Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

SỨC XUÂN Ở VÙNG MƯỜNG TẤT THẮNG*
DƯƠNG HÀ HIẾU
Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 29 (2001)






Đình Cả thuộc xã Tất Thắng nằm trên trục đường 24 từ phố Vàng đi Hoà Bình, cách trung tâm huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) hơn 10km về phía đông nam. Do sự biến thiên của tự nhiên và xã hội, toàn bộ kiến trúc đình đã bị phá huỷ. Năm 1991, đáp ứng nguyện vọng tâm linh thiết tha của đồng bào, dựa trên dấu tích còn lại, địa phương đã xây dựng lại ngôi đình tại địa điểm cũ, trên thế đất cao giữa xóm Chiềng. Đình thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, các vị Thánh Mẫu sinh ra dân Mường và các vị tiên công lập xóm Chiềng bản Mường.
Từ khi lập lại, đình đã trở thành trung tâm hội họp vui chơi của bà con. Đặc biệt, lễ hội đình diễn ra đúng dịp xuân về, làm phong phú đời sống tinh thần dân bản, thu hút đồng bào các xã lân cận cùng về chung vui cầu may năm mới.
Lễ hội đình Cả gắn với truyền thuyết rằng, khi xưa, đất Tất Thắng còn là một vùng hoang sơ, có ông bà nọ sinh sống ở đây và sinh được 4 cô con gái. Do mỗi cô mang trang phục một màu nên được gọi là: Bạch Hoa, Đỏ Hoa, Biến Hoa và Giắng Hoa. Bốn cô cùng cha mẹ sinh con đẻ cái lập nên bản làng, lập nên ruộng đất, thành mường Tất Thắng. Để biết ơn tổ tiên sinh thành ra người Mường Tất Thắng, dân bản đã lập đình để thờ.
Đình còn gắn với truyền thuyết về Đức thánh Tản Viên Sơn. Một ngày, bà Đinh Thị Đen mang thai thần đi sang núi Tản đã qua đây, dân bản thấy bà mệt mỏi và đói khát đã dâng bà đĩa cơm nén cùng món cá thiểu và mời bà uống rượu cần. Ăn uống xong, bà đi tiếp về phía động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa - Thanh Thuỷ ngày nay) thì sinh ra thần, dân bản đã làm bè nứa để chở mẹ con bà qua sông Đà sang núi Tản.
Thần lớn lên làm con nuôi bà Ma Thị - chúa các động mường, trở thành Đức thánh Tản Viên Sơn (gọi là Sơn Tinh) cai trị và bảo vệ các xứ mường. Thần lấy Mỵ Nương Ngọc Hoa làm vợ và được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho. Nhân đó, Thục Phán An Dương Vương đang trấn trị một phương nổi lên cướp phá các bản làng. Vua Hùng đã gọi Tản Viên bàn kế đánh Thục Phán. Thần cầm quân đến đâu cũng được dân hưởng ứng. Đến vùng mường Tất Thắng, thần thấy địa thế đẹp, dưới chân là những dòng suối nhỏ bao quanh, bốn phía đều như thành luỹ che chắn bởi núi rừng, khí đất rất vượng.
Tại đây, thần cho quân đào giếng lấy nước nuôi tướng sĩ (giếng cổ này nay cách đình khoảng 100m về phía đông). Dân bản đã mổ trâu, mổ lợn, thổi xôi, làm chè hoa (gạo nếp giang thành bỏng nấu với mật) và rượu thết đãi thần. Dân còn múa hát... cho thần và quân sĩ cùng thưởng thức. Đẹp lòng mình, Tản Viên chọn đây làm nơi xuất quân và đã chiến thắng trở về. Dân bản tổ chức hội hè chào mừng thắng lợi. Ngày đó là ngày 12 tháng 6 âm lịch hàng năm.
Để bảo vệ bền vững và mở mang bờ cõi, Tản Viên đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, còn mình trở về núi Tản. An Dương Vương cảm động đã làm lễ trồng hai cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (đền Thượng khu di tích đền Hùng ngày nay) bày tỏ lòng quyết tâm bảo vệ giang sơn và cảm tạ Đức thánh Tản Viên Sơn. Trong cuộc chiến tranh Hùng - Thục dai dẳng, theo truyền thuyết tụng truyền, cư dân Mường Tất Thắng và các vùng lân cận đã chạy loạn sang các vùng đất khác lập làng lập bản. Những vùng đất đó, theo các cụ cao tuổi kể lại, chính là các vùng mường thuộc tỉnh Hoà Bình và một phần lan vào tỉnh Thanh Hoá ngày nay.
Trở lại vùng mường Tất Thắng, khi chinh chiến Hùng - Thục, Tản - Thục kết thúc, hàng thế kỷ sau, con cháu hậu duệ những người Mường Tất Thắng trước chạy loạn sang vùng đất mới (Hoà Bình nay) làm ăn lập bản làng, tìm về quê cũ, lập thêm làng bản mới nay là các xóm như xóm Khang, xóm Tế, xóm Xem... Trong đó, xóm Chiềng đất tổ là trung tâm của vùng mường Tất Thắng và thành nơi nhà Lang ở.
Từ những gốc tích trên, dân bản lập đình thờ Đức thánh Tản Viên Sơn, tổ tiên sinh ra mình (Tứ vị thánh mẫu) và người có công mở mang đất đai xóm làng. Hàng năm, lễ hội đình Cả được mở vào ngày 12-6 âm (Tản Viên chiến thắng trở về) và từ 08-15 tháng giêng để cúng tế các vị thần khai lập ra mường Tất Thắng, vui xuân cầu may đầu năm mới. Tầm quan trọng của đình với dân bản và các địa phương lân cận, năm Tự Đức lục niên, cửu nguyệt, nhị thập ái nhật (24-9-1853) Tự Đức đã sắc phong cho dân bản thờ cúng và mở lễ hội hàng năm vào dịp xuân về. Tuy nhiên hiện nay, cùng sự phát triển của địa phương, đình Cả Tất Thắng mở lễ hội chủ yếu vào đầu năm để bà con vui xuân và cứ 3 năm mới làm "chính tiệc".
Sáng mồng 8 tết, dân bản ăn mặc đẹp đi ra bãi Vai Chát dự lễ tế cúng Đức thánh Tản Viên Sơn và tổ tiên sinh  ra lập ra bản mường Tất Thắng. Tương truyền rằng khi xưa chưa lập đình, hàng năm dân ra bãi này để cúng tế và vui chơi. Khi ông Từ đình đọc văn tế xong, người ta đưa cho ông một con gà trống đẹp mã để ông xin các vị thần phù hộ dân bản. Con gà trống này sau đó được cắt tiết và đôi chân gà được đem luộc ngay tại bãi để xem điềm hay điềm gở trong năm mới.
Sau tiến hành xong lễ tục, bà con cùng tổ chức vui chơi, hỏi han chúc nhau sang năm mới làm ăn  thuận lợi, may mắn. Đến nay, người Mường Thanh Sơn vẫn còn lưu giữ bài hát chúc mừng độc đáo sau:
“Mừng mừng, như con gà nó mừng cái moạch
Như con chim khoách nói mừng cây de

Như con khe (chẽo) nó mừng nước mạ

Như con cá nó mừng chỗ khoang sâu

Như con tru nó mừng áng roộng
Như trống cái nó mừng cái dùi sơn son
Như cún như con nó mừng ông mừng mế mừng bố mừng cái...”
Hội này là lễ hội sớm nhất trong lịch sử lễ hội của dân bản, đặc sắc nhất trong lễ hội là tiết mục cồng chiêng. Do đó lễ hội Vai Chát còn gọi là lễ hội cồng chiêng.
Đến ngày 14, đình làng mới chính thức mở lễ hội và kéo dài đến hai ngày sau. Ngay sáng 14, trai tráng trong đội rước kiệu mặc trang phục lễ hội khiêng kiệu đi rước sắc phong từ nhà ông từ ra dâng lên cung giữa đình làng. Cột cờ lễ hội dựng lên cùng những hồi trống chiêng khoan thai kéo dài báo hiệu  lễ hội bắt đầu.
Ông từ đình trở thành chủ tế, đọc văn tế. Mỗi lần chủ tế đọc đến tên thần nào thì chiêng trống lại nổi lên rộn rã, tạo khí thế uy nghiêm thành kính của buổi lễ. Chủ tế đọc văn tế cầu mong tổ tiên phù hộ con cháu làm ăn gặp may mắn, đỗ đạt cao... Đồ cúng tế gồm có thịt lợn, xôi, gà, rượu mộng, mâm ngũ quả. Riêng cung chính thờ Đức thánh Tản Viên Sơn và mẹ và vợ của thần (gọi là tam vị tôn thần) thì có thêm một đĩa cơm nén và một đĩa cá thiểu. Ngoài đồ cúng của đình còn có đồ cúng của bà con dân bản đến cầu may. Sáng ngày 15, việc cúng tế ở đình lại bắt đầu một lần nữa với những thủ tục hôm trước đón tiếp bà con các địa phương đến cầu may và con cháu ở xa về.
Bên cạnh tế lễ, hội xuân cũng tổ chức với các trò chơi như ném còn, bắn nỏ, đu tiên, chàm đuống, chàm thau... Đây là các tiết trò dân tộc của đồng bào còn giữ lại được cho đến ngày nay. Trò chàm thau (đánh trống đồng) và chàm đuống là những trò phức tạp nhất, phải qua luyện tập công phu, nó làm cho người dự liên tưởng đến những hoa văn trên mặt các trống đồng và sự kiện mà cổ sử có ghi vào thời nhà Trần, sứ giả giặc nghe tiếng trống đồng sau một đêm mà sợ bạc cả tóc.
Hội ném còn được tổ chức ngay trước cổng đình. Cây còn làm bằng cây tre để một ít lá, đỉnh gắn một vòng tròn bịt kín giấy đỏ do dân làng trồng lên. Trước khi vào hội còn, ông chủ tế đem năm quả còn lên bàn thờ cung chính làm lễ xin các thần rồi đem còn ra bãi và hội ném còn bắt đầu. Ai ném thủng vòng tròn thì được vào đình để chủ tế làm lễ cầu thánh thần tổ tông ban lộc.
Đêm đến, thanh niên nam nữ bắt đầu hát ví, hát giang đối đáp tỏ tình. Đây là dịp trai gái tìm hiểu và kết đôi với nhau. Nhiều đôi trai gái sau lễ hội thành vợ thành chồng. Để mà vào cuộc vui bao giờ hai bên cũng dò hỏi nhau trước xem bên kia có hứng thú không, nhưng rất ít trường hợp đứng ngoài cuộc vui. Bên nữ bao giờ cũng mạnh dạn lên lời trêu ghẹo trước:
“Kim bang dạo ngãi giang ơi
Chúng thương bạn nhớ tôi ngồi ở đây
Tôi xin than thở nhời này
Có giang hay chăng?
Dù nên anh ơi hay không?
Chẳng nên xin bạn đừng cười
Mời bạn chớ chê
Để tôi kết ngãi đôi quê trốn này...”
Hát giang - ví không chỉ thanh thiếu niên mới ham mà nó được cả các bậc cha mẹ đến các cụ ông cụ bà tham gia. Đây thực sự là một dịp tốt để trẻ nhỏ sớm hoà vào ngày hội hát giang dưới sự chỉ dắt của người già, góp phần làm truyền thống dân tộc thêm sức sống.
Lễ hội đình Cả Tất Thắng phản ánh quá trình lịch sử quần cư lâu đời của người mường trên xứ sở này. Nó gắn bó mật thiết với đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chính tại xóm Chiềng dân làng đào được khá nhiều đồ gốm, đặc biệt là phát hiện được cái trống đồng Hegher I có niên đại trên 2000 năm tại vườn ông Đinh Công Thắng ngày 3-7-1997, nay được lưu giữ tại phòng truyền thống huyện, nâng con số trống đồng phát hiện được từ trước đến nay trong địa bàn huyện lên hơn 40 cái.
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn liền khôi phục phát triển đời sống văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội đình Cả Tất Thắng được khôi phục đã trở thành trung tâm lễ hội và hoạt động văn hoá thường xuyên của bà con, làm sống những tập tục truyền thống tốt đẹp, góp phần vào xây dựng làng văn hoá, đời sống văn hoá dân tộc không chỉ ở Tất Thắng mà còn có sức lan toả ra các vùng lân cận.
*Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 29 (2001), tr 11 – 12.
 

Không có nhận xét nào: