Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

SỰ KIỆN TÀU BÌNH MINH 02: Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á ngày 05 tháng 06 năm 2011


1. Thực hiện kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã phê duyệt chương trình thăm dò, khai thác dầu khí năm 2011, Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam. Cả 4 lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 đã khảo sát 2 đợt tại đây, đợt 1 vào năm 2010 và đợt 2 bắt đầu từ ngày 17/3. Quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy và tàu Bình Minh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, vào lúc 5h5' ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát và sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp 2 tàu nữa từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo. Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại. Vào lúc 5h58', tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết thêm: Ba tàu hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02; sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02, thông báo là tàu Bình Minh 02 đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng tàu Bình Minh 02 của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh 02 đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9h sáng 26/5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát. Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa. Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6h sáng 27/5, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động.
Như vậy, việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của PVN, là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.
Trước sự việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ và những hành vi phá hoại kinh tế nghiêm trọng của các tàu Hải giám Trung Quốc đối với Việt Nam, PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN; đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.

2. Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành động của phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam
Ngày 27/5, trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam về việc ngày 26/5, tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5h58' sáng 26/5, trong khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 127o48'25" Bắc và 111o26'48" Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
Sáng 27/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.
Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.

3. Sáng 3/6 thuyền trưởng các tàu bảo vệ tàu địa chấn Bình Minh 02 đang đậu tại cảng Nha Trang họp bàn phương án bảo vệ tàu tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ. Đội tàu bảo vệ được tăng cường thêm 5 chiếc nữa, lên con số 8. Sau khi hoàn tất công tác bảo dưỡng và dịch vụ hậu cần, kế hoạch tàu Bình Minh 02 cùng 8 tàu bảo vệ sẽ rời Cảng Nha Trang vào ngày 5/6 tiếp tục thăm dò địa chấn.

Tàu Bình Minh 02 phải vào cảng Nha Trang sửa chữa, bảo dưỡng sau khi bị 3 tàu hải giám Trung Quốc ngăn cản, cắt cáp hôm 26/5.
Tại cuộc họp sáng nay, Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, thuyền trưởng tàu Trường Sa 20 - một trong 8 tàu bảo vệ Bình Minh 02 cho biết: "Sau khi cắt cáp, hai ngày sau một máy bay do thám của Trung Quốc đã bay lượn rất lâu ở khu vực tàu đang khảo sát, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 64 hải lý về phía Đông".Trước đó, ngày 21/5 một máy bay mang ký tự Trung Quốc cũng bay lượn trên vùng biển khu vực tàu Bình Minh 02 hoạt động. Hình ảnh những chiếc máy bay này đã được các tàu bảo vệ ghi lại được.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Thuyền trưởng tàu VT7739 tham gia xua đuổi 3 tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5, liên tục 2 ngày sau khi xảy ra vụ xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xuất hiện tốp tàu cá Trung Quốc gồm 5 chiếc chạy xung quanh vùng hoạt động của tàu Bình Minh 02. Các tàu bảo vệ phải liên tục cảnh báo, xua đuổi để bảo đảm cho Bình Minh 02 hoạt động an toàn.
Ngày 26/5, 3 tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngăn cản và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Hành động này được cho là sự leo thang gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, phục vụ cho ý đồ "vẽ lại bản đồ Biển Đông" thành "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

 

4. Sự kiện Trung Quốc liên tục có những động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt sự kiện phá hoại hoạt động dân sự của Việt Nam do Tổng công ty Dầu khí quốc Gia nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam đã gây bức xúc lớn trong nhân dân. Tại diễn đàn An ninh châu Á tại Singapore diễn ra ngày 05 tháng 6 năm 2011,  Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hôm qua nhắc đến việc tàu Bình Minh 02 khi đang thăm dò tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị cắt cáp, trong bài phát biểu tại diễn đàn an ninh ở Singapore.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng vụ việc tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam bị cắt cáp hôm 26/5 gây ra lo ngại về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong khu vực cũng như toàn thế giới.

