Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

LỄ HỘI ĐÌNH LÀNG Ở THẠCH KHOÁN


Dương Hà Hiếu
Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 31.2001


Đình là nơi hàng năm đồng bào tiến hành lễ hội vui xuân với những tiết mục vui chơi độc đáo, khơi nguồn và làm sống lại những truyền thống địa phương quý báu. So với những ngôi đình còn tồn tại đến ngày nay ở huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ thì đình Thạch Khoán là ngôi đình to đẹp nhất, giữ được kiến trúc tương đối nguyên vẹn cổ kính. Người Mường ở Thanh Sơn coi đình Thạch Khoán là đình Cả bởi lễ hội mang tính chất liên vùng của nó. Ngôi đình này ngay trung tâm xã Thạch Khoán, cách trung tâm huyện Thanh Sơn 8 km về phía Đông và được dựng trên một quả đồi nhỏ cạnh cánh đồng rộng trước mắt và hướng về núi Tản Ba Vì. Theo lời các cụ già và một số tư liệu như sắc phong, văn tế, cổ sử thì đình Thạch Khoán đã có từ lâu lắm. Đầu tiên, dân dựng đình bằng tre nứa  lá để thờ vọng Thánh Tản Viên Sơn cùng các Mị nương (Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, Thuỷ Tiên công chúa) con Vua Hùng thứ 18. Chính vì từ gốc tích này mà nhân dân lập đình thờ tôn ở ngôi  tối cao trên các thần linh.
Đình còn thờ vị Đại tướng quân Đinh Công Mộc với công trạng bảo vệ nhân dân khi giặc Minh đến xâm lược cướp phá. Theo dân gian Thạch Khoán truyền tụng thì khi giặc Minh đô hộ nước ta (1418 - 1427), thổ Lang vùng mường Thạch Khoán là Đinh Công Mộc đã lãnh đạo dân Mường đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy cùng nhân dân trong vùng và các vùng lân cận chống giặc. Sau khi giặc Minh khỏi bờ cõi và đất nước độc lập, Đinh Công Mộc được vua Lê Thái Tổ trao chức Đại tướng quân Vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi rõ: “Đinh Công Mộc: người huyện Thanh Thuỷ (nay thuộc huyện Thanh Sơn) có công giúp vua Lê Thái Tổ, được trao chức Đại tướng quân Vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ, lúc chết người sở tại lập đền thờ”. Khi Đinh Công Mộc mất, dân bản xét công trạng của ông với dân với nước đã nhất trí đưa ông vào đình, tôn là thổ thần cùng cúng tế  hương khói với Tản Viên Sơn Thánh và tam vị Mị nương.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), Nguyễn Bá Xuyên là người địa phương đã kết nghĩa với nghĩa quân Đề Kiều, Đề Ngữ và Đốc Dị hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885). Sau đó do nghi nghờ Nguyễn Bá Xuyên theo giặc vì ông được bổ nhiệm làm quan tri huyện Thanh Sơn, Đề Kiều và Đề Ngữ nổi giận đã dẫn quân đến đốt phá đình, hỏi tội Nguyễn Bá Xuyên. Ngày hôm đó là 25 tháng 1 âm lịch (không rõ năm), sau trở thành ngày giỗ trận chung đồng thời là ngày tổ chức lễ hội xuân của cả vùng.
Với nhiều biến cố của lịch sử, đình Thạch Khoán đã bị đốt phá nhiều lần. Cùng với sự giúp đỡ của các “nước nghĩa” (tức các vùng mường lân cận có quan hệ kết nghĩa với nhau), nhân dân Thạch Khoán đã lập lại đền ở khu đất cũ đồi  "Cháu" (tức đồi sặt). Sau lần trùng tu đó đình tồn tại cho đến ngày nay, gồm năm gian dựng theo hướng Tây Nam. Gian giữa nhìn chính diện về phía núi Ba Vì (núi Tản) gọi là cung chính, đặt bài vị thờ Thần Tản Viên Sơn. Tả cung đặt bài vị thờ các Mị Nương, con Vua Hùng thứ 18. Hữu cung thờ vị thổ lang Đại tướng quân  Đinh Công Mộc. Đình không có vách ngăn hay tường bao, tất cả tạo vẻ cao mà rộng, gần gũi mái mà thành kính.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (tức năm 1925), Vua Khải Định ra sắc phong cho dân Mường vùng Thạch Khoán “…hàng năm theo lệnh này cúng lễ, coi đó là như quốc khánh của làng” . Từ đó, hàng năm vào đúng độ xuân về (25 tháng 1 âm lịch) lễ hội đình Thạch Khoán tổ chức. Tuy nhiên, để tổ chức lễ hội tươm tất thì dân làng phải chuẩn bị mọi thứ  trước đó hàng tuần.
Đầu tiên là việc chọn người rước kiệu. Việc tuyển chọn trai tráng rước kiệu khắt khe và rườm rà nhất. Chỉ những thanh niên nào khỏe mạnh, khôi ngô, chưa vợ và còn trong trắng, có uy tín, được trẻ yêu già mến. Đặc biệt, những chàng trai đó nhất thiết phải sinh trong gia đình có đầy đủ cha mẹ, anh chị em và gia đình đó phải thuận hoà. Theo lời các cụ già thì những chàng trai đó cuối cùng phải đạt tiêu chuẩn là "phong quang, đầy đủ". Người ta chọn 30 chàng trai vào đội rước kiệu, trong đó có 8 chàng trai "phong quang đầy đủ" nhất được chọn ra để khiêng kiệu.
Chiều ngày 24, ông chủ tế lo việc cúng tế ở đình làm lễ "cạo tệ" thông báo cho nhân dân trong vùng làng mở lễ hội đình. Khoảng 2 giờ chiều, đoàn rước kiệu xuất phát từ đình đi đến xóm Chiềng và nhận sắc phong từ tay thổ lang (nay là người đứng đầu dòng họ Đinh). Tờ sắc phong bằng giấy màu vàng chanh in hình rồng vờn mây dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 69 cách mạng được cuộn tròn cất giữ cẩn thận trong một ống tre bịt kín, và để trong một chiếc hòm gỗ hình chữ nhật sơn son. Chiếc hòm đựng sắc phong được đặt ngay ngắn trên kiệu. Đoàn rước kiệu theo đường Đồng Bái về đình, vừa đi họ vừa đánh chiêng trống vang lừng. Đến cổng đình, tất cả chiêng trống gõ lên dồn rập báo hiệu đoàn rước đã về. Lúc này ông chủ tế ra kiệu làm lễ đưa hòm sắc phong vào nhập cung giữa tế thần linh. Đây cũng là lúc người dân được nghe đầy đủ tích lập đình, các vị thần được thờ trong đình cũng như nguồn gốc của ngày lễ hội.
Nửa đêm, các chàng trai rước kiệu đi lấy “nước tiên” ở một cái giếng gần gốc cây đa cách ngôi đình không xa gọi là giếng Doộc Cùm về để dùng làm lễ tế ngày hôm sau. Đồng bào quan niệm đi lấy nước phải vào đúng nửa đêm và phải nước giếng Doộc Cùm mới thật trong sạch và thiêng. Dân làng truyền rằng, giếng này trước có chú khách dấu của, về đêm thường hiện lên hai con hạc trắng nhảy múa đùa rỡn trên giếng.
Sáng hôm sau, tức ngày 25 tháng giêng, thổ Lang đứng đầu bản mường chính thức dự tế lễ. Những người tham gia vào cúng tế sáng hôm ấy nhất thiết phải nhúng tay vào nước tiên để tẩy người cho trong sạch. Ông chủ tế đọc văn tế lần thứ hai. Phụ giúp cho ông chủ tế gồm mười hai quan viên, là người già cả trong vùng. Tả hữu chính cung có hai ông quan viên xướng lễ. Mười ông còn lại phục dịch dâng lễ của các “nước nghĩa”, bà con dân bản trong vùng và các địa phương lân cận đến cúng viếng cầu may xin lộc. Trong lúc tiến hành, nhạc bát âm, xinh tiền vang lên phụ hoạ theo. Tất cả mọi sự lễ nghi đơn giản, không cầu kì cũng không nhất thiết phải linh đình. Gặp năm đói kém, dân bản chỉ tổ chức một lễ nhỏ gọi là “hàn hâm” cúng tế các vị thần linh và chỉ làm một lần, rất gọn nhẹ. Năm được mùa, dân bản mới làm “chính tiệc”, tức là làm đầy đủ công đoạn, có mổ lợn, mổ trâu với các nghi lễ trang trọng. Đồng thời, các nước nghĩa cử người mang đồ lễ đến dâng cúng.
Trong nghi lễ, thổ lang tiến hành nghi lễ tế thần và tổ tông với sự giúp đỡ của các cụ già có uy tín, đầy đủ các điều kiện "phong quang đầy đủ". Nhà thổ lang ngoài dự lễ còn được phần mang về và được dân bản biếu một lễ để cúng tổ tiên ở nhà. Tuy nhiên, nếu trong nhà thổ lang có con gái chửa hoang, hay có gì sai phạm thì dân bản sẽ không cúng phần lễ này và bị dư luận dân bản chê trách. Điều này đòi hỏi gia đình thổ lang thực sự nghiêm khắc trong việc dạy bảo con cái.
Phần nghi lễ trong đình được tiến hành đến chiều hai lăm thì kết thúc nhưng cũng có năm đến tận chiều hai sáu. Sau đó, đoàn rước kiệu mới rước sắc phong từ đình về xóm Chiềng nơi di duệ con nhà Lang Đinh Công Mộc ở kết thúc lễ hội.
Cùng các nghi lễ  ở đình, phần hội hè của nhân dân cũng bắt đầu ngay từ đêm hai bốn với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Dân từ các "nước nghĩa" kéo về chung vui. Đây là dịp để trai gái thi thố tài năng của mình. Trong cuộc vui này, các chàng trai cô gái có điều kiện tỏ tình, tìm hiểu nha quan các bài hát giang – ví đối đáp. Các đám hát đối đáp luôn được sự hưởng ứng của nhiều người kể cả các cụ già và kéo dài thời gian nhất. Thường thì các cô gái Mường sẽ là người cất giọng thăm dò trước:
“Đêm qua em ngồi nhà ngoài
Em têm trăm mốt, trăm hai miếng trầu

Chờ chàng chẳng thấy chàng đâu

Bỏ cau long hạt bỏ trầu long vôi

Trầu long vôi ắt hẳn trầu nhạt
Cau long họt ắt hẳn cau già
Mình chẳng lấy ta ắt hẳn mình thiệt
Ta chẳng lấy mình ta biết lấy ai…”
Sau đó, các chàng trai bắt đầu đối đáp theo. Cứ như vậy, những bài hát giang – ví được tận dụng để thăm dò tình cảm của cả hai bên cho hết ngày qua đêm.
  Cũng trong ngày hội các cụ già có dịp kể cho con cháu về nguồn gốc dân tộc, về sự tích con sông Mĩ Há (sông Bứa ngày nay)…bằng những bài hát giang chậm rãi. Cụ Hà Văn Danhm – một nghệ nhân giang – ví của vùng mường Thanh Sơn - 83 tuổi sống ở xóm Chiềng xã Lai Đồng cho biết bố ông hồi trẻ vẫn thường đi hát ở Thạch Khoán vào các dịp lễ hội như thế.
Các trò chơi như ném còn, đu tiên,…được tổ chức và thu hút đông đảo mọi người từ em nhỏ đến các cụ già tham gia. Náo nhiệt nhất và vui nhất phải kể đến cuộc thi bắn nỏ. Trai gái đều có thể tham gia. Ai thắng sẽ được mọi người khen thưởng, tặng quà và là niềm kiêu hãnh của cả bản. Đây cũng là một đặc trưng về bản tính của người Mường nói chung và người Mường Thanh Sơn nói riêng.
Những ngày lễ hội này, phường chèo ở miền xuôi cũng lên góp vui, khách thấp phương đến được đón tiếp rất thân tình. Tuy nhiên ở Thạch Khoán không có trò đam đuống, chàm thau và một số trò khác như Tất Thắng, Xuân Đài, Kim Thượng, Lai Đồng… còn giữ lại cho đến ngày nay.
Hiện nay, khi đồng bào Mường ở Thạch Khoán đang hoà nhập một cách tích cực vào sự phát triển chung, lễ hội đình có phần cải biến ít nhiều đi cho phù hợp cuộc sống cộng đồng hiện tại. Trong khi những giá trị văn hoá khác dần mai một như tiếng nói, trang phục,…thì ngược lại, đình Thạch Khoán cũng như các ngôi đình khác là nơi bảo vệ và lưu giữ những tục lệ, trò chơi truyền thống tốt đẹp. Đình Thạch Khoán với tầm quan trọng của nó chẳng những có vai trò quan trọng trong cuộc sống dân nhân còn tồn tại như là một nhân chứng lịch sử, xứng đáng là một di tích lịch sử văn hoá, một biểu hiện đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Mường.
*Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 31.2001, trang 10 – 11

Không có nhận xét nào: