Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

On village management at Thanhson district, Phutho province before 1945 (by village conventions)

VẤN ĐỀ QUẢN LÝ LÀNG XÃ HUYỆN THANH SƠN, TỈNH PHÚ THỌ TRƯỚC NĂM 1945 (QUA CÁC HƯƠNG ƯỚC)

Dương Hà Hiếu*
Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4 (329).2003

Thanh sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, đa số dân cư ở đây là người Mường. Trong quá trình hình thành và phát triển, khi chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng rãi thì ở Thanh Sơn, viết hương ước cho làng bản được tiến hành và đa số các bản hương ước đều được biên soạn trước năm 1945.
Trên cơ sở nội dung những bản hương ước hiện có, chúng tôi bước đầu tìm hiểu về vấn đề quản lý làng xã trước năm 1945 của các làng xã ở huyện Thanh Sơn.

1. Vài nét về tư liệu
1.1. Về mặt văn bản

Chúng tôi sưu tầm được tám bản hương ước ( còn gọi là khoán ước) của các làng xã: xã Lạc Song, làng Xuân Đài,làng Lương Nha, xã thu Ngạc, xã Cự Bành, xã Thạch Khoán, xã Thể cần, xã Hoàng Trung. Những hương ước này đều được viết bằng chữ quốc ngữ lập trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1945, hiện được lưu giữ ở kho địa chí thư viện Tổng hợp tỉnh Phú Thọ tại thành phố Việt Trì.

Đầu tiên, hương ước của làng Xuân Đài được lập vào ngày 25. 9. 1932 gồm 8 khoản và 40 điều, mang mã số VL 1154. Hương ước xã Lạc Song lập vào năm 1934 và được sao chép lại vào 30. 8. 1942 bao gồm 25 điều, mang số VL 0934. Hương ước xã Thạch Khoán được lập vào 30. 8. 1932 bao gồm 12 khoản 62 điều, mang sốVL 863. Hương ước của làng Lương Nha lập năm Bảo Đại thứ 17 ngày 28 tháng6 (tức 28. 6. 1942) gồm 14 điều, mang số VL 936. Hương ước xã Thể Cần lập ngày 19. 7 năm bảo Đậi thứ 7 (tức năm 1932) gồm 7 chương 14 điều, mang số VL 935. Hương ước xã Cự Bành lập vào ngày10. 9. 1942 gồm 8 khoản và 24 điều, mang số VL 954. Hương ước xã Thu Ngạc lập 15. 10. 1932 gồm 8 khoản 35 điều, mang sốVL 861. Đáng kể nhất là hương ước xã Hoàng Trung lập vào ngày 21. 9. 1932 gồm 15 khoản với 81 điều, mang số VL 938. Đây là Hương ước có nội dung quy mô nhất với những điều khoản quy định tương đối chặt chẽ trong quản lý làng xã.

1.2. Mục đích của việc lập Hương ước

Những Hương ước của các làng xã huyện Thanh Sơn được biên soạn trên cơ sở nền tảng những tập tục, luật lệ vùng mường. Tuy nhiên tuỳ từng vùng, từng nơi mà có những tục lệ quy định khác nhau. Nhưng trên hết, những tục lệ đó đều nhằm mục đích quản lý, bảo vệ làng bản thể hiện quan hệ các cá nhân trong làng cả về quyền lợi lẫn nghĩa vụ. Do đó có thể nói, Hương ước các làng xã huyện Thanh Sơn là sự dung hoà và phát triển những tục lệ cổ của người mường trong điều kiện xã hội mới. Như vậy về mục đích của việc lập Hương ước các làng xã tương đối giống nhau. Điều này được thể hiện ở phần nói đầu của mỗi Hương ước.

Ví như, phần mở đầu Hương ước của làng Lương Nha ghi rằng: "Chúng tôi là tiên thứ chỉ, kỳ mục,lý hương dịch làng Lương Nha lập Hương ước đệ trình quan lớn như sau này: Duyên dân chúng tôi là dân Mường, tự xưa đến nay không có điều lệ gì cả, duy có tục lệ thường chỉ truyền miệng thôi, không có sổ sách gì cả, nay tuân sức xin kê Hương ước làm thành bốn bản đệ trình quan lớn xét". Còn Hương ước xã Lạc Song thì viết: "duyên thừa sức kê khai tục lệ trong làng làm thành Hương ước đệ trình: nay dân chúng tôi thừa chiểu trong nước có pháp luật dân có khoán ước thời mới có trật tự. Duyên làng chúng tôi khi xưa tiên tổ chiêu lập thành dân xã thôn giáp cũng đã đặt khoán ước đủ cả nhưng cũng nhiều điều lạ lấy khẩu truyền mà thôi cho nên không có văn minh gì cả. Vậy nay ta phải theo thời thế xét những điều trong khoán ước cũ (tục lệ truyền miệng - TG) thời điều nào nên theo nên bỏ nên thêm nên bớt thế nào kê rõ ra sau này xong đồng dân ký kết trình duyệt để được tuân theo sính (trình) độ mà sửa đổi thêm dần…". Ngoài những lý do đó, các Hương ước lập ra còn nhằm mục đích khác nữa như phần mở đầu Hương ước xã Cự Bành ghi: " Chúng tôi là tiên thứ chỉ và lý dịch xã Cự Bành tổng Xuân Đài xin tuân sức làm hương ước làng chúng tôi cho được chỉnh đổi thôn dân thuần phong mỹ tục, và được thịnh giầu, trên dưới có trật tự, sau này sẽ theo trình độ mà cải bổ thêm''.

Dân gian ta có câu " phép vua thua lệ làng" cho nên những tục lệ trong các vùng mường huyện Thanh Sơn có một sức sống dai dẳng, nó lôi kéo từng thành viên trong làng bản vào vòng " cương toả" của nó. Những tục lệ ấy được coi như " pháp luật " của từng làng bản nhưng lại hình thành trên nền tảng văn hoá truyền thống nên phù hợp với tâm lý, tình cảm dân tộc và có vị trí đặc biệt trong cuộc sống của nhân dân địa phương với khả năng thực hiện cao. Các khoản, điều trong Hương ước đều bám sát vào tình hình đại phương nên ở mức độ nào đó nội dung Hương ước của mỗi làng xã có những quy định khác nhau. Mặc dù có tám bản Hương ước trong tay nhưng đối với chúng tôi việc nghiên cứu những bàn Hương ước này không phải là dễ dàn. cho nên, chúng tôi chhỉ cố gắng tìm hiểu một số nội dung theo chúng tôi là quan trọng trong quản lý làng xã huyệnn Thanh Sơn trước năm 1945 của Hương ước mà không có điều kiện đi sâu tìm hiểu, phân tích tất cả các nội dung của những Hương ước đó.

2. Một số mặt quản lý làng xã của Hương ước
2.1.Quy định bộ máy quản lý làng xã và hội họp trong làng

Đảm bảo trật tự trị an, quản lý chặt chẽ tình hình xã hội trong các làng xã là điều đầu tiên được quan tâm và có vị trí quan trọng trong mỗi Hương ước. Do đó, các Hương ước một mặt quy định những chức vụ tham gia vào bộ máy quản lý trong từng làng xã, mặt khác cũng cho thấy để có những chức vụ ấy cần phải như thế nào. Đó chính là việc mua bán những ngôi thứ trong làng. Tuy nhiên, cũng có những Hương ước chỉ cho thấy việc mua bán ngôi thứ có xảy ra nhưng không quy định một cách cụ thể. Thông qua một vài Hương ước có ghi chép tương đối chi tiết về việc này, chúng tôi tạm lập ra những bảng định giá bán (mua ) ngôi thứ như sau:
Ngôi thứ Tiền mua Khao dân Góp quỹ công Tổng số
Xã sử 25 0 0 25
Quản xã 30 0 20 50
Giáp thủ 25 0 0 25
Lýtrưởng 20 0 0 20
Phó lý 15 0 0 15
Xã Thể Cần.

Ngôi thứ Tiền mua Khao dân Góp quỹ công Tổng số
lý trưởng 50 25 3 78
Phó lý 40 22 3 65
Trùm xã 28 15 3 46
Hương trưởng 22 11 2 35
Kựu giáp 22 0 0 22
Xã Lạc Song.

Ngôi thứ Tiền mua Khao dân Góp quỹ công Tổng số
Lý trưởng 30 30 0 60
Hương trưởng 10 30 0 40
Trùm xã 6 0 0 6
Kựu giáp 2 0 0 2
Thổ tù 0 40 0 40
Chánh tổng 0 40 0 40
Xã Thu Ngạc.

Ngôi thứ Tiền mua Khao dân Góp quỹ công Tổng số
Lý trưởng 40 30 0 70
Phó lý 35 30 0 65
Nhiêu nam nhất đại 30 30 0 60
Trùm xã 20 0 0 20
Chương xã 15 0 0 15
Cai xã 12 0 0 12
Khán xã 10 12 0 22
Xã quan 7 12 0 19
Xã sử 5 0 0 5
Xã Cự Bành.

Ngôi thứ Tiền mua Khao dân Góp quỹ công Tổng số
Lý trưởng 35 25 0 60
Phó lý 25 20 0 45
Hương mục 20 0 0 20
Trùm xã 10 10 0 20
Cai xã 10 10 0 20
Xã Xuân Đài.

Như vậy, qua việc định giá bán ngôi thứ trong các làng xã huyện Thanh Sơn cho thấy bộ máy quản lý làng xã tương đối đầy đủ. Ngoài ngôi thổ lang, thổ tù cha truyền con nối từ xưa trong xã hội mường cổ truyền là vẫn giữ nguyên, còn các ngôi thứ khác trong làng xã đều quy định sốn tiền mua (hoặc bán) khác nhau tuỳ theo từng làng mà không có sự thống nhất gì. Ví dụ như cùng ngôi Lý trưởng nhưng ở Cự Bành là 40 đồng bạc Đông Dương, ở Xuân Đài là 35 đồng, Thu Ngạc là 30 đồng, Thể cần là 20 đồng còn ở Lạc Song lại là 50 đồng. Số tiền bán ngôi thứ trong các làng xã không ai có quyền sử dụng vào mục đích cá nhân mà được làng xung vào công quỹ để khi cần dùng thì " chi tiêu các việc công đình trong làng". Những ngôi thứ này người mua được cũng không được chiếm giữ mãi mà chỉ được làm trong một khoảng thời gian nhất định. Hết khoảng thời gian đó, người mua phải trả lại cho làng hoặc xã và làng lại đem ra bán. Hương ước xã Xuân Đài quy định "ngôi thứ bán ấy làng cho hạn đến ba năm và có định đoán việc gì ăn hội thì có dân mời đi ăn uống bàn định việc làng. Hết hạn không được dự nữa" (điều thứ 30).

Cùng với ngôi thứ chức tước mua được, những người này còn phải có nhiệm vụ tổ chứcc chiêu đãi mọi người gọi là "khao dân" ra mắt, kể cả thổ tù, thổ lang (mặc dù những ngôi này nhà lang không phải mua). Có làng việc khao dân được quy ra thành tiền xung vào công quỹ như ở xã Hoàng Trung trừ "chức thổ lang là cha truyền con nối phải sửa rượu khao trình làng không thể lấy tiền thế khao được. Còn những viên khoa hoạn phẩm hàm và những ngôi thứ trong làng đều định lấy tiền" (điều 70). Có làng xã như xã Cự Bành thì quy định "Thổ lang các xóm mỗi ngôi 20 đồng, xã quan khán thủ 12 đồng, lý phó quyên 30 đồng, nhiêu nam nhất đại quyên 30 đồng. Còn những người ra làm chánh phó tổng, lý phó trưởng hương hội, tuần quản xã đoàn ra làm việc quan chính thức thời không phải nộp lệ khao. Chỉ khi làm thành danh phận theo tục cũ phải sửa rượu đãi dân. Còn người nào ra làm các chức ấy thiếu thứ vị gì thì phải chồng tiền thứ vị ấy cho dân" ( điều 15).

Riêng ở xã Lạc Song ngoài việc quy định số tiền cụ thể bán ngôi thứ , tiền khao và tiền xung công quỹ của các ngôi thứ thì chỉ có ngôi kựu giáp ngoài tiền mua là không phải khao và nộp tiền xung công. Tuy nhiên, điều thứ 3 của hương ước lại chỉ ra nhiện vụ cụ thể của những người mua chức vụ này " không phải khao nhưng còn phải đi phiên đàn em tiền. Còn hoang thai bất cứ con đàn anh, đàn em nếu hoang dâm mà hoang thai thời phạt tiền là 10 đồng bạc, mỗi bên phải chịu một nửa xung công và phải sửa một bữa cho đồng dân thượng hạ ăn. Còn dân phạm luật hình thời phải bắt giải trình bị can, nếu không nộp được thời nghị đàn anh không được dự đình chung, đàn em thời nghị suốt đời không làm được gì ở trong làng để lấy mỹ phong hoá nhân dân".

Những viên chức trong bộ máy quản lý làng xã có nhiệm vụ " việc quản trị trong làng thời hương hội họp cùng thổ tù chức sắc lý dịch mà bàn các việc công ích trong làng; khi có công việc phải bàn viên chánh hương hội và phó hương hội phải phiên cáo hội đồng, lý phó trưởng ra tại công đình hội đồng bàn định; hội đồng bàn định việc gì phải lập biên bản có hương hội chức dịch hiện tại ký kết làm bằng mà được quá nửa số người thoả thuận thời việc ý mới thành; hội đồng khi bàn việc xong thời phải giải tán ngay không được bày cuộc rượu phiên gì cả" (điều 1,2,3,4 hương ước xã Thu Ngạc).

Tóm lại là bộ máy cai trị làng xã phải có trách nhiệm quản lý trật tự trị an, thu thuế má, bắt phu dịch, xét xử kiện cáo cũng như tổ chức lễ hội trong từng làng xã mà mình quản lý. Đứng đầu xã là ngôi lý trưởng. Giúp việc cho lý trưởng còn có phó lý, tiên thứ chỉ và các cai giáp, quyền giáp…Tuy nhiên khác những địa phương khác, ở các làng xã Thanh Sơn trước năm 1945, chức lý trưởng thường do người nhà lang trong xã hội mường trước đây nắm giữ. Dưới xã là làng bản do các giáp quản lý. Chứcc quyền giáp ở các làng chủ yếu ở trong tay anh em nhà lang. Còn ở một số xã, nếu chức lý trưởng là người Kinh thì quản lý làng bản do thổ lang đảm nhận. Điều đặc biệt của các Hương ước là Hương ước nào cũng quy định về hội họp không được bầy vẽ ăn uống gì mà phải giải tán ngay. Trong thực tế không biết điều này có thực hiện được đúng như các Hương ước quy định hay không nhưng rõ ràng đay là một điểm tiến bộ đáng trân trọng vì nó không gây lãng phí phiền hà đến dân làng.

2.2. Về tuần tra canh phòng bảo vệ an ninh làng xã

Vấn đề tuần tra canh phòng, bảo vệ an ninh từng làng xóm là một trong những nội dung quan trọng của các Hương ước, đảm bảo sự yêu ổn của mỗi làng xã. Mặc dầu vậy, các Hương ước đều có những quy định cụ thể không giống nhau cũng như các hiệu lệnh trống báo.

Về đối tượng tham gia tuần tra canh phòng, Hương ước xã Hoàng Trung quy định "việc canh phòng là giữ tính mệnh chung cả làng chỉ trừ nhà thổ lang chức sắc kỳ mục, những người hiện làm việc các công sở, người đi học, người tàn tật, những người ngoại năm mươi tuổi, còn nhân đinh từ mười tám tuổi đến năm mươi tuổi đều phải luân thứ đi canh. Người nào mà phải đi canh mà đi vắng thời phải nhờ người canh thay không thời phải nộp tiền cho làng thuê người canh thay. Trừ những người trú ngụ tạm thời không kể còn những người trú ngụ có gia sản ở làng thời đều phải đi canh với làng"( điều 17,18 khoản 5). Người nào luân thứ phải đi canh mà tự bỏ không đi hai lần đầu phạt từ ba hào đến năm hào lần thứ ba hương hội trình quan trừng trị và chiểu điều trái hương ước bắt phạt" ( điều 22 khoản 5).

Còn điều năm Hương ước làng Lương Nha lại quy định về việc canh phòng như sau: "trong làng có hai điếm công ở xóm bãi có trương tuần trông nom phiên tráng biên (bên) xóm lạ mặt, người qua lại trong làng. Còn phiên tráng chiểu cắt giai tuần thứ canh phòng thời đồng niên cho lấy hoa màu mỗi phần như nhất; còn điếm thôn Đồng Liệm trương tuần hay các chức dịch khác trông coi phiên tráng trong thôn canh phòng, còn phiên tráng chẳm cai về giáp. đồng niên cho lương mỗi người ba đồng bạc, còn tiên thứ chỉ,lý phó trưởng kiểm soát canh phiên trong làng. Ngoài mười giờ đêm, chỉ có phiên tráng đi tuần mà thôi. Còn hễ ai đi phải có đèn đóm, nếu ai không có đèn đóm lý dichhj bắt được thời phạt một đồng".

Về nhiệm vụ của người tuần tra canh phòng, để đảm bảo trật tự an ninh cho làng xã thì : " phiên tuần phải chịu trách nhiệm giữ chộm cướp trong làng và ngoài đồng hoa lợi hễ khi nào nghe có kẻ chộm vào làng thời phải báo hiệu cho các xóm biết để ra đón các đường ngõ mà phiên tuần thời phải chia đường đón bắt. Còn khhi có người lạ mặt đến làng thời phải xét hỏi cho cẩn thận nếu có tình nghi thời phải bắt giải trình quan xét. Mỗi năm cứ đến ngày hai mươi nhăm tháng chạp, hương hội chiếu luận thứ cử tạm người phiên thuần do hai người xã dịch khán thủ đốc vót tuần phòng và kiểm soát việc gian lận, việc vệ sinh và những ngày kỳ tiệc phải bày thiết tế khí nghi trượng cho chỉnh tề; trong làng xảy ra việc hoả tai hoặc có giặc cướp đến làng tuần phiên phải lập tức cho động, hiệu báo cho suốt dân biết để phó cứu. Khhi ấy chỉ trừ những người già yếu tàn tật còn bất phân chức sắc kỳ mục hay là trú ngụ, nghe hiệu đều phải lập tức phó cứu, nếu ai biếng nhát lánh mặt thời chiểu điều trái Hương ước bắt phạt" (điều 19,20,21 khoản 5 Hương ước xã Hoàng Trung).
Đối với chộm, cướp thì hương ước các làng xã cũng chỉ rõ "ai bắt được một đứa kẻ chộm làng thưởng ba đồng bạc, bắt được một đứa kẻ cướp làng thưởng năm đồng bạc; còn nếu ai vì sự cướp cấp hay vì sự chống cự giặc cướp bị th]ơng thành tật thời làng cho đơn thứ vị trên một bậc hay là hai bậc, đến nỗi thiệt mình thời làng cấp cho hai mươi đồng bạc làm ma mà suốt làng đi đưa đám và cho một người con Nhiêu nam nhất đại" ( điều 23, 24).

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh làng xã thì người tuần tra canh phòng còn phải bảo vệ mùa màng hoa màu, điều 25 Hương ước Hoàng Trung quy định "ai để trâu bò súc vật phá hoại hoa màu thì tuần phiên phải lập tức bắt ngay, rồi báo hội đồng đến khám biên bản phạt ai có súc vật tự ba hào đến một đồng bạc mà phải chiếu giá tổn hại thường cho tài chủ". "Trong làng mất chộm cau hoặc chuối tre măng thời căn mỗi buồng giá ba hào, chuối mỗi buồng ba hào, tre mỗi cây hai hào, măng mỗi ngọn một hào còn như đồ vật thời chiếu giá mà đền cho minh thời tuần phủ phải cho công bằng. Còn như hoa màu ngoài đồng điền như lúa ngô khoai đậu cùng các đồ vật khác cũng thế, nếu mất thời phải xét rồi đền cho công bằng. Nếu hai bên không bằng lomhg mà trình phân xử nếu bên nào trái nhẽ thời phạt ba đồng xung công". Còn nếu "phiên tuần đi tuần trong làng hoặc ngoài đồng điền nếu ai đi tuần có lòng gian chộm đồ vật và các thứ hoa màu hoặc ở trong vườn hay ở ngoài đồng. Bất cứ hoa màu gì khinh trọng nếu người trong dân xóm bắt được quả tang thời đồng dân nghị phạt là ba đồng bạc. Nếu ngươif nào có ngôi thời phải cắt bỏ mà không ngôi thời suốt thế dân xóm không làm nữa suốt bỏ không được phiên mà dân xóm cũng không ai ngồi mấy (với ) người ấy" ( điều 24,25 hương ước xã Lạc Song).

Tuy nhiên, không phải chỉ có phiên tuần có nhiệm vụ đảm bảo an ninh làng xã, các Hương ước còn quy định nhiệm vụ đảm bảo an ninh đến từng người dân trong làng. Nếu người dân nào mà làm ảnh hưởng đến sự yên ổn của làng xã thì bị phạt rất nặng. Hương ước xã Lạc Song ghi rằng " ở trong làng nếu có người nào đem lòng phản ác mà dẫn dỗ người làng khác về hoặc chộm cướp trong làng mình khi bắt được quả tang hay cùng tranh lợi mang nhiễu mà xem ra hoặc nghe người dân điều nói đích đáng thời bất cứ bất cứ vật gì khinh hay trọng người trên được gì cư dân hội đồng chất vi ngoại nhân mà cắt cả ngôi cùng nhiều người hoặc làm giấy ký tên khác để bỏ thùng trình báo những sự vu không hư hão làm cho tổn hại đến dân nếu thám thực trạng thời nghị định cũng phải lỗi như người dân ngoại nhân đồng cho nghiêm phong tục" (điều 19).
Hương ước xã Thạch Khoán lại quy định trừ hoả hoạn hoặc giặc cướp đén còn " đương đêm vô cớ kêu động đến làng nước hay là đánh chửi nhau to tiếng làm mất sự yên ổn và hàng ngày đánh chửi nhau kêu động đến làng nước thời phạt mỗi bên 1,4 đồng" ( đièu 13).

Ngoài việc quy định tuần tra canh phòng nhằm đảm bảo an ninh trong làng xã thì mỗi làng xã đều soạn cho mình những hiệu lệnh hoặc trống riêng để từ đó quy định cách đánh trống gọi ai, dùng vào việc gì thông qua đó phối hợp chặt chẽ các thành viên trong làng xã với nhau trong việc đảm bảo trật tự an ninh cho làng xã mình. Cũng qua hiệu lệnh trống mà những ngôi thứ trong làng xã biết việc họp bàn mà đến. Ví dụ về hiệu lệnh trong làng, hương ước Hoàng Trung ghi "hiệu lệnh gọi tuần phiên ra canh thay hay là trần thiết tế khí đánh sáu tiếng trống; có kẻ chộm vào làng đánh báo chín tiếng; có hoả tai hay là giặc cướp: động hiệu ba hồi chín tiếng có hoả tai, hay giặc cướp thì nổi trống ngũ liên; gọi phó lý tuần xã ba tiếng; gọi khán thủ một hồi một tiếng; những khi kêo hội đồng thời khởi hiệu ba hồi chín tiếng, hội đồng tan đánh một hồi; những ngày kỳ tiệc gọi quan việc hành lễ đánh ba hồi ba tiếng; các giáp co việc họp tư giáp thời đánh hai hồi ba tiếng; gọi cai giáp một hồi ba tiếng, gọi thôn giáp bốn tiếng; các hiêu lệnh đaqx định nếu ai đánh sai hiệu hay là vô cứ dóng hiệu để làm náo động cả làng thời phạt từ năm hào đến một đồng bạc mà nhời tạ lỗi với làng".

2.3. Về quan hệ ứng xử gia đình xã hội và hoà giải

"Tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau" là câu nói cửa miệng của nhân dân ta. Trong mỗi làng xã đều có những quy tắc ứng xử của mình nhằm duy trì thứ bậc trong gia đình, họ hàng và rộng hơn là từng các nhân trong làng xã với nhau. Để đảm tính bền vững trong quan hệ giữa cá nhân và cá nhân trong gia đình, gia đình và xã hội, hương ước của các làng xã Thanh Sơn đều chú ý đến việc quy định những cách ứng xử trong gia đình và làng xã với nhau.

Về quan hệ trong làng xã: Hương ước xã Thạch Khoán điều 10 khoản 4 có ghi " ở cùng nhau một làng sống chết trông nom nhau, tật bệnh thăm hỏi nhau, hoạn nạn cấp cứu nhau. Ai ai cũng nên thân ái nhau như trong một nhà , lấy điều hoà nhã mà đãi kẻ dưới, kẻ dưới phải lấy lễ phép mà kính trọng người trên. ở phân vị nào phải theo phân vị ấy mà cư xử đối đãi cùng nhau chứ người trên không được lấy quyền thế mà ức chế người dưới, không nên ngang ngược mà đối đãi người trên, có sự gì ức đã có hội đồng hoà giải". " Người trên ức hiếp kẻ dưới hay là kẻ dưới ngạo mạn người trên thời hương chức làng không cho dự đình chung từ một năm đến ba năm" (điều 11).
Một điều dễ nhận biết nữa về quan hệ ứng xử các cá nhân trong làng xã với nhau là thông qua những điều khoản mà Hương ước phân người dân trong làng xã đó thành các hạng, thứ bậc khác nhau. Những người thuộc hạng, thứ bậc nào thì quy định ngồi ở đâu trong đình khi có tiệc rượu làng xã chính là thể hiện địa vị cá nhân trong xã hội và cách ứng xử cá nhân trong xã hội. Hương ước xã Cự Bành nêu rõ "việc ngôi thứ ăn ngồi các hạng trong làng tục cũ khi xưa ở trong làng như chốn công đình công sở vị thứ ăn ngồi không có thứ tự, nay định lại cho có thể thống như ở chốn công đình chung, công sở. Khi ăn ngồi xin chia làm ba hạng:
- Hạng thứ nhất: chánh phó tổng, chánh phó trưởng có phẩm hàm, lý trưởng đương thứ, chánh phó hội và những người kỳ lão từ ngoài sáu mươi tuổi đến một trăm tuổi thì ngồi hạng nhất.
- Hạng thứ nhì: các phó lý đương cựu thủ quỹ thư ký các hương chức và các giáp biểu thời ngồi hạng nhì.
- Hạng thứ ba: những người từ sáu mươi tuổi cho đến mười tám tuổi thời ngồi hạng ba.
Trong làng khi có việc gì mà suốt dân ra chốn công đình, công sở ăn họp thời cứ theo trong ba hạng thứ tự mà ngồi và lễ bài choi có thể thống nếu ai không tuân thời đàn anh phải phạt từ ba hào đến năm hào, còn đàn em phạt từ hai hào đến ba hào" (điều 16 đến 19). Còn Hương ước xã Thể Cần còn quy định "ngôi thứ trong làng khi nào có ăn uống, công dân hoặc đình đám, hiếu, hỷ thì tiên thứ chỉ, lý trưởng đương cựu ngồi hạng nhất; phó lý, thủ bạ đương cựu vag những người già lão ngoài sáu mươi tuổi ngồi hạng hai; các thổ lang, lý phó trưởng quyên, giáp thủ, tuần quản, xã sử cùng ngồi hạng ba; còn dân đinh thì ngồi dưới" (điều 10).

Việc phân chia ngôi thứ hạng trong ăn uống, họp hành thể hiện ứng xử trong làng xã. Còn quan hệ trong gia đình thì " con kiện cha mẹ, cháu kiện chú bác trước hết làng phạt người co cháu ấy là 1,4 đồng rồi sau hoà giải" (điều 12 Hương ước Thạch Khoán).
Trong quan hệ ứng xử giữa các thành viên trông gia đình, thành viên với xã hội, nếu có vấn đề gì thì chủ trương hoà giải được coi là biện pháp quan trọng nhằm dàn xếp lợi ích, giải quyết mâu thuẫn giữa các cá nhân. Việc hoà giải trong các làng xã thường do những người trong một hội đồng gọi là hội đồng hoà giải chuyên trách. Do đó, các Hương ước đều quy định mọi đơn từ kiện cáo đều phải thông qua hội đồng hoà giải. Những người này có nhiệm vụ hạn chế những sự vụ kiện cáo, gây mất đoàn kết trong làng xã. Hương ước xã Thạch Khoán quy định "ai có kiện cáo nahu việc dân sự, thương sự trước hết phải trình hội đồng hoà giải, không được vượt khống, ai không tuân theo làm trái Hương ước phải phạt từ 0.5 đồng đén một đồng", " việc hoà giải không xong mà hộ đồng vì hai bên phải đi làm chứng ở toà án, bên nào thua kiện thời phải chịu tiền phí tồn. Nếu quan xử cũng như nhời hương hội đã xử thì khi về làng hội đồng chiếu Hương ước phải phạt".

Như vậy xét cho cùng, với những quy định và những điều khoản tương đối chặt chẽ, các Hương ước góp phần duy trì thúc đẩy mối quan hệ trong gia đình, làng xóm yên vui, đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, cách ứng xử người già cả với người trẻ tuổi tôn kính lẫn nhau, bố con, chú bác, vợ chồng hoà thuận. Mặt khác các Hương ước cũng đưa ra những biện pháp xử phạt những cá nhân nào làm ảnh hưởng đến tình langf nghĩa xóm. Hình thức xử phát chủ yếu bằng tiền nhưng không nhiều lắm hoặc bằng cách không cho dự đình chung từ một năm đến ba năm. Những quy định trên của Hương ước đã bảo vệ cho một trật tự xã hội trong các làng xã ở Thanh Sơn.

2.4. Về cưới cheo, tang ma
a. Về cưới cheo

Đây là nội dung được các Hương ước đề cập một cách ngắn gon, xúc tích và thiên về quy định tiền nộp cheo và quy định hình thức xử phạt về tội hoang dâm. Đáng kể nhất là Hương ước xã Hoàng Trung quy định sáu điều về việc này còn các Hương ước còn lại chỉ khía quát trong một điều mà thôi. Về lệ cheo cưới, Hương ước xã Hoàng Trung quy định "giai làng lấy gái làng lấy gái làng phải nộp tiền cheo cho làng là ba đồng bạc và cau chia suốt làng; giai ngoài lấy gái làng lệ cũ phải làm rượu mời làng, nộp cheo mà tiền thu cheo không nhất định, hoặc có người thu đến sáu mươi đồng nay định lại hạng thứ nhất là năm đồng bạc, hạng thứ hai là ba đồng và hạng thứ ba hai đồng kỳ lý hương hội chứng tình giàu ngèo mà định rồi phát lệnh cho thủ quỹ không bắt sửaượu cheo như trước nữa" ( điều 44, 45). Số tiền cheo cưới và đồ lễ cũng như tổ chức ăn uống ở làng xã có những quy định khác nhau. ậ làng Tinh Nhuệ thì " giai làng lấy gái làng thời phải nộp cheo hai đồng bạc, còn ăn uống tuỳ tình sự chủ, khi cưới rồi phải trình thủ bạ để vào sổ giá thú. Con gái làng mà lấy người làng khác thời nộp cheo là bốn đồng bạc, nộp cho lý trưởng hoặc phó lý trưởng chi tiêu trong hai xóm". Còn ở xã Thể Cần thì " giai làng lấy gái làng, thuộc giáp nào thì giáp ấy thu tiền cheo là hai đồng và sáu mươi lá dầu, sáu mươi quả cau. Còn gái làng mà lấy con giai làng khác thì nhà giai phải nộp cheo theo về giáp là ba đòng, số tiền cheo ấy đều là của công hàng giáp, chứ làng không có trích ra. Duy chỉ hai bên lấy nhau phải có dấu lý trưởng và thủ bạ để vào sổ giá thú" (điều9).

Còn về việc gái làng chưa lập gia đình mà chửa hoang, các Hương ước đều có những quy định xử phạt nghiêm khắc như " giai gái thông gian hoang thai thì làng bắt phụ huynh hai bên mỗi bên năm đồng là mười đồng bạc xung công mà không bắt làm rượu tạ nhân dân như trước nữa; người con gái hoang thai mà klhông chịu xưng ra cho ai thì phụ huynh người con gái ấy phải chịu nộp cả số tiền cho làng". Đặc biệt, nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục, duy trì quan hệ xã hội lành mạnh, các làng xã đều có hình thức phạt nặng đối với những trường hợp loạn luân giữa anh em, họ hàng với nhau: " người nào anh em trong một nhà, một họ mà thông gian lẫn nhau thì làng bắt vạ số tiền gấp đôi. Còn người nào có con hay em haong thai mà không nộp lệ phạt cho làng thì làng cắt ngôi thứ không cho dự đình chunh từ một đến hai năm" ( điều 48, 49 Hương ước xã Hoàng trung).

Việc làng phạt vạ hoang thai ở xã Thể Cần lại có sự phân chia thứ hạng giầu nghèo mà định số tiền phải nộp cho làng xã khác nhau, điều đó thể hiện ở "giai gái thông gian hoang thai phải nộp lệ có ba hạng: Một là, Thông gian phạm vào luân lý thì bên giai phải nộp lệ cho làng số tiền 15 đồng. Việc thông gian phạm đến luân lý như là phạm luật thì phải bắt giải quan xét; hai là, con nhà đàn anh hoặc khá giả mà thông gian hoang thai thì bên giai nộp vạ 10 đồng, bên gái nộp vạ sáu đồng; Ba là, con đinh nghèo đói dân xét lượng không phạm đến luân lý thì cho lấy nhau, chỉ phai nộp vạ số tiền mỗi bên hai đồng. Việc hoang thai này, cử thổ lang các điểm xét ra phải trình lý phoá trưởng để trừng giới và bắt nhận lệ. Tiền khoán lệ phải để công chi".
Nhìn vào những điều khoản mà Hương ước quy định về cheo cưới, chúng ta thấy việc phạm dâm dẫn đến hoang thai là vấn đề được coi trọng. Nó quy định những hình thức xử phạt khá nặng nếu ai phạm đến việc này. Điều đó góp phần hạn chế việc qua hệ tình dục lứa đôi trước khi cưới làm tiền đè đảm bảo cho một tình yêu bền vững, lành mạnh, cuộc sống lứa đôi hạnh phúc sau này. Mặc dù vậy những quy định đó trong Hương ước lại không đưa ra những hình phạt nặng như bỏ bè cho trôi sông hay cạo đầu bôi vôi bêu xấu người vi phạm. đay có thể nói là điều tiến bộ của Hương ước so với luật tục mường cổ truyền. Tính nhân đạo của nó còn thể thiện ở chỗ quy định tuỳ hoàn cảnh, từng đối tượng vi phạm mà xử phạt tiền khác nhau, kẻ giàu co nếu vi phạm thì bị phạt nặng thì phạt nhẹ và tạo điều kiện cho lấy nhau.

b. Về tang ma

Một khía cạnh nữa mà các Hương ước đè cập là những quy định về tang ma nhằm với tay tới quản lý việc này có hiệu quả, nắm về sự thay đổi nhân đinh trong từng làng xã. Các Hương ước đều quy định thân nhân người chết đều phải tiến hành những nhiệm vụ sau:
" Trong làng nhà nào có người chết thời trình lý phó trưởng thủ bạ biết còn sự mai táng thời thuộc xóm nào xóm ây hành tang cho yên tục lệ, báo hiếu thời cứ người có các chức từ chân hương trưởng trở lên phải sửa bữa cho dân làng ăn uống một bữa và nộp ba đồng bạc xung công. Khi tang xong hạn trong ba ngày hiếu chủ phải đến thủ bạ vào sổ tử nếu để quá hạn không vào sổ khai thời thủ bạ làm giấy trình quan xét xử" ( điều 12 Hương ước xã Lạc Song).

Ngoài ra việc tang ma còn liên quan đến xóm làng nên được quy định cụ thể " ai xin làng cất đám thời phải tường thổ tù, hương hội, lý dịch chức sắc biết để cho đám vào hệ tiền bao nhiệm phải nộp ngay tại quỹ rồi chủ hiếu phải nói rõ xin bao nhiêu phu tùng và ngày giờ nào cất thì phải do lý dịch cho, thông báo cả làng biết đến, ngày khởi ba hồi ba tiếng trống, suốt dân đến nhà hiếu chủ cất đám, nếu ai vắng mặt không đi thời làng bắt hiếu từ ba hào đến năm hào" ( điều 51 Hương ước xã Hoàng Trung).

Việc tổ chức tang ma không được làm tuỳ tiện mà được phân ra thành các hạng. "Hạng thứ nhất năm đồng là hạng được đi lính xa đại dư; hạng thứ hai ba đồng là hạng đi nhang án đại dư; hạng thứ ba là hạng không đi đén đại dư" ( điều 53 HƯ Hoàng Trung). Và "trừ hàng chánh phó lý trưởng trở lên và hương sinh tuổi sau được đi lính xa, ngoài những bậc ấy chỉ được hàng nghị đến nhang án mà thôi. Còn các bà thì theo ngôi thứ người chồng, còn những người ngoài ai muốn nhờ nhân cử hành thì nộp lệ cho làng mười lăm đồng, chỉ nộp đồ không thì phải nộp cho làng tám đồng, ai xin làng trợ tế thì trước khi chôn cất làng chỉ tế cho một tuần thành phụ. Sau khi đã cất thì làng trợ tế cho một tuần tam ngụ, một tuần tiểu tường, một tuần đại tường; khi làng trợ ( tế) thì làng cắt cử tám người quan viên và ba viên chức sắc lý dịch đến trợ tế cho nhà hiếu chủ chu tất. Sự ăn uống tuỳ tình hình xong rồi cáo thoái ngay không được cố lưu thuốc sái gì cả" ( điều 54, 55, 56).

2.6.Về vệ sinh y tế và giáo dục

a. Trước tiên là về vệ sinh y tế

Việc vệ sinh phòng bệnh được các làng xã chú ý nhằm tránh dịch bệnh phòng phát lan tràn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Hương ước xã Hoàng Trung quy định về vệ sinh như sau: "ai ai cũng phải sửa trong nhà và đường trước cửa cho sạch sẽ ai để bẩn phạt ba hào". " Cấm không ai được bỏ rác cùng những súc vật dơ bẩn ra đường hay là làm nhà xí chứa phân bên cạnh đường và những nơi có thể chảy ra đường hoặc hồ ao, ai phạm làng phạt một đồng bạc" (điều 32, 33). " Ai làm đục bẩn suối ăn nước hoặc cạn của làng thời phạt từ năm hào đến một đồng bạc" ( điều 34).

Còn Hương ước xã thu Ngạc thì quy định "trong làng các xóm ăn ở phải cho sạch sẽ, các giếng và các khe suối ăn nước những con vật chết không được bỏ ra đấy, mà phải đem đào lỗ chôn cho sâu ssể phải sinh ra bệnh truyền nhiễm, những mồ mả không được để gần suối, giếng ăn nước , có phát ra bệnh đậu nữa cũng là bệnh gia phong. Lý phó trưởng phải làm giấy trình quan sở tại biết ngay đẻ bẩm xin thầy thuốc về điều trị.
Còn người già phong thì phải bắt đi ở nơi nhà nước đã định để khỏi lưu truyền ra người khác như thế thì sự ăn ở phải cho sạch sè mà đề phòng các sự bệnh, dân làng vẫn yên ổn làm ăn mạnh khoẻ…Sự sinh dục một ngày một tiến hoá dân làng được giàu thịnh mãi mãi" (điều 35).

Ngoài việc vệ sinh phòng bệnh tật, một số Hương ước còn có quy định riêng khi bệnh tật phát sinh như " trong làng hễ khi, hoặc giả xóm nào, giáp nào có người phải bệnh đậu mùa, lý phó trưởng phải làm giấy phi trình quan sở tại để bẩm xin thầy thuốc về chữa trị, trâu bò phát ra bệnh dịch để bẩm xin sở thú y về tiêm để khỏi sự lây truyền trong làng được yên ổn" ( điều 35 Hương ước xã Xuân Đài).

Mạc dù còn hạn chế, mới dừng ở mức quy định khái quát và chủ yếu tập trung vào việc phòng bệnh mà không cho thấy việc chữa trị bệnh tật ra sao ngoài việc lập tờ trình đưa quan trên mời thầy thuốc vể chữa nhưng cũng đã thể hiện sự quản lý của Hương ước vể bệnh tật, tính mạng các thành viên trong các làng xã.

b. Về vấn đề giáo dục

Những Hương ước làng xã Thanh Sơn hầu như không động chạm đến quản lý sự giáo dục của con em mình. Nhìn vào tổng thể những điều khoản trong các Hương ước chỉ có Hương ước xã Xuân Đài, Cự Bành và Lương Nha là quy định về việc học sinh hay sự giáo dục và có vị trí rất khiêm tốn. Ví dụ Hương ước làng Lương Nha Điều 10 quy định việc học sinh rất ngắn gọn: "nếu trong dân ai đi học, thi đỗ có bằng, khi về thì phải làm lễ yết thị trình dân và phải khao thì được dự với tổng lý và miễn phu phiên". Còn Hương ước xã Cự Bành điều 21 quy định về việc giáo dục của làng xã mình như sau: "Làng ta ngày nay xét trẻ con không được tiện nơi học tập vì ở xa cách công trương, kém sự phát đạt. Hương lý phải làm giấy xin phép qua trên mở trưởng tư thục cho trẻ con từ tám tuổi trở lên đi học để mở mang trí khôn, theo mấy văn minh một ít và phải chia bổ số tiền lương cho thầy giáo để dạy học trong làng".
Những điều quy ước sơ sài ngắn gọn trên chứng tỏ thực trạng việc học hành giáo dục trong các làng xã ở huyện Thanh Sơn trước năm 1945 chưa được phát triển cho lắm. Việc theo đuổi học hành có lẽ chỉ có con cái nhà lang, chức sắc còn tuyệt đại con dân mường chưa có điều kiện học. Cũng từ nội dung các hương ước cho chúng ta thấy những làng xã này không chú trọng đến sự nghiệp giáo dục và những hình thức khen thưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, khích lệ người học.

3. Kết luận

Từ kết quả tìm hiểu những nội dung cơ bản của hương ước trước năm 1945 đã phần nào cho chúng ta biết được tình hình quản lý làng xã trước năm 1945 ở huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ. Trong đó, các hương ước đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ trật tự an ninh, về quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và trong làng xã. Bên cạnh đó, các hương ước cũng quy định về cưới cheo, tang ma và y tế, giáo dục. Các điều khoản trong các hương ước đều có những mặt tiến bộ và những hạn chế riêng. Đi đôi với sự nghiệp đổi mới của đất nước hiện nay, vấn đề quản lý làng xã ở vùng dân tộc ít người trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới, làng bản văn hoá, gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá mới ở cơ sở đang được coi là vấn đề quan trọng, thì việc nghiên cứu nội dung các hương ước để từ đó kế thừa và phát huy những yếu tố tiến bộ phục vụ cho công tác quản lý làng xã ở huyện Thanh Sơn là điều cần thiết. Các hương ức này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những tục lệ Mường cổ truyền và tình hình thực tiễn địa phương. Ở mức độ nhất định, những quy định trong hương ước là phù hợp với tâm lý tình cảm và thói quen của nhân dân vùng dân tộc Mường nên khi áp dụng trong thực tế nó có tính khả thi cao

Không có nhận xét nào: