Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

GS. Nguyễn Lân - một thầy giáo toàn tâm - tài - đức

VINH QUANG NGHỀ LÀM THẦY

Cha tôi - NGND Nguyễn Lân - sinh ra từ một làng quê nghèo. Trong cuốn Hồi ký (xuất bản năm 1998) cha tôi kể rằng: “Nhà rất nghèo lại không có ruộng đất gì trong một miền bạc điền, thường xuyên bị hạn hán, bố mẹ mất sớm, bốn anh em nheo nhóc, bố tôi đành phải bỏ làng ra đi tha phương cầu thực”...
Cha tôi may mắn được một người anh họ, vì nhận thấy tư chất cậu bé Lân thông minh và hiếu học, nên dù chỉ là thư ký ở Sở Xi măng, nhưng ông đã cố gắng đỡ đầu và đưa ra Hải Phòng nuôi cho ăn học. Đó là cơ hội quí giá giúp cha tôi vươn lên trong con đường học vấn. Về sau khi thi vào trường Bưởi, nhờ học giỏi, cha tôi đã nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 khi mới 19 tuổi và đang còn là học sinh trung học, cha chúng tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Cậu bé nhà quê.
Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá: Cha tôi là một trong những người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. Cha tôi tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó cha tôi gắn bó suốt đời với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
“Cậu bé nhà quê” thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh, trở thành một nhà quản lý giáo dục trong nhiều năm, trở thành một nhà nghiên cứu với 42 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có nhiều cuốn Từ điển (viết riêng hoặc viết chung) mà xã hội có nhu cầu tái bản nhiều lần, trở thành một nhà hoạt động xã hội góp phần quan trọng trong sự nghiệp vận động trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Chúng tôi còn nhớ rõ trong thời gian kháng chiến chống Pháp cha tôi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục ở Liên khu X và sau đó là ở Liên khu Việt Bắc. Với số lương tính bằng thóc hết sức ít ỏi cha tôi chi có thể trích một phần rất nhỏ để tự mình rong ruổi bằng xe đạp đến khắp các tỉnh trên Việt Bắc nhằm chỉ đạo việc phát triển giáo dục trung tiểu học. Cha tôi còn tự viết sách giáo khoa Ngữ pháp Việt Nam cho các cấp học, tự biên soạn Từ điển Muốn đúng chính tả để dùng cho thày trò các trường, tự soạn lấy đề thi trên cơ sở các đề do các trường gửi về rồi tự tay đánh máy và niêm phong các đề thi này...
Có thể nói trong khói lửa chiến tranh và vượt qua muôn ngàn khó khăn cha tôi đã dốc hết tâm lực xây dựng ngành giáo dục phổ thông trong địa bàn rộng lớn được giao phó và đã đạt kết quả rất tốt. Niềm vinh dự to lớn mà cha tôi được tiếp nhận đó là thư khen của Bác Hồ với lời khen về Một Giám đốc có tài cùng với một bộ quần áo lụa màu nâu gụ bên trong có thêu  dòng chữ Chúng cháu kính dâng Bác Hồ. Những phần thưởng cao quý này cha tôi đã trao tặng lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước khi nghỉ hưu.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân 1906-2003
Cho đến gần cuối đời cha tôi luôn rất khoẻ mạnh nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc, tự nghĩ cho mình một bài tập thể dục và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những tháng lạnh giá nhất của mùa đông.
Cách đây 13 năm, trước nỗi đau mất mẹ tôi và chị Tề Chỉnh  , chúng tôi tưởng chừng cha không thể gượng dậy được. May mắn thay, cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, một công trình mà cha tôi đã nung nấu từ lâu đã giữ được cụ ở lại với đàn con. Tình yêu và nghị lực đã giúp cụ hoàn thành cuốn Từ điển dày dặn này. Sau nhiều năm một mình âm thầm chuẩn bị, cha tôi bắt đầu đặt bút viết vào tuổi 90 để 5 năm sau, ở tuổi 95, cụ đã hoàn thành bộ Từ điển đồ sộ với 2.200 trang in, gần đây lại đã được tái bản với số lượng lớn, không chỉ chúng tôi mà nhiều người cũng nhận thấy luôn luôn cần phải cuốn từ điển ấy bên mình. Năm ấy chúng tôi xin phép được làm Lễ mừng thọ cha 95 tuổi nhưng cụ hẹn rằng hãy đợi đến khi  tròn 100 tuổi.
Chúng tôi vẫn tin rằng cụ dư sức vượt qua ngưỡng tuổi 100. Bởi vì cho đến cách khi mất trên một năm cụ vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Hơn nửa thế kỷ liền cụ đã tạo riêng cho mình và thực hiện đều đặn một bài tập kéo dài 2 giờ mỗi buổi sáng để tự rèn luyện thể lực và trí lực. Không có sự rèn luyện khoa học và kiên trì như vậy thì làm sao một “cậu bé nhà quê”, là con của một bà mẹ nghèo, vốn sinh ra rất yếu ớt lại có thể sống khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì cho đến gần 100 tuổi. Cụ vẫn thường vui vẻ nói: “Tôi có hai điều hạnh phúc lớn. Một là, các con đều ngoan và có ích cho xã hội; Hai là, cho đến nay tôi vẫn không có bệnh tật gì”.
Nhưng bệnh ung thư tai ác nào có từ ai! Cụ đã phải vĩnh viễn xa lìa gia đình, các bạn bè và biết bao học trò yêu quý. Mặc dầu đã được tập thể các GS, BS, và nhân viên y tế của hai Bệnh viện Việt - Đức và Bạch Mai hết lòng chăm sóc, cứu chữa nhưng sự nghiệt ngã của căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mệnh của cha chúng tôi.
Vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 7 tháng 8 năm 2003 (tức ngày 10 tháng Bảy năm Quý Mùi) cha chúng tôi đã ra đi thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống quá lớn trong lòng mỗi chúng tôi, một khoảng trống không gì có thể bù đắp nổi.

Sau hôm cha tôi từ trần chúng tôi đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi và động viên quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, đoàn thể, của biết bao học trò cũ của cụ, của họ hàng, các thông gia và của cả rất đông đảo bạn bè. Sự có mặt của hàng nghìn người đến đưa tiễn cha tôi hôm tang lễ không chỉ là sự chia sẻ với chúng tôi nỗi đau to lớn này mà còn chứng tỏ mọi người vô cùng tiếc thương một con người đức độ, trung thực, đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp Trồng người và có những công hiến đáng kể cho khoa học, văn học và hoạt động xã hội.
Cha tôi sẽ mãi mãi yên nghỉ ngay cạnh mẹ của chúng tôi, người mà cha tôi suốt đời hết mực thủy chung, suốt đời yêu thương, suốt đời chia sẻ ngọt bùi, người đã chung sức cùng cha tôi động viên, giáo dục cả một đàn con cháu đông đúc. Căn buồng nhỏ của cụ ở Khu tập thể Kim Liên với một chiếc giường đơn, một tủ sách, một bàn viết nhỏ mà trên đó cụ đã từng viết 18 tác phẩm và những bộ Từ điển đồ sộ từ hai năm nay đã vắng bóng cha tôi
Nhưng cha tôi vẫn còn sống mãi trong tâm trí chúng tôi và biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp cùng đông đảo độc giả. Chúng tôi vô cùng tự hào về cái gia tài tinh thần mà cụ đã để lại cho muôn đời con cháu. Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta.
Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình. Cha tôi luôn xót thương cho những số phận bất hạnh, luôn luôn cảm thông cho những lỗi lầm do ít kinh nghiệm hoặc thiếu kiến thức. Nhưng cụ lại là người hết sức bất bình với những hành vi tham lam, vị kỷ, dối trá, lừa lọc, vô đạo đức. Cụ căm ghét sự lợi dụng chức quyền, làm giàu bất chính, bắt nạt dân lành, dối trên lừa dưới.
Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác. Tất cả vốn tài sản quý giá này của cha tôi sẽ là truyền thống tốt đẹp của gia đình . Các thế hệ chúng tôi sẽ xin ghi lòng tạc dạ và nhắc nhở nhau luôn luôn soi vào tấm gương của cha để học tập, rèn luyện, phấn đấu và hết lòng phục vụ nhân dân trên mỗi cương vị công tác của mình.
GS. TS. Nguyễn Lân Dũng

 VĨNH BIỆT NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN LÂN
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân (sinh năm 1905) đã ra đi vào hồi 13h ngày 7/8/2003, thọ 99 tuổi. Ngày nay nhiều người biết đến Giáo sư Nguyễn Lân là người soạn tự điển. Nhiều thế hệ đứng tuổi thì biết đến Giáo sư là nhà giáo dạy học từ thời Quốc học ở Huế đến thời Truyền bá Quốc ngữ miền Trung trước Cách mạng Tháng Tám 1945; rồi từ Khu học xá bên Trung Quốc đến Đại học Sư phạm Hà Nội. VietNamNet xin đăng bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc về giáo sư.
Tôi không được học thầy Nguyễn Lân giờ nào trên ghế nhà trường; sách Tự điển Tiếng Việt thầy tặng thi thoảng lắm mới phải dùng đến; nhưng tôi luôn coi Giáo sư Nguyễn Lân là thầy và hơn thế nữa lại là một đồng nghiệp nay đã có thể gọi là bậc tiền bối. Bởi lẽ ít ai biết rằng Giáo sư Nguyễn Lân đã từng viết truyện vào cuối thời Tự lực Văn đoàn, rồi lại viết sách về lịch sử. Đó là hai cuốn "Lịch sử đính hoa" và "Những trang sử vẻ vang". Tôi biết đến hai cuốn sách này nhờ sự mách bảo của thứ nam Giáo sư Đào Duy Anh mà hai vị giáo sư này đã từng quen biết và cộng sự với nhau vào những năm tháng ở Huế, trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ cũng như sau này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Chiến khu Việt Bắc trong những ý tưởng xây dựng nền sử học cách mạng.
Giáo sư Nguyễn Lân quê gốc Hưng Yên, con nhà nghèo nhưng học giỏi, suốt cuộc đời Nguyễn Lân dành cho sự nghiệp trồng người, đào tạo bao thế hệ học sinh. Có thời kỳ ông còn phụ trách Báo "Tổ Quốc", Cơ quan Trung ương của Đảng xã hội Việt Nam cho đến ngày tự giải thể. Ông được coi là một trong những tác gia biên soạn từ điển lớn nhất của nước ta. Ngoài các tác phẩm về tâm lý giáo dục, với bút danh Từ Ngọc, Nguyễn Lân còn viết nhiều tác phẩm văn học và sử học.
Tài liệu do gia đình cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục kể lại rằng: Ngày 2.3.1949 một hội nghị của ngành giáo dục được triệu tập giữa những ngày kháng chiến gian khổ đề xuất ý tưởng thành lập "Viện Sử học" để có một "trung tâm sửa soạn một bộ sử, sưu tầm tài liệu nghiên cứu lịch sử, khuyến khích những người yêu sử học". Chính tại Phú Thọ, đất Tổ của các vua Hùng, Hội đồng sử học đã họp kỳ đầu tiên trong đó có nhiều tên tuổi như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Hoàng Đạo Thuý, Trần Văn Khang, Lê Dư, Bùi Kỷ... và có cả Nguyễn Lân sau này lại trở thành thông gia với vị Chủ tịch Hội đồng là Nguyễn Văn Huyên.
Hoạt động của tổ chức sử học này về sau còn thu hút nhiều tên tuổi khác trong giới hoạt động văn hoá như Phan Khôi, Hoài Thanh, Trần Văn Giáp...
Tôi biết đến Giáo sư Nguyễn Lân từ lâu, một phần còn vì tôi quen biết với vài người con của thầy, nhưng thực sự được gần gụi với thầy là dịp Hội Sử học tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày mất của Ưng Hoè Nguyễn Văn Tố (1947 - 1997); rồi năm sau đó tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938 - 1998). Cụ Tố là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ còn Giáo sư Nguyễn Lân là một trong những người chủ chốt của hội ở miền Trung.
Nhờ dịp đó mà tôi được gần thầy Nguyễn Lân và cũng nhờ vậy mà thầy nói với tôi về duyên nghiệp với sử học. Với thầy, lịch sử của dân tộc không những vẻ vang mà thực sự phải giống như một tấm vóc đính hoa để muôn đời phải quý trọng.
Tôi có hỏi kỷ niệm làm xúc động nhất trong cuộc đời làm thầy thì Giáo sư Nguyễn Lân kể lại rằng: "Đó là lần về Huế thăm lại ngôi nhà cũ ở dốc Nam Giao, gặp một bà già trông thấy tôi liền hỏi: "Có phải cụ là người dạy quốc ngữ cho tôi ở chùa Từ Đàm không?". Câu hỏi ấy khiến Giáo sư "sung sướng xiết kể", khi nhắc lại còn nói với tôi rằng: Lịch sử không chỉ là trí nhớ mà còn là đạo nghĩa!
Năm cuối của thế kỷ trước, có một việc làm mà ít ai biết. Đó là việc một số người nặng lòng với nước muốn làm việc nghĩa, tổ chức tại đàn Nam Giao ở Huế một lễ tế trời đất và những sinh linh đã chết trong những năm tháng chiến tranh và thiên tai khốc liệt. Dự lễ tế này còn có nhiều người được coi là có năng lực ngoại cảm, một số nhân sĩ trí thức mà tôi cũng được mời đến. Chủ tế hôm đó là ba vị lão thành: Một vị là tín đồ Thiên Chúa Giáo đến từ TP.HCM, một vị là trưởng tộc Tôn thất ở Huế và cao nhiên nhất là Giáo sư Nguyễn Lân từ Hà Nội vào.
Buổi lễ vào giữa đêm diễn ra rất trang trọng và thành tâm. Sau buổi lễ, tôi hỏi Giáo sư Nguyễn Lân: Thầy có tin hay không? Thì được trả lời rằng: Một nhà khoa học, có thể không tin vào thần thánh, nhưng phải biết tin vào chính mình khi hướng về điều thiện... Cũng chính vì thế mà ấn tượng về một người thầy ở Giáo sư Nguyễn Lân càng sâu sắc trong tôi.
Giáo sư Nguyễn Lân ra đi khi đã sắp chạm vào cái ngưỡng trăm tuổi theo nghĩa đen của chữ. Cứ theo quan niệm của người xưa thì người sống như thế đã hơn cả đại thọ và người ấy khi chết là được rước sang cõi bên kia (trẻ làm ma, già làm rước). Hơn thế nữa, Giáo sư Nguyễn Lân vẫn còn để lại cả một "dàn" các giáo sư mang họ Nguyễn Lân cùng các tên Việt - Trung - Dũng - Hùng - Cường... đủ thấy cái lộc cụ gieo cho đời sâu nặng là thế nào.
(Dương Trung Quốc - Lao Động)

Không có nhận xét nào: