Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

The Marriage Customs of the White Hmong in Thuanchau District, Sonla Province (A Study in Namgiat Village, Phonglai Commune)

TỤC CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI HMÔNG TRĂNG Ở THUẬN CHÂU, SƠN LA
(Qua nghiên cứu tại bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái)

Dương Hà Hiếu
Tạp chí Dân tộc học số 3 (153).2008

Summary.
Duong Ha Hieu. The Marriage Customs of the White Hmong in Thuanchau District, Sonla Province (A Study in Namgiat Village, Phonglai Commune). This study examines the extent to which in Nam Giat village still maintain their marriage customs: do not get married to a person who belongs to the same family lineage; maintain the custom of "catching the wife"; if related to the bridegroom, help the bridegroom out with the wedding-presents; if related to the bride, do not escort the bride to the bridegroom's house.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, người Hmông ở nước ta là 787.604 người, chỉ đứng sau các dân tộc: Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơme, Mường, Nùng. Địa bàn cư trú của họ chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An. Riêng ở Sơn La, người Hmông có dân số lên đến 114.578 người gồm các nhóm: Hmông Trắng, Hmông Đỏ, Hmông Xanh, Hmông Hoa. Họ có mặt ở tất cả các huyện trong tỉnh nhưng tập trung đông nhất tại Yên Châu, Bắc Yên, Thuận Châu và Mộc Châu. Bản Nậm Giắt thuộc xã Phỏng Lái – cách trung tâm huyện Thuận Châu trên 40km về phía tây bắc – có 85 hộ với 412 người thuộc nhóm Hmông Trắng. Với dân tộc thuần nhất lại ít có điều kiện giao lưu trao đổi thường xuyên với các cộng đồng tộc người khác, người Hmông Trắng Nậm Giắt vẫn còn giữ được nếp sống truyền thống khá phong phú và độc đáo. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu về tục cưới xin của đồng bào với những quan niệm, các bước tiến hành và nghi lễ, luật lệ của nó nhằm đưa đến độc giả một sự hiểu biết tương đối đầy đủ, đúng đắn về tục cưới xin của người Hmông nói chung và nhánh tộc Hmông Trắng nói riêng dựa trên kết quả điều tra điền dã tại bản Hmông Trắng Nậm Giắt, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La.
1. Những quan niệm về tình yêu và hôn  nhân
Do điều kiện sinh sống chủ yếu trên các dãy núi cao, mỗi dòng họ người Hmông quy tụ thành từng bản và thiết lập mối quan hệ tương trợ rất chặt chẽ giữa các thành viên với nhau. Bản người Hmông vì thế mà gắn liền với họ. Mỗi bản là một họ. Đây là điểm độc đáo trong lối sống của tộc người này. Và vì vậy, người Hmông nói chung và người Hmông Trắng Nậm Giắt nói riêng có những quan niệm tương đối rõ ràng về tình yêu và hôn nhân: không lấy người cùng họ. Đây là quy định bất biến và cũng rất ngặt nghèo, không một người nào được phép vượt qua. Không kể ở xa hay ở gần, người Hmông Trắng Nậm Giắt cấm kỵ những người trùng họ lấy nhau mặc dù trên thực tế những người đó không hề có mối quan hệ máu mủ. Không những vậy, người Hmông Trắng Nậm Giắt còn quan niệm trai gái người Hmông Trắng phải lấy người cùng nhóm Hmông Trắng mà không được lấy người thuộc các nhóm Hmông khác mặc dù cùng chung một dân tộc. Bởi theo họ, mỗi nhóm tộc Hmông có những phong tục kiêng kỵ riêng. Do đó, nếu khác nhóm tộc mà trai gái lấy nhau thì phong tục cũng như những kiêng kị của nhóm tộc này lại phạm vào những kiêng kị của nhóm tộc kia. Và như vậy sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ anh em dòng họ hai bên cũng như giữa dòng họ chàng trai với dòng họ cô gái, cao hơn là giữa các nhóm tộc Hmông với nhau. Mặc dầu vậy, thực tế hiện nay đôi khi vẫn xảy ra việc đôi trai gái Hmông khác nhóm tộc đến với nhau nên vợ nên chồng nhưng hiện tượng này ở bản người Hmông Nậm Giắt thì rất hiếm.
Ngoài điều cấm kỵ trên, trong tình yêu, người Hmông Trắng ở bản Nậm Giắt không có những tục lệ cấm đoán gì. Trai gái tự do tìm hiểu nhau. Điều này tương đối đặc biệt so với nhiều tộc người anh em khác. Quan niệm “môn đăng hộ đối” hay “Sừng đối sừng, lược đối lược” của nhiều tộc người chỉ tồn tại trong nội bộ tầng lớp thống lý trước đây nhưng cũng rất mờ nhạt. Bởi, con trai các thống lý vẫn có quyền tự do tìm hiểu bạn đời cho mình nếu cha mẹ không có giao ước với gia đình khác từ trước.
Tục lệ các gia đình tổ chức giao ước với nhau ngay sau khi đứa những trẻ được sinh ra nhằm ràng buộc những đứa trẻ đó khi lớn lên phải lấy nhau. Nếu gia đình nào huỷ bỏ giao ước sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa hai gia đình và hai dòng họ. Tuy nhiên trên thực tế, kể cả khi có giao ước nhưng sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ không hợp nhau thì họ có thể đi tìm cho mình người khác, kể cả trường hợp bắt vợ. Và đương nhiên, hai gia đình không thể bắt vạ nhau. Song, tục giao ước trong người Hmông Trắng bản Nậm Giắt không phổ biến lắm.
Xuất phát từ điều kiện sống và nhu cầu cần thêm nhân lực lao động, người Hmông Trắng ở Sơn La nói chung và người Hmông Trắng bản Nậm Giắt nói riêng bước vào tình yêu và hôn nhân rất sớm. Thông thường, con trai từ 12 tuổi đến 15 tuổi là đã đi tìm bạn đời và con gái từ 13 tuổi trở lên thì có thể lập gia đình. Nhưng đôi khi, tuỳ vào từng hoàn cảnh gia đình mà các chàng trai cô gái lập gia đình sớm hơn. Việc tìm hiểu làm quen của trai gái Hmông Trắng Nậm Giắt chủ yếu thông qua lao động sản xuất (làm nương rẫy, chăn thả gia súc …) và tại những địa điểm vui chơi công cộng của bản, xã (các lễ hội trong ngày tết, chợ, trong các đám cưới bạn bè …)
Sau khi được cô gái chấp nhận, chàng trai mới tiến đến bước nữa gần hơn: rủ đi chơi tìm hiểu. Giai đoạn tìm hiểu bạn tình của các chàng trai Hmông Nậm Giắt với thời gian khá dài, một năm hoặc lâu hơn thế. Chỉ khi nào chàng trai được cô gái yêu, chấp nhận về làm vợ thì việc chuẩn bị và tổ chức đám cưới mới được bắt đầu với các bước cụ thể tiếp theo.
2. Tổ chức kéo vợ
Đây là một phong tục rất độc đáo của dân tộc Hmông. Thông thường khi đôi trai gái yêu nhau và cô gái đã nhận lời về làm vợ chàng trai thì hai người hẹn ngày và địa điểm để chàng trai tổ chức kéo về nhà, và lúc đó, chàng trai mới thông báo chính thức cho gia đình mình.
Bên cạnh đó còn có nhiều trường hợp, tình huống để dẫn đến tục kéo vợ. Đó là, khi để ý đến một cô gái nào đó, chàng trai Hmông không cần để ý đến việc cô gái có đồng ý hay không. Anh ta sẽ cùng các bạn trai của mình đi và bắt cô về. Ở trường hợp này, tục kéo vợ thường diễn ra khi cô gái chỉ có một mình ở nhà, trên nương rẫy, đi lấy nước, lấy củi … Hoặc trường hợp, hai bên gia đình đã có giao ước từ trước, chàng trai có thể rủ bạn hoặc anh trai cùng đi đến nhà gái để kéo cô về nhà mình. Trong trường hợp này, gia đình nhà cô gái ngầm ủng hộ cho chàng trai kéo đi bằng sự can ngăn, giằng co yếu ớt. Trong xã hội Hmông còn tồn tại chế độ thống lý trước đây còn có trường hợp kéo vợ trừ nợ. Đó là những gia đình Hmông nghèo lao động không đủ đóng “thuế”, phải gán con cái cho nhà thống lý để bù nợ. Những cô gái này mặc dù vẫn được nhà thống lý tổ chức kéo về nhưng thân phận và địa vị của họ trong nhà thống lý chỉ là người hầu hạ hoặc vợ lẽ, phải làm lụng rất vất vả chứ không bao giờ được làm vợ chính.
Việc tìm hiểu của các chàng trai Hmông bản Nậm Giắt cũng rất độc đáo. Tình yêu của họ gắn liền với chiếc kèn lá. Khi để ý đến một cô gái nào đó, chàng trai mới bắt đầu tán tỉnh. Thông thường, các chàng trai sẽ bắt chuyện trước rồi mới tỏ tình. Khi cô gái tỏ ra để ý đến, chàng trai mới theo về nhà. Và từ đó đêm đêm, tiếng kèn lá lại được cất lên da diết, nỉ non, giục giã kéo cô gái ra khỏi nhà đến với người yêu.
Không kể đến những trường hợp khác như trong giao ước, cưỡng ép hoặc gán nợ, tục kéo vợ của người Hmông chỉ có thể xảy ra khi cô gái nhận lời yêu và cho phép. Và để chuẩn bị cho sự kiện này, chàng trai và cô gái sẽ bàn bạc đi đến thống nhất về ngày cũng như địa điểm tổ chức. Về phần mình, chàng trai và cô gái đều phải có sự chuẩn bị riêng nhất định. Chàng trai và cô gái sẽ phải nhờ các bạn thân của mình tham gia.
Hôm diễn ra sự kiện kéo vợ, bao giờ cũng vậy, cô gái và các bạn của cô cũng phải đến trước. Người yêu của cô và các bạn trai sẽ đến sau. Đôi khi cũng diễn ra trường hợp, các chàng trai đến địa điểm trước các cô gái nhưng sẽ nấp vào những chỗ khuất để không ai nhìn thấy như bụi cây, tảng đá … Khi các cô gái đến, người yêu của cô và các bạn của anh sẽ tiến hành “bao vây”, trò chuyện một hồi rồi mới kéo.
Trong các bài nghiên cứu đã đăng tải trên các số tạp chí Dân tộc và Thời đại của Hội dân tộc học Việt Nam, và qua điều tra điền dã tại các vùng người Hmông sinh sống ở huyện Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, đặc biệt là người Hmông Trắng bản Nậm Giắt xã Phỏng Lái và Hmông Xanh bản Pá Nọt xã Pá Lông của huyện Thuận Châu, chúng tôi đều thấy có điểm độc đáo là: mặc dù đôi nam nữ đã có hẹn trước cũng như kể cả cách thức tiến hành tục kéo vợ nhưng không bao giờ họ đến và tiến hành ngay. Các chàng trai sẽ bắt chuyện đưa đẩy qua lại một thời gian dài rồi mới đến “thủ tục” kéo vợ. Chàng trai sẽ đến cầm tay cô gái giằng qua kéo lại nhiều lần. Sau đó, anh mới ra hiệu hoặc gọi các bạn mình đến phụ giúp kéo người yêu về. Đến lúc đó, các bạn của cô gái mới thực sự vào cuộc. Các cô sẽ kéo giữ bạn mình lại không cho các chàng trai kéo đi dễ dàng. Mặc dù đã yêu nhau và đồng ý về làm vợ chồng của nhau, nhưng trong trường hợp này, cô gái luôn tìm cách để cưỡng lại sức lôi kéo của người yêu và các bạn của anh.
Cô có thể chạy thoát nhiều lần và được các bạn gái giúp đỡ, bao bọc gây khó khăn cho các chàng trai. Khi đã giằng qua kéo lại một lúc lâu thì những đợt xô đẩy giằng kéo của các cô gái về sau sẽ yếu dần. Bạn bè cô gái ngầm giãn ra để các chàng trai lôi bạn mình đi. Lúc này, các bạn gái của cô chỉ chạy theo bấu vào áo váy cô để các chàng trai kéo đi cùng. Và rồi, từng cô gái sẽ dời bạn ra và quay trở về bản để báo cho gia đình là con họ đã đi làm dâu nhà khác, bản khác.
3. Thông báo
Sau khi kéo người yêu về đến nhà, chàng trai sẽ nhốt người yêu vào một gian buồng của gia đình. Lúc này công việc chuẩn bị cho các bước hôn lễ mới chính thức được bắt đầu.
Một quy định độc đáo của người Hmông Trắng bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái là việc phân chia quyền sử dụng các gian buồng của ngôi nhà thể hiện rất rõ ràng trong sự kiện kéo vợ này. Thông thường, ngôi nhà của người Hmông chỉ có ba gian và hai trái. Hai gian giáp đầu hồi được sử dụng vào làm chỗ ngủ cho các thành viên của gia đình. Riêng gian giữa của ngôi nhà, người Hmông không bao giờ sử dụng làm chỗ ngủ. Đây là điều tối kỵ đối với đồng bào. Vì gian giữa là gian linh thiêng nhất của ngôi nhà, nơi đặt bàn thờ – còn gọi là “xử ca” – thờ thần quản lý mùa màng, gia sản của cả nhà. Ở gian này, người Hmông chỉ sử dụng duy nhất vào việc tàng trữ lương thực, giống cây trồng như lúa, ngô …
Trong ngôi  nhà của người Hmông Nậm Giắt, có một buồng riêng dành cho bố mẹ chàng trai nghỉ ngơi. Theo tục lệ của người Hmông Trắng thì không ai trong gia đình được vào gian buồng này. Nếu chàng trai là con trưởng trong gia đình thì anh sẽ nhốt người yêu của mình tại gian buồng này. Sau khi cưới, vợ chồng anh sẽ sinh hoạt riêng ở đây và bố mẹ anh sẽ phải chuyển sang những gian buồng khác. Nếu là con thứ, chàng trai không được phép nhốt người yêu vào gian buồng của bố mẹ mình mà phải nhốt vào gian buồng mà anh nằm ngủ.
Sau đó, chàng trai cùng moij người trong nhà mới bàn đến việc thông báo chính thức cho nhà gái. Để thực hiện nghi lễ này, điều bắt buộc với người Hmông Trắng nói chung và người Hmông Trắng bản Nậm Giắt nói riêng là cần phải cử hai người đại diện mang lễ đến nhà gái. Theo tục lệ, hai người này phải là chú, bác hiểu lễ nghi, khéo ăn nói, kiên nhẫn và chịu đựng tốt trong họ hàng. Đôi khi có trường hợp, gia đình chàng trai nhờ người ngoài và bố mẹ, ông bà cũng như anh em ruột chàng trai không được tham gia trong tục thông báo này. Đây là điều cấm kỵ. Chỉ khi nào tục thông báo không được xuôn sẻ thì nhà trai mới thực sự tham gia vào.
Thông thường ngay ngày hôm sau, nhà trai đã tiến hành tục thông báo cho nhà gái. Nếu như nhà gái ở xa, nhà trai sẽ phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về lễ và đồ ăn mang theo. Đối với người Hmông Trắng Nậm Giắt, lễ thông báo gồm một chai rượu, một con gà trống hoặc gà mái, một ít tiền và không thể thiếu một gói thuốc lào.
Khi đã đến nhà cô gái, hai người đại diện cho nhà trai sẽ được nhà gái hỏi lý do vì sao đến chơi mặc dù họ thừa biết hai người này được nhà trai uỷ thác đến thông báo cho họ biết con gái họ đã bị cướp về và nay đến để xin làm thủ tục xin cưới. Sau đó, đại điện của nhà trai nói rõ lý do và mời nhà gái hút thuốc lào nhà trai gửi sang. Có thể nói, trong hôn nhân của người Hmông nói chung và người Hmông Trắng Nậm Giắt nói riêng, gói thuốc lào đóng một vị trí đặc biệt quan trọng vì nó phụ thuộc vào việc nhà gái có nhận hút thuốc lào của nhà trai hay không. Đại diện của nhà trai bắt buộc phải mời bằng được bố mẹ, anh chị em và họ hàng của cô gái dùng thuốc lào của mình. Và nếu nhà gái đồng ý gả con gái họ cho nhà trai thì họ sẽ nhận thuốc lào và hút mà không cần nói gì thêm.
Tuy vậy trên thực tế không phải gia đình nhà gái nào cũng nhận thuốc ngay lập tức mà họ thường dùng dằng kéo dài thời gian để nói chuyện thăm dò gia cảnh của nhà trai. Vì vậy mà đôi khi, việc thông báo ướm hỏi của nhà trai phải kéo dài đến hai ba ngày hoặc lâu hơn nữa. Và để kéo dài thời gian thăm dò, nhà gái sẽ tìm đủ mọi lý do nhằm không  nhận thuốc lào của đại diện nhà trai buộc hai người đại diện nhà trai phải mời đi mời lại, xin đi xin lại hết ngày này sang ngày khác đến khi nào nhà gái nhận hút thuốc lào của họ thì thôi. Đây chính là điều lý giải tại sao nhà trai phải nhờ đến những người già cả thông thiểu phong tục và khéo ăn khéo nói, đặc biệt là phải nền tính, kiên nhẫn chịu đựng. Bởi vì, chỉ cần một trong hai người đại diện không kiên nhẫn bỏ về thì nhà trai sẽ phải nhờ người khác hoặc phải thả cô gái ra ngay lập tức. Như vậy, hôn lễ của đôi trai gái sẽ đi đến tan vỡ. Trong trường hợp thời gian quá dài mà nhà gái cương quyết không nhận thuốc lào của nhà trai, hai người đại diện phải xin phép nhà gái ra về và thông báo lại tình hình và mời bố mẹ chàng trai đến.
Khi đến nhà gái, bố mẹ chàng trai phải nói năng rào trước đón sau rồi hỏi nguyên do tại sao mà nhà gái không nhận thuốc, không tác thành cho đôi trai gái nên cửa nên nhà. Thông thường, nhà gái không nhận thuốc đều có lý do của mình như là: giữa hai gia đình trước đó có mâu thuẫn xung đột; trong giao tiếp của đại diện nhà trai có sơ xuất; … Trong trường hợp như vậy, nhà trai phải xin lỗi trước để hoà giải và xin nhà gái bỏ qua để con cái hai bên được đến với nhau. Nếu nhà gái chấp nhận, lúc đó, gia đình và họ hàng anh em cô gái mới nhận thuốc và hút.
Trong trường hợp, nếu hai gia đình trước đây không có mâu thuẫn cũng như đại diện nhà trai trong quá trình tiến hành thủ tục thông báo không phạm vào những điều cấm gì thì nhà trai sẽ phải hỏi nguyên do hoặc yêu cầu nhà gái đưa ra yêu cầu. Lúc đó, nhà gái sẽ nói rõ lý do hoặc đưa ra yêu cầu riêng về đồ lễ vật để nhà trai đáp ứng. Khi bố mẹ chàng trai nhận lời thì lúc đó nhà gái mới nhận thuốc lào và hút. Và như vậy, nhà gái không cần phải nói mà việc họ nhận thuốc hút đã ngầm thông báo rõ ràng cho nhà trai về sự đồng ý của họ. Riêng về phía cô gái, nếu bố mẹ cô đã đồng ý nhận lời thì cô sẽ ở lại luôn bên nhà trai mà không được về nhà mình nữa. Song cô gái vẫn bị nhà trai nhốt trong buồng mà chưa được ra người nếu nhà trai chưa làm lễ trình ma cho cô.
4. Lễ trình ma
Theo tục lệ, sau ba ngày, nhà trai sẽ phải tổ chức lễ trình ma nhà cho cô gái. Lễ trình ma được tiến hành nhằm thông báo với tổ tiên, họ hàng anh em và cũng là khẳng định từ nay cô gái chính thức là người của nhà trai. Đối với người Hmông Trắng Nậm Giắt, lễ trình ma bắt buộc phải chuẩn bị những vật phẩm sau: một con lợn, một bát gạo (nếp hoặc tẻ), một quả trứng gà và ba nén hương. Người tiến hành nghi lễ trình ma cho cô gái thường phải là bố hoặc ông của chàng trai. Khi bắt đầu thực hiện nghi lễ, nhà trai dẫn cô gái từ trong buồng ra gian nhà giữa, nơi có bàn thờ  “xử ca” và cửa hồn linh thiêng của ngôi nhà. Cánh cửa gian giữa ngôi nhà của người Hmông Trắng không bao giờ được mở ra để đi lại hàng ngày mà chỉ được mở ra để thực hiện những nghi lễ trang trọng của đời người như trong sinh đẻ, tang ma, hôn nhân. Và giờ đây, nó được mở ra để gia đình chàng trai tiến hành nghi lễ trình ma nhà cho con dâu của họ.
Trên thực tế, lễ trình ma diễn ra tương đối đơn giản nhưng là thủ tục bắt buộc vì nếu không tiến hành thì không thể tổ chức đám cưới được. Người tiến hành nghi lễ sẽ thắp ba nén hương khấn hồn cô gái về nhà mình và mời tổ tiên dòng họ về chứng giám, gọi hồn cô gái về với hồn chàng trai để sinh con đẻ cái, con cháu đầy cửa đầy nhà. Khi các thủ tục của lễ trình ma hoàn thành, cũng từ đó, cô gái chính thức là vợ chàng trai và gắn bó suốt đời với họ nhà trai.
5. Ăn hỏi xin cưới
Sau khi lễ trình ma hoàn thành, nhà trai sẽ sang nhà gái tiến hành ăn hỏi để xin cưới. Đoàn ăn hỏi thường có năm người là đôi vợ chồng trẻ, bố mẹ và một người đại diện của gia đình đã tiến hành nghi lễ thông báo ướm hỏi. Thông thường, lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm một con lợn khoảng 10kg, 05 lít rượu, thuốc lào và một ít bạc (ngày nay bạc được thay bằng tiền mặt và tuỳ theo sự thoả thuận giữa nhà trai với nhà gái).
Đến nhà gái, nhà trai không được đi dép mà phải để ở ngoài. Riêng chàng trai thì phải tiến hành nghi lễ ra mắt lạy chào tất cả gia đình đằng vợ từ ông bà, bố mẹ, anh chị em, họ hàng … không kể tuổi tác. Anh sẽ phải quỳ lạy từng người một và mỗi người hai lạy.
Cách chào lạy cũng rất đặc biệt. Đầu tiên, anh phải quỳ gối chân trái xuống trước và hạ gối chân phải xuống sau, đồng thời, hai bàn tay nắm lại chống xuống đất rồi đưa nhẹ lên rồi lại chống xuống. Lưng và mặt chàng trai phải cúi sát xuống để lạy. Tiếp theo, chàng trai khẽ thay đổi tư thế từ đầu cho phần chân trái và quỳ lạy. Cứ như vậy, chàng rể phải quỳ lạy tất cả mọi người bên nhà gái. Trong khi lạy chào, chàng trai sẽ phải nói vài lời đã chuẩn bị trước ở nhà với từng người phía nhà gái, đại ý “Con (hoặc cháu, em …) còn dại khờ. Xin bố (hoặc mẹ, ông bà, cô chú, anh chị em, …) bỏ qua cho …”. Ngay sau khi hoàn thành thủ tục, chàng trai phải cùng vài người phía nhà gái đi mổ lợn, thổi cơm. Trong ăn hỏi của người Hmông Trắng Nậm Giắt, lễ vật nhà trai đưa sang không nhiều lắm, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Và vì vậy, lợn, gà, gạo … sẽ được đem ra góp chung vào cùng thức ăn của nhà gái đã chuẩn bị từ trước.
Sau khi ăn uống xong, một lần nữa, nhà trai lại lấy thuốc lào ra mời họ hàng anh em nhà gái hút. Chỉ khác một điều, trong tục thông báo trước đây, việc mời thuốc là hai đại diện của nhà trai, thì ở nghi lễ ăn hỏi này, việc mời thuốc là chàng trai và bố mẹ anh. Bố mẹ cô gái cũng sẽ nói giúp cho nhà trai khi tiến hành thủ tục mời thuốc.
Theo quan niệm của người Hmông Trắng Nậm Giắt, nếu một người nào đó trong họ hàng nhà gái còn lưỡng lự chưa muốn nhận thuốc thì tức là họ chưa đồng ý cho người trong dòng họ mình về làm dâu họ khác. Trong những trường hợp này, người đại diện của nhà trai sẽ phải hỏi rõ lý do và khéo léo ứng xử sao cho người trong họ nhà gái nhận bằng được thuốc lào thì thôi. Chỉ khi nào tất cả những người họ nhà gái có mặt tham gia đều đồng ý và đã nhận thuốc lào hút thì phần quan quan trọng của lễ ăn hỏi mới coi như là hoàn thành.
Bước tiếp theo, nhà trai và nhà gái sẽ đi đến bàn bạc để ấn định ngày tổ chức đám cưới cũng như yêu cầu về lễ vật mà nhà trai phải chuẩn bị cho nhà gái khi tổ chức đám cưới. Thông thường, nhà trai sẽ nhường cho nhà gái ấn định ngày cưới cũng như đưa ra yêu cầu về lễ vật.
Song cũng có trường hợp, nhà gái ấn định thời gian tiến hành hôn lễ quá dài hay yêu cầu về lễ vật quá sức so với tiềm lực của nhà trai. Lúc đó, nhà trai buộc phải thảo luận với nhà gái để thống nhất lại cho phù hợp. Nếu nhà gái không đồng ý thì buộc nhà trai phải chấp nhận. Nếu nhà gái đưa ra yêu cầu quá lớn mà nhà trai không thể đáp ứng được cùng một lúc thì phải xin phép nhà gái gửi dần trong khoảng thời gian mà hai bên thống nhất.
6. Tổ chức đám cưới
Ngay sau bước ăn hỏi, nhà trai phải về ngay để thông báo cho họ hàng biết ngày tổ chức đám cưới cũng như số lượng lễ vật mà nhà gái đưa ra để trên cơ sở đó nhờ anh em họ hàng giúp sức. Đến ngày cưới, nhà trai sẽ cử một đoàn đại diện gồm: cô dâu và chú rể, anh trai (hoặc anh, em rể) và em gái chú rể, hai người đại diện trước đây của gia đình và một số người giúp sang làm cơm cho nhà gái ăn uống. Lần này, hai đại diện của nhà trai phải mang theo một cái ô để che cho cô dâu. Điều đặc biệt trong đám cưới của người Hmông Trắng Nậm Giắt là bố mẹ và bạn bè chú rể không được phép đi cùng đoàn đại diện đến nhà gái mà phải ở nhà chuẩn bị cơm nước cùng một số người trong họ hàng.
Khi đến nhà gái, chàng rể phải tiến hành quỳ lạy anh em họ hàng cô dâu như ở lễ ăn hỏi. Tuy nhiên trong lần này, cùng quỳ lạy với chàng trai còn có cả anh trai (hoặc anh, em rể) của chàng. Sau đó, nhà trai phải qua một “cửa ải” nữa là hát xin dâu. Nhà gái chỉ quan sát và nghe xem nhà trai có hát sai hay không để “phạt” mà thôi.
Trong đám cưới của nhánh tộc Hmông Trắng nói chung và người Hmông Trắng Nậm Giắt nói riêng, nhà trai đều bắt buộc phải hát bài “Zaj Tshoob” hay còn gọi là “hát xin dâu”. Bài “hát xin dâu” phải do một trong hai người đại diện của nhà trai thực hiện và người còn lại thì cầm ô đứng ngay bên cạnh để hỗ trợ cùng.
Nhà gái sẽ chuẩn bị thật nhiều rượu. Bố cô dâu mở cánh cửa chính linh thiêng nhất của ngôi nhà ở gian giữa và đứng ngay sát bậu cửa trong nhà. Ông cầm chai rượu và một cái chén cùng những người họ hàng của mình. Nhà trai chỉ được phép đứng ở ngoài thềm mà không được vào nhà. Mọi người phía nhà gái sẽ quây xung quanh nghe đại diện nhà trai hát. Chỉ cần ông đại diện nhà trai mà hát nhầm, hát sai hoặc quên là bắt buộc phải uống rượu. Mỗi lần một chén. Rượu đã được nhà gái rót sẵn ra vài cái chén để trên bậu cửa. Bố cô dâu sẽ đưa chén không cho người nhà và lấy một chén rượu đã rót sẵn đưa cho ông đại diện nhà trai uống. Người Hmông Trắng Nậm Giắt gọi những chén rượu này là rượu “sửa sai”. Sau khi uống rượu xong, ông đại diện lại hát tiếp nhưng là hát lại từ đầu bài “Zaj Tshoob”.
Nghi lễ hát xin dâu trong đám cưới người Hmông Trắng thường diễn ra khá dài. Nhà gái vừa nghe hát vừa gây mất tập chung cho người hát bằng việc hát sai câu của bài hát, hát đoạn nọ lẫn đoạn kia hoặc chọc cười. Chỉ khi nào hoàn thành nghi lễ “hát xin dâu”, nhà trai mới được bước vào nhà và ăn uống cùng đại diện họ hàng phía nhà gái. Ông đại diện sẽ đưa cái ô cho nhà gái cất đi và ngồi vào mâm mà nhà gái đã chuẩn bị sẵn được đặt trang trọng ở gian giữa ngôi nhà. Trong ăn uống, nhà gái sẽ cố gắng chúc cho chú rể thật nhiều đến khi say thì thôi. Điều này bắt buộc những người trong đoàn nhà trai từ anh em chú rể và hai ông đại diện phải uống đỡ.
Ăn uống xong, ông đại diện nhà trai sẽ phải hát lại bài “hát xin dâu” để xin ô. Cũng giống như khi mới đến, người hát phải minh mẫn và chính xác nếu không sẽ bị uống rượu do nhà gái “phạt”. Chỉ khác một điều, đoàn nhà trai không phải đứng ở ngoài thềm mà đứng trong nhà, ngay bậu cửa cùng đại diện nhà gái. Trong lúc đó, mọi người trong nhà gái sẽ chuẩn bị của hồi môn cho cô dâu đem về nhà chồng. Của hồi môn của các cô dâu Hmông Trắng thường là chăn, váy, áo, bát đĩa cùng một ít nữ trang bằng bạc như vòng tay, vòng cổ, hoa tai …
Không giống nhiều tộc người anh em khác, trong đám cưới của nhánh tộc Hmông Trắng nói chung và người Hmông Trắng Nậm Giắt nói riêng là nhà gái không đi theo về dự đám cưới bên nhà trai. Cô dâu từ khi được kéo về nhà chồng thì ở lại luôn bên nhà chồng mà không về nhà mình. Cô chỉ được phép về lại nhà khi đoàn đại diện nhà chồng sang đưa lễ vật cho bố mẹ cô.
Về đến nhà mình, chú rể phải quỳ lạy bố mẹ, anh em họ hàng nhà mình – mỗi người cũng hai lạy – giống như lần anh quỳ lạy trong lễ ăn hỏi ở bên nhà gái để cám ơn mọi người đã giúp đỡ cho anh và người yêu nên vợ nên chồng.
Nhà trai tổ chức ăn uống để đón mừng đoàn đại diện của mình và mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Lúc này, hai ông đại cho gia đình nhà trai được đón tiếp rất trang trọng như ngồi ở mâm cỗ ngon nhất, sang trọng nhất trong nhà. Họ hàng nhà trai sẽ đến mời rượu cám ơn. Trước khi ra về, hai ông còn được nhà trai gửi một gói thức ăn và một ít bạc (hoặc tiền). Sau khi tổ chức đám cưới xong, chàng trai và cô gái mới chính thức là vợ chồng của nhau.
7. Lễ lại mặt
Đây là nghi lễ bắt buộc của nhà trai đối với nhà gái và được tiến hành sau ngày tổ chức đám cưới ba hôm và đơn giản hơn rất nhiều so với các bước tiến hành hôn lễ trước đó. Đôi vợ chồng trẻ sẽ về thăm nhà vợ. Họ không phải chuẩn bị quà hoặc lễ vật gì ngoài một trai rượu đem theo để đưa cho bố cô gái làm lễ cúng “xử ca”. Phía nhà gái cũng không chuẩn bị gì nhiều và cũng không làm cơm để mời anh em họ hàng đến dự.
Đôi vợ chồng trẻ sẽ ở nhà vợ làm giúp gia đình một hai ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp, nếu nhà chàng trai và cô gái khác bản hoặc ở quá xa nhau thì chàng rể phải ở nhà vợ lâu hơn để giúp việc. Anh sẽ cùng gia đình làm nương rẫy cho đến hết mùa rồi mới chào nhà gái và cùng vợ về nhà mình.
Kết luận
Tục cưới xin của người Hmông Trắng ở bản Nậm Giắt với nhiều nghi lễ là một phần quan trọng liên quan đến chu kỳ đời người. Trong  đó, những quan niệm về tình yêu và hôn nhân của họ tương đối rõ ràng và mang nhiều màu sắc luật lệ. Điểm độc đáo trong tục cưới xin của tộc người Hmông nói chung và nhánh tộc Hmông Trắng nói riêng chính là ở tục kéo vợ hay còn gọi là “cướp vợ” và  những nghi lễ thể hiện tính cộng đồng, dòng họ sâu sắc. Mặc dù tuy có nhiều nghi lễ rườm rà và mất nhiều thời gian nhưng tục cưới xin của người Hmông Trắng Nậm Giắt lại hàm chứa các yếu tố tốt đẹp như: vai trò của người đại diện gia đình nhà trai mang tính quyết định đến thành công của hôn nhân; sự gắn kết chặt chẽ gia đình – dòng họ trong việc đảm bảo hạnh phúc lứa đôi … Trên thực tế hiện nay, tục cưới xin của  tộc người Hmông nói chung và nhánh tộc Hmông Trắng nói riêng đã bước đầu có những thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng về “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, vấn đề đặt ra là, việc xây dựng đời sống văn hoá mới trong cộng đồng dân tộc Hmông nói chung và nhánh tộc Hmông Trắng nói riêng cần phải nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng để gìn giữ và  phát huy những yếu tố truyền thống tốt đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc Hmông tại Việt Nam.
Nguồn tư liệu.
Công trình này được hoàn thành trên cơ sở tổng hợp các tư liệu viết tay từ sự hồi cố của các nhân chứng:
1. Sùng A Lư, 86 tuổi (2006), bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu cung cấp.
2. Sùng A Gió, 47 tuổi (2006), Trưởng bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu cung cấp.
3. Lầu Chứ Tủa, 52 tuổi (2006), bản Nậm Giắt, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu cung cấp.

2 nhận xét:

ca heo con nói...

bài viết này hay quá,đúng lúc mình đang cần tài liệu về tục kéo vợ của người Hmong. Cảm ơn tác giả

Dương Hà Hiếu nói...

Chào bạn, rất vui khi bài viết của tôi giúp ích được bạn phần nào