): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb. Sự thật. Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 04. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1996.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 08. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1996
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 09. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1996
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1996
7. Hội thảo Quốc tế (1990): Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội

Không có nhận xét nào: