Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM TRONG CÁC TƯ LIỆU TIẾNG ANH THẾ KỶ XVIII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX



BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM TRONG CÁC TƯ LIỆU TIẾNG ANH THẾ KỶ XVIII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX
  Dương Hà Hiếu
Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (469), 2015

Thế kỷ XVI – XVII, cùng với những phát kiến địa lý vĩ đại bằng đường biển, người châu Âu đã biết đến những “tân thế giới” ngoài châu Âu. Từ đó,những tuyến giao thông buôn bán đường biển hình thành và ngày càng trở nên trọng yếu nối liền châu Âu, châu Mỹ với châu Á và châu Đại Dương đồng thời thúc đẩy cho quá trình thăm dò, khám phá và chinh phục những vùng đất này ngay các thế kỷ sau đó. Hàng loạt thông tin ghi chép về các vùng đất mới trong đó có Việt Nam được in ấn và phổ biến bằng nhiều thứ tiếng. Mặc dù vậy, những tư liệu đề cập đến Việt Nam nói chung và vùng biển, đảo của Việt Nam nói riêng xuất bản bằng tiếng Anh so với các tư liệu bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp thì khá muộn nhưng lại mang có tầm quan trọng và tính phổ quát cao. Trong khuôn khổ bài viết này, với những tưu liệu gốc có trong tay, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu những thông tin cung cấp về biển, đảo Việt Nam bằng tiếng Anh trong các tư liệu xuất bản ở thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX mà chúng tôi tiếp cận được.
1. Vài nét về nguồn tư liệu
Ở thế kỷ XVIII, nhìn tổng thể, những công trình đề cập đến biển, đảo Việt Nam bằng tiếng Anh mặc dù xuất bản chưa nhiều nhưng những thông tin mà chúng cung cấp lại có vị trí khá quan trọng trong việc phổ biến kiến thức đồng thời là bằng cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hệ thống các đảo, quần đảo mà người Việt Nam làm chủ từ trước đến nay. Đầu tiên phải kể đến cuốn “A new account of the East Indies, being the observation and remarks, vol II” của Alexander Hamilton xuất bản năm 1727 tại Scotland gồm có 320 trang, hiện lưu trữ tại thư viện The New York Public (USA). Tiếp theo là công trình “The History of China. Upon the Plan of Mr Rollin’s Ancient History (translated from the French)” in ấn năm 1755 gồm 382 trang, hiện lưu giữ tại thư viện Đại học Princeton (USA). Cuốn “The Modern part of an Universal history from the earliest account of time. Vol VII” in vào năm 1759 tại London gồm 578 trang. Công trình tiếp theo phải kể đến là “An Historical account of the embssy to the emperor of China” gồm 475 trang hiện lưu tại thư viện Đại học Oxford và “An Abridged account of the embssy to the emperor of China” gồm 388 trang hiện lưu tại thư viện Đại học Princeton của hai tác giả Macartney và George xuất bản năm 1797.
Bước sang thế kỷ XIX, các tư liệu tiếng Anh đề cập đến biển đảo của Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đầu tiên phải kể đến đó là công trình “The view of the India extra Gangem, China and Japan, Vol III” của tác giả Thomas Pennant xuất bản năm 1800 tại London gồm 284 trang, hiện được lưu giữ tại thư viện của Đại học Harvard. Tiếp theo là cuốn “Modern Geography: A Description of the empires, kingdoms, stares, and colonies with the oceans, seas, and Isles in all parts of the world: including the most recent discoveries, and political, alterations, digested on a new plan, Vol II” của hai tác giả John Pinkerton và S. Vince xuất bản năm 1804 tại London và New York gồm 698 trang, hiện lưu giữ tại thư viện Đại học California. Công trình này sau đó được chỉnh sửa và tái bản tại London vào năm 1806 gồm 676 trang. Kế đến là “A Voyage to Cochin China in the years 1792 and 1793: Containing a general view of the valuable productions and the political importance of this flourishing kingdom, and also of such european settlements as were visited on the voyage” của tác giả John Barrow xuất bản năm 1806 gồm 447 trang tại London, hiện lưu tại thư viện Đại học Darlington. Công trình “The Literary panorama: A review of books, A register of events, A magazine of varieties comprising interesting intelligence from various districts of the United Kingdom; The British connections in The East Indies, The West Indies, America, Africa, western Asia & c. and from the Continent of Europe, Vol I” gồm 1418 trang in tại London năm 1807 của tác giả C. Taylor hiện lưu giữ tại thư viện Đại học New York. Công trình “EncyclopaediaLondinensis or Universal Dictionary of Arts, Sciences and Literature, Vol IV” được xuất bản tại London năm 1810 gồm 910 trang, hiện lưu tại thư viện Đại học Minnesota. Năm 1813, tác giả James Playfair cho xuất bản cuốn sách “A System of Geography, Ancient and Modern, Vol V” tại London gồm 827 trang. Kế đến là công trình “A System of Geography for the use of school on an entirely new plan” của tác giả Thomas Keith in vào năm 1826 tại London gồm 372 trang. Đến năm 1832, tác giả David Brewster cho xuất bản công trình “The Edinburgh Encyclopaedia: Science and the Arts, in eighteen volumes, Vol VI” tại Philadelphia (USA) gồm 797 trang. Công trình này hiện nay được lưu giữ tại thư viện Đại học Stanford (California, USA). Tiếp theo là công trình “A System of Universal Geography, or a description of all the parts of the World, on a new plan according to the great natural, divisions of the globe, accompanied with analytical, synoptical and elementary tables, Vol I” của hai tác giả M. MalteBrun và James G. Percival xuất bản năm 1834 tại Boston, hiện được lưu giữ tại thư viện Đại học Michigan (USA) gồm 640 trang. Năm 1836, tác giả James Horsburgh công bố công trình“India Dirctory, or Directions for sailing to and from the East Indies, China, Australia, Cape of Good Hope, Brazil and the Interjacent ports, Volume Second” xuất bản tại London gồm 740 trang, hiện lưu tại thư viện Đại học Minnesota.  Năm 1842, công trình “The Encyclopaedia Britannica, or Dictionary of Arts, Sciences, and miscellaneous literature, Seventh  edition, Volume VII, part I” của tác giả Napier được xuất bản tại Edinburgh (Scotland), London (England) và ở Dublin (Ireland) gồm 392 trang. Đến năm 1845, ba tác giả Edward Smedley, Hugh James Rose và Henry John Rose cũng cho xuất bản công trình “EncyclopaediaMetropolitana or Universal Dictionary of Knowledge, Volume XVI” tại London gồm 804 trang và hiện nay được lưu giữ tại thư viện Đại học Michigan (USA). Tiếp theo là công trình “The Encyclopaedia Britannica a Dictionary of Arts, Sciences, and General Literature, Eighth edition, Vol VII” in ấn năm 1854 tại Scotland gồm 800 trang. Năm 1856, Hiệp hội Địa lý hoàng gia Anh cho xuất bản công trình “Gazetteer of The World, or Dictionary of Geographical Knowledge, compiled from the most recent authorities, Vol V” gồm 874 trang tại London. Công trình uy tín này hiện nay được lưu giữ tại thư viện Đại học Oxford. Và cuối cùng phải kể đến công trình “Geography or First Division of “The English Encyclopedia”, Volume II” của Charles Knight gồm 1148 trang được xuất bản tại London vào năm 1866. Công trình đồ sộ này hiện nay được lưu giữ và bảo quản ở thư viện The New York Public tại New York.
2. Nội dung
2.1 Về bờ biển và vị trí của các đảo ven bờ Việt Nam
Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVII – XVIII là giai đoạn diễn ra nhiều biến cố thay đổi lớn, đó là: sự phân chia Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (vua Lê – chúa Trịnh); phong trào nông dân Tây Sơn ở nửa cuối thế kỷ XVIII lật đổ các tập đoàn phong kiến, thống nhất đất nước; các triều đại Tây Sơn bị lật đổ và sự cai trị của vương triều Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX. Những biến động dồn dập làm thay đổi bộ mặt chính trị của đất nước diễn ra đồng thời với những thay đổi mạnh mẽ của lịch sử thế giới. Các nước tư bản châu Âu đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ đòi hỏi cần có những lượng thông tin, kiến thức khổng lồ về các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ - những quốc gia đang còn “vô chủ” nhằm phục vụ cho quá trình cạnh tranh mở rộng thị trường buôn bán và chiếm đoạt thuộc địa đang diễn ra khốc liệt. Vì vậy mà, những thông tin tri thức về các quốc gia ở châu Á trong đó có Việt Nam, đặc biệt là những thông tin mô tả về vùng biển, đảo Việt Nam cũng được đề cập tương đối chi tiết trong các công trình địa lý, lịch sử bằng tiếng Anh trong giai đoạn này.
Trong công trình xuất bản năm 1727 tại Edinburgh (Scotland), tác giả Alexander Hamilton đã mô tả khá chính xác về đặc điểm đường bờ biển Đàng Trong như sau “Đàng Trong có bờ biển dài khoảng 700 dặm tính từ dòng sông của Campuchia tới Quambin (Quảng Bình), và nó có nhiều hải cảng tốt rất tiện lợi dù chúng không thường xuyên được những người xa lạ lui tới; và dọc theo bờ biển Đông, nó rất sâu, tại một số nơi tôi thấy chiều sâu từ 60 đến 80 sải trong nửa hải lý tính từ bờ biển” (1). Từ thông tin này cho chúng ta thấy, diện tích lãnh thổ Việt Nam phần Đàng Trong dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVIII đã thực sự làm chủ vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ trù phú với một đường bờ biển dài phía Đông nhiều vũng vịnh, cảng biển sâu rất tốt và an toàn, thuận lợi cho giao thông buôn bán đường thủy. Không chỉ có vậy, Alexander Hamilton còn chỉ ra và mô tả các đảo ven bờ Đàng Trong tính từ Nam ra Bắc đồng thời đưa ra những cảnh báo nguy hiểm cho các tàu thuyền khi di chuyển đến vùng biển này như sau: “Có một số hòn đảo trên bờ biển này. Những đảo gần bờ biển không gây nguy hiểm. PulloJecca de Terra (Cù lao Câu), nằm ở phía nam và gần bờ nhất. Hòn đảo này không có người ở và trông chỉ giống như những bãi đá của Paracel mà không có cây, bụi cây, hoặc cỏ. Tôi vượt qua một dặm ở đó và nó nằm khoảng một dặm từ bờ biển. PulloJecca de Mare (Cù Lao Thu) và tất cả các chuỗi các hòn đảo trải dài từ cụm đảo nguy hiểm Paracelcó vẻ nhiều đá hơn những hòn đảo khác. PulloCambir (Cù lao Xanh) cách bờ biển khoảng 15 hải lý, gần quần đảo Hoàng Sa. Hòn đảo đó không có người ở dù khá lớn. Pullo Canton (Cù lao Ré), nằm ​​gần bờ biển, cũng giống như các đảo của Champello (Champa) nhưng không có nguy hiểm. Có dòng chảy mạnh chạy đến phía nam trong gió mùa Đông Bắc làm cho các thuyền trưởng phải chú ý để duy trì gần bờ biển Đàng Trong vì sợ bị lái ra quần đảo Paracels, nơi có chuỗi bãi đá nguy hiểm, dài khoảng 130 hải lý, rộng khoảng 15 hải lý và chỉ có một số hòn đảo ở mỗi đầu. Có một số liên giòng giữa những bãi đá nhưng không dấu hiệu rõ ràng về mối nguy hiểm; nhưng tôi biết một con tàu của người Anh từ Surat đã vô tình đi qua chúng nhưng không biết và cũng không nhìn thấy mối nguy hiểm của chúng cho đến khi nó đi qua, họ bất ngờ nhìn thấy bờ biển Đàng Trong” (2). Điều thú vị là, ngoài việc mô tả các hòn đảo cùng những cảnh báo về sự biến đổi của dòng hải lưu ven bờ vào mùa gió mùa Đông Bắc để các tàu thuyền phải chú ý cẩn trọng tránh bị cuốn ra xa. Không chỉ có vậy, tác giả còn cho thấy mối quan hệ giữa các đảo ven bờ với quần đảo Paracels (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) cũng như mức độ nguy hiểm của những “chuỗi bãi đá” của hai quần đảo này đối với tàu thuyền qua lại.
Đặc điểm đường bờ biển cùng các hòn đảo ven bờ của Đàng Trong cũng được các tác giả của “The Modern part of an Universal history from the earliest account of time” đề cập đến khá ngắn gọn như sau: “Trước khi chúng tôi rời khỏi vương quốc này, chúng tôi chắc chắn không được quên cung cấp cho một bản kê ngắn gọn những hòn đảo lớn nhất thuộc về đất nước này: những người bản địa đặt cho chúng cái tên là Pullos (Cù lao), và có một số lượng lớn những hòn đảo dọc theo bờ biển như: 1. PulloSicca, là nơi cằn cỗi và không có người ở, và trông giống như một nhóm các phiến đá khô cằn, không có cây hoặc một ngọn cỏ. 2. PulloSecca de Mare, một chuỗi các hòn đảo cằn cỗi và đá khác, kéo dài từ vùng nước nông nguy hiểm được gọi là Hoàng Sa. 3. PulloCambir, ở mười lăm hải lý ngoài khơi tính từ bờ biển, nhưng gần vùng nước nông trên, và nó mặc dù lớn nhưng cũng không có người ở. 4. Pullo Canton, nằm gần bờ biển, và ở khoảng cách không xa so với Cam-Pello, cả hai nơi này dòng chảy chạy từ phương Nam lên phía Bắc buộc các thủy thủ giữ khoảng cách xa nhất có thể và không thể tiếp cận gần bờ biển” (3). Theo khảo cứu so sánh, đối chiếu của các học giả Việt Nam và thế giới, tên gọi các hòn đảo ven bờ của nước ta do các nhà hàng hải, địa lý Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha một phần từ phiên âm tiếng Chăm và tiếng Việt mà đặt ra. Người Chăm vốn gọi các đảo ven bờ là “pu-lao” hoặc “pu-lau”. Trong quá trình cộng cư lâu dài giữa hai cộng đồng người Việt và người Chăm, những từ dùng để gọi các hòn đảo trong tiếng Chăm được Việt hóa thành “cù lao”, tức là các hòn đảo, những bãi đá nổi lên khỏi mặt nước ở ven bờ biển Việt Nam. Và từ đó, các nhà hàng hải, địa lý thế giới trong quá trình thám hiểm, thông thương đã sử dụng những từ này phiên âm sang ngôn ngữ quốc tế thành “pullo”, “callau”, “paulo” hoặc “pulo” để đặt cho các hòn đảo Việt Nam trong các cuốn nhật ký hải trình, các công trình nghiên cứu địa lý, lịch sử lúc bấy giờ. Theo đó, PulloJecca de Terra dùng để gọi Cù lao Câu thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay; PulloJecca de Mare tức là Cù Lao Thu, nay là đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận; PulloCambir dùng để chỉ Cù lao Xanh, nay là xã đảo Nhơn Châu của Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; Pullo Canton dùng để gọi Cù lao Ré, tức huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay; PulloSicca dùng để chỉ chung cho hai hòn đảo là Cù lao Thu và Cù lao Câu;Cam-Pello hay PulauChampa là tên gọi của Cù lao Chàm gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ nay thuộc xã đảo Tân Hiệp của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cũng theo các học giả khảo cứu, ở giai đoạn này, Parcel, Paracel hoặc Paracels được dùng rất phổ biến để gọi chung cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà chưa có sự phân biệt rõ ràng là Paracels (Hoàng Sa) và Spratly Island (Trường Sa) như sau này.
Không chỉ dừng ở mức độ kể ra đặc điểm bờ biển cũng như kể tên các hòn đảo ven bờ của Đàng Trong theo thứ tự từ Nam ra Bắc, trong tác phẩm “The History of China. Upon the Plan of Mr Rollin’s Ancient History (translated from the French)” xuất bản năm 1755 phần “The history of Cohinchina” ở chương 2 viết về Đàng Trong còn cho biết “Đàng Trong được chia thành năm hoặc sáu tỉnh và có biên giới với Đàng Ngoài… Đất nước này là nơi cư ngụ tốt, và có một số thành phố nhưng đã được xây dựng một cách đầy dụng ý: Kinh đô của vương quốc được gọi là Kehúe (Huế) và là nơi ở của nhà vua. Vương quốc này có một số cảng biển tốt ở phía đông, dễ dàng tiếp cận và gần bờ có độ sâu 60 sải và ở một số nơi đến 80 sải mà tàu có thể neo đậu. Dọc theo bờ biển, bạn thấy một số hòn đảo thuộc về Đàng Trong… Những đảo này có nhiều cây hữu ích trong số đó có cây Damar cho một loại nhựa như nhựa thông. Ở đây cũng phát triển các loại trái cây, như xoài, các xạ hạt, coca rừng... Bờ biển của họ là nơi cung cấp hầu hết các loại cá, đặc biệt là rùa, và người dân khai thác dầu và bán trên đất liền (4). Từ những thông tin ngắn ngủi trên đề cập chưa được nhiều vấn đề biển, đảo của Việt Nam nhưng chí ít cũng cho thấy vào khoảng thời gian này, Đàng Trong đã thiết lập được 5 – 6 tỉnh với trung tâm là đô thành Huế và cư dân Đàng Trong ngoài việc làm nông nghiệp thì hoạt động đánh bắt trên biển thực sự là một hoạt động kinh tế khá quan trọng trong cuộc sống của họ. Bờ biển phía Đông của kinh thành Huế có những cảng biển tốt rất thuận lợi cho việc cập bến, lưu thông hàng hóa.
Sự chia cắt nhô ra thụt vào của bờ biển Việt Nam tạo ra nhiều vũng vịnh và hải cảng tốt rất thuận lợi cho việc giao thông giao thương đường biển. Tuy nhiên bên cạnh đó, bờ biển cùng các đảo ven bờ cũng tạo nên không ít những khó khăn thậm chí là nguy hiểm cho các tàu thuyền phương Tây khi họ chưa nắm rõ được quy luật hải văn của vùng biển Việt Nam. Trong tác phẩm The History of China. Upon the Plan of Mr Rollin’s Ancient History có ghi “Các đảo của Kondore có điểm đáng chú ý là có nhiều dải đá ngầm nguy hiểm bên bờ biển của họ, mà những người châu Âu gọi là Paracelles; và các vụ đắm tàu ​​xảy ra thường xuyên đến nỗi mà nhà vua của Đàng Trong thấy phải cử một vài tàu thuyền ra vào trong một mùa nhất định trong năm để tìm vớt hàng hóa và các bộ phận của con tàu bị đắm. Trong năm 1714, tàu Arion - một con tàu buôn nổi tiếng châu Âu, cũng đã bị mất tích trên các bờ biển này” (5). Kondore, hay Condor, Condore, Poulo Condore, Pullo Condore, Pulo Condor là tên gọi của Côn Đảo mà các nhà hàng hải phương Tây dùng để đặt cho hòn đảo này. Và vì vậy, có lẽ là nhầm lẫn khi cho rằng Côn Đảo là một phần của quần đảo Paracels như tư liệu đã viết. Hoặc cũng có thể do Côn Đảo gần với quần đảo Paracels ở ngoài khơi nên dẫn đến sự nhầm lẫn cho rằng Côn Đảo là một đảo trong hệ thống các đảo, bãi đá, bãi cát của quần đảo này.
Đặc biệt, Pulo Canton (Cù lao Ré) với vị trí địa lý thuận lợi được các tác giả đề cập đến không chỉ là điểm dừng chân tiếp nước ngọt, lương thực trên hải trình từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài mà còn như là một tiền đồn, một điểm nối giữa đất liền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các cư dân Việt Nam thời bấy giờ sinh sống trên Cù lao Ré thường ra Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác sản vật. Không dừng ở đó, nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu” (6)vì vậy chế độ phong kiến Việt Nam đã “Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã Vĩnh An huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù lao Ré (…) lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày đêm thì mới đến” (7) và “…họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất (…) cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng” (8) đồng thời “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất (…)cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản”(9). Điều này cho thấy ngay từ thế kỷ XVII, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cổ sử Việt Nam thường gọi là “Vạn Lý Trường Sa”, “Đại Trường Sa” hoặc “xứ Hoàng Sa” đã sớm được triều đại phong kiến Việt Nam khẳng định và xác lập chủ quyền trên thực tế. Cù lao Ré – tức Pulo Canton là hòn đảo có khoảng cách gần với quần đảo Paracels nhất nên đã được triều đại phong kiến Việt Nam chú trọng trở thành nơi tuyển người vào đội Hoàng Sa.
Vị trí địa lý của Cù lao Ré không chỉ như “nhịp cầu” nối đất liền với quần đảo Paracelsvà án ngữ trên tuyến hàng hải quốc tế lúc bấy giờ mà ở Cù lao Ré còn có đầy đủ điều kiện như nước ngọt, lương thực thực phẩm có thể đáp ứng nhu cầu tiếp tế của thuyền bè qua lại. Vì lẽ đó, hàng loạt tài liệu tiếng Anh đương thời cũng như các bản đồ hàng hải khi đề cập đến các hòn đảo ven bờ đáng lưu ý đều không thể không đề cập đến hòn đảo này với tên gọi là Pulo Canton. Đáng lưu ý, Macartney và George trong các tác phẩm của mình xuất bản năm 1797 đã chỉ rõ “Pulo Canton, còn được gọi là Pulo Ratan, có các điểm cực khá cao và vị trí thấp trung bình của nó làm cho nó có sự xuất hiện của hai hòn đảo, được miêu tả vào ngày 22 tháng 5. Các đội tàu hiện giờ nằm dọc bờ biển vương quốc Đàng Trong và họ đi lại giữa các bờ biển của Đàng Trong tới các bãi đá, đảo nhỏ trong quần thể được gọi là quần đảo Paracels, nằm ở phía Bắc và phía Nam khoảng gần 400 dặm” (10). Điều này cho thấy từ rất sớm, không chỉ ở Cù lao Ré, các cư dân Việt Nam sống ven biển đã thực sự làm chủ ngư trường Biển Đông. Các đội tàu thuyền mà Macartney và George đề cập đến chắc chắn không chỉ của ngư dân mà còn là những đội tàu thuyền thuộc chính quyền phong kiến Việt Nam lập ra thay phiên nhau đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác sản vật cũng như thu lượm những đồ đạc mà những tàu thuyền bị đắm dạt vào các đảo, bãi đá của hai quần đảo này.Trong “India Dirctory, or Directions for sailing to and from the East Indies, China, Australia, Cape of Good Hope, Brazil and the Interjacent portsVol II, tác giả James Horsburgh còn miêu tả kỹ lưỡng hơn về Cù lao Ré như sau “Pulo Canton, còn được người bản địa gọi là Cu Lao Ray (tức Cù Lao Ré), nằm ở vĩ tuyến 15,23 độ Bắc, kinh tuyến 109,6 độ đông hoặc 4,38 độ Tây từ Grand Ladrone khi đo bằng máy đo hằng hải, nằm ở khoảng cách 4 hải lý từ mũi đất Batantan, và bờ biển đối diện với nó nằm chếch về phía Bắc của mũi đất. Hòn đảo này có kích cỡ đáng kể, có thể thấy rõ từ khoảng cách khoảng 9 hải lý từ boong của một tàu lớn và có một vẻ bằng phẳng khi được quan sát từ phía Nam: ở phía Tây, nó có người sinh sống, trồng trọt tốt, và ở đây còn có nước ngọt. Một bãi đá ngầm nhô ra từ phía đầu Đông Nam của hòn đảo (bãi đá Mù Cu ngày nay – TG), và về phía Bắc, có những xoáy nước phía dưới là đá, trải dài khoảng một hải lý tính từ vị trí của nó tới Low Island (tức cù lao Bờ Bãi, nay là xã An Bình của huyện đảo Lý Sơn - TG) nằm ở phía Tây Bắc của Pulo Canton. Ở phía Đông Nam của những hòn đảo này không nên tiếp cận gần vì cho dù nó không được biết tới là nơi nguy hiểm nhưng có những xoáy nước khoảng từ 7 tới 15 sải nằm trải dài khoảng 2 đến 3 hải lý về phía Bắc của Pulo Canton. Sang phía Nam Đông Nam 4 hải lý, có khu vực nước sâu 50 sải” (11). Từ những thông tin trên của James Horsburgh cho thấyvị trí địa lý của Cù lao Ré cùng Cù lao Bờ Bãi và bãi đá Mù Cu cùng đặc điểm hải lưu vùng biển giữa Cù lao Ré và đất liền cũng như vùng biển ngoài hòn đảo này được mô tả khá rõ ràng và tương đối chính xác. Đặc biệt trong công trình này, tác giả còn đề cập đến mũi đất Batantan mà người Việt gọi là mũi đất Ba Làng An (thuộc huyện Bình Châu của Quảng Ngãi ngày nay), nơi vươn ra biển Đông gần với quần đảo Hoàng Sa nhất của Việt Nam tính từ trong đất liền.
Bên cạnh đó, các phương tiện và hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ của ngư dân Việt Nam thời bấy giờ cũng được người châu Âu ghi chép lại khá chi tiết cũng như cho thấy phản ứng của ngư dân khi gặp những tàu thuyền nước ngoài, đặc biệt là tàu phương Tây khi đi vào vùng biển của Việt Nam: “Nhiều thuyền nhỏ đã được nhìn thấy đang đánh bắt cá giữa các tàu và đất liền. Những cái gần nhất đã tới để có thể có một ai đó trong số ngư dân này làm người dẫn đường vào vịnh Toron (Đà Nẵng), một cảng chính thuộc Đàng Trong. Nhưng những thuyền này không có ý tiếp cận và nhanh chóng rút lui khi thấy những chiếc tàu lạ. Tuy nhiên, một trong những chiếc thuyền nhỏ đã bị vượt qua bởi một chiếc tàu và một ngư dân trên đó đã được chuyển lên tàu” (12).
Tầm quan trọng của bờ biển, hải cảng, các vũng vịnh của Việt Nam càng ngày càng được các tác giả đề cập đến chi tiết. Trong tác phẩm “A System of Geography, Ancient and Modern” nổi tiếng của mình, James Playfair đã mô tảDọc theo bờ biển có nhiều cảng biển với vị trí thuận lợi cho giao thương nhưng lại không được thường xuyên sử dụng bởi người nước ngoài. Một trong số những cảng đáng chú ý nhất được cư dân ở đây gọi là Hoyan (Hội An), hoặc Han, người Bồ Đào Nha gọi là Faifo, hoặc Foy-Foe, và người Anh gọi là Toron (Đà Nẵng), ở 160 7’ vĩ độ Bắc, với chuyến đi hết một vài ngày về phía đông nam Sinhoa (Huế). Nơi đây có vùng nước đủ độ sâu nên tàu thuyền có thể di chuyển một cách an toàn. Lối vào của nó là cửa của một con sông bắt nguồn từ vùng núi của Lào, và rất dễ dàng. Đây là nơi giao thương lớn nhất, sầm uất nhất trong vương quốc, và nơi thường xuyên lui tới của các thương gia Trung Quốc. Ở tỉnh Quinhin (Quy Nhơn) có bến cảng an toàn và tấp nập có tên là Nuocman(là cảng Thị Nại bây giờ -TG), nghĩa là Cảng nước biển, nhưng không ở vị trí thuận tiện như Faifo (Hội An). Có một số cảng nhỏ khác, đặc biệt là ở Naulang; nhưng chúng đều không an toàn và không sâu cho tàu trọng tải lớn đồng thời ở khoảng cách quá xa bờ biển” (13) . Những cảng vịnh được đề cập ở trên, trong các thế kỷ XVII – XVIII và nửa đầu XIX thực sự khá nhộn nhịp không chỉ có sự hiện diện của các thương nhân Trung Hoa vốn từ lâu thường xuyên sang nước ta buôn bán mà còn đón tiếp rất nhiều thương nhân cùng tàu thuyền của họ đến từ châu Âu. Đặc biệt trước đó, Đàng Trong dưới sự cai quản của các chúa Nguyễn với chính sách phát triển kinh tế cởi mở hơn Đàng Ngoài nên đã thu hút được rất nhiều thương gia các nước đến làm ăn buôn bán, thậm chí là lập nên các thương điếm của mình ngay trên đất Đàng Trong. Điều này đã thúc đẩy cho sự hình thành và phát triển của các Cảng thị ven sông, ven biển phục vụ cho giao thương trong vùng và giữa Việt Nam với nước ngoài.
Không chỉ dừng ở đó, James Playfair còn cho biết sự tiện lợi bằng giao thông đường thủy trong nội địa Việt Nam cũng như các đô thị quan trọng hình thành bên các con sông, đặc biệt là kinh đô Huế: “Trong vương quốc này không có trường thành bao quanh, nhưng có nhiều thành trì và làng mạc nhỏ. Huế, hoặc Whay, còn được gọi là Uzangues, Sin-hoa, và Tcheatchen, là thủ đô và là một thành trì lớn được xây dựng với nhiều ý nghĩa, nơi có các cung điện hoàng gia và một số chùa ở khoảng cách 40 dặm về phía bắc Touron(Đà Nẵng), gần một con sông lớn trước đây đủ sâu cho tàu trọng tải lớn; nhưng do một trận ngập lụt khủng khiếp vài năm trước mà các bãi cát được hình thành ở cửa sông nên chỉ có tàu thuyền nhỏ qua lại được. Đô thành này, học theo cách thức của người Trung Quốc, được chia cắt bởi kênh rạch, để tạo thuận lợi cho vận chuyển buôn bán cũng như cho sự tiện lợi của người dân” (14). Và trong các Cảng thị của Việt Nam lúc bấy giờ, Đà Nẵng được các nhà hàng hải, thương gia châu Âu đặc biệt coi trọng vì sự thuận tiện và an toàn của nó đối với loại thời tiết vốn rất thất thường, thường xuyên có gió bão và mưa lớn: “vịnh lớn và an toàn của Touron(Đà Nẵng), như đề cập ở trên, trong đó Lord Macartney thả neo vào tháng 26 năm 1793, gần một bãi bồi có hai đỉnh cao. Nó gồm một hòn đảo nhỏ. Cửa sông là ở điểm cực nam của vịnh. Thành đô, nằm một dặm trong nội địa, có các nhà ở thấp, được xây dựng bằng tre và che phủ bằng cây bấc hoặc rơm lúa. Xung quanh thành là những vườn cam, chanh, chuối, …. Phía trên thành đô là một thung lũng màu mỡ lấy nước từ dòng sông. Kamois (dãy Trường Sơn), một dãy núi, kéo dài dọc theo biên giới phía tây, tách vương quốc này với Lào và Campuchia” (15). Chính vì vị trí thuận lợi đặc biệt như vậy mà cảng vịnh Đà Nẵng sau này trở thành sự lựa chọn tấn công xâm lược Việt Nam đầu tiên của thực dân Pháp vào năm 1858.
Hoặc như trong “A System of Geography for the use of school on an entirely new plan” của Thomas Keith biên soạn dùng để giảng dạy trong các trường học của Anh viết: “Đàng Trong kéo dài dọc theo biển Trung Quốc từ Tonquin (Đàng Ngoài) đến Tsiompa (Champa). Nó bao gồm một đồng bằng dài, giữa bờ biển và dãy núi chạy song song với bờ biển. Vùng đồng bằng rất màu mỡ, và sản xuất tất cả các loại trái cây nhiệt đới, gạo và đường. Các khu rừng cung cấp hồng gỗ, gỗ mun, sapan, gỗ sandal, bàng gỗ, và calambac. Các thị trấn chính là Ke-Hòa (Huế), Faifo (Hội An), và Turon (Đà Nẵng), trên những vịnh cùng tên” (16). Còn David Brewster thì cho biết Rất nhiều hòn đảo nhỏ, nằm dọc theo bờ biển của nước này, có khả năng cung ứng những vật phẩm xa xỉ theo yêu cầu rất lớn tại Trung Quốc, còn được gọi là Trepan, hoặc Bichos da mer hay là một loài sên biển. Số lượng lớn các động vật nhỏ này cũng được thu thập trên bờ biển phía bắc của New Holland, và mang đến thị trường Trung Quốc. Thuyền trưởng Flinders, người được gửi đi trên một hành trình khám phá đến bờ biển đó, đã thấy rằng không ít hơn sáu mươi tàu đã thực hiện một chuyến hành trình hàng năm một cách thường xuyên với mục đích duy nhất là thu thập các sản phẩm biển trong suốt hai mươi năm trước. Sau khi được tách ra từ những phiến đá, chúng được mở ra, rửa sạch bằng nước ngọt và được đun sôi, sau đó sấy khô trong khói của gỗ màu xanh lá cây, gần giống như cách thức nấu cá trích đỏ của chúng ta” (17). Còn Côn Đảo, một đảo nằm ở phía Nam Việt Nam cũng được đề cập khá chi tiết “Hòn đảo này được gọi là Pulo – Condor (Côn Đảo), hoặc "đảo Calabashes" nằm ở phía nam của Nam Kỳ, bốn mươi bốn dặm từ cửa sông của Campuchia. Nói cho đúng hơn đó là một nhóm các đảo, trong đó có một bến cảng có khả năng giữ tám tàu neo đậu tốt và rộng rãi... Đảo này sản xuất lúa và một số loại trái cây, đặc biệt là chuối, bưởi, và bầu bí. Đó là một nơi phù hợp cho một trạm quân sự và bến giao thương” (18).
Như vậy, từ sự khảo cứu các thông tin được phổ biến từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX đề cập đến biển và các đảo ven bờ của Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn đến triều đại Tây Sơn và sau đó là vương triều Nguyễn cho chúng ta thấy vùng biển và các đảo ven bờ Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi về giao thương hàng hải đã trở thành nơi cập cảng thường xuyên của các tàu buôn, các thương gia phương Tây trên con đường hải thương trọng yếu từ Tây sang Đông và ngược lại. Chính vì nhờ vị trí quan trọng như vậy, những vấn đề về địa lý, lịch sử cùng các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở giai đoạn này được người châu Âu tìm hiểu và phản ánh khá chi tiết. Những kiến thức về Việt Nam trong đó có đặc điểm vùng biển cùng các đảo, quần đảo giúp cho phương Tây đánh giá, nhìn nhận mảnh đất, một thị trường tiềm năng còn “vô chủ” trước sự thèm khát mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như hệ thống thuộc địa của họ.
2.2 Mức độ nguy hiểm của quần đảo Paracels trong tuyến hải thương quốc tế
Biển Đông từ rất sớm đã trở thành ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XVII, cùng với việc phát hiện ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, triều đại phong kiến Việt Nam đã sáp nhập hai quần đảo này vào lãnh thổ quốc gia và khẳng định chủ quyền một cách liên tục của mình trong khi chưa hề có quốc gia nào phát hiện và tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, triều đại phong kiến Việt Nam còn tiến hành đo đạc vẽ bản đồ, thành lập các đội quản lý khai thác sản vật và các đồ vật từ các con tàu bị đắm, lập miếu, trồng cây, đặt bia chủ quyền tại đây.Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đặc biệt vì vậy mà trong quá trình thám hiểm của người châu Âu, hai quần đảo này sớm được đề cập ghi chép trong các cuốn nhật ký hải trình cũng như thể hiện trên các tấm bản đồ với cái tên Paracels và phổ biến thành kiến thức hàng hải phục vụ cho quá trình buôn bán từ phương Tây sang phương Đông. Mặc dù đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa muộn hơn các tài liệu tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp …nhưng các tài liệu địa lý, lịch sử xuất bản bằng tiếng Anh ở thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX lại có vị trí quan trọng không kém vì chúng không chỉ góp phần cung cấp kiến thức về địa lý, lịch sử của các vùng đất ngoài châu Âu trong đó có Việt Nam, mà quan trọng hơn, những tài liệu này đa phần đều là những công trình khoa học nổi tiếng lúc bấy giờ được phổ biến sử dụng rộng rãi, góp phần vào việc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thực tế, quần đảo Paracels được đề cập trong các tư liệu nước ngoài không chỉ tiếng Anh ở các thế kỷ XVII – XIX dùng để chỉ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở giữa Biển Đông mà chưa có sự phân biệt rõ ràng là Paracels (Hoàng Sa) hay Spratly Island (Trường Sa) như sau này. Điều này cho thấy “nhận thức của các nhà hàng hải thời xưa về Hoàng Sa và Trường Sa lúc đầu rất mơ hồ; họ chỉ biết có một khu vực rộng lớn rất nguy hiểm cho tàu thuyền vì có những bãi đá ngầm. Ngày xưa người Việt Nam gọi là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ. Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một dưới cái tên Pracel, Prcel hay Paracels” (19). Quần đảo Paracels(tức Hoàng Sa và Trường Sa) không chỉ thể hiện trong các công trình lịch sử, địa lý và nhật ký hàng hải mà còn thể hiện rất rõ ràng thông qua hàng loạt bản đổ của người phương Tây lúc bấy giờ[1].
Khi đề cập đến quần đảo Paracels (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), người châu Âu đặc biệt nhấn mạnh đến mức độ nguy hiểm của chúng và đưa ra những cảnh báo khá cụ thể đối với các tàu thuyền khi di chuyển qua vùng Biển Đông có hai quần đảo này. Trong “A new account of the East Indies, being the observation and remarks, vol II”, Alexander Hamilton cho biết “Trong Anno 1690, một con tàu Bồ Đào Nha đã bị đắm trên một trong những hòn đảo phía bắc của quần đảo Paracels, và tất cả đều bị mất tích nhưng ba hoặc bốn người đã bơi được vào bờ. Có rất mảnh vỡ của con tàu theo sau họ, và một số hộp đựng bột đã vô tình bị ném lên bờ, nhờ đó mà họ đã được hỗ trợ từ chúng” (20). Alexander Hamilton cũng mô tả khá tỉ mỉ về việc những người này phải xoay sở tìm mọi cách để sống sót ra sao: “họ đã dựng một túp lều băng những loại gỗ và ván họ có thể sử dụng cho mục đích đó, và họ đã tìm thấy một số nước ngọt trong các hang đá, và ở một nơi họ xây dựng một bể chứa nước để chứa nước mưa cho mùa khô. Họ đã lấy cỏ trộn với bùn mà họ tìm thấy ở bờ biển của đảo, và đặt hỗn hợp trong một vật nhẹ thuận tiện để giữ lại nước mưa, họ đã sống theo cách đó trong một mùa khô. Thực phẩm của họ là đồ biển, và những con rùa mà thường xuất hiện ở đảo với số lượng lớn. Trong ba năm họ đã chết chỉ còn sót lại một người, và trong Anno 1701, một con tàu trên đường đi Maccao (Ma Cao) đến gần quần đảo không theo ý muốn của họ đã nhìn thấy hình ảnh của một người đàn ông vẫy tay,… họ có lòng tốt và di chuyển thuyền của họ đến đảo. Họ rất sửng sốt khi người đó là một trong những đồng hương của họ, ngạc nhiên hơn nữa khi ông nói với họ về bất hạnh của mình, và ông đã sống được bao lâu một mình trên hòn đảo đó. Họ mặc quần áo và cho ông ta ăn rồi đưa ông ấy tới Ma Cao. Tôi đã gặp ông ta vào năm Anno 1703 và đã có bản ghi lại lời của chính ông ta” (21).Điểm lưu ý ở đây chính là sự kiện con tàu bị đắm của người Bồ Đào Nha vào năm 1690 làm cho tất cả thủy thủ đoàn bị chết chỉ còn lại vài ba người may mắn sống sót khi được sóng đánh dạt vào bờ cùng với các đồ vật của con tàu và cuối cùng chỉ còn một người tồn tại trong suốt khoảng thời gian gần 11 năm. Trong thời gian này, người ta không có bất kỳ một cách nào để có thể thoát ra khỏi hòn đảo đó và chỉ được cứu khi một con tàu khác đi đến Ma Cao và bị dòng hải lưu cuốn đến gần quần đảo Hoàng Sa vào năm 1701. Điều này càng chứng tỏ vào thế kỷ XVII-XVIII, các tàu thuyền phương Tây vẫn thực sự chưa biết nhiều về đặc điểm của các dòng hải lưu ở Biển Đông cũng như sự nguy hiểm rình rập họ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, hai quần đảo này lại có vị trí đặc biệt là nằm trên tuyến hải thương quan trọng từ phương Tây sang phương Đông. Vì vậy, các tàu thuyền lựa chọn biện pháp an toàn hơn, đó là đi theo ven bờ biển Việt Nam khi đó là Đàng Trong (Cochin-china) và Đàng Ngoài (Tonquin) hơn là mạo hiểm đi xa bờ để bị các dòng hải lưu mạnh mẽ cuốn về phía quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi tồn tại hàng loạt những bãi đá ngầm và những bãi cát lên xuống theo thủy triều.
Sang thế kỷ XIX, những thông tin khá chính xác về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam càng được các tài liệu tiếng Anh ghi nhận và phổ biến. Tác giả Thomas Pennant đã viết ở mục “The Paracels” như sau “Quần đảo Paracels: Nằm dọc bờ biển của Cobin-China là quần đảo Paracels, một vùng rộng lớn với đá, rạn san hô, đụn cát, và các đảo nhỏ, trải dài từ Bắc vào Nam từ 120 10’ kinh độ Bắc đến 160 45’ kinh độ Bắc với 276 dặm chiều dài và 60 dặm chiều rộng. Về phía đông bắc của cực bắc là một nhóm các rạn san hô nhỏ và đá, được gọi là tam giác (triangles), và chếch một chút về phía đông nam của nó là một tập hợp những vùng lớn có hình dạng bất thường được gọi là bãi cát ngầm Macclesfield,… đây chính là không gian phổ biến của các tàu thuyền của chúng ta để đi về phía Trung Quốc; họ đi giữa bờ biển Cobin-China và quần đảo Hoàng Sa, cho đến khi họ nhìn thấy các đảo của Campellos (Cù lao Chàm) ở vĩ độ 160 10’. Từ đó họ vượt qua núi cao, hiểm trở chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên của đế chế vĩ đại” (22). Hoặc là “Quần đảo Paracels tạo thành một chuỗi dài các hòn đảo nhỏ với đá và bãi cát ngầm, song song với bờ biển của Cochin-China” (23). Như vậy, cho đến những năm đầu của thế kỷ XIX, người châu Âu vẫn đặc biệt coi vùng Biển Đông rất nguy hiểm và cách lựa chọn tốt nhất đối với các tàu thuyền khi phải đi qua vùng biển này là bám theo ven bờ biển Việt Nam và không nên ra quá xa để khỏi bị các dòng đối lưu mạnh mẽ kéo ra vùng nguy hiểm thuộcParacels(tức hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), nơi có các vùng nước nông sâu đầy bất ngờ cùng các bãi đá, bãi cát ẩn hiện trong nước biển.Đặc biệt ngoài những thông tin về hai quần đảo ngoài khơi Việt Nam, trong “Modern Geography: A Description of the empires, kingdoms, stares, and colonies with the oceans, seas, and Isles in all parts of the world: including the most recent discoveries, and political, alterations, digested on a new plan” còn có hai bản đồ hàng hải: một tấm bản đồ về châu Á trong đó vẽ quần đảo Paracels sát vào lãnh thổ Việt Nam; một tấm bản đồ vẽ riêng về lãnh thổ Việt Nam. Trong tấm bản đồ vẽ về lãnh thổ Việt Nam gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài cùng các đảo ven bờ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ sát vào lãnh thổ Việt Nam dưới cái tên Paracels (24). Đây là bằng chứng quan trọng khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam và đã được các quốc gia đương nhiên thừa nhận.
Sự cảnh báo nguy hiểm về giao thông đường biển khi đi qua Biển Đông được công trình Bách khoa toàn thư Anh “EncyclopaediaLondinensis or Universal Dictionary of Arts, Sciences and Literature, Vol IV” ghi rõ khi viết về Paracels như sau: “Các tàu Anh đã có một thời gian sát cánh trong vương quốc Đàng Trong. Khoảng giữa giữa bờ của nó với vô số các hòn đảo nhỏ và đá - được gọi là quần đảo Paracels- đã hình thành một cụm kéo dài nằm ở phía bắc và phía nam cho gần bốn trăm dặm, không phải là không có nhiều nguy hiểm và cần phải thận trọng đáng kể để bảo vệ và chống lại ảnh hưởng của dòng chảy hướng về phía những tảng đá yên tĩnh,.. chống lại bão lực mà ở các vùng biển, được gọi là bão và những cơn bão lớn ở Đại Tây Dương; cả hai đều giống nhau về độ mạnh của gió và trong sự chuyển hướng đột ngột của nó” (25).Đây thực sự chính là một loại thời tiết đặc trưng của Biển Đông và vì vậy nó đã gây ra rất nhiều vụ đắm tàu thuyền khi di chuyển trên vùng biển này. Những xác tàu cùng đồ vật kèm theo những con tàu thường bị sóng đánh dạt về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là lý do tại sao hàng năm các triều đại phong kiến Việt Nam lại phái các đội thủy quân, ngư dân ra Hoàng Sa thu lượm đồ vật cùng với khai thác sản vật.
Charles Knightkhi viết ở mục “Cochin – China” cũng đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm của vùng Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa đối với các tàu thuyền khi qua lại trên vùng biển này của Việt Nam “Trong gần 400 dặm kéo dài dọc theo bờ biển này là cụm bãi cát ngầm Paracel mà có thể được mô tả như một lục địa tràn, nằm ngay dưới mặt nước. Giữa bãi cát ngầm và bờ biển còn lại một đoạn hẹp tàu bè đi lại được, nơi mà liên tục được sử dụng bởi các tàu thuyền trong các vùng biển này” (26).
Vị trí địa lý của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam càng về sau càng được các nhà hàng hải, các nhà địa lý châu Âu quan sát, đo đạc và ghi chép lại, ví như “Về phía đông,  gần bờ biển, ở 150  vĩ tuyến Bắc là ​​một chuỗi các hòn đảo nhỏ, hoặc các loại đá và bãi cát ngầm, được gọi là quần đảo Paracels, khoảng 100 hải lý (1 hải lý = 4km) từ Bắc vào Nam, và chiều rộng khoảng 15 hải lý; xa hơn nữa là có một nhóm các bãi cát ngầm được gọi là lunettes ở 170 vĩ tuyến Bắc” (27). Hay là “Các Pracel hay còn gọi là quần đảo Paracels, là một mê cung của các đảo, đá, và vùng nước nông, trong đó, theo bảng xếp hạng đã được phê chuẩn nhất, kéo dài một đường song song với bờ biển Việt Nam, giữa vĩ độ bắc 100 45’ đến 160 30’, và khoảng 1090 kinh độ đông. Nhưng một số nhà hàng hải người Pháp đã vượt qua một phần của không gian này mà không gặp phải bất kỳ đá hay vùng nước nông, từ đó chúng ta có thể kết luận rằng quần đảo này trong thực tế không rộng như nó xuất hiện trong các bản đồ của chúng ta” (28).
Đặc biệt khi biên soạn công trình “Gazetteer of The World, or Dictionary of Geographical Knowledge, compiled from the most recent authorities”, Hiệp hội Địa lý hoàng gia Anh đã khẳng định: “Quần đảo Paracels, một tập hợp các đảo, đá ở vùng biển Trung Quốc, mở rộng từ 150 46’ 170 8’ vĩ tuyến Bắc và giữa 1110 10’ tới 1120 44’ kinh độ Đông. Cách đảo Hainau (Hải Nam – Trung Quốc) 150 dặm về phía Đông Nam, và cách một khoảng tương tự tính từ bờ biển phía đông của Đàng Trong. Chúng tạo thành nhiều nhóm, chủ yếu là các đảo thuộc Discovery, Amphitrite và Voadore. Về mặt chính trị, quần đảo (tức quần đảoParacels) này thuộc về vương triều An Nam. Đây là quần đảo với nhiều loài rùa và cá, một số hòn đảo lớn còn được che phủ bởi rừng. Quần đảo là nơi khai thác, đánh bắt cá của cư dân Đàng Trong” (29).Đây là công trình khoa học địa lý nổi tiếng lúc bấy giờ với độ chính xác và tin cậy cao. Việc các nhà địa lý của Hiệp hội địa lý hoàng gia Anh thừa nhận quần đảo Paracels (Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc chủ quyền của Việt Nam dưới triều Nguyễn càng khẳng định tính pháp lý không thể chối cãi về quyền làm chủ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà các triều đại phong kiến Việt Nam xác lập, làm chủ và khẳng định trước đó.
Từ sự cung cấp các thông tin của các công trình địa lý, lịch sử bằng tiếng Anh ở thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX cho chúng ta thấy, quần đảo Paracels (Hoàng Sa và Trường Sa) được mô tả khá kỹ lưỡng cũng như khẳng định sự nguy hiểm của nó trong tuyến hàng hải từ Tây sang Đông và ngược lại. Mặc dù những đo đạc về vị trí địa lý của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các nhà hàng hải, các nhà địa lý học lúc bấy giờ còn chưa chính xác nhưng cũng không sai lệch đáng kể so với kết quả của khoa học hiện nay. Không chỉ có vậy, điều đáng nói ở đây chính là, tất cả những ghi chép mô tảcùng các bản đồ vẽ về Paracels chỉ được đề cập khi nói đến Cochin-china, Cobinchina hoặc Couchin-china, tức là Đàng Trong của Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng các quốc gia phương Tây đương nhiên mặc định thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2.3 Ngư dân Việt Nam khai thác hải sản và sản vật trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Paracels)
Mặc dù hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với những bí ẩn và nguy hiểm lớn uy hiếp đến sự an toàn của các tàu buôn phương Tây nhưng trên thực tế thì vùng Biển Đông và hai quần đảo này từ rất lâu trước đó đã trở thành ngư trường đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam và được các triều đại phong kiến Việt Nam khẳng định chủ quyền. Cư dân Việt ven biển đã chinh phục hoàn toàn Biển Đông bằng chính các con thuyền của mình. Điều này được hàng loạt các tài liệu ghi nhận.
Hàng năm, các ngư dân Việt Nam thường xuyên ra Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản và thu lượm các đồ vật của các con tàu đi qua vùng biển này bị đắm dạt vào hai quần đảo này. Đặc biệt, theo sự mô tả của các tài liệu tiếng Anh lúc bấy giờ thì trên đảo Hoàng Sa còn có những loại sản vật rất quý và có giá trị trên thị trường đó là đồi mồi, rùa biển và tổ chim yến. Trong “A Voyage to Cochin China in the years 1792 and 1793”, John Barrow đã mô tả khá chi tiết về việc các ngư dân Đàng Trong dùngcác thuyền được sử dụng trong thương mại hằng hải, trong nghề đánh bắt cá, và những thuyền thu các bẫy hoặc thu hoạch tổ yến trên các cụm quần đảo được gọi là Paracels có hình dáng rất đa dạng: nhiều thuyền trong số đó giống như của Trung Quốc, có nhà trải bạt cho toàn bộ gia đình sinh sống; và những thuyền khác, giống như thuyền buồm phổ biến của người Mã Lai, cả về thân tàu và cách bài trí; Thuyền buôn với nước ngoài của họ được đóng dựa trên mô hình tương tự như các thuyền buồm Trung Hoa, hình thức và đóng tàu chắc chắn không được thực hiện theo tiêu chuẩn hoàn hảo của kiến ​​thức hàng hải; tuy nhiên vì họ đã sinh sống hàng ngàn năm không thay đổi nên họ chí ít cũng được tôn trọng dù rất ít vì những sự phát minh cổ xưa của mình...” (30). Từ đó chúng ta thấy, các loại thuyền bè mà cư dân Việt Nam thường sử dụng lúc bấy giờ là thuyền mui trần, thuyền mui có mái và thuyền buồm. Mặc dù vậy có lẽ chỉ loại thuyền buồm và thuyền mui có mái mới được các ngư dân Việt Nam sử dụng trong đánh mắt xa bờ, còn thuyền mui trần dùng để đánh bắt ven bờ.
Các sản vật được ngư dân Việt Nam khai thác trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được các tài liệu đề cập đến khá chi tiết, đó là “tổ yến được thu thập với số lượng lớn trên cụm lớn các đảo chạy song song với bờ biển, và được biết đến trong hải đồ có tên là quần đảo Hoàng Sa; các Bichos do Mar (tiếng Pháp dùng để gọi hải sâm -TG), hoặc rắn biển hoặc đúng hơn là sên biển, và thường được gọi là Trepan (trong tiếng Malaysia cũng có nghĩa là hải sâm - TG) trong ngôn ngữ thương mại, cùng với vây cá mập, hay mỡ cá voi biển, và hải sản khác dạng mềm ...” (31). Hoặc “Những dãy thuyền của họ mang lại niềm vui là những chiếc thuyền khá tốt, dài từ 50 đến 80 feet, và được tạo nên từ những tấm ván đơn tốt, mỗi tấm kéo dài từ đầu này đến đầu kia. Họ sử dụng các loại thuyền khác nhau trong thương mại hàng hải, trong đánh bắt cá, và trong việc thu thập các loại biche-de-mer(hải sâm), và tổ của loài chim yến trong cụm đảo gọi là quần đảo Paracels. Nhiều tàu trong số đó có nhà phía trên được trải bạt, theo đó một gia đình liên tục cư trú” (32).
Đặc biệt, các tài liệu nhấn mạnh đến tổ yến, một trong những sản vật mà người Việt khai thác tại Hoàng Sa và Trường Sa và cũng là sản vật được cư dân châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á đặc biệt coi trọng vì sự bổ dưỡng của nóTrên các đảo chạy dọc với bờ biển của Cochinchia, và được biết đến trong bản đồ với cái tên là quần đảo Paracels, một vật phẩm có giá trị xuất khẩu khác được tìm thấy là những chiếc tổ được tạo ra bởi một con chim nhỏ giống kích thước của chim yến của chúng ta, và được gắn bằng một loại keo, các lớp khác nhau trong đó có thể được tách ra theo cách tương tự như các lớp của củ hành. Khi chất keo này được hòa tan trong nước ấm, nó được sử dụng làm gia vị cho món cá và món ăn các loại; với nước sốt nó cũng truyền một hương vị tinh tế, và do đó nó trở thành một vật phẩm có giá trị trên thị trường Trung Quốc. Những hòn đảo này cũng có rất nhiều loài rùa, với hương vị tuyệt hảo đến nỗi để có được chúng, những người dân nước này và các nước láng giềng phải mặc cả quyết liệt” (33).Điều này cho thấy, tổ yến thu hoạch từ Hoàng Sa không chỉ được dùng trong hoàng cung của các hoàng đế Việt Nam mà còn trở thành một loại hàng hóa đặc biệt có giá trị cung cấp cho thị trường lúc bấy giờ bởi sự nổi tiếng về chất lượng của nó.Tương tự như vậy, Thomas Keith mô tả Những thành phố trung tâm của Cochinchina là Ke-Hoa (Huế), Faifo (Hội An) và Turon (Đà Nẵng). Quần đảo Paracels và các đảo nhỏ khác trên bờ biển có rất nhiều tổ chim yến; các tổ được hình thành bởi một chất dẻo có thể được sử dụng để nấu súp và được người Trung Quốc rất coi trọng. ..” (34).Quần đảo Paracels, là một chuỗi các hòn đảo nhỏ đối diện với bờ biển này, là nơi thường xuyên lui tới của các ngư dân Cochin-china, việc tìm kiếm, theo dõi các tầu thuyền này được coi trọng bởi những người đồng hương của họ” (35).Những thông tin ghi chép về việc người Việt Nam ra khai thác sản vật hoặc nhắc đến các sản vật ở Hoàng Sa và Trường Sa khi đó được gọi là Paracels như một đặc điểm nhận biết của hai quần đảo này có ở hầu hết các tài liệu tiếng Anh đương thời cho chúng ta thấy sự quan tâm lưu ý của người phương Tây đối với hai quần đảo ngoài khơi của Việt Nam trên tuyến hải thương quốc tế lúc bấy giờ.
Nhìn chung, các tài liệu trên không chỉ cung cấp cho chúng ta biết vị trí địa lý, mức độ nguy hiểm của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như một số đặc điểm thời tiết của vùng đảo biển này mà quan trọng hơn chúng thuộc về chủ quyền của quốc gia Việt Nam từ sớm. Cư dân Việt Nam là người đầu tiên phát hiện ra hai quần đảo này và thường xuyên ra đó khai thác sản vật, đánh bắt hải sản. Trong các loại sản vật thu hoạch từ Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài các loại hải sâm, rùa biển, … đáng kể nhất là tổ yến được hình thành từ nước bọt của loài chim này.
3. Một số nhận xét
Trải qua hàng thế kỷ lâu dài chinh phục và làm chủ, biển Đông và các đảo ven bờ cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các vương triều phong kiến Việt Nam khẳng định chủ quyền và là ngư trường truyền thống của cư dân Việt. Biển, đảo ở Biển Đông là không gian sinh tồn của cư dân Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện trong các nguồn tư liệu địa lý, lịch sử trong nước mà còn được khẳng định bởi sự thừa nhận của các quốc gia lúc bấy giờ thông qua sự phản ánh trong hàng loạt các cuốn du ký, nhật ký hải trình và các công trình nghiên cứu, các loại bản đồ cổ châu Âu từ thế kỷ XVIcho đến sau này.
Từ những ghi chép về lịch sử, địa lý Việt Nam bằng tiếng Anh ở thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, đặc biệt là những ghi chép về vùng biển, đảo và các quần đảo của Việt Nam của các nhà địa lý, hàng hải và các học giả phương Tây ở giai đoạn này cho chúng ta biết được, Việt Nam từ sớm đã được các quốc gia phương Tây để ý không chỉ bởi Việt Namcó vị trí đặc biệt nằm trên lộ trình hàng hải quan trọng bậc nhất từ châu Âu sang châu Á. Màcũng như các quốc gia trong khu vực, Việt Namcòn là vùng đất vẫn chưa được khám phá và “vô chủ” đối với quá trình mở rộng thị trường và xâm lược thuộc địa đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.Mặc dù vậy, tất cả các tư liệu đều trực tiếp hoặc gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng chỉ ra vị trí địa lý, đặc điểm nhận diện các đảo ven bờ, đặc biệt là mối quan hệ giữa Cù lao Ré với Hoàng Sa, Trường Sa cùng những nguy hiểm của nó đối với các tàu thuyền khi đi ngang qua vùng biển của Việt Nam.

                                        Dương Hà Hiếu


Chú thích
(1), (2), (20), (21). Alexander Hamilton: A new account of the East Indies, being the observation and remarks, Vol II. Printed by John Mosman One of his Majesty’s Printer, and fold at the King’s Printing-house in Craig’s Clofs, Edinburgh, Scotland, UK, 1727, pp.208, 209, 209, 210.
(3). The Modern part of an Universal history from the earliest account of time,Vol VII. Printed for S.Richardson, T. Osborne, C. Hitch, A. Millar, John Rivington, S. Crowder, P. Davey and B. Law, T. Longman, and C.Ware, London, England, 1759, pp.450.
(4), (5). The History of China. Upon the Plan of Mr Rollin’s Ancient History (translated from the French). Printed for J. and P. Knapton in Ludgate-stress, London, England, 1755, pp.338, 339.
(6). Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 867
(7), (8), (9). Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Tổng tập Dư địa chí Việt Nam, Tập 3, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2007, tr.389, tr392, tr392
(10). Macartney, George: An Abridged account of the embssy to the emperor of China. Printed for John Stockdale, Piccadilly, London, England, 1797, pp.100 -101; Macartney, George: An Historical account of the embssy to the emperor of China. Printed for John Stockdale, Piccadilly, London, England, 1797, pp.152.
(11).James Horsburgh: India Dirctory, or Directions for sailing to and from the East Indies, China, Australia, Cape of Good Hope, Brazil and the Interjacent ports, Volume Second. London, W.H. Allen and Co., Booksellers to the honouradle East India company, No7, Leadenhall street, 1836,  pp.319.
(12), (25). EncyclopaediaLondinensis or Universal Dictionary of Arts, Sciences and Literature, Vol IV. Printed for the Proprietors, by J. Adlard, Duke stress, west smithfield: sold at the encyclopaedia office, avemaria lane, st. Paul’s, by J. white, fleet stress and champante and whitrow, jewy stress, aldgate, London, England, 1810, pp.725, 725.
(13), (14), (15), (27). James Playfair:A System of Geography, Ancient and Modern, Vol V. Printed for Petter hill, Edinburgh and J. Murray, Fleet street, London, England, 1813, pp.636 – 637.
(16), (34). Thomas Keith: A System of Geography for the use of school on an entirely new plan. Printed for Longman, Rees, Orme, Brown, and Green; R. Scholey; Sherwood and Co.; G.B. Whittaker and Hamilton, Adams and Co., London, England, 1826, pp.267, 268.
(17), (33). David Brewster: The Edinburgh Encyclopaedia: Science and the Arts, in eighteen volumes, Vol VI. Published by Joseph, Edward Parker, William Brown, Printer, Philadelphia, USA, 1832, pp.560.
(18), (28). M. MalteBrun, James G. Percival: A System of Universal Geography, or a description of all the parts of the World, on a new plan according to the great natural, divisions of the globe, accompanied with analytical, synoptical and elementary tables, Vol I. Printed and published by Samuel Walker, Boston, USA, 1834, pp.550.
(19). Ủy ban biên giới Quốc gia: Về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. In trong Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam (tái bản lần 1). Nxb Trẻ, tp Hồ Chí Minh, 2012, tr.12
(22). Thomas Pennant: The view of the India extra Gangem, China and Japan, Vol III. Printed by Luke Hanfard, Great Turnstile, Lincoln’s Inn Fields; and sold by John White, Horace’s head, fleet street, London, England, 1800, pp.71.
(23), (24). John Pinkerton, S. Vince: Modern Geography: A Description of the empires, kingdoms, stares, and colonies with the oceans, seas, and Isles in all parts of the world: including the most recent discoveries, and political, alterations, digested on a new plan, Vol II. Published by John Conrad, and Co. Philadelphia; M. and J. Conrad and Co. Baltimore, Rapin, Conrad and Co. Washington City; Somervell and Conrad, Petersburg; Bonsal, Conrad and Co. Norfolk; Bernard Dornin, New York; Whiting, Bachus, and Whiting, Albany; Samuel Pleasants, Richmond; Beers and howe, New Haven; Crow and Query, Charleston, S.C. H. Maxwell, Printer, No 25, North Second Stress, London, England, 1804, pp.178; John Pinkerton, S. Vince: Modern Geography: A Description of the empires, kingdoms, stares, and colonies with the oceans, seas, and Isles in all parts of the world: including the most recent discoveries, and political, alterations, digested on a new plan. Printed for T. Cadell and W. Davies, Strand; and Longman, press, and ormr, Paternoster Row, London, England, 1806, pp.392, 394.
(26). Charles Knight: Geography or First Division of “The English Encyclopedia”, Volume II. Bradbury, evans, and Co, 11, Bouverie St., Fleet St., E.C. Scribner, Welford, and Co., 654, Broadway, New York, London, England, 1866, pp.321.
(29). A Member of the Royal Geographical Society: Gazetteer of The World, or Dictionary of Geographical Knowledge, compiled from the most recent authorities, Vol V. A Fullarton and Co. Stead’s place, edinburgh, 106 Newgate stress, London and 22 Eustace street, Dublin, 1856, pp.779.
(30). John Barrow: A Voyage to Cochin China in the years 1792 and 1793: Containing a general view of the valuable productions and the political importance of this flourishing kingdom, and also of such european settlements as were visited on the voyage. Printed for T. Cadell and W. Davies in the Strand, London, England, 1806, pp.319.
(31). C. Taylor: The Literary panorama: A review of books, A register of events, A magazine of varieties comprising interesting intelligence from various districts of the United Kingdom; The British connections in The East Indies, The West Indies, America, Africa, western Asia & c. and from the Continent of Europe, Vol I. Printed by Cox, Son, and Baylis, Great Queen street, London, England, 1807, pp50-51.
(32). The Encyclopaedia Britannica a Dictionary of Arts, Sciences, and General Literature, Eighth edition, Vol VII. Adam and Charles Black, Edinburgh, Scotland, 1854, pp.49-50; Napier: The Encyclopaedia Britannica, or Dictionary of Arts, Sciences, and miscellaneous literature, Seventh  edition, Volume VII, part I. Printed for Adam and Charles Black, Edinburgh (Scotland); Simpkin and Marshall, Whittaker, treacher, and Co, and Hamilton, Adams and Co, London (England); John Cumming, Dublin (Ireland), 1842, pp.13.
(35). Edward Smedley, Hugh James Rose, Henry John Rose: EncyclopaediaMetropolitana or Universal Dictionary of Knowledge, Volume XVI. B. Fellowes, F. and J. Rivington, Duncan and malcolm, suttaby and co; E. Hodgson, J.Dowding, G. Lawford, J.M. Richardson, J. Bohn, T. Allman, J. Bain, S. Hodgson, F.C. Westley, L.A. Lewis, T. Hodges and H. Washbourne, Also J.H. Parker and T. Laycock, Oxford; and J, And J.J. Deighton, Cambridge, London, England, 1845, pp.780.

On the ancient maps, in the voyage diary, or in the works of the world geography and history long time ago, specific records on Vietnam’s islands were already made. This article aims at studying these notes in materials published in English from the eighteenth century to the mid-nineteenth century so as to provide more awareness of the world of the sea, coastal islands, as well as two offshore archipelagos of Vietnam,  Paracels and Spratlys. It can be said that this is a kind of invaluabble material to be exploited in research on Vietnam’s territorial sovereignty.



[1]Xem thêm Trương Minh Dục (2014). Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài. Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội; Trần Công Trục (2014). Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông. Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội; Nguyễn Thừa Hỷ, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Paracels) thế kỷ XVIII – XIX qua nguồn tư liệu phương Tây, in trong Nguyễn Văn Kim (Cb – 2011), Người Việt với biển. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.473 - 505; Monique Chemillier – Gendreau (1998). Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Sách tham khảo). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 61.

Không có nhận xét nào: