Trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Bực bội vô cớ đầu Xuân

Hôm nay bức bối nhiều quá, định làm việc nhưng đầu óc không tập trung để làm gì cả, mình bật tivi kết nối với mạng và nghe nhạc Trịnh do Khánh Ly thể hiện và pha một tách cafe ngồi nhâm nhi, vểnh râu lên đốt điếu thuốc ... ngẩn ngẩn ngơ.
Được một lúc thì vợ quát: Anh cho tivi nhỏ lại cho con ngủ! Thế là tắt tivi mò lên phòng làm việc ngồi computer vào blog... cũng lại ngẩn ngẩn ngơ ... mở mấy bài nhạc Francai nghe. Mình khoái nghe mấy bài: 
- Main dans la main
- Adieu sois Heureuse
- Comme toi
- L'amour Cest Pour Rien
- Adieu Jolie Candy
- Les valses de Vienne
- Magic Boulevard
Cứ ngồi nghe mê mẩn ... theo giai điệu.
Nhớ hổi nhỏ thời bao cấp, mình chỉ ước ao có được bữa cơm không phải độn, có bộ quần áo mới và bánh chưng để ăn tết. Hồi ấy cũng có bánh chưng nhưng mà gạo nếp độn với sắn ruôi gói lá dong ... ước mơ chỉ nhỏ bé vậy thôi. Rồi ước ngày nào đi bán kem, bán bánh mì đều hết hàng, lãi chả bao nhiêu chỉ khoảng 2000 VND nhưng đối với nhà mình thì... Gần vào năm học là đạp xe đi đến nhà các anh chị học khóa trước để mượn sách giáo khoa, ngẫm lại suốt thời học cấp 2-3 mình chưa năm học nào có được một bộ sách giáo khoa đầy đủ. Nhớ nhất vụ cô Cảnh - cô giáo dạy Sử của lớp mình vừa mất mấy năm trước - vào thư viện trường mượn sách giáo khoa lịch sử 12 cho mình (tập 1) để mình học luyện thi HSG ... Giờ nhìn lại cuộc đời học sinh của mình ... mà thấy sợ, sợ toát mồ hôi ... không nghĩ được tại sao hồi đó mình làm được từng ấy công việc: từ cấp 1 đến cấp 3, ngày học cũng như ngày nghỉ cho đến trước đêm 30 ... vừa đi học vừa đi bán kem bán bánh mì mua ngô mua thóc - khoai... đi lấy củi đun cả năm, đặt rượu đổ rượu cho quán, ... làm việc kiếm tiền giúp mẹ là chính còn học hành là phụ. Có lẽ ông trời thương và nhờ phúc tiên tổ ... nên không đúp năm nào ...lên lớp tì tì như ai. 
Đi học thì không có thời gian học nhưng bạn bè ai điểm cao hơn thì ... bực ra mặt cũng ganh đua dữ lắm! Mà hồi đó mình hay so bì với bạn nào học nhất lớp, nhất khối ... âm thầm lặng lẽ ganh đua ...để rồi đi thi đại học, mình cũng đi thi gọi là có phong trào. Trước khi đi, mình xác định tư tưởng ... coi như thi lấy kinh nghiệm cho năm sau. Bạn bè ôn đông ôn tây, học cày ngày cày đêm ... còn mình cày đường đất, cày ngoài xoi bãi, ruộng nương, cày trên rừng ... thì nằm mơ cũng không thấy cửa đỗ! Sách văn học không có, có cuốn sách gk lịch sử cô Cảnh cho mượn và gần cuối năm là cuốn địa lý chị Bích (con cô Ngọ) cho mượn đọc sơ qua... cứ thế mà vào phòng thi. Mình đánh liều đăng ký dự thi 4 trường: ĐHSP HN1 - ĐHSP Thái Nguyên - CĐ Nhạc Họa TW; CĐSP Phú Thọ. Duy chỉ có CĐ Nhạc Họa mình dự ngành vẽ (khối H) vì có năng khiếu vẽ từ nhỏ nên không cần ôn iếc gì, cô bạn Kiều Hương (con chú Đáy) đi ôn về dạy mình cách pha màu... rồi cho cả màu để mình đi thi. Mẹ bảo ... đừng đi thi mà tốn tiền ... thi CĐSP Phú Thọ may ra đỗ lại ăn cơm nhà (ý của cụ là ... CN về nhà lấy gạo đi ra mà ăn học). Năm đó (1997) mình tấp tểnh lần đầu xuống HN dự thi, tìm điểm thi cụm ĐH Thương Mại ... toàn vần Hi. thằng bạn mình là Hiếu cũng cùng điểm thi nhưng khác phòng. Sáng thi môn văn ... làm theo cảm nhận riêng không theo sách vở gì (có ôn đâu mà theo) cứ thế phóng bút cắm cổ viết... không biết đúng hay sai ... chỉ nhớ lại được kiến thức cô dạy từ cấp III. Chiều thi môn sử, bài mình làm cũng tạm được phần LSVN còn lịch sử thế giới vẫn nhớ đề vào câu "Cách mạng Lào từ 1945 -..." mình không làm được nhiều, lại thêm buổi trưa gần như nhịn ăn ngồi tại trường đợi thi ... uống nhiều nước, vào phòng thi mồ hôi rỏ tong tỏng, cô giám thị cho mượn khăn mùi xoa ... rồi đứng bên quạt phành phạch ... mình liu riu ngủ gục. Thi xong bước ra phòng thi như kẻ mất hồn, thôi cửa trường ĐHSP HN đóng sập từ đây, thất thểu bước về phòng trọ lấy đồ lên Thái Nguyên cho sớm. Chủ trọ ... bắt gặp, anh Hoán (vợ là Mai) ... bắt ở lại thi nốt! Thôi thì thi tiếp. Sáng sau thi môn Địa .. mình lại làm được bài, lại tràn trề hi vọng! Ngồi nhẩm tính 3 môn chắc cũng được 17 điểm ... thôi tắt lịm niềm tin vì nghĩ rằng phải trên 20 điểm may ra đỗ.
Bắt xe lên Thái Nguyên thi, 2 kg đỗ xanh và đỗ đen mẹ bảo mình mang xuống HN cho anh Thành con bác Cúc ... mình cũng không đem cho được, lên Thái Nguyên thi không đủ trả tiền phòng ... gán luôn 2kg đỗ! 
Rồi thi CĐ Nhạc Họa và CĐSP Phú Thọ ... tình trạng giống như thi DDHSP HN1. Bốn trường thi, bài làm không đến nỗi nào, về căn bản đều làm được ... còn đúng đáp án hay không thì lúc đó mình chịu. Nhưng điều làm mình lo lắng nhất là nhìn quanh quẩn, bạn bè mình đều học hành đến nơi đến trốn, được đầy đủ điều kiện học tập, sách giáo khoa có, ôn thi có... còn mình thì thiếu tất cả. Có thể nói lúc đó, mình tay không đi thi, đi câu cá mà không có cần có mồi chỉ đi ra bờ ao ngồi nhìn cá quẫy... Đời không biết đâu mà lần! 4 trường đi thi mình đều đỗ, giấy gọi đầu tiên lại là trường ĐHSP HN1 - trường mình thất vọng nhất. Lúc đó là buổi chiều, mình đang hì hục gỡ củ từ ngoài bãi, thằng em thất thểu chạy ra gọi mình và mẹ về nhà ... Về đến nhà, bà con hàng xóm đã đầy nhà, mỗi người một câu mình không hiểu gì... thế rồi hiểu là mình đỗ đại học... Sướng, nhảy lên giường hét ầm ầm ...sập giường! Mẹ vui lắm ... nhưng phán ngay đỗ cũng không cho đi học ... nếu đỗ CĐSP Phú Thọ thì cho đi. Từ hôm ấy, bà con hàng xóm lại qua động viên cho đi học, phân tích này nọ cho mẹ mình thông ... và mình ra sức năn nỉ sẽ cố gắng. Hồi đi thi vào cấp 3, mẹ không cho đi, mình cũng trốn đi thi ... cũng tay không bắt giặc ... vậy mà cũng đỗ với điểm tổng 2 môn là 13, được vào lớp chọn (hì nhưng mải đi kiếm ăn quá học môn tiếng Anh kỳ 1 được ... dưới 4 phảy), cuối năm chuyển qua lớp thường! 
Rồi sau đó là ĐHSP Thái Nguyên báo giấy gọi trúng tuyển! Rồi 2 trường CĐ liên tiếp gọi trúng tuyển. Điều không ngờ nhất là CĐ Nhạc Họa khối H, mình được 31 điểm... (thi 1 môn Văn, 2 môn vẽ: vẽ chì và vẽ màu; vẽ màu nhân hệ số 2)... 4 trường thi đều có học bổng ... Mẹ càng vui, bà con tác động thêm mình năn nỉ ... và thế là học ĐHSP HN1.
Viết ra những dòng này... thấy đỡ buồn và có nghị lực mà bước tiếp, dù gì thì bây giờ mình cũng không còn khó khăn nhiều như trước nữa, chỉ có điều ... liệu những công việc, ước mơ của mình hiện tại có quá sức không? Mình có đủ thời gian cho nó không? ... Thân con nhà nghèo ăn bữa hôm nay tính bữa ngày mai là cái tính cố hữu của mình rồi! Lo thì lo lắm đấy nhưng ... lo để đấy ... cảm thấy xót ruột thêm, cuộc sống cảm thấy bức bối thêm. 

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Clip của bé Hà Minh - con gái đầu của mình

Đây là clip mình làm tranh thủ mấy ngày tết từ những tấm ảnh chụp bé Hà Minh - con gái đầu của mình khi trường ĐHTB còn đóng ở huyện Thuận Châu, mời các bạn thưởng thức nhé!

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Lại một mùa Xuân tới

Một mùa xuân nữa đang tới thật gần... Vậy là năm nay, gia đình nhỏ của mình thêm một tết nữa ở Sơn La. Tết này, vợ chồng mình không sắm sửa gì nhiều nhưng vui lắm lắm. Cháu gái lớn mãi đến giáp tết mới được nghỉ học. 
Cháu lớn đi học lớp một vui đáo để, do cao lớn hơn bạn bè nên bị cô giáo chuyển chỗ đẩy xuống ngồi gần cuối lớp nhưng chị nàng không chịu cứ nhoi lên ngồi bàn trên. Những tháng đầu của năm học, bé Hà Minh khá chăm chỉ. Lên lớp học chú ý và ngoan nhưng càng về cuối năm càng quậy. Chữ viết xấu như gà bới, điểm thì rặt có 7,8,9 nhưng tưởng mình giỏi. Bố hỏi: Cô giáo hôm nay chấm điểm không? Được mấy điểm? Cháu hồn nhiên: con được 6! Ô, bị 6 chứ sao lại được? Cháu giải thích con mãi mới được sáu đó, các bạn được đầy ...Hì, cô nàng chưa biết so sánh điểm! Đi học về, bố bắt quét nhà rồi đi tắm rửa và trông em. Cô nàng biết trông em rồi đấy nhé! Nhưng ...hay bắt chước bố mẹ nạt em kinh khủng. Thỉnh thoảng cô nàng còn tị với em, vẹo em khi nó khóc quá! Năm nay, bố mẹ cũng chỉ mua cho cháu một bộ quần áo mới để tung tăng vui xuân chứ không được như năm ngoái, khổ thân! Cầu trời sang năm mới cho con gái không bị ốm đau như năm cũ, học hành thi đua với bạn bè quyết liệt hơn nữa để được đi thi viết chữ đẹp, ngoan ngoãn chăm chỉ không nói dối bố mẹ...
Tháng 9 rồi, vợ đẻ thêm thằng cu tí, đến tết này cháu được 4 tháng tuổi sang tháng thứ 5... cũng đã biết quậy tưng bừng. Nhờ ơn trời phật ban phước, con trai đến tháng thứ 2 đã biết cười ...hóng chuyện và từ đó gào thét cười đùa, mút ngón tay chùn chụt, tè ra biết khóc ... gọi bố mẹ hoặc chị gái thay cho. Cơ quan mình, các cụ sinh cháu một bề và thiên về con gái, đến lượt mình được thằng cu tỉ, cơ quan hỏi thăm và trêu vui đáo để. Hi vọng rằng sang năm mới, cu tỉ ít ho hắng và xổ mũi ốm đau, hay ăn chóng nhớn là bố mẹ mừng lắm lắm..
Năm nay, mình vất vả nhiều lắm. Vợ sinh cháu nhỏ nằm một chỗ và con gái lớn đi học lớp 1 nên mọi việc nhà đều tự tay mình cáng đáng từ việc đi chợ, đưa đón con đi học. Việc của cơ quan không giảm, vẫn phải đảm nhận bình thường lại thêm họp hành nhiều... Thu nhập không có gì ngoài tiền lương hơn 3 triệu. Cũng may là khi vợ gần sinh thì bà nội lên. Bà từ quê lên khoảng 14h PM chưa hết say xe thì khoảng hơn 18h Pm vợ chuyển dạ. Bà nội và bà ngoại giúp cho vợ chồng mình được 1 tháng rồi về.
Việc học hành của mình vì vậy cũng không đâu vào đâu, giậm chân tại chỗ. Mình không dám gọi cho thầy cô để xúc tiến công việc và ... sợ cả việc thầy cô gọi điện hoặc nhắn tin thúc giục. Cái khó bó cái khôn! Vừa làm nhà xong nợ chồng chất chưa trả được thì đi học rồi lại vợ sinh con! Thôi tự nhủ năm mới phải gác lại chuyện nhà để đi lấy tư liệu viết bài và cố hoàn tất 2/3 công việc. Cầu trời cho mình sức khỏe, không ốm đau lặt vặt như năm cũ và có thêm nguồn thu nhập thêm.
Hì viết vài dòng cho blog khi năm mới cận kề ngưỡng cửa cho khỏi mốc meo!

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

THÁNG BA NHỚ VỀ ĐẤT TỔ HÙNG VƯƠNG

Có thể nói Phú Thọ là cái nôi sinh thành của dân tộc Việt Nam – nơi mà cách đây hàng ngàn năm đã ra đời Nhà nước đầu tiên của người Việt, cũng là Nhà nước sớm nhất của vùng Đông Nam Á- Nhà nước Văn Lang các vua Hùng. Phú Thọ, nơi có đền Hùng - cội nguồn linh thiêng của cả dân tộc Việt Nam , với sức hút tâm linh không phải dân tộc nào cũng có.
Thông thường, sự có mặt của một kinh thành không phải bao giờ cũng kéo theo nơi thờ cúng linh thiêng của cả dân tộc. Nhưng ngược lại, tại Phú Thọ, ngọn núi Nghĩa Lĩnh lại từng là nơi tế Thần, nơi tế Đất Trời của nhiều vị vua Việt Nam đầu tiên. Nơi đây lại là nơi gắn kết khằng khít với sự ra đời, với sự nghiệp dựng nước và giữ nước với nền tảng vật thể là nền văn minh Đông Sơn.
Nhà nước Văn Lang, quá khứ lịch sử xa xôi, một nền văn minh rực rỡ đã ẩn mình trong lòng đất sâu khảo cổ học cùng với một kho tàng văn hóa dân gian cực kỳ phong phú. Nhà nước ấy đã được ghi lại trong các thư tịch cổ, trong kho tàng truyền thuyết đã một thời in đậm trong tiềm thức của người xưa nhưng lại có nguy cơ mờ nhạt dần trong tiềm thức của những thế hệ tương lai.
Một trong những tác phẩm sử học lâu đời nhất còn lại tới ngày nay là cuốn Đại Việt sử lược có chép về thời Hùng Vương và các Vua Hùng như sau:”Đầu thời Trang Vương nhà Chu (tức vào năm 696-682 trước Công nguyên) ở Bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.” (Tiền Hy Tộ: Đại Việt sử lược, quyển I, tờ 1a)
Như vậy, thư tịch cổ đã chỉ rõ có một nước Văn Lang, có các Vua Hùng ở vào quãng thời gian thế kỷ VII trước Công nguyên, đã có công dựng nước mà địa bàn ban đầu là Bộ Gia Ning, tức Phú Thọ ngày nay. Nhiều thư tịch khác cũng có nhiều đoạn chép về thời Hùng Vương, tuy có khác biệt chút ít nhưng đều nói về sự kiện Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ, thậm chí còn chỉ rõ việc Vua Hùng đóng đô ở Việt Trì ngày nay (Truyện Hồng Bàng Thị và truyện Núi Tản Viên trong sách Lĩnh Nam Trích Quái)
Không những thư tịch cổ nước ta mà ngay cả những sách sử Trung Quốc cũng đề cập nhiều về Vua Hùng và nước Văn Lang:’Đất Giao Chỉ xưa rất phì nhiêu, có quân trưởng là Hùng Vương” (Lưu Hú: Cựu Đường Thư).
Hàng trăm đền miếu ở khắp đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Trung Bộ (riêng ở phú thọ có số lượng) thờ cúng Hùng Vương và các bộ tướng, điều đó đã nói lên lòng tôn kính của nhân dân ta với công lao dựng nước của các Vua Hùng và lòng tự hào lớn lao được mang danh con Lạc, cháu Hồng mang danh là người Việt Nam.
Bên cạnh thư tịch và các di tích thờ cúng, các truyền thuyết về thời Hùng Vương đã khắc sâu trong lòng nhân dân Phú Thọ, nhất là khu vực quanh Đền Hùng: truyền thuyết Vua HÙng dạy dân cày cấy, truyền thuyết đám cưới Sơn tinh với nàng Ngọc Hoa, truyền thuyết thần Tản Viên giúp Vua Hùng dẹp Thục, Truyện Tam giang Bạch Hạc Đại Vương, truyện Sơn nữ Thần linh từ Tam Đảo đem ba ngàn quân xuống giải cứu kinh đô Văn lang ở ngã ba Bạch Hạc…
Tiếp đến phải kể đến các lễ hội mang đậm tính ngưỡng dân gian xung quanh chủ đề thời đại các Vua Hùng rất đậm đặc trên đất Phú Thọ như tục hát xoan, hát ghẹo nổi tiếng mà tương truyền là có xuất xứ từ Hùng Duệ vương tức Vua Hùng thứ 17, tục hát giao duyên ở huyện Thanh Ba, tục bơi chải có suốt dọc hai bờ sông Thao, sông Đà cũng có từ thời Hùng Vương được khắc hoạ trên mặt các trống đồng Phú Thọ. Các nhà nghiên cứu còn sưu tầm, phát hiện hàng loạt các tục khác liên quan đến thời vua Hùng Vương: đánh phết, cướp cầu, làm bánh dầy (ở xã Tiên Du, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh), tục đập trâu, chém lợn, tục bánh trưng bánh dày ngày Tết gắn liền với truyền thuyết Lang Liêu làm bánh dâng Vua Hùng…
Một trong những ngành khoa học đã là cơ sở vững chắc cho việc khẳng định Phú Thọ là đất tổ Hùng Vương chính là khảo cổ học. Từ mây mù truyền thuyết đã hé dần diện mạo lịch sử: một loạt làng cổ, các khu mộ táng, hàng vạn di vật của các nền văn hoá thời đại kim khí là nền tảng cho thời Hùng Vương đã được phát hiện. Niên đại nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rõ nhất trong thời đại này mà mở đầu dường như trùng khít với sự ra đời của Nhà nước Văn Lng của các Cua Hùng như thư tịch cổ ghi lại, đó là vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên.
Nhiều sản phẩm điển hình của thời đại Hùng Vương được tìm thấy ngày trong lòng đất Phú Thọ như trống đồng, thạp đồng, âu đồng, giáo, lao, lưỡi cày, lưỡi liềm, đồ trang sức bằng đá ngọc, các loại đồ gốm….
Các nhà khảo cổ học đã có thể hoạch định được ranh giới văn hoá Đông Sơn là văn hóa nền tảng vật chất của thòi đại các Vua Hùng: từ các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta trải dài đến tận Đèo Ngang, Quảng Bình. Trong một khu vực rộng lớn đến vậy có hàng trăm di tích thì Phú Thọ lại à điểm có mật độ di tích lớn nhất liên quan đến thời đại này: 83 làng cổ, mộ táng và những nơi phát hiện hiện vật ngẫu nhiên(thống kê của Phòng Kim khí, Viện Khảo cổ học cho đến tháng 12 năm 2000)
Đáng lưu ý là vùng đất “ tụ thuỷ, tụ sơn” này là vùng ngã ba sông Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, rộng ra là cả huyện Lâm Thao nơi sử sách và truyền thuyết đều cho rằng có kinh thành Văn Lang, thì khoả cổ học đã có những phát hiện hết sức quan trọng: một khu mộ táng Làng Cả nổi tiếng với vài trăm mộ, một chiếc trống đồng Hy Cương có kích thước vào loại lớn nhất nước (đường kính mặt 93 cm, chiều cao 66cm).
Có thể nói, nếu như phú Thọ là đất Tổ Hùng Vương thì Đền Hùng và ngã ba sông Bạch Hạc chính là một trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế của vùng Đất Tổ.
Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa lĩnh cao 175m so với mặt biển, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng mộ tổ Hùng Vương thứ VI, hài hoà trong phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trên địa thế cao ngoạn mục của núi Nghĩa Lĩnh ta có thể quan sát cả một vùng rộng lớn. Xa xa kia, dòng sông Thao đỏ nặng phù sa, bên phía Đông, dòng sông Lô xanh như hai giải lụa viền thành ranh giới cố đô xưa. Tương truyền, Vua Hùng đã đi khắp mọi vùng trong nước, cuối cùng mới chọn được nơi kỳ thú, đầy khí thiêng sông núi, non nước hữu tình này làm vị trí đóng đô.
Có khả năng vào thế kỷ thứ X người Việt Nam đã xây nên Đền Hùng và tổ chức ngày giỗ tổ Hùng Vương với những nghi thức, phong tục đầy bẳn sắc dân gian Việt Nam. Vào thế kỷ thứ X, khi Việt Nam giành được độc lập, vua Đinh Tiên Hoàng đã trao cho viết thần tích vào năm Thiên Phúc nguyên niên. Việc xây dựng các công trình kiến trúc và tổ chức ngày giỗ Tổ - Lễ hội Đền Hùng – ngày càng được duy trì và hoàn thiện.
Thời Lý- Trần, Đền Hùng là một khu di tích khá đẹp do lang Cổ Tích dựng nên. Trong một số hố đào thám sát tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật: bát đĩa men ngọc, nhiều viên ngọc trang trí, có cả lon đựng sơn…thuộc thời Lý-Trần.
Vào thời Lê, làng Cổ Tích và khu di tích Đền Hùng đã bị giặc phương Bắc tàn phá. Sau khi giành lại độc lập, vua Lê đã cho xây dựng lại Đền Hùng, cho soạn Ngọc Phả Hùng Vương (thần tích) vào năm Hồng Đức nguyên niên (1460), được sao lại vào năm Hoàng Địch nguyên niên (1600).
Kiến trúc ở Đền Hùng có từ thời Lý- Trần đã được tôn tạo qua nhiều thời kỳ, đến nay chỉ còn lại một kiến trúc khá cổ là Gác Chuông, Tam Quan và Đền Hạ có từ thời Hậu Lê, những phần còn lại chủ yếu là các kiến trúc được xây dựng vào thời Nguyễn.
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc. Người xưa thường tổ chức hai cuộc cầu chính vào tháng Giêng và tháng Tám; tháng Ba cùng nhau nô nức mở cửa Đền làm Hội. Vào thời Lê, cư dân xã Hy Cương được đảm nhận “Dân trưởng tạo lễ” cho một công việc rất hệ trọng của cả nước.
Kể từ năm 2000 trở đi, theo quyết định của Đảng và Nhà nước, ngày 10 tháng 3 Âm lịch, lễ dâng hương giỗ Tổ Vua Hùng trở thành Quốc lễ.
Cho tới nay, trên thế giới thường vẫn còn nhiều cuộc hành hương về với gốc rễ tâm linh nhưng hầu hết đều gắn với những nghi thức tôn giáo. Ví dụ như người đi đạo Phật hành hương về Tây Trúc thỉnh kinh, người theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Lamecque, người theo Do Thái giáo lại hành hương về đất Tổ Hùng Vương của dân tộc Việt Nam thì lại mang bản ngã riêng, không hoàn toàn tự nguyện, mang ý nghĩa tưởng nhớ cội nguồn dân tộc, không mang màu sắc tôn giáo. Đó là một nét riêng chỉ có ở Việt Nam .

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”
Và trên mảnh đất linh thiêng ấy, người Mường cổ (hay còn gọi là người Việt Mường cổ) đã cùng các dân tộc anh em khác dựng nên văn hoá Đông Sơn trên vùng đất Tổ Phú Thọ, làm nền tảng cho văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc các dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Mường.
(Bài sưu tầm)