Phát biểu của tướng Phùng Quang Thanh được đưa ra trong phiên thảo luận toàn thể "Các nguy cơ mới về an ninh biển" tại Đối thoại Shangri-La.
"Như chúng ta thấy trên Biển Đông, các vụ va chạm đã xảy ra nhiều lần, khiến các quốc gia ven biển thêm lo ngại", bài phát biểu của tướng Thanh có đoạn.
"Vụ việc mới đây nhất diễn ra hôm 26/5, khi Bình Minh 02 - một tàu khảo sát của Việt Nam - đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị cản trở bởi cáp của tàu bị cắt".
Tướng Thanh khẳng định, Việt Nam đã kiên nhẫn xử lý tình huống này bằng giải pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng.
"Chúng tôi hy vọng sự việc tương tự như vậy không tái diễn", ông nói thêm.
Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi các bên củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển. Ông cũng đề nghị các bên tuân thủ triệt để Công ước về luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Ông kêu gọi các bên liên quan trong các tranh chấp trên Biển Đông tuân thủ các cam kết đã đề ra, và sớm đưa ra bản quy tắc nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
"Các bên cần thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn thành một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc", ông nói.
Nói về phương thức giải quyết các tranh chấp, tướng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết có các cơ chế linh hoạt: "Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các kênh cả song phương và đa phương, nhằm đảm bảo sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau".
Trước đó, vào chiều qua, đại tướng Phùng Quang Thanh đã gặp gỡ với người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề hội nghị Shangri-La. Tướng Thanh đã đề cập việc tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam. Tướng Thanh cho biết việc làm đó là vi phạm, gây bức xúc cho nhân dân và nhà nước Việt Nam; yêu cầu các bên kiềm chế không để tái diễn vi phạm.
Sáng 26/5, ba tàu hải giám của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 đang làm việc trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Các tàu hải giám Trung Quốc đã chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không hề có cảnh báo và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Sự việc này cùng những lời phản đối của Philippines đối với Trung Quốc, do Manila cho rằng các tàu của Trung Quốc vi phạm vùng nước mà Manila tuyên bố chủ quyền trên biển Đông - khiến khu vực này trở thành tâm điểm chú ý ở Đông Nam Á và trên diễn đàn của hội nghị an ninh Shangri-La.
Trong khi đó, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nhắc tới những thách thức từ các quốc gia và thực thể phi quốc gia. Trong bối cảnh đó, quân đội cần phát triển tiềm lực để đối phó với những thách thức này.
"Các lực lượng vũ trang nên hợp tác với nhau để đối phó một cách hữu hiệu với các thách thức về an ninh trên biển. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang sẽ đảm bảo môi trường biển ổn định và hòa bình của chúng ta không bị ảnh hưởng", ông Gazmin nói đồng thời nhấn mạnh hợp tác quốc tế là một phần không thể thiếu trong các nỗ lực của Philippines.
Cũng trong phiên thảo luận nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Malayssia Ahmad Zahid Hamidi đề cao tầm quan trọng của Biển Đông, xét về khai thác tài nguyên và hàng hải, và yêu cầu giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.
Bộ trưởng Ahmad bình luận rằng trong những năm qua, DOC đã đóng góp phần quan trọng trong việc giảm căng thẳng, giúp duy trì ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông nói đó chỉ là một "công cụ mang tính tạm thời" trong khi các bên liên quan hướng tới việc đề ra một "giải pháp hòa bình và lâu dài" cho vấn đề tranh chấp.
Để giải quyết tranh chấp Biển Đông, Malaysia đề nghị các bên xác định rõ và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin một cách thiết thực nhằm loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang trong khu vực.
"Xây dựng lòng tin là bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường nghìn dặm nhằm bảo đảm an ninh biển cho khu vực này", Ahmad nói. "Phát triển kinh tế xã hội cần được chú trọng hơn là phát triển vũ trang, đặc biệt là trong một khu vực như của chúng ta".

 

5. Phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La

Ngày 5/6, tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới.


Thưa Ngài Chủ tịch!
Thưa các quí vị!
Tôi chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nước Chủ nhà Xinh-ga-po đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 và chia sẻ cùng các quí vị tại phiên họp này.
Tôi đồng tình với đánh giá của các quí vị về vai trò của Đối thoại Shangri-La trong 10 năm qua với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thưa các quí vị!
Chủ đề mà Ban tổ chức dành cho tôi “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói đến biển trong thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền.
Đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang tính chiến lược, sống còn.
Trong bối cảnh hiện nay, các mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột.
Vậy, chúng ta sẽ làm gì với cái nhìn rộng rãi, trên góc độ đa phương để ngày càng cải thiện tình hình, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, môi trường không gian biển, đem lại lợi ích cho từng quốc gia, cho khu vực, cũng như cho toàn thế giới?
Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung đúng về giá trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các quốc gia đều gặp phải. Sự xuất hiện hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống là vấn đề tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển của thế giới, từ đó càng cần hơn sự hợp tác rộng rãi, cả song phương và đa phương để cùng giải quyết là một ví dụ cho thấy tính đa dạng, sự đan xen giữa phát triển và thách thức, giữa lợi ích và xung đột… trong tình hình hiện nay.
Thứ hai, chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ… Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về luật biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, việc tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay ADMM+ cũng cho thấy nhu cầu và triển vọng hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác có chung lợi ích trong khu vực, nó sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.
Thứ ba, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.
Vùng biển Ma-lắc-ca vừa qua đã có sự ổn định, góp phần cho sự tăng trưởng của khu vực. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác hải quân giữa các nước trực tiếp có liên quan như Malaysia, Indonesia, Singapore và sự ủng hộ của những quốc gia trong và ngoài khu vực. Tương tự như vậy, việc tăng cường hợp tác hải quân như tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và tiến tới tuần tra chung với Malaysia và Indonesia cũng góp phần tăng cường an ninh, trật tự trên Biển Đông.
Thứ tư, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, chúng ta cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch; Và những diễn đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển.
Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26/05/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn.
Thưa các quí vị!
Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong Cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Cuối cùng, chúc các quí vị mạnh khỏe!
Chúc Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn!

6. Ngay sau khi tham dự Hội nghị An ninh Châu Á từ Singapore trở về, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời VnExpress tối 5/6. Nội dung trả lời phỏng vấn như sau:
- Hội nghị An ninh Châu Á lần này có sự tham dự của một Tổng thống, 2 Thủ tướng, 28 Bộ trưởng Quốc phòng và gần 2.000 quan chức quốc phòng, học giả… Tại diễn đàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu ở phiên thứ 5 về “Đối phó thách thức an ninh mới trên biển”. Dư luận đánh giá đây là bài phát biểu tốt, ở tầm cao chiến lược và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển, ổn định của khu vực.
Vụ tàu Bình Minh 02 đã được đưa vào phát biểu chính thức tại Hội nghị. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu, khẳng định sự sai trái của Trung Quốc trong sự việc này. Việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vào sâu tới hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là điều không chấp nhận được trong bất cứ văn bản luật pháp nào. Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhắc lại chủ trương Việt Nam trên biển Đông là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và công khai minh bạch để cộng đồng thế giới phân biệt đúng sai.
- Tôi muốn khẳng định, vụ tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn. Đó là vụ hành xử bằng bạo lực, hành động bạo lực khoác áo dân sự. Hành động này của phía Trung Quốc chứng tỏ một điều chính người gây hấn cũng không có cơ sở pháp lý để giải quyết mà phải sử dụng đến bạo lực để phá hoại một hoạt động lao động hoà bình trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc này lại diễn ra sau một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á. Vì thế, đây còn là sự thách thức dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, không cho ai xé rào khỏi luật pháp.
- Đối với Việt Nam, hành động gây hấn vừa rồi của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền. Nhưng đối với quốc tế thì cần phải hiểu hành động này là phép thử để Trung Quốc biến cái gọi “đường 9 khúc” thành hiện thực. Và nếu các nước làm ngơ thì lợi ích của họ cũng sẽ bị xâm phạm. Nếu không làm cho phía Trung Quốc chấm dứt ý định đó, thì có thể những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vấn đề sẽ là sự việc xảy ra ở đâu, vào lúc nào, với ai, ở mức độ nào thôi.
Theo nhìn nhận của tôi, có lẽ đến thời điểm diễn ra Hội nghị, sự việc còn quá mới, các đại biểu chưa nắm đầy đủ thông tin, chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi tin rằng, sau những thông điệp của phía Việt Nam, các nước nhất là trong khối ASEAN sẽ nhìn nhận vấn đề này đúng bản chất hơn: Khả năng xuất hiện một nguy cơ Trung Quốc đang đặt ra khuôn phép mới, cách hành xử mới với các nước trong khu vực để hiện thực hoá cái gọi là “yêu sách về đường 9 khúc”. Hôm nay là Việt Nam thì ngày mai sẽ là nước khác. Tôi cho rằng, các nước trong khu vực phải xem xét lại đúng hay sai với tư cách là đối tượng trong tương lai.
- Chúng ta sẽ áp dụng mọi biện pháp để duy trì sự ổn định và giữ chủ quyền, trong đó biện pháp nhất quán, cơ bản, lâu dài là giải quyết trong hoà bình. Chiến tranh là điều không ai muốn, tuy nhiên khi sự việc leo thang thì chúng ta cũng sẽ hành động chứ không thể ngồi im.
Hôm qua, tàu Bình Minh 02 tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ và việc chúng ta tăng cường đến 8 tàu bảo vệ cũng là một hành động cụ thể để ngăn chặn những hành vi xâm phạm khu đặc quyền kinh tế. Quân đội không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên, quân đội sẽ theo dõi sát sao để tránh xảy ra xung đột. Nếu đến mức xảy ra xung đột vũ trang thì nhất quyết quân đội tham gia để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chúng ta không nói suông, không thụ động ngồi im, nhưng cũng không bảo vệ chủ quyền một cách thiếu khôn ngoan mà phải dựa vào sức mạnh thời đại, đó là niềm tin, sự ủng hộ vào chân lý và khát vọng hoà bình của tất cả các nước, tất cả các dân tộc trong thế giới ngày nay. Ngay cả nhân dân Trung Quốc cũng vậy, họ rất yêu chuộng hoà bình và cũng mong muốn một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước mình. Chúng ta sẽ sử dụng đúng luật pháp quốc tế và bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ, tài sản quốc gia. Với những cố gắng của chúng ta trong tuyên truyền, đấu tranh ngoại giao, đối thoại với Trung Quốc và tăng sức mạnh bảo vệ thì tôi tin sẽ không tái diễn sự kiện 26/5 lần nữa.
- Tôi có thể tự tin nói rằng, Việt Nam đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba. Chủ quyền là thiêng liêng không được phép đánh đổi. Chúng ta không để các nước lớn thỏa hiệp trên lưng mình.
- Tại Đối thoại Shangri La 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã có bài phát biểu rất hay, có tính xây dựng cao và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đánh giá cao về nội dung bài phát biểu này. Tuy nhiên ngay trong Hội nghị, một số đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về khoảng cách giữa lời nói và việc làm trên thực tế của Trung Quốc, đặc biệt là đặt nó bên cạnh một số vụ việc vừa qua. Chúng ta hy vọng, chờ đợi và ủng hộ những hành động sắp tới đây của Trung Quốc sẽ phù hợp với những tuyên bố tốt đẹp của Bộ trưởng Lương Quang Liệt.
Còn về sức mạnh của Trung Quốc - rõ ràng họ là một nước lớn, vừa qua đã đạt được những bước phát triển to lớn, toàn diện, trong đó có lĩnh vực quân sự. Chúng ta tôn trọng và ủng hộ sự phát triển ấy nếu nó đem lại sự phát triển hoà bình ổn định trong khu vực, củng cố tình hữu nghị đoàn kết giữa các nước. Còn trong trường hợp một thế lực nào sử dụng sức mạnh vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta không thể khoanh tay, im lặng. Chúng ta kiên trì bằng biện pháp hòa bình, công khai minh bạch để dư luận nhân dân thế giới, trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó. Đó là điều bất biến.
Năm 1945, khi các nước lớn ngồi phân chia lại thế giới sau Thế chiến thứ hai, hồi đó Mỹ cho rằng, đối thủ đáng gờm trong tương lai của Mỹ sẽ là Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng có nhà tiên tri nào biết được rằng, hơn 30 năm sau, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh với một nước nhỏ, lạc hậu và khi đó còn chưa có tên trên bản đồ thế giới? Việt Nam thắng Mỹ, một lý do vô cùng quan trọng là nhờ nhân dân Mỹ đã đứng lên phản đối cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa đó.
Sức mạnh của chúng ta là chính nghĩa, là tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân thế giới, và lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
 Dương Hà Hiếu tổng hợp từ các nguồn báo chí

Không có nhận xét nào: