Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

QUÂN – DÂN PHÚ THỌ CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC VÀ CHI VIỆN CHO TIỀN TUYẾN LỚN MIỀN NAM

Dương Hà Hiếu*
In trong "Việt Nam - Những chặng đường lịch sử 1954 - 1975, 1975 - 2005"
Nxb Giáo Dục, 2005

Sau hiệp định Giơnevơ (21- 7 - 1954) được ký kết lấy giới tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, đất nước ta tạm chia cắt thành hai miền. Miền Bắc Việt Nam bắt tay vào khôi phục và cải tạo kinh tế XHCN (1954 - 1960) và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960- 1965). Miền Nam tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà. Tại Đại hội Đảng lần thứ III họp tại Hà Nội (từ ngày 5 đến 12 tháng 9 năm 1960), Đảng ta đã chỉ rõ “Chúng ta cần nhận rõ nhiệm vụ cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta và sự nghiệp thống nhất nước nhà, đồng thời nhận rõ tác dụng quyết định trực tiếp của cách mạng miền Nam trong công cuộc giải phóng miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất tổ quốc”[1].
Trong khi nhân dân Phú Thọ cùng nhân dân toàn miền Bắc đang hăng hái thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh đánh phá hậu phương lớn miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Ngày 7 – 2 – 1965, tổng thống Mỹ Giônxơn đã ra lệnh mở chiến dịch mang mật danh “Mũi lao 1” cho máy bay bắn phá Quảng Bình. Ngày 13- 2- 1960, Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao 2” và quyết định tiến hành chiến dịch đánh phá miền Bắc bằng không quân với mật danh “Sấm rền”. Mục tiêu của chúng là đánh vào tiềm lực kinh tế, quốc phòng nhằm ngăn chặn sự chi viện của nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Mặt khác, bằng cuộc chiến này, đế quốc Mỹ âm mưu đánh vào ý chí chiến đấu của quân và dân cả nước, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.
Trước tình hình đó đảng và nhân dân miền Bắc đã tích cực chuẩn bị mọi mặt nhằm đánh tan âm mưu của chúng, bảo vệ miền Bắc XHCN, thực hiện nhiệm vụ “vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc, vừa ra sức giúp đỡ cách mạng miền Nam”{2]. Đảng bộ, chính quyền cùng quân – dân tỉnh Phú Thọ cũng như các địa phương khác trên toàn miền Bắc nhanh chóng chuyển mạnh kinh tế – xã hội từ thời bình sang thời chiến và thực hiện 2 nhiệm vụ đặc biệt:
- Vừa sản xuất vừa đánh tan chiến tranh phá hoại miền Bắc.
- Chi viện sức người sức của cho chiến trường lớn miền Nam, thống nhất đất nước.

1. Quân và dân Phú Thọ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam (1965 - 1968).
1.1. Quân và dân Phú Thọ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ xâm lược (1965 - 1968).

Thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân là “toàn dân, toàn diện phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”, quân và dân tỉnh Phú Thọ đã chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ lớn mạnh. Tính đến năm 1965, tỉ lệ dân quân tự vệ của tỉnh đã tăng từ 6% lên 8% dân số. Các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn tỉnh cũng chủ động chuẩn bị gấp rút về mọi mặt sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Trước sự leo thang của đế quốc Mỹ, tỉnh Phú Thọ đã khôi phục lại 1 tiểu đoàn và các đại đội thực hiện nhiệm vụ trước mắt là huấn luyện lực lượng dân quân, tự vệ.
Ngày 19 – 5- 1965, bộ quốc phòng đã ra quyết định về việc xây dựng Tiểu đoàn 270 (Tiểu đoàn Tam Giang) thành Trung đoàn 270 có nhiệm vụ bảo vệ thành phố Việt Trì, khu công nghiệp Việt Trì và các nhà máy xí nghiệp đóng tại huyện Lâm Thao.
Tháng 7 năm 1965, thành uỷ Việt Trì ra chỉ thị số 02/CT-TW về việc huy động nhân dân đào hầm hào và tổ chức sơ tán nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của. Thành phố đã sơ tán hơn 7000 dân, 1 vạn công nhân và hơn 1 vạn tấn máy móc cùng 13 cửa hàng, hợp tác xã thủ công nghiệp ra khỏi thành phố về các huyện trong tỉnh.
Thực hiện nghị quyết số 10 (tháng 11 năm 1965) của tỉnh uỷ Phú Thọ, quân – dân Phú Thọ đã nhanh chóng triển khai kế hoạch sơ tán các nhà máy, xí nghiệp, trường học của Việt Trì, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ về các huyện và chuẩn bị đón các cơ quan trung ương về địa phương. Nhà máy Supe Lâm Thao đã tổ chức đưa hơn 70 chuyên gia Liên Xô đi sơ tán. Riêng 2 huyện Phù Ninh và Lâm Thao đã đón hơn 20 cơ quan của tỉnh và trung ương về. Trong 4 năm (1965-1968), cả tỉnh Phú Thọ đã huy động được 429.846 ngày công, đào đắp 1404281 hầm cá nhân, 1.547.665 hầm tập thể, 24.918m giao thông hào và 189.809 công sự chiến đấu. Riêng thành phố Việt Trì tính đến đầu năm 1968 đã đào được gần 6 vạn hầm hào cá nhân trong nhà và 3 vạn hầm ngoài đường, 18 vạn mét giao thông hào, gần 500 hầm chứa xe, máy móc. Tỉnh Phú Thọ cũng huy động được 224.578 công trực chiến, 2.206 đội cứu thương với số lượng 15.369 người, 1945 đội cứu hoả với 22.832 người, 4.627 đội đào bới với 35.629 người, 634 đội thông tin với 4.264 người, 497 đội vận tải với 4.211 người, 494 đội công binh và dân quân tự vệ [3]. Tính đến đầu năm 1968 toàn tỉnh Phú Thọ đã có trên 10 vạn dân quân và 2,7 vạn tự vệ của các đơn vị, cơ quan chiếm 13% dân số. Phụ nữ Phú Thọ cũng tham gia tích cực vào phong trào dân quân tự vệ. Nếu năm 1965 chỉ có 26% nữ tham gia trên tổng số dân quân tự vệ thì đến đầu năm 1968 con số nữ dân quân tự vệ tăng lên 36%. Tháng 2 – 1965 đế quốc Mỹ leo thang bắn phá ra vùng Quảng Bình. Đến tháng 6 – 1965 chúng mở rộng phạm vi ra toàn miền Bắc. Tỉnh Phú Thọ là một trong những cửa ngõ máy bay Mỹ từ đảo Guam và căn cứ Thái Lan theo sông Đà bay vào Hà Nội nên bị đánh phá ác liệt.
5 giờ sáng ngày 26 tháng 6 năm 1965, lực lượng vũ trang tỉnh nhận được thông báo của Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng phòng không về máy bay địch đang bay về không phận Phú Thọ. Ngay lập tức, các đơn vị chiến đấu của tỉnh vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. 5 giờ 50 phút, máy bay địch đã bay vào không phận Phú Thọ ném 15 quả bom vào những vị trí quan trọng của tỉnh như khu công nghiệp Việt Trì, ga Tiên Kiên và xã Hà Thạch – Sơn Dương của huyện Lâm Thao. Các đơn vị, lược lượng vũ trang và dân quân tự vệ lập tức chống trả quyết liệt. Đại đội 132 pháo cao xạ của trung đoàn Tam Giang đã bắn tan xác một chiếc F105. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của giặc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời tỉnh, khích lệ tinh thần chiến đầu và củng cố niềm tin chiến thắng của quân – dân Phú Thọ [4]. Tính đến trung tuần tháng 7 năm 1965, Mỹ đã sử dụng 330 máy bay với hơn 1026 lần xâm phạm vùng trời Phú Thọ nhằm do thám chụp ảnh.
Ngày 24 tháng 7 năm 1965, nhiều tốp máy bay Mỹ đã bay vào không phận tỉnh. Mục tiêu đánh phá của chúng là Việt Trì, thị xã và một số mục tiêu trọng điểm khác. Quân và dân Phú Thọ đón đánh chúng ở xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn) và bắn rơi một chiếc F4c. Đây là chiếc máy bay thứ 400 bị quân và dân miền Bắc bắn rơi. Một tên phi công bị chết cháy. Tên Richard Detn nhảy dù đã bị nhân dân các xã của huyện Thanh Sơn bắt sống. Đến ngày 28 tháng 6 năm 1965, nhiều tốp máy bay Mỹ lại tiếp tục đánh phá khu công nghiệp Việt Trì. Ngay lập tức, chúng bị quân – dân tỉnh Phú Thọ chống trả quyết liệt. 14 giờ 6 phút ngày 28 tháng 6 năm 1965, quân dân Phú Thọ đã bắn rơi tại chỗ 3 chiếc F105.
Từ tháng 7 năm 1965, máy bay Mỹ tấn công ác liệt vào Phú Thọ với mục tiêu chủ yếu là giao thông đường bộ, đường sắt. Trước tình hình đó, tỉnh uỷ Phú Thọ dự báo trước sau Mỹ sẽ sử dụng nhiều máy bay tập trung thả bom vào mục tiêu là cầu Việt Trì - cây cầu nối Phú Thọ với các tỉnh khác ở đồng bằng – nên đã đôn đốc các lực lượng chuẩn bị các phương án dự phòng chi tiết cho từng tuyến - đoạn đường huyết mạch. Sang năm 1966 – 1967, máy bay Mỹ chủ yếu tập trung bắn phá vào giao thông vận tải làm hầu hết các tuyến đường bộ, đường sắt, nhà ga bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, ngày 28 tháng 6 năm 1966, máy bay Mỹ gồm các loại F105, F4, F111… hơn 100 lần đánh phá Việt Trì. Trận đánh này mang tính huỷ diệt làm cho khu công nghiệp Việt Trì bị thiệt hại nặng. Đại đội 132 pháo cao xạ đóng tại đồn Bình Hải bị trúng bom làm 82 bán bộ và chiến sỹ hy sinh. 15 giờ cùng ngày cầu Việt Trì bị máy bay Mỹ thả bom đánh xập. Tuy vây, do được phòng bị kỹ lưỡng từ trước nên bến phà dự bị Việt Trì lập tức được đưa vào sử dụng, đảm bảo giao thông huyết mạch thông suốt. Chiều ngày 30 tháng 6 năm 1966, máy bay Mỹ tiếp tục quần trên bầu trời tỉnh. Nhân dân huyện Thanh Thuỷ đã bắn rơi 1 chiếc F105 [5].
Trong Đông Xuân 1966 – 1967, máy bay Mỹ đánh phá Phú Thọ tổng số 352 lần làm 15 nhà máy, 17 trận địa, 13 kho tàng, 14 đoạn đê điều và nhiều trường học trúng bom bị phá huỷ. Sáu tháng cuối năm 1967, hàng trăm lần máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Phú Thọ để do thám và đánh phá với tổng số 119 ngày và 61 đêm với 590 tốp máy bay. Cao điểm nhất là ngày 5 tháng 7 năm 1967 hơn 100 lần máy bay Mỹ đánh phá Việt Trì và các huyện trong tỉnh. Theo số liệu thống kê, từ 24 – 6 – 1965 đến 31 – 3 – 1968 Mỹ đã cho 2.367 tốp máy bay Mỹ với 8110 lần chiếc đánh phá Phú Thọ với tổng số 16.539 quả bắn phá, 287 quả bom nổ chậm, 254 quả bom từ trường, 931 quả bom bi mẹ, 2 quả bom cháy, 962 lần bắn tên lửa, 3.008 lần bắn đạn 12 li vào 1.226 mục tiêu trọng yếu của tỉnh làm chết và bị thương hàng ngàn người.
Mặc dù với cường độ đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn sự phản công của nhân dân Phú Thọ song đế quốc Mỹ đã bị quân – dân Phú Thọ kiên cường chống trả làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề. Trong 2 năm (1965 - 1966), quân và dân Phú Thọ đã bắn rơi được 15 chiếc máy bay các loại. Đến Đông - Xuân năm 1966 – 1967, nhân dân Phú Thọ tiếp tục bắn rơi 8 máy bay các loại. Đặc biệt trong ngày cao điểm 5- 7- 1967, quân dân Phú Thọ đã bắn rơi 3 chiếc F105 từ loạt đạt đầu tiên. Tính đến năm 1968, quân dân Phú Thọ đã bắn rơi 85 máy bay và bắt sống nhiều giặc lái [6].
Trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân Phú Thọ cũng như nhân dân toàn miền Bắc, đế quốc Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề, âm mưu tiêu diệt miền Bắc XHCN, triệt hạ hậu phương lớn của miền Nam bị thất bại. Ngày 1 - 11 - 1968, Giônxơn buộc phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Pari.
Như vậy, cùng với quân và dân miền Bắc, quân và dân Phú Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN động viên khích lệ nhân dân cả nước niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bên cạnh đó, nhân dân Phú Thọ cũng khắc phục mọi khó khăn, nhường cơm xẻ áo để chi viện tối đa sức người và sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam chiến đấu, thực hiện nguyện vọng cháy bỏng của cả nước là đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

1.2. Phú Thọ thực hiện nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “cử người đi đánh Mỹ”, “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương” nhân dân Phú Thọ đã khắc phục mọi khó khăn vừa chiến đấu vừa tăng gia sản xuất nhằm chi viện đắc lực cho miền Nam ruột thịt cả về sức người và sức của, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tính từ 1965 đến 1968, các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã bán cho nhà nước 358.204 tấn lương thực (quy ra thóc) để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 4 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban sắc lệnh “Luật nghĩa vụ quân sự thời chiến”. Chỉ sau ba ngày công bố sắc lệnh, cả tỉnh đã có 252 đơn tình nguyện của sỹ quan, quân nhân dự bị và 503 đơn xin nhập ngũ của con em đất tổ Hùng Vương xin được vào miền Nam chiến đấu.
Hội phụ nữ tỉnh và Hội mẹ chiến sỹ đã nhận chăm lo đỡ đầu cho hơn 700 gia đình bộ đội, thương binh, liệt sỹ và động viên con em mình lên đường vì miền Nam ruột thịt. Hàng ngàn chị em đăng ký cho chồng, con, em mình xét tuyển. Cả năm 1965, tỉnh Phú Thọ đã tiến hành 7 đợt tuyển quân. Trong đợt đầu đã có 1000 thanh niên trúng tuyển lên đường nhập ngũ. Tính cả năm, Phú Thọ có 7509 con em từ tất cả các địa phương lên đường vào Nam chiến đấu, vượt chỉ tiêu 39,2%.
Năm 1966, tỉnh Phú Thọ lại tiến hành tuyển quân và tiễn đưa 7610 thanh niên ưu tú vào Nam, trong đó 282 người là nữ, đạt 142,26% chỉ tiêu [7]. Phú Thọ cũng đã đưa 40 xe chở hàng chi viện vào miền Nam. Chỉ trong hai tháng đoàn xe đã đến đích và trở ra an toàn.
Do yêu cầu cấp bách chi viện cho các chiến trường, ngày 31 – 11 – 1966, Bộ Quốc phòng quyết định điều động Trung đoàn Tam Giang của tỉnh Phú Thọ vào miền Trung cùng nhân dân bảo vệ thành phố Vinh, lập Trung đoàn pháo phòng không 282 thay cho Trung đoàn 270 cùng nhân dân Phú Thọ chiến đấu. Trong thời gian này, 450 học sinh của tỉnh vừa tốt nghiệp cũng lên đường. Hàng ngàn cán bộ y tế từ các huyện lên đường vào Nam. Theo yêu cầu của trung ương, ngoài các lực lượng trong quân đội, Phú Thọ đã điều động 3686 cán bộ, đảng viên vào tăng cường cho các chiến trường B, C, K. Tính từ 1964 đến 1968, Phú Thọ đã gửi vào Nam hơn 400.000 tấn lương thực (quy ra thóc) và hàng chục ngàn tấn thực phẩm cùng các vật dụng thiết yếu phục vụ chiến trường. Tỉnh đã tiễn đưa 36.930 con em mình lên đường vào Nam. Cao điểm nhất là năm 1968, tỉnh đã huy động 15402 người. Tất cả những đóng góp đó của nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã góp một phần nhỏ bé cùng hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam, nhằm thực hiện nguyện vọng khát khao và cháy bỏng của cả dân tộc là độc lập, hoà bình thống nhất tổ quốc.

2. Phú Thọ chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ và ra sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam (1969 - 1975).
2.1. Quân – dân Phú Thọ chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ xâm lược.

Trong khi nhân dân miền Bắc giành thắng lợi lớn trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ thì quân dân miền Nam cũng đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ. Năm 1968, quân dân miền Nam bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy “tết Mậu Thân” đã đánh sập chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Để cứu vãn tình thế, tổng thống Mỹ Níchxơn đã ra lệnh “Mỹ hoá” cuộc chiến xâm lược Việt Nam bằng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", một phần của chiến lược này là nhằm vào miền Bắc XHCN, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc XHCN với mục đích là ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.Riêng năm 1969, Mỹ sử dụng 44 lần chiếc máy bay chinh sát loại SR – 71 vi phạm vào không phận Vĩnh Phú rải truyền đơn, thư tâm lý, giấy báo tử giả… nhằm kích động gây hoang mang chia rẽ và làm giảm sức chiến đấu của nhân dân trong tỉnh.
Trước tình hình mới, Bộ Tư lệnh quân khu Việt Bắc đã ra chỉ thị 713 (9- 11 - 1970) về việc đẩy mạnh chuẩn bị đối phó nguy cơ chiến tranh phá hoại lần thứ hai của địch.Tỉnh Vĩnh Phú đã xây dựng được bốn đại đội dân quân cơ động, 72 trung đội cơ động đóng trên địa bàn của các huyện, thị, 427 trung đội và 8 tiểu đội cơ động cấp xã. Tỉnh đội Vĩnh Phú cũng đẩy mạnh công việc chỉnh đốn, củng cố và xây dựng lực lượng chiến đấu với 452 trận địa trực chiến, sửa chữa và tu bổ 249.900 hầm hào, làm mới 153.558 hầm và 7 trận địa 12,7 ly của tự vệ. Nhân dân trong tỉnh cũng đào mới và tu sửa 269.036 hầm công cộng, 736.746 hầm gia đình, 486.558 giao thông hào và 403.404 hầm hố cá nhân ven đường. Tính đến tháng 6 năm 1972 tỉnh đã đào được 1.310.290 hầm hào trú ẩn cho nhân dân.
Trong khi nhân dân Vĩnh Phú và các tỉnh của miền Bắc đang khôi phục lại kinh tế, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến thì ngày 6 – 4 – 1972, máy bay Mỹ bắn phá các tỉnh thuộc khu IV cũ mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Ngay ngày hôm đó Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra mệnh lệnh cho toàn quân quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 11 – 4 – 1972, chính phủ ra tuyên bố về bước leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ [8].
Ngày 17 – 5 – 1972, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Vĩnh Phú và dội bom đánh sập cầu Việt Trì vừa được sửa chữa. Với tinh thần cảnh giác và chuẩn bị mọi mặt, chỉ sau 45 phút cầu Việt Trì bị đánh sập bến phà dự bị được đưa vào sử dụng thay thế đảm bảo huyết mạch giao thông suốt.
Ngày 12 – 4 – 1972, Vĩnh Phú quyết định cho khôi phục 2 tiểu đoàn pháo phòng không 64B và 64C chuyển cho Quân khu Việt Bắc phân công tác chiến. Tỉnh cũng đã tích cực sơ tán cho 72 cơ quan và hàng vạn nhân dân ra khỏi những địa bàn trọng điểm dự kiến sẽ là mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, tỉnh đã tiếp nhận 201 cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện từ Hà Nội lên sơ tán nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của.
Chỉ tính từ 6 – 4 – 1972 đến 29 – 12 – 1972, Mỹ đã sử dụng 230 lần tốp với 850 lần máy bay do thám, 650 lần tốp với 2.063 máy bay các loại đánh phá 142 trận vào Vĩnh Phú, đổ xuống 9.759 quả bom phá, 1.276 quả bom phát quang, 49 thùng bom bi và 52 quả tên lửa vào 229 mục tiêu trọng điểm của tỉnh [9].
Trong cuộc chiến ác liệt này, Vĩnh Phú bị thiệt hại nặng nề, 7 nhà máy của tỉnh bị hư hỏng nặng là: nhà máy điện, nhà máy giấy, nhà máy đường,  nhà máy hoá chất (Việt Trì), nhà máy giấy Lửa Việt, nhà máy chè Yển Khê (Hạ Hoà), nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao… Tổng số thiệt hại là 785 người chết, 514 người bị thương. Bên cạnh đó, 1.036 nhà và 4 cầu sắt, 54 ô tô vận tải và hàng chục Km đường bị phá huỷ. Các trung tâm như Việt Trì, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ và một số địa điểm khác vẫn là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ.
Ngày 15 – 8 – 1972, Mỹ điên cuồng cho máy bay bắn phá vào nhà máy điện Việt Trì. Ngày 27 – 8 – 1972, máy bay Mỹ đã đổ 223 quả bom phá mạng tính huỷ diệt vào hai địa điểm là nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao và trường Trung cấp Hoá chất của tỉnh. Đặc biệt từ 27 – 8 đến 23 – 10 – 1973, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt vào thành phố Việt Trì.
Ngày 20 – 9 – 1972 máy bay Mỹ đổ xuống khu kinh tế mới Minh Đài (Thanh Sơn) với 126 quả bom làm thiệt hại nặng cả về người và của. Mỹ cũng cho máy bay bắn phá ác liệt khu công nghiệp Việt Trì với tần suất lớn. Ngày 25 – 6 – 1972, quân – dân Việt Trì đã bắn rơi 1 chiếc F4.
Ngày 10 – 10 – 1972, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã ra chỉ thị 545/CT phát động toàn quân – dân Vĩnh Phú thi đua bán rơi chiếc máy bay thứ 400 của quân khu Việt Bắc và là chiếc thứ 4000 của nhân dân miền Bắc.
Ngày 16 – 10 – 1972, một tốp máy bay Mỹ gồm 3 chiếc đã ném 30 quả bom vào Hạ Hoà, Tam Dương và Yên Lãng. Chúng đã bị quân – dân tỉnh chống trả quyết liệt. 0 giờ 5 phút ngày 17 – 10 – 1972, máy bay Mỹ tiếp tục bay vào không phận Vĩnh Phú. Một tiểu đội nữ dân quân xã Tiền Châu (Yên Lãng) chỉ với 26 viên đạn súng đại liên đã bắn tan xác 1 chiếc F111 [10]. Đây là chiếc máy bay thứ 4000 của toàn miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29 – 12 - 1972), Mỹ đánh phá Hà Nội, quân – dân Vĩnh Phú đã chia lửa với quân – dân thủ đô, bắn rơi 2 chiếc B52 góp phần vào thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không”. Bên cạnh đó cùng thời gian này, nhân dân tỉnh Phú Thọ cùng nhân dân các tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái đã giúp đỡ nhân dân Thủ đô hơn 500.000 cây tre, 2.000.000 cây nứa, 1.000.000 tàu lá cọ và lá gồi để bà con khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ [11]. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại lần 2 của đế quốc Mỹ (6 – 4 đến 29 - 12) quân dân Vĩnh Phú đã chiến đấu kiên cường, bắn rơi 27 máy bay trong đó có 2 chiếc B52 và 1 chiếc F111 (chiếc thứ 4000) đưa tổng số máy bay quân – dân Vĩnh Phú bắn rơi lên 120 chiếc, bắt sống nhiều tên phi công [12].
Sự thất bại trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ buộc chính phủ Mỹ phải tuyên bố chấm dắt cuộc chiến phi lý này vào ngày 15 - 1 - 1973. Thắng lợi này của quân dân miền Bắc là tiền đề đặc biệt quan trọng buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Pari và ký kết "Hiệp định về chấm dắt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam"(ngày 7 - 1 - 1973).

2.2. Quân và dân Phú Thọ đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Thực hiện nhiệm vụ là hậu phương lớn vững chắc, nhân dân Vĩnh Phú cùng nhân dân toàn miền Bắc vừa anh dũng kiên cường chống chiến tranh phá hoại của Mỹ vừa huy động toàn lực sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Để tăng cường chi viện cho miền Nam, trong 4 năm từ 1968 đến 1972, tỉnh đã đào tạo 1.115 cán bộ y tế – dược với trình độ trung cấp và sơ cấp. Tỉnh đã điều động 119 người vào chi viện cho Quảng Bình. Riêng công nhân nhà máy mỳ chính Việt Trì vừa chiến đấu vừa sản xuất đã vượt chỉ tiêu, sản xuất thêm được 14 tấn mỳ chính gửi ra tiền tuyến. Hội phụ nữ và các mẹ chiến sỹ của tỉnh đã lao động 27 vạn ngày công, đóng góp 170.990 đồng gửi vào ủng hộ đồng bào kết nghĩa tỉnh Bến Tre.
Từ 1969, tỉnh Vĩnh Phú đã gửi hàng vạn thanh niên xung phong lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Để đảm bảo chi viện cho miền Nam, tỉnh đã thực hiện tăng cường lực lượng phụ nữ vào dân quân, tự vệ còn nam giới nhập ngũ vào chiến trường. Chỉ trong năm 1972, khi máy bay Mỹ tấn công đánh phá miền Bắc, tỉnh đã động viên và tiễn đưa 16.332 thanh niên ưu tú lên đường. Đến cuối năm 1972 cả tỉnh có 46.637 gia đình có con em đi chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Cả năm 1974, Vĩnh Phú tiến hành 2 đợt tuyển quân chi viện 8.572 thanh niên cho chiến trường miền Nam. Sang 3 tháng đầu năm 1975, tỉnh tiến hành 3 đợt tuyển quân đưa 17.473 con em lên đường nhập ngũ. Bên cạnh đó, quân – dân Vĩnh Phú còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất nhằm chi viện nhu yếu phẩm cho đồng bào miền Nam.
Sau ngày 30 – 4 – 1975, tỉnh Vĩnh Phú đã phát động phong trào quyên góp trong nhân dân toàn tỉnh, gửi tặng đồng bào miền Nam sau giải phóng 480.000 tấn thóc giống để đồng bào khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, hàng ngàn cán bộ các ban ngành của tỉnh, đặc việt là giáo viên đã được tỉnh điều động chi viện cho miền Nam nhằm giúp bà con các vùng mới giải phóng.
Như vậy, với quyết tâm thống nhất nước nhà, nghĩa đồng bào son sắt, chỉ trong 10 năm (1965 - 1975) tỉnh Vĩnh Phú đã tiến hành 45 đợt tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam 145.437 người (riêng Phú Thọ là 92.782 người). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đưa 3.850 thanh niên xung phong đi chi viện cho các chiến trường B,C, K.

3. Kết luận.

Đề tài “Quân – dân phú thọ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc mỹ xâm lược và chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam” nghiên cứu về những cống hiến của nhân dân và các lực lượng vũ trang của tỉnh Phú Thọ trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện sức người sức của cho miền Nam, tiến tới đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bảo vệ miền Bắc XHCN, thống nhất đất nước. Giai đoạn 1965 – 1975 là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta. Trong giai đoạn này, quân và dân Phú Thọ đã sát cánh cùng nhân dân cả nước chống giặc Mỹ xâm lược với tất cả sức lực và ý chí quyết thắng và chiến thắng của mình. Nhân dân Phú Thọ xứng đáng là con cháu vùng đất tổ Hùng Vương, kiên cường chiến đấu bảo vệ miền Bắc XHCN và chi viện đắc lực cho miền Nam thực hiện nguyện vọng thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất tổ quốc. Thắng lợi to lớn của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là thành công lớn của ý chí kiên cường, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
SUMMARY
"The theme “Phu Tho army and people resisted the war of sabotage of American Imperialism and assisted the large front line of the South” studies the contribution of the Phu Tho people and army forces to the task of resisting the war of sabotage of American Imperialism, supplying the South with people and property in order to defeat American invaders , defend the North socialism and unify the country. The period from 1965 to 1975 was a specially important period in the resistance war history against the American Imperialism of Vietnam people and army. During this period, Phu Tho people and army stood side by side with the whole country people opposed American invaders by their all strength and will to win. Phu Tho people deserved to be the decendants of Hung Kings’ land, fighting resiliently to defend the North socialism and support efficiently the South in order to carry out the urgent expectation of the President Ho Chi Minh and Vietnam people – winning the American invaders and unifying the country.

Chú thích.
[1]. Văn kiện Đại hội III, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, Xuất bản tháng 9/ 1960, trang 34-35.
[2]. Lê Duẩn: chuyển mạnh sự lãnh đạo của Đảng…Tạp chí học tập số 10- 1965.
[6]. Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam 1965- 1975. NXB KHXH, Hà Nội, 2002, Tr98.
[8]. Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam 1965 – 1975. NXB KHXH, Hà Nội, Tr 277.
[10]. Hội nông dân Việt Nam: Lịch sử phong trào nông dân và hội nông dân Việt Nam (1930 - 1995). NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998, Tr317 – 318.
[11]. Thủ đô Hà Nội lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975). NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội,  1991, Tr 265.
[3], [4], [5], [7], [9], [12]: Tư liệu thống khê do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Thọ cung cấp.

Tài liệu tham khảo.
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Phú Thọ (1954 - 1975). NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
2. Hội nông dân Việt Nam: Lịch sử phong trào nông dân và hội nông dân Việt Nam (1930 - 1995). NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998.
3. Lê Duẩn: chuyển mạnh sự lãnh đạo của Đảng…Tạp chí học tập số 10- 1965
4. Thủ đô Hà Nội lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975). NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
5. Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam 1965 – 1975. NXB KHXH, Hà Nội 2002.
6. Văn kiện Đại hội III, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, Xuất bản tháng 9 -  1960.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

như dồ